Hotline 24/7
08983-08983

Sau khi đặt stent mạch vành, uống cà phê sữa có ảnh hưởng gì?

Nhiều câu hỏi của bạn đọc AloBacsi được BS Lan Hương giải đáp: chó chết 1 tháng sau khi cắn người thì người có cần tiêm phòng dại không, sau khi đặt stent uống cà phê có ảnh hưởng gì không, nước bọt có vị ngọt có phải dấu hiệu bệnh tiểu đường?...

NỘI DUNG TƯ VẤN

Chó chết 1 tháng sau khi cắn người, người có cần tiêm phòng dại không?

- Nguyễn Thị Mỹ Nhân - mynhan...@gmail.com

Em xin hỏi bác sĩ ạ,

Bé con em 2,5 tuổi bị chó con hàng xóm cắn chảy máu ở phía sau đầu gối. Từ ngày 16/9/2020 đen ngày 29/10/2020 thì con chó chết. Khi bị cắn em có sát khuẩn và đi hút máu độc cho bé. Vậy em xin hỏi giờ còn em có nên đi tiêm phòng không ạ? Có sao không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Chào em,

Từ lúc con chó con nhà hàng xóm cắn bé đến lúc nó chết là hơn 1 tháng, thì chắc chắn tại thời điểm nó cắn con em là nó không nhiễm bệnh dại, đồng nghĩa với việc con của em cũng không có nguy cơ nhiễm dại nữa. Vì thế nên em có thể không cần đưa con đi tiêm ngừa dại, em nhé!

 

Sau khi đặt stent mạch vành, uống cà phê sữa có ảnh hưởng gì không?

- Trân ngoc anh - 098277...

Em đã đặt 2 stent được 14 tháng, xin hỏi em nghiện cà phê sữa, như vậy có ảnh hưởng gì không? Hằng ngày em vẫn uống thuốc theo toa Bệnh viện 115 và tập thể dục 40 phút mỗi ngày, liệu em có bị tái phát trở lại không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Người có bệnh mạch vành đã đặt stent luôn có nguy cơ bị đột quỵ, thậm chí nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát (những nhánh mạch vành khác), nguy cơ này thấp hay cao tùy thuộc vào việc có tuân thủ điều trị hay không, chứ không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ đột quỵ được.

Lý do là tại thời điểm người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp cần đặt stent, thì chắc chắn mạch máu não cũng đã có hiện tượng xơ vữa mạch máu rồi, vì cấu trúc mạch máu não và mạch vành có nhiều điểm giống nhau và xơ vữa mạch máu ảnh hưởng lên mạch máu toàn thân, chứ không chỉ mạch vành bị mà mạch máu não không bị.

Để giảm thiểu tối đa nguy cơ đột quỵ, nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát cùng các biến chứng khác của bệnh xơ vữa động mạch, người bệnh cần: uống thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, mua máy đo huyết áp tự động để kiểm tra huyết áp tại nhà trước và sau khi ngủ dậy, tái khám định kỳ để kiểm tra mỡ máu, các biến chứng sớm của bệnh...

Song song đó, người bệnh cần chú ý ăn nhạt, tránh ăn thức ăn chế biến sẵn như giò chả, lạp xưởng, đồ hộp, cá mắm, mắm tôm, cà muối, dưa muối, những loại thức ăn nướng, thức ăn ướp muối sẵn như các loại khô; hạn chế thực phẩm dầu mỡ chiên xào, tăng cường rau xanh, hoa quả, hạn chế bia rượu (tối đa 1 lon bia/ngày, 1 ly rượu vang/ngày), tập thể dục điều đặn và không hút thuốc lá.

Việc uống cà phê sữa của bạn nên gia giảm trong mức độ vừa phải, trung bình ngày 1 ly thôi. Quan trọng là kết quả kiểm tra định kỳ của bạn có ổn với việc uống cafe sữa của bạn không. Ví dụ như xét nghiệm máu thấy mỡ máu chưa đạt mục tiêu dù đã có thuốc mỡ máu rồi thì bạn cần giảm lượng sữa lại. Nếu xét nghiệm điện tim thấy nhịp tim chưa đạt mục tiêu dù đã dùng thuốc ổn định nhịp tim liều cao rồi thì bạn nên giảm lượng cafein lại.

 

Nước bọt có vị ngọt có phải dấu hiệu bệnh tiểu đường?

