Hotline 24/7
08983-08983

Sốt ở bệnh nhân ung thư, do đâu và làm sao hạ sốt an toàn?

Sốt là tình trạng thường gặp ở người bệnh ung thư. Đặc biệt trong dịch bệnh, ho và sốt khiến nhiều người nhầm lẫn, liệu đây là dấu hiệu COVID-19 hay do hóa, xạ trị gây ra? ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung Bướu - Bệnh viện Thành phố Thủ Đức sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

1. Vì sao người bệnh ung thư hay bị sốt?

Thưa BS, thời gian qua AloBacsi nhận được rất nhiều câu hỏi về vấn đề đó là, tại sao những người mắc ung thư thường hay bị sốt? Xin nhờ BS giải đáp vấn đề này ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Sốt là khi nhiệt độ cơ thể cao hơn mức bình thường. Đây là phản ứng tự nhiên, nhằm bảo vệ và báo động cơ thể khi cơ thể tiếp xúc với vật lạ, chất lạ. Sốt là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau, thường gặp nhất trong bệnh nhân bị nhiễm trùng, nhiễm siêu vi. Nhưng thực tế, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân bị dị ứng cũng có thể xảy ra biểu hiện sốt.

Riêng đối với bệnh nhân ung thư thường là do hệ miễn dịch phản ứng với khối u và cũng có thể phản ứng với những chất tiết ra từ khối u. Một số trường hợp bệnh nhân ung thư bị nhiễm trùng, nhiễm siêu vi kèm theo cũng kích thích cơ thể tạo ra phản ứng sốt. Một số bệnh nhân ung thư suy kiệt, ăn uống kém gây thiếu nước cũng làm tăng thân nhiệt của cơ thể.

2. Sốt ở bệnh nhân ung thư, làm sao hạ nhiệt?

Đối với những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, họ rất thường xuyên bị sốt. Thời gian sốt kéo dài vài tuần cho đến vài tháng. Xin hỏi BS những cách nào giúp bệnh nhân này hạ sốt ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Sốt là triệu chứng, biểu hiện của cơ thể, không phải là căn bệnh. Để điều trị sốt hiệu quả thì trước tiên cần phải biết nguyên nhân gây sốt. Nếu sốt là do khối u, khi điều trị bằng thuốc, tia xạ, phẫu thuật để giải quyết khối u mới có thể giải quyết được nguyên nhân gây sốt. Nếu sốt do nguyên nhân nhiễm trùng thì phải điều trị tác nhân gây nhiễm trùng.

Trong trường hợp bệnh nhân ung thư, sốt có thể do cả hai nguyên nhân khối u và nhiễm trùng, do đó cần phải vừa điều trị khối u vừa điều trị tình trạng nhiễm trùng, kết hợp với thuốc hạ sốt như paracetamol mới có thể kiểm soát được cơn sốt của bệnh nhân.

3. Bệnh nhân ung thư bị sốt, khi nào cần đến bệnh viện?

Sốt thường xuyên như vậy, thì họ có thể tự điều trị tại nhà được không? Mức độ như thế nào thì họ nên đến bệnh viện?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Sốt có thể điều trị tại nhà. Đối với bệnh nhân ung thư như ung thư vú, ung thư ruột già… nếu đang điều trị ổn định, thỉnh thoảng xuất hiện đợt cảm cúm, nhiễm siêu vi… có thể điều trị tại nhà. Khi sốt nhẹ có thể mua thuốc paracetamol kèm theo uống nhiều nước, nghỉ ngơi.

Như vậy, nếu bệnh ung thư ổn định, không có vấn đề tái phát thì sốt, cảm cúm thông thường có thể tự chăm sóc tại nhà. Ngược lại, bệnh nhân nên đến bệnh viện khám lại nếu: sốt cao liên tục, sốt không hạ khi đã áp dụng các biện pháp dùng thuốc paracetamol, uống nhiều nước, chườm mát…, bệnh nhân có biểu hiện người mệt lả, đờ đỡn, tiếp xúc chậm, bỏ ăn uống, thở nhanh…

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp, vì vậy nếu sốt và có nghi ngờ mắc COVID-19 thì bệnh nhân cũng nên test để xác định.

Nếu bệnh nhân ung thư sốt cao không hạ, sốt kéo dài, lừ đừ, vật vã... nên quay lại kiểm tra với bác sĩ điều trị (Ảnh minh họa)

4. Truyền dịch, cạo gió, xông hơi, ăn tỏi… có giúp hạ sốt?

Khi bị sốt, thay vì đến bệnh viện thì người bệnh lại tự ý uống các loại thuốc hạ sốt, tự truyền dịch mà không có chỉ định của BS. Ngoài ra họ còn áp dụng những phương pháp dân gian như cạo gió, ăn tỏi hay đắp khoai tây… BS đánh giá như thế nào về vấn đề này? Những phương pháp này có thật sự hữu ích không ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Nếu bệnh nền, bệnh ung thư đang ổn định, thỉnh thoảng bị nhiễm siêu vi, cảm cúm thì bệnh nhân có thể chủ động mua thuốc hạ sốt như paracetamol, chườm mát, tự theo dõi tại nhà. Bệnh nhân không nên mua và tự ý truyền dịch, như vậy sẽ rất nguy hiểm, thậm chí là sốc thuốc. Nếu bệnh nhân ăn uống kém và gia đình muốn truyền dịch thì tốt nhất nên đến các cơ sở y tế địa phương để được y bác sĩ chỉ định dịch truyền phù hợp, đảm bảo an toàn.

