Hotline 24/7
08983-08983

Sinh hoạt tình dục nhiều dễ mắc đái tháo đường

Uống trà đắng rất tốt cho người bị đái tháo đường nhưng uống nhiều quá thì lại bị... yếu dương khí. Vậy uống trà đắng thế nào là vừa phải?

Buổi giao lưu đã diễn ra với sự góp mặt của các chuyên gia

 - PGS.TS Tạ Văn Bình - Viện trưởng Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa
 
- GS. Trương Việt Bình - Giám đốc BV Tuệ Tĩnh

Người bị đái tháo đường luôn phải mang thuốc để tự tiêm khi cần thiết
Người bị đái tháo đường luôn phải mang thuốc để tự tiêm khi cần thiết
 
 
Không điều trị, sẽ bị suy thận! 

 Nguyễn Văn Tuy - Nam 59 tuổi - Thị Xã Ninh Bình

- Tôi nghe nói Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa sắp triển khai dự án đái tháo đường ở Ninh Bình. Xin Giáo sư Bình có thể nói sơ qua về Dự án và cho biết những người dân chúng tôi được hưởng lợi gì từ dự án. Làm thế nào để tôi có thể đăng ký tham dự Dự án với tư cách là người bệnh.

- PGS.TS Tạ Văn Bình: Đây là một dự án của Hiệp hội ĐTĐ quốc tế dành cho những quốc gia đang phát triển/có thu nhập trung bình khá. Việt Nam là một trong hai quốc gia được lựa chọn để thực hiện dự án này. Đây là dự án phòng chống bệnh ĐTĐ týp 2. Vì thế chúng tôi sẽ lựa chọn một khu vực ngẫu nhiên với một số lượng dân cư nhất định theo trình tự lựa chọn quốc tế. Trong quá trình lựa chọn, chúng tôi đã chọn Ninh Bình và đã được ban lãnh đạo tỉnh chấp thuận.

Tất cả mọi người đều có thể tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào dự án này. Vào khoảng đầu tháng 4 năm 2011 dự án sẽ được triển khai. Tới lúc đó chúng tôi sẽ công bố các địa điểm cụ thể. Trong và sau khi dự án được tiến hành thì những đối tượng tham gia nghiên cứu sẽ được hướng dẫn cách phòng chống bệnh ĐTĐ týp 2 thông qua thay đổi lối sống. Khi dự án kết thúc thì những kinh nghiệm, bài học được rút ra từ nghiên cứu ở Ninh Bình sẽ được triển khai trên cả nước để phòng chống bệnh ĐTĐ nói riêng và các bệnh rối loạn chuyển hóa nói chung.

 Lưu Văn Thanh Tú - Nam 24 tuổi - Hà Nội

- Bác cho cháu hỏi, bệnh đái tháo đường có biểu hiện như thế nào?

- GS Trương Việt Bình: Bệnh đái tháo đường biểu hiện qua các triệu chứng nổi bật: khát nhiều, đói nhiều, đái nhiều. Với đái tháo đường ở người trẻ thường là đái tháo đường týp 1 thì gầy nhiều. Người xưa chưa có phương tiện xét nghiệm thì họ quan sát nước tiểu của người bệnh thấy có kiến bâu và nếm thấy nước tiểu có vị ngọt. Khát nhiều cho nên người bệnh uống nhiều.

Ở đái tháo đường týp 2 thường gặp ở người cao tuổi, người béo thì chỉ thấy khô khát, nhưng uống ít nước hơn đái tháo đường týp 1 và sự gầy sút cũng ít hơn. Để xác định chắc chắn là đái tháo đường cần xét nghiệm máu và nước tiểu. Nếu đái tháo đường thì đường máu và đường huyết cao hơn bình thường.
 
GS Tạ Văn Bình đang say mê tư vấn cho độc giả
PGS.TS Tạ Văn Bình đang say mê tư vấn cho độc giả
 
 Dương Tấn Nghĩa - Nam 30 tuổi - TP.HCM

- Bố tôi 70 tuổi, vừa phát hiện ĐTĐ týp 1. Ngoài ra bố tôi còn có bệnh cao huyết áp và bệnh parkingson (rung tay). Tôi muốn hỏi về chế độ ăn uống như thế nào để bố tôi có thể kéo dài tuổi thọ?

- PGS.TS Tạ Văn Bình: Trước hết có lẽ bạn nhầm vì nếu bố bạn đã 70 tuổi thì không thể mắc bệnh ĐTĐ týp 1 được. Còn về chế độ ăn uống và chế độ luyện tập thì phải căn cứ vào những điều kiện cụ thể, người thầy thuốc phải thăm khám cho bệnh nhân mới đưa ra được những lời khuyên cụ thể.

Ví dụ: Nếu bố của bạn đã có biến chứng thận, dù ở mức độ nhẹ nhất, thì phải hạn chế ăn đạm. Về mặt luyện tập, cũng phải căn cứ vào tình hình sức khỏe cụ thể để có chế độ luyện tập phù hợp. Ví dụ: trước khi tập người thầy thuốc có thể hướng dẫn cho cụ làm một kiểm tra nhỏ để xem đáp ứng của nhịp tim rồi mới có kế hoạch cụ thể.

 Trịnh Bama - Nam - Paris

- Bị đái tháo đường mà dùng thuốc lá thì có ảnh hưởng gì không, thưa bác sĩ?

- GS Trương Việt Bình: Người ta nhận thấy hút thuốc lá có liên quan đến rất nhiều bệnh như ung thư, viêm tắc động mạch, đái tháo đường... Trong cơ chế phát sinh bệnh lý đái tháo đường của Y học Cổ truyền, người xưa có đề cập tới các yếu tố ăn, uống, hút thuốc. Trên các bao thuốc lá nhà sản xuất thường viết là hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Vì vậy, bạn nên giảm dần và tiến tới bỏ thuốc lá.