- Nguyễn Văn Đức - tuanduc...@gmail.com

Chào bác sĩ,

10 ngày nay em thấy nước bọt tiết ra có vị ngọt, đầu lưỡi có vị ngọt và khô miệng ở lợi trên. Em đi khám thì đường huyết của em 105ml, cho hỏi là em bị bệnh gì ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Chỉ số bình thường của đường huyết đói là 70-110 mg/dL, kết quả xét nghiệm của em là 105 mg/dL là trong ngưỡng giới hạn bình thường.

Nếu em nghi ngờ có khả năng mình bị đái tháo đường thì nên đến khám ở chuyên khoa nội tiết, làm xét nghiệm glucose máu tĩnh mạch lúc đói buổi sáng và HbA1C, vì có trường hợp xét nghiệm máu đầu ngón tay ở ngoài nhà thuốc ra kết quả không đúng.

Trường hợp em đã loại trừ được đái tháo đường rồi thì nên khám ở chuyên khoa tai mũi họng, xem triệu chứng trên có phải do bệnh nha chu, sót đồ ăn ở kẽ răng và lợi không, hay bệnh viêm lưỡi viêm họng gây xáo trộn cảm nhận vị giác... tùy theo nguyên nhân mà có hướng xử lý thích hợp, em nhé.

Trong thời gian này, nếu em có đang hút thuốc lá thì cần cai thuốc lá là điều cần thiết.

 

Hăm da ở vùng bẹn, điều trị thế nào?

- Nguyễn Đình S. - thot3...@gmail.com

Em bị hăm da ở háng bẹn và để lâu chổ đó nó kiểu như bị mỏng da và bị kéo dài ra và ngứa, giờ em phải chữa thế nào ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Hăm da vùng bẹn ngày càng lan rộng, da mỏng và ngứa là phải dùng thuốc, coi chừng có nhiễm khuẩn, nhiễm nấm da rồi. Bệnh lâu hết có thể do cách chăm sóc không đúng, hay dùng sai thuốc.

Yếu tố thuận lợi chính cho sự phát triển của bệnh là mặc quần áo chật, dư cân, đổ mồi hôi nhiều (công việc, thể dục thể thao), khí hậu nóng ẩm. Căng thẳng đầu óc và rượu bia cũng là yếu tố thúc đẩy của bệnh ở những cơ địa dễ dị ứng.

Về cách điều trị thì em nên đến khám bác sĩ da liễu để được kê thuốc phù hợp với cơ địa và tiền căn dị ứng thuốc, tiền căn dùng thuốc trước đây. Theo quy định của bộ Y tế, BS không kê toa khi không thăm khám trực tiếp cho người bệnh.

Bệnh này không phải bệnh nan y, có thể chữa khỏi nhưng phải đảm bảo loại trừ tất cả các yếu tố thúc đẩy bệnh (đã đề cập ở trên).

Về việc phòng ngừa:

  • Ở trong môi trường mát mẻ, thông thoáng
  • Dị ứng với bia rượu thì không nên uống bia rượu nữa, cũng nên kiêng các thực phẩm dễ gây dị ứng như đồ biển, thịt bò, thịt rừng.
  • Hạn chế tối đa căng thẳng đầu óc
  • Mặc quần áo rộng thoáng
  • Thay đổi thường xuyên quần áo ít nhất mỗi ngày.
  • Nên tắm rửa cơ thể nhanh sau hoạt động đổ nhiều mồ hôi.
  • Sử dụng phấn để hạn chế sự ẩm ướt cho những vùng tiết nhiều mồ hôi.
  • Nếu dư cân thì phải giảm cân

 

Cục cứng ở vị trí bấm lỗ tai là gì, xử lý thế nào?

- Vũ Bích Phượng - xiemv...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Em 17 tuổi, có bấm lỗ tai được vài năm và bị mất lỗ, giờ ở chỗ lỗ tai đó nổi cục cứng lên, vậy là có bị sao không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Cục cứng ở vị trí bấm lỗ tai trước đây là sẹo chai rồi, không nguy hiểm và không cần xử lý gì cả. Nếu vì lý do thẩm mỹ muốn xử lý cục chai này thì sẽ hơi khó, vì dùng thuốc làm mềm sẹo ít có hiệu quả, đa phần là cần dùng đến phương pháp xâm lấn như chích thuốc, bắn tia, em nhé

 

Thuốc nhuộm tóc chảy vào mắt có sao không?

- Kim Huyền - lethiki...@gmail.com

Cháu bị thuốc nhuộm vào mắt có sao không ạ, có cần khám bác sĩ không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Con mắt luôn có cơ chế bảo vệ của riêng nó. Những hóa chất lạ khi bắn vào mắt đa số sẽ gây cay mắt, kích ứng nhẹ, mắt sẽ tăng tiết nước mắt để rửa trôi những chất này.