Về các biện pháp cạo gió, xông hơi, ăn tỏi…, theo tôi nếu áp dụng một cách chừng mực cũng tốt. Ví dụ biện pháp xông hơi hay cạo gió có thể tăng kích thích tiết mồ hôi, tạo được cảm giác sảng khoái, giúp người bệnh nhanh vượt qua cơn cảm cúm. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên quá lạm dụng. Việc xông hơi nhiều có thể gây tiết mồ hôi quá mức khiến cơ thể thiếu nước. Trong quá trình điều trị, nhất là sốt, đổ mồ hôi nhiều, bệnh nhân cũng nên uống nhiều nước để bù lại. Song song đó cần lưu ý các dấu hiệu để đến bệnh viện kịp thời.

5. Bệnh nhân ung thư cần lưu ý gì trong dinh dưỡng, sinh hoạt?

Đối với những bệnh nhân này, họ nên lưu ý những gì trong việc sinh hoạt, dinh dưỡng để giúp hạ sốt nhanh ạ?

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời: Người bệnh nên duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, sinh hoạt điều độ. Tích cực vận động, tập luyện thường xuyên.

Lưu ý, uống đủ nước. Khi bệnh nhân đang trong đợt bệnh ung thư, kèm theo cảm cúm, sốt làm cho người mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng, vì vậy thay vì ăn nhiều trong một bữa hãy chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần, một ngày có thể 5-7 bữa.

Trong trường hợp sốt kéo dài, không hạ thì nên quay trở lại bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra, đồng thời tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Nếu sốt do khối u thì khi kiểm soát tốt khối u, các triệu chứng kèm theo như sốt, mệt mỏi, đau sẽ giảm theo.

6. Làm sao phân biệt sốt, ho do hóa xạ trị hay COVID-19?

Thưa BS, tôi bị ung thư phổi và mới thực hiện đồng thời phương pháp hóa, xạ trị. Nên tôi thường xuyên bị ho và sốt. Nhưng 2 triệu chứng này cũng có thể xảy ra khi mắc Covid-19. Mong BS tư vấn cách phân biệt ạ. (Nhật Ánh)

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời:

Bạn thân mến,

Ho là triệu chứng thường gặp khi bệnh nhân bị ung thư phổi. Khi điều trị hóa, xạ trị cũng gây tình trạng viêm kích ứng tại chỗ làm bệnh nhân có cảm giác tức ngực, sốt nhẹ. Trong trường hợp vẫn còn đang điều trị, việc phân biệt với COVID-19 khá khó khăn. Tuy nhiên nếu bệnh nhân đang ổn định, nhưng có triệu chứng ho, sốt và kèm theo dấu hiệu đặc trưng của COVID-19 như mất khứu giác, mất vị giác thì nên test để kiểm tra.

Hóa, xạ trị có thể gây ra tình trạng sốt nhẹ ở bệnh nhân ung thư (Ảnh minh họa)

7. Ung thư giai đoạn cuối, làm sao hạ sốt hiệu quả?

Thưa BS, mẹ tôi bị ung thư giai đoạn cuối, dạo này rất thường xuyên bị sốt. Tôi lo lắng quá, mong BS có thể tư vấn giúp tôi những cách nào để hạ sốt cho mẹ và hạn chế tình trạng sốt này ạ? Mẹ tôi thường bị sốt vào buổi chiều? (Đỗ Thị Minh Thu)

ThS.BS.CK2 Nguyễn Triệu Vũ trả lời:

Chị Minh Thu thân mến,

Như đã đề cập ở trên, sốt là biểu hiện, không phải là một bệnh lý. Nếu người nhà của chị thường xuyên bị sốt, sốt kéo dài không hạ sốt bằng các phương pháp thông thường như paracetamol thì theo tôi, cách tốt nhất chị nên đưa người nhà quay lại bệnh viện đang điều trị để kiểm tra lại tình trạng khối u. Đồng thời tìm cách điều trị đặc hiệu cho khối u, vì khi khối u được giải quyết thì các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau cũng giảm theo.

Hai nữa, cần kiểm tra lại tình trạng sức khỏe, trên những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường dễ bị suy kiệt nên thường có nhiễm trùng kèm theo. Tình trạng này có thể xảy ra ở phổi, ruột, ở những vị trí khác nhau (viêm phổi, viêm đường tiết niệu… cũng có thể gây sốt). Khi kiểm tra xác định được nguyên nhân sẽ giúp cho việc điều trị hiệu quả.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X