 Phạm Đình Hà - Nam 50 tuổi - Cà Mau

- Tôi bị bệnh thận. Liệu có bị chuyển sang đái tháo đường không?

- PGS.TS Tạ Văn Bình: Vấn đề ở chỗ chị bị bệnh thận thế nào? Thông thường các bệnh như viêm cầu thận hoặc viêm đài, bể thận hoặc các bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu khác cũng có khả năng gây suy thận nhưng không gây ra ĐTĐ. Ngược lại, bệnh ĐTĐ nếu không được điều trị đúng thì chắc chắn sẽ gây suy thận.
 
Lê Thị Liễu - Nữ 35 tuổi - Nghệ An
 
- Cho tôi hỏi, điều trị thuốc đông y cho bệnh đái tháo đường thì nên điều trị thế nào?

- GS Trương Việt Bình: Điều trị Đông y đặc biệt chú ý tới các triệu chứng bệnh lý của từng bệnh nhân. Có bệnh nhân gầy nhiều, có bệnh nhân khát nhiều, đái nhiều hơn... và tùy thuộc vào biểu hiện triệu chứng âm hư nhiều hay ít, tỳ vị và thận như thế nào mà người thầy thuốc quyết định bài thuốc đặc thù để điều trị. Để chữa đái tháo đường, bạn nên gặp các bác sĩ y học cổ truyền để được tư vấn tốt hơn.

Đa số bệnh nhân đái tháo đường tử vong là do suy tim

Hải Nam - Nam - 30 tuổi

- Tôi nghe nói, bệnh đái tháo đường sẽ chạy vào tim đúng không, thưa bác sĩ? Gia đình tôi có người bị đái tháo đường. Phải làm thế nào để nó không chạy vào tim?


- PGS.TS Tạ Văn Bình: Bệnh ĐTĐ là một bệnh rối loạn chuyển hóa. Các bệnh tim mạch - trừ bệnh thấp tim - còn lại đều là các bệnh chuyển hóa. Ví dụ như bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim, xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp... đều là các bệnh chuyển hóa. Theo tôi hiểu, khi hỏi "bệnh có chạy vào tim hay không" là bạn nói đến các biến chứng của bệnh ĐTĐ.
 
Đại đa số những người bệnh ĐTĐ đều bị tử vong do bệnh tim mạch. Cách tốt nhất để phòng chống những biến chứng tim mạch của ĐTĐ là phải quản lý tốt bệnh ĐTĐ (tức là giữ đường máu ở mức lý tưởng; cân bằng tốt mức lipit máu (hay còn gọi là mỡ máu); duy trì số đo huyết áp đạt mục tiêu quy định thì thời gian gây biến ra biến chứng của bệnh ĐTĐ sẽ được kéo dài. Và nếu có biến chứng thì mức độ cũng nhẹ hơn.

Sinh hoạt tình dục quá độ gây... đái tháo đường

 Nam Phong - Nam 25 tuổi

- Cho tôi hỏi, bệnh đái tháo đường có ảnh hưởng đến chuyện sinh lí hay không? Phải sinh hoạt thế nào khi bị đái tháo đường?


GS. Trương Việt Bình hoan nghênh những câu hỏi
GS. Trương Việt Bình hoan nghênh những câu hỏi "hóc búa" của độc giả

 - GS Trương Việt Bình: - Mức độ ảnh hưởng sinh lý do đái tháo đường gây ra phụ thuộc vào mức độ bệnh lý và biến chứng của đái tháo đường. Chắc chắn sẽ suy sinh dục khi mà bệnh đái tháo đường không được điều trị đúng đắn.

Việc sinh hoạt tình dục có thực hiện được hay không là do bản thân. Bạn lưu ý trong các nguyên nhân gây đái tháo đường của Y học Cổ truyền có nguyên nhân là sinh hoạt tình dục quá độ làm hao tổn tinh khí quá mức gây nên. Vì vậy nên điều độ.

 Nguyễn Văn Dũng - Nam 30 tuổi - Mai Động, Hà Nội


- Trà kháng đường do Malaysia sản xuất có thể giúp hạ đường huyết không? Nên sử dụng thế nào? Có thể uống thay trà bình thường không? Loại trà này được làm bằng chất gì?


- GS Trương Việt Bình: Tôi không rõ loại trà này được làm từ dược thảo gì. Bạn nên cung cấp thêm thông tin ghi ở sản phẩm.

 Nguyễn Thị Linh - Nữ 34 tuổi - Hà Nội

- Thưa Giáo sư Tạ Văn Bình. Tôi là một giáo viên Trung học cơ sở ở Hà Nội, hiện tại không riêng gì ở lớp tôi mà trường tôi có rất nhiều em bị béo phì. Theo tôi được biết, người béo phì có nguy cơ bị bệnh Đái tháo đường, tôi rất lo về tương lai của các em. Là một chuyên gia tầm cỡ quốc tế về Đái tháo đường. Xin giáo sư cho biết giáo sư có dự định gì, và làm thế nào để dự phòng đái tháo đường cho thế hệ các em sau này. Là Viện trưởng một viện chuyên ngành, giáo sư sẽ tham mưu gì cho Bộ y tế về vấn đề này. Xin cảm ơn Giáo sư.


