Hotline 24/7
08983-08983

Số ca COVID-19 ở Mỹ tăng trở lại dù đã chủng ngừa; Vì sao có người mắc COVID-19 sau khi tiêm liều vắc xin đầu tiên?

Một số bang ở Mỹ đẩy mạnh tốc độ chủng ngừa, trong khi một số bang khác gỡ bỏ lệnh tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Thế giới ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm virus corona sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 liều đầu tiên khiến nhiều người e ngại.

Dù nhiều bang đua nhau chủng ngừa, số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ vẫn vượt 30 triệu

Hôm qua, hãng tin Reuters cho biết số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ tiếp tục tăng trở lại giữa lúc nhiều tiểu bang tăng tốc chủng ngừa bằng cách giảm độ tuổi tiêm vaccine.

Theo Worldometers, tính đến chiều ngày 24/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ là 30.704.292 người, và tổng số ca tử vong là 558.442 người. California là tiểu bang có nhiều ca nhiễm nhất với gần 3.650.000 trường hợp, theo sau là Texas với gần 2.800.000 trường hợp.

Điều nghịch lý là trong khi ngành y tế Mỹ đang đẩy mạnh tốc độ chủng ngừa, số ca nhiễm mới lần đầu tiên tăng vọt tại nước này kể từ tháng 1/2021. Một số tiểu bang không còn áp đặt việc tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế Mỹ bằng cách gỡ bỏ lệnh đeo khẩu trang mặc dù các chủng biến thể mới đang lây lan khắp nước Mỹ.

Tuy số ca nhiễm tăng nhanh ở 30 tiểu bang so với tuần qua, các quan chức y tế vẫn kỳ vọng việc chủng ngừa sẽ làm giảm số ca tử vong.

Hôm 22/3, bang New York cùng bang Florida và một số bang khác đã cung cấp vaccine cho người từ 50 tuổi trở lên, thay vì chỉ ưu tiên cho người cao tuổi hơn. Trong 2 tuần qua, các bang Alaska, Arizona và Texas đã giảm độ tuổi đủ điều kiện chủng ngừa COVID-19.

Gần 1/4 người Mỹ được tiêm một mũi vaccine và 13% dân số quốc gia này đã được chủng ngừa đầy đủ.

Mắc COVID-19 sau khi tiêm liều vắc xin đầu tiên: Chuyện gì xảy ra?

Thế giới ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm virus corona sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 liều đầu tiên khiến nhiều người e ngại. Trong khi đó tại Bỉ, số ca nhiễm biến thể mới B.1.214 đã tương đương các biến thể Nam Phi và Brazil.

Nữ y tá Maria Angélica de Carvalho Sobrinho (53 tuổi) là người đầu tiên được tiêm vắc xin COVID-19 tại bang Bahia (Brazil) hôm 19/1.

Ba ngày trước khi tiêm mũi thứ hai dự kiến vào ngày 16/2, cô có triệu chứng và được chẩn đoán nhiễm COVID-19 nên phải nhập viện. Đến nay cô đã bình phục hoàn toàn.

Loại vắc xin được sử dụng là CoronaVac do Công ty dược Sinovac (Trung Quốc) phát triển và được Viện Butantan sản xuất tại Brazil. CoronaVac đạt hiệu quả tổng thể 50,38%, tức nguy cơ mắc COVID-19 giảm khoảng 50%.

Tiêm liều đầu tiên rồi vì sao có kết quả dương tính?

Ở nhiều nước cũng xảy ra trường hợp mắc COVID-19 sau khi tiêm liều vắc xin đầu tiên và chờ tiêm liều thứ hai như nữ y tá Maria Angélica. Nhân đó, nhiều người tung tin giả trên mạng xã hội rằng tiêm vắc xin vẫn bị nhiễm COVID-19 như thường.

Thật ra giới y học đánh giá không có vắc xin COVID-19 nào đạt hiệu quả tuyệt đối 100%.

TS Isabella Ballalai - phó chủ tịch Hiệp hội Tiêm chủng Brazil - giải thích trên BBC: “Không có loại vắc xin nào có thể bảo vệ trong vòng 14 ngày sau liều đầu tiên dù để ngăn ngừa COVID-19 hay bệnh nào khác”.

Các loại vắc xin đang sử dụng như Pfizer/BioNTech, Oxford/AstraZeneca, Moderna, Sputnik V hay CoronaVac yêu cầu phải tiêm đủ hai liều mới phát huy hiệu lực bảo vệ đầy đủ.

Thời gian giữa hai liều còn tùy nhà sản xuất, ví dụ 21 ngày đối với vắc xin Pfizer/BioNTech hoặc khoảng 3 tháng đối với vắc xin Oxford/AstraZeneca.

Dù được phát triển theo công nghệ nào, vắc xin thường chứa kháng nguyên và tạo ra kháng thể cần thiết để chống virus SARS-CoV-2 xâm nhập. Quá trình này đòi hỏi phải có thời gian (thông thường mất khoảng 2 tuần) để các tế bào miễn dịch nhận biết kháng nguyên rồi tương tác với chúng và tạo ra phản ứng miễn dịch hiệu quả.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X