Hotline 24/7
08983-08983

Sau khi đặt stent mạch máu, về nhà bệnh nhân không làm 4 việc này

Mặc dù đã điều trị thành công đột quỵ bằng phương pháp đặt stent, bệnh nhân vẫn cần lưu ý những điều không nên làm trong tối thiểu 1 năm - thời gian để stent có thể thực sự “hoà nhập” với mạch máu. Song, thực tế vẫn có nhiều người bệnh thờ ơ với những vấn đề này dẫn đến những hệ luỵ nghiêm trọng, ảnh hưởng tính mạng.

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Liên chi hội Can thiệp thần kinh TPHCM đã giải đáp chùm thắc mắc do bạn đọc kênh benhdotquy.net gửi đến. Trong đó tập trung vào các ý chính sau:

Khi nào bệnh nhân được chỉ định đặt stent?

TS.BS Trần Chí Cường cho biết, mục đích của đặt stent là để nong mạch máu bị hẹp. Đặc biệt, với những trường hợp cục máu đông quá cứng và không thể sử dụng thuốc tan cục máu đông thì cần đặt stent để giải quyết.

Tuy nhiên, việc đặt stent cần được chỉ định cẩn thận và không nên lạm dụng. BS Cường nhấn mạnh: “Chúng ta chỉ nên áp dụng phương pháp đặt stent đối với những bệnh nhân có mức độ hẹp mạch máu trên 70%, vị trí hẹp gây rối loạn huyết động, tức mạch máu không còn lưu thông gây giảm tưới máu đoạn xa. Đồng thời, bệnh nhân phải có biểu hiện triệu chứng đột quỵ não hoặc đột quỵ tim (nhồi máu cơ tim)”.

Cụ thể, chỉ nên đặt stent cho bệnh nhân đột quỵ não khi mức độ hẹp mạch máu trên 70% và xuất hiện những triệu chứng như: xây xẩm, chóng mặt, nói đớ, tê yếu tay chân, đau đầu dữ dội… Với những trường hợp đột quỵ tim, ngoài yêu cầu hẹp mạch máu trên 70%, bệnh nhân cần có những biểu hiện như: đau ngực dữ dội một cách đột ngột, khó thở khi gắng sức,…

Như vậy, những bệnh nhân có mức độ hẹp mạch máu dưới 70%, máu vẫn còn lưu thông tốt thì tuyệt đối không nên chỉ định đặt stent mà cần dùng thuốc, BS Cường cho hay.

Tiêu chí để chỉ định đặt stent là khi bệnh nhân có mức độ hẹp mạch máu lên đến 70% gây rối loạn huyết động

Tuy nhiên, có một trường hợp ngoại lệ là nếu bệnh nhân bị hẹp mạch máu ở mức độ dưới 70% có kèm với tình trạng bóc tách động mạch thì vẫn phải đặt stent. Bóc tách động mạch là tình trạng bị vỡ lớp nội mạc và lớp trung mạc của động mạch chủ, máu len giữa các lớp động mạch và bóc tách chúng tạo nên lòng giả động mạch.

Với áp lực của dòng máu các lớp động mạch sẽ tiếp tục bóc tách dọc theo động mạch và chúng có thể tiếp tục làm rách lớp nội mạc động mạch. Theo đó, việc đặt stent cho những trường hợp này sẽ giúp bệnh nhân thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” do đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim cấp. Tỷ lệ bệnh nhân gặp tình huống này khá hiếm.

BS Cường khuyến cáo, trước khi người nhà quyết định đồng ý đặt stent cho bệnh nhân, cần tham vấn trước với bác sĩ về mức độ hẹp mạch máu.

Độ tuổi nào có thể đặt stent?

Bất kể độ tuổi nào, từ trẻ em 1 tuổi đến người già 100 tuổi đều có thể đặt stent. Bên cạnh đó, chất liệu stent cho mọi lứa tuổi cũng đều giống nhau, chỉ khác biệt ở kích thước, TS.BS Trần Chí Cường cho hay.

Trên thực tế, nhiều người dân vẫn quan ngại rằng người già sẽ có mạch máu “giòn” nên khó có thể điều trị bằng phương pháp đặt stent. Tuy nhiên, BS Cường cho biết, việc đặt stent tuỳ theo bệnh tình của người bệnh và hoàn toàn không phân biệt về độ tuổi.

“Hiện nay cũng không có bằng chứng khoa học nào cho thấy người có mạch máu “giòn” thì không thể can thiệp đặt stent. Bởi trên thực tế, đã từng có bác sĩ tại Việt Nam đặt stent thành công cho bệnh nhân 103 tuổi tại Bệnh viện Trưng Vương.” - BS Cường cho biết.

Chính vì thế, mỗi người cần hiểu rằng độ tuổi không phải là tiêu chuẩn để bác sĩ chỉ định can thiệp đặt stent mà cần dựa vào những tiêu chí như đã nêu ở phần trên là bệnh nhân có tình trạng hẹp mạch máu trên 70% kèm theo các triệu chứng tắc mạch máu tại não hoặc tim.

4 “không” hậu đặt stent, biết để tránh gặp “tử thần”!

“Sau 1 năm, stent được đặt trong mạch máu bệnh nhân mới thực sự trở thành một phần của cơ thể. Do đó, bệnh nhân vẫn cần lưu ý và thực hiện theo những khuyến cáo mà bác sĩ đã dặn dò. Điều đáng buồn là rất nhiều bệnh nhân sau khi điều trị thấy khoẻ thì lơ là vấn đề này, dẫn đến kết cục đáng tiếc chỉ sau vài ngày hay vài tháng.” - BS Cường chia sẻ.

Theo đó, BS Cường cũng liệt kê 4 điều mà bệnh nhân hậu đặt stent tuyệt đối không nên làm bởi có thể dọa vỡ mạch, bao gồm: KHÔNG để huyết áp tăng cao; KHÔNG tập thể dục với những bài tập nặng, gắng sức; KHÔNG thức khuya; KHÔNG làm việc nặng hoặc để cơ thể kiệt sức.

Sở dĩ người bệnh cần quan tâm đến những vấn đề này là vì mạch máu não rất dễ vỡ, nhất là khi stent được đặt vào vẫn chưa “hoà nhập” thành một phần của cơ thể nên nguy cơ bệnh nhân bị vỡ mạch là rất cao nếu mạch máu bị tác động mạnh.

Ngoài ra, với những trẻ bị dị dạng mạch máu, vấn đề điều trị và phục hồi lại càng khó khăn hơn. Theo đó, dù sau điều trị trẻ đã khoẻ mạnh nhưng vẫn không nên hoạt động quá mạnh, nhất là chơi thể thao đối kháng bởi trẻ vẫn có nguy cơ tái bệnh.

BS Cường khuyến cáo, bệnh nhân sau điều trị bằng phương pháp đặt stent nên hoạt động ở mức độ nhẹ đến vừa, không chơi thể thao đối kháng và đảm bảo ngủ đủ giấc. Nếu trước đây họ phải làm việc 8 giờ/ngày thì giờ đây cần giảm thời gian làm việc xuống 3 - 4 giờ/ngày.

Tuy nhiên, bệnh nhân cũng không cần phải quá lo lắng bởi sau 1 năm họ có thể hoạt động trở lại như bình thường nếu tuân thủ nghiêm những lời khuyên của bác sĩ.

Theo Trọng Dy - Anh Thi - Benhdotquy.net

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X