- PGS.TS Tạ Văn Bình: Tôi rất cảm động khi đọc câu hỏi này. Để phòng chống bệnh ĐTĐ nói riêng và các bệnh rối loạn chuyển hóa nói chung có hiệu quả thì tất cả mọi thành viên trong xã hội đều phải tự giác tiến hành cách phòng bệnh. Phòng bệnh ĐTĐ có hiệu quả còn cần phải có những kiến thức nhất định về bệnh. Tôi đã đề nghị và đã được chính phủ Việt Nam chấp thuận có chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống bệnh ĐTĐ. Tôi cũng xin báo để chị được biết: vừa qua Hiệp hội ĐTĐ thế giới đã lựa chọn đề tài nghiên cứu Phương pháp can thiệp vào lối sống để phòng chống bệnh ĐTĐ của Việt Nam do Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa đề xuất.

Đây là một trong hai đề tài được lựa chọn của cả thế giới. Đề tài này dự kiến sẽ được triển khai ở Ninh Bình từ tháng 4/2011 đến tháng 6/2014. Đề tài có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế và Viện Đái tháo đường là cơ quan chủ trì. Sau khi dự án trên kết thúc, chúng tôi sẽ có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống bệnh ĐTĐ týp 2 ở Việt Nam.

Là một giáo viên, tôi nghĩ chị có thể giúp được chương trình rất nhiều. Tôi đã từng kiến nghị Bộ Y tế; Bộ GD&ĐT nên đưa chương trình giáo dục sức khỏe phòng chống các bệnh chuyển hóa vào các chương trình giáo dục phổ thông từ tiểu học. Đây là một kinh nghiệm quý được rút ra từ cách làm của Singapore. Người ta đã giáo dục cho học sinh cách ăn uống và luyện tập khoa học. Kết quả là sau 5 năm, tỷ lệ học sinh thừa cân/béo phì từ 15% giảm xuống còn 9%. Với những người thầy có tấm lòng như chị, tôi tin rằng ở Việt Nam chúng ta cũng sẽ triển khai thành công phương pháp này nếu được các Bộ có liên quan cho phép.

 Trần Minh Hạc - Nam 62 tuổi - Phủ Lý, Hà Nam

- Xin bác sĩ cho biết, y học cổ truyền có bài thuốc nào chữa bệnh tiểu đường hiệu quả không? Nếu có, xin cho biết để áp dụng. Bạn bè tôi nhiều người bị tiểu đường nhưng mỗi người ăn kiêng một kiểu. Xin cho biết, người tiểu đường ăn uống thế nào là hợp lý nhất?

- GS Trương Việt Bình: Y học Cổ truyền có rất nhiều bài thuốc và vị thuốc nam chữa đái tháo đường. Nhưng mỗi bài thuốc, mỗi vị thuốc chỉ có tác dụng tốt đối với những thể bệnh nhất định. Nếu dùng sai thậm chí còn làm bệnh nặng thêm.

Ăn kiêng trong việc điều trị bệnh là cần thiết, để phối hợp với việc điều trị và phòng bệnh. Tuy nhiên, việc ăn kiêng như thế nào để phù hợp với tố chất và đặc điểm của mỗi người thì phải có hướng dẫn của người thầy thuốc điều trị cho bệnh nhân ấy.

 Gen + môi trường

Nguyễn Thị Huệ - Nữ 23 tuổi - TP Thái Nguyên

- Cháu muốn hỏi cách phòng để không mắc bệnh ĐTĐ. Theo cháu biết thì nên hạn chế ăn đồ ngọt, không để béo phì thì sẽ hạn chế mắc ĐTĐ. Nhưng bạn cháu lại bảo không hẳn như thế, vì bố bạn ấy gầy mà vẫn mắc bệnh. Tại sao người gầy, lại không hay ăn đồ ngọt mà vẫn mắc ĐTĐ?
 
- PGS.TS Tạ Văn Bình: Trước hết cháu nên biết ĐTĐ là một bệnh chứ không phải là một triệu chứng. Yếu tố xã hội; môi trường chỉ là điều kiện thuận tiện để bệnh phát triển. Bệnh ĐTĐ týp 2 là hậu quả của sự tương tác giữa yếu tố di truyền và môi trường. Để phòng chống bệnh thì mọi người phải rèn luyện để tăng cường thể lực; phải có chế độ ăn uống khoa học. Nhưng mặc dù như vậy bệnh ĐTĐ vẫn có thể xảy ra.

Như tôi đã nói, đây là sự tương tác giữa yếu tố gen và môi trường. Chúng ta mới chỉ can thiệp được vào yếu tố môi trường chứ chưa thể can thiệp được vào yếu tố gen/di truyền. Bạn cháu đã nói đúng. Không phải cứ ăn nhiều đồ ngọt là mắc bệnh ĐTĐ; cũng không phải những người béo phì là sẽ mắc bệnh ĐTĐ. Nhưng những người thừa cân, béo phì thì tỷ lệ tiến tới bệnh ĐTĐ cao hơn. Nói một cách khác, họ có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ cao hơn những người khác.
 
Tuấn Anh - Nam 23 tuổi - Bắc Kinh, Trung Quốc
 
- Cháu vừa được tin bố cháu mắc tiểu đường. Cháu rất lo vì nghe nói bệnh này nguy hiểm, có thể gây ra suy tim, đột quỵ. Hiện bố cháu đã được bác sĩ ở BV Nội tiết kê đơn thuốc, phải uống rất nhiều thuốc. Cháu muốn hỏi làm thế nào để hạn chế sự nguy hiểm của đái tháo đường? Có cách nào để chữa khỏi hẳn bệnh này không?
 
- PGS.TS Tạ Văn Bình: Hiện tại không có một loại thuốc nào chữa khỏi được bệnh ĐTĐ. Để quản lý bệnh ĐTĐ tốt thì không chỉ làm hạ đường máu đến mức cho phép, mà còn phải quản lý tốt số đo huyết áp; cân bằng lipit máu; chống các rối loạn đông máu. Để đạt được những mục tiêu này không chỉ dùng thuốc mà còn phải có chế độ ăn, chế độ luyện tập phù hợp với từng người bệnh. Việc kê đơn thuốc và hướng dẫn chế độ ăn uống, chế độ luyện tập tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh. Tôi không được đọc đơn của bố bạn nên không đưa ra được lời khuyên cụ thể.
 