Em có thể hỗ trợ mắt của mình bằng cách nhỏ nước muối sinh lý 0.9% để nhanh rửa trôi những chất này.

Nếu như sau 15-30 phút rồi 60 phút, mắt dịu bớt, sáng trong nhìn rõ thì không sao. Ngược lại nếu đỏ mắt, đau mắt ngày càng tăng thì phải đến bv mắt để được xử trí sớm.

 

Nhờ AloBacsi xem giúp kết quả xét nghiệm giun đũa chó của em?

- Phương Nguyễn - nguyenho...@yahoo.com

Em làm xét nghiệm Toxocara và nhận kết quả là NEG 0.26 đơn vị OD, khoảng tham chiếu NEG: < 0.3. Bác sĩ cho em hỏi là em có bị nhiễm hay không ạ? Em không hiểu kết quả này ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Toxocara là giun tròn ký sinh thường được tìm thấy trong ruột của chó, gây bệnh nhiễm giun đũa chó ở người. Đây là xét nghiệm huyết thanh miễn dịch ELISA để tìm kháng thể kháng Toxocara trong huyết thanh.

Kết quả bình thường của nhiễm giun đũa chó là < 0,3 OD (OD là chỉ số bình thường). Kết quả kiểm tra của em là < 0,3 OD, NEG là viết tắt của negative, là âm tính, tức là em không bị nhiễm giun đũa chó, em nhé.

 

Thịt dư lòi ra ở hậu môn, không đau, không chảy máu thì có phải trĩ không?

- Phan Anh T. - huyv...@gmail.com

Bác cho em hỏi hậu môn mình có thịt dư lòi ra không đau, không chảy máu thì có phải trĩ không ạ? Như vậy có cần cắt không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Thịt dư lòi ra ở hậu môn có thể là trĩ, dù không đau, không chảy máu, nhưng cũng có thể không phải trĩ. Ngoài trĩ ra thì thịt dư lòi ra ở hậu môn còn có thể là mẩu da thừa, polyp, u nhú... Như vậy, nếu em muốn biết chắc chắn mình có bị trĩ hay không thì cần khám chuyên khoa ngoại tiêu hóa.

Và để ngăn ngừa bị trĩ thì em cần ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước, hạn chế thức ăn nhiều gia vị, cay và chất kích thích như rượu bia, cà phê, không hút thuốc lá, tăng cường vận động, tránh ngồi lâu khi đi vệ sinh, em nhé.

 

Cảm thấy khó chịu sau khi nhỏ nhầm cồn 90 độ vào mũi, phải làm gì?

- Vũ Xuân Tình - tinhdon...@gmail.com

Tôi bị nhỏ nhầm cồn 90 độ vào mũi và có hít vào trong, giờ cảm thấy hơi khó chịu phía trong. Vậy có bị ảnh hưởng hay làm sao không bác sĩ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Cồn 90 độ là chất sát khuẩn mạnh, khi nhỏ nhầm vào mũi sẽ gây kích ứng niêm mạc mũi. Bạn nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý thường xuyên, dùng dạng lọ nhỏ giọt hay chai xịt mũi đều được. Nếu sau 1 ngày mà mũi vẫn còn khó chịu, hay nghẹt mũi, đau mũi, chảy máu mũi thì cần phải đến khám tại chuyên khoa tai mũi họng để được kiểm tra và kê thuốc mạnh hơn, bạn nhé.

 

Viêm dạ dày Hp âm tính mà không uống thuốc liệu có tự khỏi bệnh?

- Phạm Tuấn - boinh...@gmail.com

Cho em hỏi, em bị viêm dạ dày Hp âm tính mà em không uống thuốc có tự khỏi được không hay phải uống thuốc mới khỏi?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Viêm dạ dày Hp âm tính nếu không uống thuốc cũng có thể tự hết được, như thời còn khó nghèo của ông bà ta trước đây, quá nghèo để mua thuốc mà có khi có tiền cũng không mua được thuốc, vì thời chiến tranh cái gì cũng khó, bao nhiêu người vẫn vượt qua đấy thôi.

Nhưng mà, khi từ chối hay chấp nhận không uống thuốc để ráng gồng cho qua thì ngoài những người tự khỏi, cũng có những người gặp biến chứng, như viêm dạ dày kéo dài chuyển sang loét, thủng dạ dày, dù ban đầu chỉ là viêm dạ dày Hp âm tính mà thôi.

