Hotline 24/7
08983-08983

Sắp bước vào kỳ thi căng hơn đại học, làm gì để giảm bớt căng thẳng?

Ngày mai (1/6), học sinh làm thủ tục thi vào lớp 10 tại Hà Nội.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2019 tại Hà Nội sẽ diễn ra trong hai ngày 2 và 3/6. Ngày mai (1/6), sĩ tử đến trường thi làm thủ tục.

Nhiều năm nay, thi vào lớp 10 được ví là một cuộc đua căng thẳng kinh hoàng, thậm chí còn hơn cả thi vào đại học bởi tỉ lệ chọi rất cao, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.

Tiến sĩ Trần Thành Nam - giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra nhiều bí kíp thú vị xung quanh những liệu pháp tâm lý giúp giải toả căng thẳng trước trong và sau kỳ thi được phụ huynh và sĩ tử quan tâm.

Thưa ông, xin ông mách nước bí kíp "vàng" giải toả áp lực khi sĩ tử thi vào lớp 10 sắp "lên thớt"?

- Cách thức giảm áp lực tốt nhất trước kỳ thi là câu chuyện bố mẹ sẽ phải nói với con. Hãy nói với con rằng kỳ thi này rất quan trọng nhưng kết quả một bài thi không phản ánh, không quy định con là người tốt hay xấu, càng không quyết định thành công hay thất bại của con sau này.

Phải để trẻ em hiểu được rằng kết quả của một bài thi không định nghĩa được một con người.

Hơn nữa, theo nguyên tắc tâm lý, bố mẹ chăm sóc con phải hiểu được rằng khi đứa trẻ tin rằng mình làm tốt thì xác suất làm tốt sẽ cao hơn rất nhiều. Nếu đứa trẻ tin rằng nó kém thì tỉ lệ trượt cao hơn.

Ngoài ra, cần chuẩn bị cho con một số kỹ thuật, cách thức ứng phó phù hợp với những nỗi lo lắng xuất hiện trước trong và sau phòng thi.

Theo ông, có nên ôn thi đến sát ngày thi hay không, vì sao?

- Quy luật tâm lý của con người là càng đến những thời điểm cuối cùng càng học càng quên. Khi học sát giờ thi thì lúc vào phòng thi sẽ rơi vào "vòng trũng của sự quên đi", không tái hiện được kiến thức.

Trong ngày sát ngày thi, sĩ tử nên ngồi nói chuyện theo chủ đề đã ôn trong thời gian vừa rồi. Đây là thời điểm tái hiện lại tri thức mà không phải ôn thi.

Sĩ tử nên viết lại những kiến thức, vẽ ra theo biểu đồ cây , xương cá. Việc này giúp hệ thống lại hoặc định vị kiến thức.

Thời điểm này, đầu óc cần có sự thư giãn. Ngày cuối cùng trước khi thi nên nghỉ ngơi và tạo kỉ niệm vui.

Sức khoẻ thể chất và giấc ngủ là tối cần thiết giúp sĩ tử có khả năng ghi nhớ.

Lúc vào phòng thi, sĩ tử nên trang bị kĩ năng gì để đối phó với tâm trạng lo lắng, thưa ông?

- Khi vào phòng thi, sĩ tử cần có những chiến lược để kiểm soát cảm xúc và sự lo lắng và chiến lược làm bài phù hợp. Thường khi bước vào phòng thi, khi lướt qua những câu  hỏi không có trong chương trình ôn tập thì một số học sinh rơi vào trạng thái hoang mang.

Lúc này, thay vì lo lắng cho những câu không làm được, hãy tập trung những câu có thể làm tốt. Khi hoàn thành được những phần chắc ăn thì tự khắc tâm lý tốt lên, học sinh có cảm giác tự tin để làm câu tiếp theo.

Ngoài ra, để đối diện với sự lo lắng có những bài tập đơn giản. Tôi gọi vui là "thở theo hình vuông", tức là hít thở từ 1 đến 4, ngưng thở 1 đến 4, thở ra 1 đến 4 và  ngưng thở 1 đến 4. Cứ làm theo chu trình hình vuông như vậy sẽ giảm sự lo lắng.

Nhiều bạn lại có cách đơn giản rất hiệu quả đó là lúc lo lắng có thể đánh vần ngược tên mình, hoặc nghĩ đến thời điểm xảy ra kỉ niệm đẹp, thành công để lấy lại được sự tự tin.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Lao Động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X