Nguyễn Thu Trang - Nam - 45 tuổi - Hà Nội
 
- Thưa Giáo sư Tạ Văn Bình. Tôi là một Bác sĩ về Nội tiết Đái tháo đường. Về cá nhân tôi nghĩ kiến thức về đái tháo đường của mình còn rất hạn chế, như vậy không hiểu các đồng nghiệp của tôi ở các địa phương kiến thức chuyên môn về ĐTĐ sẽ như thế nào, điều trị ra sao?. Là một Viện chuyên ngành mới được thành lập, chúng tôi rất mong mỏi Viện sẽ là đơn vị đầu tầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Chúng tôi rất tin tưởng vào Giáo sư.
 
- PGS.TS Tạ Văn Bình: Tôi xin cám ơn đồng nghiệp. Tôi cũng rất tự hào về đồng nghiệp. Tôi nghĩ chúng ta cần khiêm tốn trong lĩnh vực này. Chúng ta không có kinh nghiệm trong phòng chống và điều trị bệnh vì mấy chục năm qua chúng ta chú ý quá nhiều vào bệnh nhiễm trùng mà không lưu ý tới các bệnh chuyển hóa. Tôi nghĩ rằng, nếu tất cả chúng ta đều như đồng nghiệp thì chuyên ngành nội tiết - rối loạn chuyển hóa của chúng ta sẽ mau chóng khắc phục được những hạn chế về kiến thức của mình. Về cá nhân tôi, xin hứa sẽ cùng với các đồng nghiệp khắc phục những thiếu sót trong chuyên môn để dân mình đỡ khổ.
 
Phan Thị Huệ - Nữ - Hà Nội

- Cho tôi hỏi, dùng thuốc đông y chữa Đái tháo đường thế nào là hợp lí? Tôi nghe nói thuốc đông y bây giờ được tẩm rất nhiều chất bảo quản, có khả năng độc hại. Vậy dùng thuốc đông y chữa đái tháo đường, sau đó liệu có ợ bị bệnh thận không?


- GS Trương Việt Bình: Thuốc Đông y hay Tây y đều phải do thầy thuốc chỉ định mới được dùng. - Các thuốc Đông y để lâu được sấy bằng diêm sinh chống mốc. Tuy nhiên, khi bào chế thuốc đã được loại bỏ các chất bảo quản này. Vì vậy bạn nên mua thuốc ở những hiệu thuốc Đông y uy tín. -Một trong những nguyên nhân gây đái tháo đường theo Y học Cổ truyền là bệnh lý thận.
 
Các thuốc Đông y điều trị đái tháo đường có những vị điều hòa lại chức năng của thận. Bạn lưu ý, các thuốc Đông y không phải hoàn toàn không độc, có những vị thuốc rất độc. Việc dùng thuốc Đông y phải đúng. Vì vậy, chỉ nên uống thuốc Đông y khi được bác sĩ Đông y bào chế thuốc và kê đơn.
 
Phạm Văn Luận - Nam 29 tuổi - Đồng Tháp

- Thưa Giáo sư Tạ Văn Bình. Vơ tôi bị Đái tháo đường thai nghén. Giáo sư có thể cho biết bệnh này có nguy hiểm không ạ. Liệu sau này vợ tôi có phải điều trị suốt đời không? Xin cảm ơn giáo sư!

- PGS.TS Tạ Văn Bình : Trước hết, tôi xin chia sẻ nỗi lo lắng của bạn. Người ta gọi ĐTĐ thai kỳ với những sản phụ được phát hiện bệnh ĐTĐ lần đầu tiên khi đang mang thai. Đây là một bệnh đang tăng lên rất nhanh ở Việt Nam. Việc theo dõi và điều trị bệnh ĐTĐ thai kỳ phải được các thầy thuốc có kinh nghiệm theo dõi. Việc điều trị (hoặc bằng chế độ ăn uống, hoặc dùng thuốc) đều phải cân nhắc thận trọng. Việc chỉ định sinh (hoặc sinh sớm; hoặc can thiệp; hoặc đẻ thường) đều phải có sự thảo luận giữa thầy thuốc chuyên khoa nội tiết ĐTĐ có kinh nghiệm và các thầy thuốc sản phụ khoa.

Sau khi vợ bạn sinh con được 6 tuần phải đến gặp thầy thuốc chuyên khoa để làm nghiệm pháp tăng đường máu để xác định xem có bị ĐTĐ hay không. Nếu đường máu vẫn cao, thì có thể vợ bạn mắc ĐTĐ trước đó mà không được phát hiện. Trong trường hợp này, vợ bạn phải được điều trị bệnh ĐTĐ như những bệnh nhân khác. Còn trường hợp đường máu trở lại bình thường thì không cần phải điều trị bằng thuốc. Nhưng lưu ý rằng, vợ bạn sẽ có nguy cơ mắc ĐTĐ thực sự ở giai đoạn sau của cuộc sống.
 
 Nguyễn Văn Tuấn - Nam - 52 tuổi - Thanh Thủy, Phú Thọ

- Bị đái tháo đường có cần kiêng ăn củ cải đường không? Có phải trong củ cải có chứa nhiều hàm lượng đường không? Tôi bị tiểu đường nhưng lại thích ăn củ cải, ăn hoa quả ngọt như dưa hấu, đu đủ... Điều đó có sao không?