Cho nên, tùy mức độ viêm dạ dày và triệu chứng khó chịu hiện tại, nhẹ thì ăn uống điều độ lại cũng qua, nhưng nặng thì cần uống thuốc (thuốc Tây y hay đông y đều được).

 

U nhú ở thực quản lành tính nhưng gây khó nuốt và tức ngực thì có nguy hiểm không?

- Minh Tâm - phamthi...@gmail.com

Trước đây em có nội sôi dạ dày thì phát hiện có u nhú ở thực quản nhưng lành tính nhưng dạo gần đây em có cảm giác như u lớn hơn gây khó nuốt và tức ngực. Vậy có nguy hiểm không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

U nhú thực quản đa số là u lành, thường kích thước nhỏ dưới 3 cm và không gây triệu chứng và chỉ tình cờ phát hiện thông qua nội soi khi đi khám bệnh về dạ dày, tá tràng.

Nguyên nhân của u nhú thực quản cho đến nay vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng, một số nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân sinh bệnh học của u nhú thực quản có liên quan đến sự kích thích kéo dài và quá trình viêm mạn tính, chẳng hạn như trào ngược thực quản – dạ dày, viêm thực quản, chấn thương, các chất kích thích như rượu, thuốc lá. Một yếu tổ khác được coi là nguyên nhân của u nhú thực quản và có khả năng tiến triển ác tính của u nhú thực quản đã được đề xuất là do Human Papilloma virus (HPV).

Đối với u nhú kích thước nhỏ thì nếu người bệnh có yếu tố nguy cơ gây chuyển sản, hóa ác bao gồm hút thuốc lá, trào ngược dạ dày tá tràng, nhiễm Hp, có tiền căn gia đình bị bệnh ung thư hay đa polyp ống tiêu hóa, quan hệ tình dục qua đường miệng (nguy cơ nhiễm HPV)… thì nên cắt bỏ u nhú, làm giải phẫu bệnh.

Còn nếu người bệnh không có bất kỳ nguy cơ nào gây chuyển sản, hóa ác như trên thì không cần cắt, chỉ cần theo dõi định kỳ sự phát triển của khối u, tất nhiên phải bằng nội soi thực quản dạ dày tá tràng, vì theo thời gian, u nhú này cũng có thể sinh chuyện như lớn hơn, hóa ác.

Cho nên, nhiều bệnh nhân không muốn phải nội soi thực quản định kỳ kiểm tra nó, thì họ chọn lựa cách cắt bỏ u nhú này luôn khi làm nội soi, sẵn làm giải phẫu bệnh xem u nhú này bản chất là gì.

Đối với u nhú kích thước lớn gây chèn ép ống tiêu hóa thì chỉ định phẫu thuật là chắc chắn.

Hiện tại em “nghi ngờ là u nhú lớn hơn gây khó nuốt, tức ngực” thì cần phải nội soi thực quản dạ dày lại để xem có đúng vậy hay không. Một u nhú thực quản trước đây lành tính thì vẫn có thể hóa ác được theo thời gian.

Nếu nội soi mà u nhú vẫn còn nhỏ xíu thì chắc chắn nó không phải nguyên nhân gây ra tình trạng khó nuốt, tức ngực rồi, bác sĩ sẽ đi tìm nguyên nhân khác gây ra các khó chịu này của em và điều trị thích hợp tương ứng, em đăng ký khám chuyên khoa Tiêu hóa.

 

Siêu âm có kết quả dày vách dạ dày là bệnh gì?

- ZL Văn Trạng

Bác sĩ cho em hỏi,

Em siêu âm bụng có kết quả vách dạ dày 8.1mm và kết luận dày vách dạ dày. Vậy dạ dày của em vậy có sao không bác sĩ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

“Dày vách dạ dày” hay “dày thành dạ dày” là kết luận của siêu âm, không phải là chẩn đoán bệnh.

Kết luận của bác sĩ siêu âm có nghĩa là vách dạ dày dày 8.1 mm là dày hơn bình thường. Hình ảnh “dày thành dạ dày” trên siêu âm bụng có thể gặp trong viêm dạ dày, người có chế độ ăn nhiều chất xơ, ung thư dạ dày... như vậy, thông tin về vách dạ dày chỉ có thể diễn giải đến vậy thôi.

Siêu âm không phải là phương tiện chẩn đoán hình ảnh có thể đánh giá bệnh lý dạ dày chính xác. Muốn biết rõ hơn về bệnh dạ dày em cần khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiêu hóa, nếu cần có thể nội soi thực quản dạ dày tá tràng để tìm nguyên nhân và điều trị, em nhé.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X