- PGS.TS Tạ Văn Bình: Tôi xin phép nói với bác một câu nói rất nổi tiếng: "Ăn là hạnh phúc của con người; là sự thưởng thức cần phải có". Như thế, ăn không chỉ là để duy trì sự sống mà còn là sự hưởng thụ cuộc sống. Người ĐTĐ không bắt buộc phải kiêng đến mức cấm tất cả mọi thứ. Họ có thể hưởng thụ tất cả, nhưng tất nhiên với mức độ khác nhau và khác với người không mắc bệnh.
 
Nhiều nghiên cứu đã đưa ra khuyến cáo, với những loại hoa quả, củ có hàm lượng đường từ 20% trở lên thì nên hạn chế một tháng chỉ ăn 1-2 lần. Từ 5-20%, thì mỗi tuần ăn từ 1-2 lần. Còn những loại hoa, quả, củ có hàm lượng đường dưới 5% thì có thể ăn tự do. Bác nên tìm các cuốn sách giới thiệu các loại hoa trái của Việt Nam có ghi chú rất rõ về vấn đề này.
 
Uống nhiều trà đắng chữa đái tháo đường nhưng dễ bị... yếu dương khí

 Nguyễn Thị Kim Xuyến - Nữ - Thường Tín, Hà Nội

- Xin chào giáo sư Trương Việt Bình. Xin ông cho biết theo đông y, có món ăn bài thuốc nào tốt cho người đái tháo đường không? Các loại trà đắng, trà dây... có tốt cho người mắc tiểu đường?


- GS Trương Việt Bình: Có rất nhiều bài thuốc, món ăn tốt cho người đái tháo đường. Bạn nên tìm hiểu trên internet, sách vở, báo chí, các trang Web của Y học Cổ truyền như: Vatm.edu.com. Và tìm cho mình những món ăn hợp khẩu vị với bạn

Chè đắng, chè dây, rau má, mướp đắng... tốt cho người mắc tiểu đường. Tuy nhiên, không nên uống quá nhiều và quá lâu dài, bởi vì các loại này thường có tính lạnh dễ ảnh hưởng tới dương khí của bạn.

 Ngô Tiến Dững - Nam 40 tuổi - Hà Nội

- Thưa Giáo sư Tạ Văn Bình. Tôi được biết ông là tác giả của Chương trình Quốc gia về phòng chống Đái tháo đường. Tuy nhiên hiện tại ông không trực tiếp điều hành dự án này vì vậy theo nhận định chủ quan của tôi "Mặc dù Dự án mới bắt đầu nhưng đã có dấu hiệu đuối sức vì không có những người có tầm như ông điều hành". Là cán bộ trong ngành tuyến dưới, tôi rất mong Bộ Y tế chuyển vấn đề chỉ đạo tuyến cũng như chuyên môn các tuyến cho một Viện chuyên ngành như Viện Đái tháo đường. Xin cảm ơn giáo sư.


- PGS.TS Tạ Văn Bình: Tôi xin cám ơn sự tin tưởng của các bạn. Nhưng đây là vấn đề quốc gia. Sự thành công hay thất bại của chương trình không phải do một cá nhân nào quyết định được. Tôi nghĩ, nếu tất cả mọi người đều có tâm huyết như bạn thì chúng ta nhất định sẽ thành công. Bởi vì, bên cạnh chúng ta còn có rất nhiều bạn bè trong nước và quốc tế. Chúng ta có nhiều nguồn thông tin mà mỗi người có thể tiếp nhận được. Một lần nữa xin cám ơn và chúc bạn thành công.

 Bùi Thanh Hòa - Nữ 57 tuổi - TP Nam Định

- Khám đông y như bắt mạch có thể biết bị tiểu đường hay không? Có phải đi đo đường huyết là phải lấy máu. Mà tôi ngại đi lấy máu, chỉ muốn khám đông y để phát hiện bệnh nếu có. Tôi nên đi khám ở đâu?


- GS Trương Việt Bình: Đông y từ ngàn xưa đã mô tả bệnh đái tháo đường. Bác có thể đến bệnh viện Y học Cổ truyền để khám và điều trị.

Bác không nên sợ lấy máu, vì xét nghiệm máu của YHHĐ rất cần thiết cho việc xác định chính xác mức độ bệnh lý, không chỉ đối với bệnh đái tháo đường.

 Nguyễn Văn Dũng - Nam 30 tuổi - Mai Động, Hà Nội
 
- Bác sĩ đã nghe nói đến thuốc chữa tiểu đường của gia đình tại Bách Khoa chưa? Tại sao nhiều người uống lại được, người lại không? Thực hư ra sao, các bác sĩ đã tìm hiểu chưa?.
 
- GS Trương Việt Bình: Tôi không rõ về thuốc trị đái tháo đường của gia đình tại Bách Khoa mà bạn nói. Thuốc này đã được ngành y tế cho phép lưu hành chưa?

 Hòa An - Nam 58 tuổi - TP. HCM

- Bệnh tiểu đuờng týp 2 có thể chữa bằng trái đậu bắp và hạt methi như thế nào?


- PGS.TS Tạ Văn Bình: Tôi chưa hiểu hạt methi là gì nên không thể đưa ra câu trả lời cụ thể cho bác. Nhưng có điều là cho đến nay các thuốc thuộc nhóm y học cổ truyền đều có tác dụng hỗ trợ và điều trị bệnh ĐTĐ. Nhưng nếu bệnh ĐTĐ đang ở đợt cấp và ở mức đường máu quá cao thì không thể dùng các thuốc thuộc nhóm này một cách đơn lẻ được. Đã có nhiều công trình nghiên cứu ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản về các thuốc thuộc nhóm y học cổ truyền rất có giá trị với những có yếu tố nguy cơ/tiềm ẩn (tiền ĐTĐ).

 Nguyễn Thành Trung - Nam - 58 tuổi - Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội

- Xin giáo sư cho biết Đái tháo đường có thực sự là bệnh nguy hiểm không? Tôi thấy nhiều người mắc đái tháo đường vẫn ăn uống, làm việc bình thường, vẫn sống lâu, nếu không nói bị bệnh thì không ai biết, trong khi có nhiều bệnh còn nguy hiểm hơn, dẫn đến chết người nhanh hơn như ung thư, suy gan-thận, lao phổi... Có phải hiện nay các phương tiện thông tin đại chúng cũng hơi "hù dọa" thái quá về đái tháo đường?


- PGS.TS Tạ Văn Bình
: Tôi nghĩ rằng các phương tiện thông tin đại chúng của chúng ta không "hù dọa" mà họ mới chỉ đưa những thông tin cần thiết tối thiểu. Bệnh ĐTĐ là một bệnh nguy hiểm thực sự. Vì thế, hiện tại mới có Hiệp hội Đái tháo đường thế giới và cũng vì thế LHQ lấy ngày 14/11 là ngày Đái tháo đường Quốc tế để nhắc nhở nhân loại về nguy cơ của bệnh này. Nếu bác biết rằng cứ 30 giây có 1 người phải cắt cụt chân do ĐTĐ, cứ 10 giây có 1 người chết do liên quan tới những biến chứng của bệnh ĐTĐ.

Cái nguy hiểm của bệnh ĐTĐ ở chỗ nó tiến triển âm thầm, gây ra những bệnh lý nguy hiểm như mù lòa, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận... ở những người còn rất trẻ (thậm chí mới chỉ 20-25 tuổi). Những người này sẽ trở thành tàn phế và xã hội sẽ phải chăm sóc họ. Một điều nguy hiểm nữa là bệnh có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều ở lứa tuổi trẻ - trẻ nhất ở Việt Nam là 9 tuổi. Người ta cũng thấy rằng tỷ lệ tội phạm xã hội tăng cao ở trong nhóm trẻ thừa cân béo phì. Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Y tế thế giới đưa ra nhận xét: Bệnh ĐTĐ - đặc biệt ĐTĐ týp 2 - là gánh nặng cho nền an ninh và kinh tế toàn cầu. Xin cám ơn bạn!

 Nguyễn Hoàng Thắng - Nam 35 tuổi - 78Đ Trích Sài, Tây Hồ, Hà Nội

- Thưa các giáo sư và bác sĩ, tôi bị tiểu đường týp 2 được 4 năm và hoàn toàn dùng thuốc Nam, thuốc lá để duy trì lượng đường trong máu từ 6,5 - 7 (máu đói). Thời gian vừa qua, tôi có đọc một số tài liệu và dùng thử Thủy Sâm, xin các giáo sư bác sĩ cho biết dùng Thủy sâm (nuôi bằng đường và trà) liệu có ảnh hưởng đến bệnh không? Xin chân thành cảm ơn.


- GS Trương Việt Bình:
Cảm ơn bạn đã cho tôi biết về thông tin này nên tôi vừa xem trên internet về cái gọi là thủy sâm này. Tôi có một số ý kiến sau: - Trong y văn Y học Cổ truyền Phương Đông không có danh từ "thủy sâm" cho loại men này. - Có thể người xưa không có trà lipton nên không biết tạo ra loại thuốc này. - Những thông tin về Hội nghị Khoa học nọ kia nên cụ thể hơn. VD: Hội nghị nào, ngày nào, ai tổ chức, ở đâu và thông tin từ nguồn nào? Vì vậy, nên thận trọng trước một số thông tin mạng.

 Nguyễn Ngọc Anh - Nam 44 tuổi - TP.HCM

- Thưa các giáo sư bác sỹ, tôi bị rối loạn lipid máu khoảng hơn 10 năm trước, hiện nay đang điều trị theo chế độ BHYT. Đầu tháng 6/2010 tôi bỏ hẳn thuốc lá, đến tháng 10/2010 tôi xét nghiệm sinh hoá máu thì các chỉ số glucose đều nằm trong CSTB. tuy nhiên tới tháng 02/2011 tôi thấy bị tăng cân nhiều tăng khoảng 04 kg. ( từ bình thường 66kg lên 70 kg). Tôi xét nghiệm lại sinh hoá máu và test HbA1C (chỉ số 6.9) thì BS báo tôi bị tiểu đường týp 2. Tôi hiện nay vẫn tập bóng bàn đều đặn. Xin các GSBS tư vấn về điều trị và chế độ dinh dưỡng cho phù hợp. Xin cám ơn.


- PGS.TS Tạ Văn Bình:
Theo các tiêu chuẩn của Hiệp hội ĐTĐ Mỹ đề nghị từ tháng 1/2010 thì nếu HbAiC từ 6,5 trở lên có thể xem là ĐTĐ týp 2. Tuy nhiên, điều này chưa được Hiệp hội ĐTĐ thế giới thừa nhận. Theo tôi, bạn nên gặp các thầy thuốc có kinh nghiệm để làm liệu pháp tăng đường huyết để có chẩn đoán chính xác hơn. Cũng xin lưu ý với bạn, để chẩn đoán ĐTĐ khi đã rõ ràng thì rất dễ. Nhưng nếu để chẩn đoán sơm thì nhiều khi cũng rất khó. Tôi chỉ tư vấn cho bạn khi đã biết hoàn cảnh cụ thể của bạn.

 Vũ Bình - Nam 34 tuổi - Hà Nội

- Bố tôi mắc đái tháo đường đã 7 năm nay. Bố tôi có thể trạng gầy nhưng ăn khỏe, hay uống nhiều nước. Thực sự tôi không biết bố tôi nên ăn uống thế nào là hợp lý. Tôi thấy bố tôi hay ăn nhiều cơm, canh, vẫn ăn thit nhưng ăn ít một số loại như thịt chó, thịt vịt, ngan. Các loại gia cầm thì bố tôi hay bỏ da. Bố tôi không tâp thể dục gì nhưng rất chăm lao động. Xin được tư vấn người tiểu đường như bố tôi thì nên kiêng kị trong ăn uống thế nào là hợp lý.


- PGS.TS Tạ Văn Bình:
Điều trị ĐTĐ phải bao gồm chế độ ăn uống, chế độ luyện tập và chế độ dùng thuốc. Bố của bạn không luyện tập nhưng chăm chỉ lao động cũng là một hình thức hoạt động thể lực rồi. Việc đưa ra lời khuyên chính xác cho một người bệnh về chế độ ăn uống, luyện tập và dùng thuốc phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe cụ thể của người đó. Theo như tôi hiểu, thì bố của bạn nên tìm gặp các thầy thuốc chuyên khoa để được tư vấn chính xác.

 Bé Thiện - Nam 10 tuổi

- Bác sĩ ơi, cho cháu hỏi, trẻ con có bị đái tháo đường không ạ?


PGS.TS Tạ Văn Bình
PGS.TS Tạ Văn Bình
- PGS.TS Tạ Văn Bình: Trẻ con cũng có thể mắc ĐTĐ. Nhưng vấn đề là phải tìm xem trẻ bị mắc ĐTĐ týp 1 hay týp 2. Bởi vì các týp khác nhau phải có cách chữa khác nhau.

 Trần Độ - Nam 54 tuổi - TP Thanh Hoá

- Tôi năm nay 54 tuổi, năm 2006 đi xét nghiệm bệnh gout lại phát hiện lượng đường trong máu là 9,8. sau khi uống thuốc gout 1tháng kiểm tra lại đường trong máu còn 7,4, và sau đó liên tục lên xuống như vậy. Năm 1998 tôi bị bướu cổ đã mổ, vậy có phải tôi bị rối loạn nội tiết tố nên đường trong máu cao có đúng không, nhờ BS tư vấn giúp.


- PGS.TS Tạ Văn Bình: Bệnh ĐTĐ là một bệnh rối loạn chuyển hóa vì thế có liên quan rất nhiều đến các chất nội tiết trong cơ thể. Trường hợp của bác tôi e rằng bác đã bị mắc bệnh ĐTĐ hoặc tiền ĐTĐ. Để xác định bệnh chính xác, bác cần phải làm nghiệm pháp tăng đường huyết. Nghiệm pháp này đơn giản, nhưng cần phải làm chính xác. Bác nên đến các cơ sở (phòng khám hoặc bệnh viện chuyên khoa) để làm.

 Phạm Minh Huê - Nữ 52 tuổi - Hà Nội

- Có người mách tôi lấy Lá lô hội 20 g. Sắc uống ngày một thang (có thể uống sống) có thể chữa được tiểu đường. Tôi có nên uống vậy không? Uống nhiều lá lô hội có hại gì không?


- GS Trương Việt Bình: Cây lô hội được sử dụng trong Y học Cổ truyền để thanh nhiệt, tả hoả, vào kinh can, tỳ vị, đại trường. Đái tháo đường theo Y học Cổ truyền do sự suy tổn tạng phế, tỳ vị, thận. Cho nên có thể dùng lô hội để thanh vị hỏa trong đái tháo đường. Tuy nhiên, chữa đái tháo đường cần phối hợp nhiều vị thuốc. Nếu chỉ sử dụng lô hội thì có thể bệnh nhân sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, bớt nóng, bớt đói. Bạn có thể dùng lô hội, nhưng cần theo dõi bản thân,nếu thấy lạnh bụng, mệt mỏi, đi ngoài thì nên dừng thuốc.

 Lý Mỹ Hương - Nữ 56 tuổi - Chánh Nghĩa Bình Dương

- Tôi bị tiều đuờng cách nay khoảng 5 năm, dù thời điểm đó chỉ số BMI của tôi khoảng 22, chỉ là tình cớ phát hiện ra thôi, tôi không có triệu chứng ăn nhiều, tiểu nhiều, ốm nhiều hay uống nhiều mà Anh ruột tôi bị tiểu đuờng truớc đó khoảng hơn 10 năm. Tôi nghĩ mình bị di truyền, tôi có 2 con gái nên tôi lo sợ 2 cháu sẽ bị ảnh huởng di truyền của tôi dù hiện tại chỉ số BMI của các cháu vẫn nằm trong phạm vi cho phép. Xin cho hỏi làm cách nào, biện pháp nào để ngăn ngừa bịnh di truyền để các con tôi không mắc phải. Trân trọng cảm ơn và cầu chúc chương trình thành công tốt đẹp.


- PGS.TS Tạ Văn Bình:
Tôi xin chia sẻ nỗi lo lắng của bác. Đối với người ĐTĐ Việt Nam chỉ số BMI thường là thấp. Đúng là bệnh ĐTĐ týp 2 có yếu tố di truyền (nếu mẹ bị ĐTĐ nguy cơ di truyền cho con nhiều hơn là bố mắc bệnh ĐTĐ). Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh ĐTĐ cho các con bác là khuyên họ nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên ở các cơ sở chuyên khoa về bệnh này.

Nếu họ đã lấy chồng, đặc biệt là đã có con, thì lưu ý số cân nặng của con họ. Nếu cân nặng từ 3,6 kg trở lên thì đây là yếu tố nguy cơ họ dễ bị bệnh ĐTĐ trong tương lai. Để phòng chống bệnh ĐTĐ, hiện tại người ta chỉ can thiệp được vào chế độ ăn uống, chế độ luyện tập và đặc biệt chống được các stress quá nhiều trong xã hội, thậm chí trong gia đình.

 Hoàng Hồng Hà - Nữ 26 tuổi

- Thưa các bác, cháu hiện nay đang băn khoăn không biết có bị hoặc nguy cơ bị tiểu đường hay không vì cháu thường xuyên ăn đồ ngọt và rất thích đồ ngọt. Nếu cứ tiếp tục ăn nhiều đồ ngọt nữa liệu cháu có thể bị không?


- GS Trương Việt Bình:
Bạn thích ăn ngọt trong tuổi này không có vấn đề gì. Thường người đái tháo đường có đường huyết rất cao, nhưng đói và thấy thèm đường vì trong cơ thể không có hoặc thiếu chất vận hóa đường nên họ thèm ăn đường. Nếu cẩn thận bạn nên đi xét nghiệm đường huyết. Đường huyết bạn bình thường thì bạn có thể ăn đồ ngọt thoải mái.

 Hoàng Hồng Hà - Nữ 26 tuổi

- Thưa các bác, cháu hiện nay đang băn khoăn không biết có bị hoặc nguy cơ bị tiểu đường hay không vì cháu thường xuyên ăn đồ ngọt và rất thích đồ ngọt. Nếu cứ tiếp tục ăn nhiều đồ ngọt nữa liệu cháu có thể bị không?

Trương Việt Bình
GS.Trương Việt Bình
- GS Trương Việt Bình: Bạn thích ăn ngọt trong tuổi này không có vấn đề gì. Thường người đái tháo đường có đường huyết rất cao, nhưng đói và thấy thèm đường vì trong cơ thể không có hoặc thiếu chất vận hóa đường nên họ thèm ăn đường. Nếu cẩn thận bạn nên đi xét nghiệm đường huyết. Đường huyết bạn bình thường thì bạn có thể ăn đồ ngọt thoải mái.

 Trần Ngọc Diệp - Nữ 32 tuổi

- Con tôi 5 tuổi rưỡi, cháu rất gầy, đi khám bác sỹ chuẩn đoán là ĐTĐ V.N. Tôi nghe nói chỉ người béo mới bị đái tháo đường, cháu còn nhỏ như vậy liệu có bị không?


- PGS.TS Tạ Văn Bình: Tôi không hiểu ĐTĐ V.N là gì. Nhưng nếu con bạn còn nhỏ như thế mà đã mắc ĐTĐ thì thường là ĐTĐ típ 1. ĐTĐ típ 1 là một bệnh tự miễn dịch; là hậu quả của quá trình phá hủy các tế bào beta (tế bào tiết ra insuline chất để chuyển hóa đường). Vì thế, nếu cháu bị ĐTĐ thì cháu phải dùng insuline. Bệnh ĐTĐ típ 1 nếu được điều trị tốt thì vẫn sống bình thường. Tôi đã gặp những trường hợp bệnh nhân nữ bị ĐTĐ típ 1 sống đến 94 tuổi, rất đông con cháu nội ngoại.

Phan Thị Thanh - Nữ 47 tuổi - Hà Nội

- Khi có biểu hiện như thế nào thì cần thiết phải đi khám để xác định có bị đái tháo đường hay không?


- PGS.TS Tạ Văn Bình: Điều này tùy thuộc vào týp mắc bệnh. Người ĐTĐ týp 1 thì có đầy đủ các triệu chứng uống nhiều, đái nhiều, ăn nhiều và gầy nhiều. Người ta gọi rằng đây là triệu chứng lâm sàng tiến triển rầm rộ. Và thường xuất hiện ở trẻ nhỏ (dưới 13 tuổi). Còn ĐTĐ týp 2 ngược lại. Đến khi đường máu tăng cao tức là có biểu hiện lâm sàng thì thật sự đã quá muộn rồi.

Theo rất nhiều nghiên cứu, lúc này người bệnh có thể đã mắc bệnh từ 5-10 năm trước. ĐTĐ týp 2 trong giai đoạn này gọi là giai đoạn tiền lâm sàng. Những biểu hiện thường rất mơ hồ. Ví dụ như mắt mờ từng đợt; răng lung lay vài ba ngày rồi tự hết; ở phụ nữ nhiều khi biểu hiện bằng nhiễm trùng phụ khoa... Cách tốt nhất để phát hiện là khám sức khỏe định kỳ.

 Bùi Thị Mai - Nữ 60 tuổi

- Tôi bị Đái tháo đường và thấy bác sỹ nhắc đến insuline. Vậy insuline là gì có ảnh hưởng thế nào đến bệnh của tôi?


- PGS.TS Tạ Văn Bình: Insuline là một chất nội tiết trong cơ thể. Đây là một chất được tiết ra bởi các tế bào beta của tuyến tụy nội tiết. Insuline có tác dụng chuyển hóa đường thành năng lượng để nuôi sống và duy trì các hoạt động của cơ thể. Với những người mắc bệnh ĐTĐ týp 1 thì lượng insuline có thể giảm hoặc mất hết. Người ĐTĐ týp 2 thì lượng insuline thậm chí lại tăng cao hơn bình thường (trường hợp này người ta gọi là kháng insuline). Như vậy có thể nói bệnh ĐTĐ được gây ra là do thiếu, suy giảm về mức insuline trong máu hoặc do chất lượng hoạt động của insuline.

Tổng biên tập Nguyễn Minh Quang cảm ơn các chuyên gia đã tới giao lưu với độc giả Bee
Ảnh chụp cuối buổi giao lưu với độc giả

Suốt 2 tiếng đồng hồ giao lưu, các chuyên gia đã cố gắng hết sức nhưng vẫn chưa thể đáp ứng hết lượng câu hỏi quá lớn của bạn đọc gửi đến. Xin chân thành cảm ơn sự theo dõi của quý bạn đọc. 

AloBacsi.vn (Theo Kiến thức)
 
 
 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X