Hotline 24/7
08983-08983

Sáng sớm ăn gừng tốt hơn nhân sâm, dùng buổi chiều độc như thạch tín?

Đây là câu nói truyền miệng trong dân gian, vậy thực hư điều này thế nào? ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng đơn vị Tiêu hóa can thiệp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sẽ giúp bạn tìm được câu trả lời trong bài tư vấn dưới đây.

1. Thưa ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương, người ta hay nói, uống gừng buổi sáng như uống nhân sâm nhưng ăn gừng buổi chiều độc như thạch tín. Điều này có đúng không ạ? Nếu đúng thì lý do vì sao? Có cách nào uống gừng ban đêm mà không độc hại?

ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Nghiên cứu về phương diện tây y không có tài liệu nào nói về vấn đề này, có thể bạn tìm thông tin này trên mạng. Nhưng về mặt khoa học không có chuyện “uống gừng buổi sáng như uống nhân sâm, ăn gừng buổi chiều độc như thạch tín”. Đây chỉ là những lời truyền miệng và không có chứng cứ rõ ràng, do đó bạn không cần quan tâm và lo lắng.

Sáng sớm ăn gừng tốt hơn nhân sâm, dùng buổi chiều độc như thạch tín?

2. Gõ cụm “trà gừng”, “giảm cân” cho ra hàng trăm bài hấp dẫn như:

3 cách giảm cân bằng gừng tươi và trà gừng đốt cháy mỡ cực hiệu quả

5 cách uống trà gừng để giảm cân và thải độc

Nói 'lời tạm biệt' với mỡ bụng chỉ nhờ uống trà gừng tươi mỗi ngày

Trà gừng giảm cân, detox an toàn, hiệu quả”,…

Là một bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm, theo ông tác dụng của trà gừng với việc giảm cân?

Nếu thực sự có tác dụng giảm cân, là do trà phối hợp với gừng hay bản thân gừng đã có tác dụng giảm cân? Chất nào trong gừng hỗ trợ giảm cân? Công thức pha trà gừng giảm cân, thưa bác sĩ? Ăn kẹo gừng hay ngậm lát gừng tươi có tác dụng giúp giảm cân như uống trả không ạ? Liều lượng nào là vừa phải?

ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Gừng là gia vị dùng trong ẩm thực châu Á khá nhiều và có thể xem như là một loại thực phẩm. Về mặt khoa học, gừng có chứa một loạt các chất tinh dầu và chất gai. Ở mặt y học hiện đại, tinh dầu có chất sát khuẩn và nhiều tác dụng khác. Theo đông y, gừng sinh nhiệt rất mạnh, những trường hợp như cảm lạnh, nhiễm lạnh sử dụng gừng rất tốt.

Đối với tác dụng giảm cân và đốt cháy mỡ thừa, chỉ một nghiên cứu nhỏ được công bố trên tạp chí ở New York, “gừng sinh nhiệt và tăng chuyển hóa của cơ thể”. Từ giả thuyết đó người ta cho rằng gừng có khả năng đốt cháy mỡ thừa và sinh ra vô số lời đồn gừng có tác dụng giảm cân.

Nguyên tắc giảm cân là phải làm tiêu hao năng lượng nhiều hơn nạp năng lượng. Gừng chỉ có thể làm tăng nhiệt lượng bên trong cơ thể hơn bình thường so với người không uống, điều đó không đủ cho việc giảm cân.

3. Thưa bác sĩ, tôi đến các phòng tập GYM của Mỹ, Úc, tại quầy bán nước giải khát, hay bán các loại nước uống liên quan đến gừng đang là xu thế - hot trend. Tôi có uống thử, tỷ lệ gừng mật ong vừa dịu, không quá cay. Theo lời người phụ trách tại đây, kinh nghiệm là sau tập thể dục người ta chuộng uống mật ong gừng vì thứ nước này có tác dụng giảm đau cơ sau tập luyện và giúp tan mỡ? Điều này có thật không, thưa bác sĩ?

ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Không phải cái gì của Mỹ hay các nước tiên tiến làm đều là tốt hơn người Việt, đương nhiên ở Mỹ sẽ có những tiêu chuẩn đặt ra tương đối chuẩn, nhưng không phải điều gì cũng đúng. Như chúng ta thấy chỉ một nghiên cứu rất nhỏ ở New York cho rằng gừng có đốt cháy năng lượng một chút; từ đó lại đồn thổi rằng thay vì uống nước thường thì uống nước có gừng giúp tan mỡ nhanh hơn.

Chính tác dụng tập gym gây tiêu hao năng lượng mới có thể đánh tan mỡ thừa. Nếu bạn sử dụng nước gừng cũng không tan bao nhiêu, nhưng uống vào cũng không gây hại gì. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, uống nước gừng có tác dụng giảm mỏi cơ ở một số đối tượng (không xảy ra trên mọi đối tượng). Do đó nếu tập gym, tập thể dục, thể thao sợ đau mỏi cơ, các bạn có thể uống một ít nước gừng giúp giảm ứ đọng axit lactic và bớt mỏi cơ hơn, nhưng điều này vẫn không chắc chắn 100%.

Uống một ít nước gừng có thể giúp giảm ứ đọng axit lactic và bớt mỏi cơ sau khi tập Gym

4. Xin bác sĩ cho biết tác dụng thực sự của gừng với sức khỏe. Gừng có tác dụng dễ tiêu, chống giảm mỡ máu, cholesterol, giảm đau, ngừa ung thư không ạ?

ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Khi chế biến gừng để ăn hay uống, chắc chắn không có hại, nếu hại thì không dùng trong ăn uống hằng ngày từ bao đời nay. Thế nhưng, khi y học hiện đại bắt đầu nghiên cứu về gừng, người ta nhận thấy những hoạt chất tinh dầu có trong gừng có những tác dụng nhất định:

Thứ nhất, gừng có tác dụng giảm viêm. Trong một số trường hợp giảm đau, gừng có tác dụng làm êm dịu phản xạ của dạ dày, làm dịu triệu chứng nôn ói. Nhiều người lầm tưởng gừng trị đau dạ dày, điều này không đúng, gừng chỉ có tác dụng làm êm dịu phản xạ của dạ dày để giảm bớt triệu chứng buồn nôn.

Thứ 2, gừng có tác dụng giảm sự co thắt tử cung, nhất là đối với phụ nữ đau bụng do hành kinh, sử dụng gừng rất hiệu quả.

Thứ 3, gừng làm giảm một số cơn đau khớp ở những người bệnh thoái hóa khớp, khớp đã bị mòn mới có hiệu quả; những triệu chứng về viêm khớp nói chung không có tác dụng nhiều.

Những tác dụng này đã được chứng minh là có hiệu quả. Nhưng đến mức sử dụng gừng làm thuốc để kê đơn thì không có cơ sở.

Một số nghiên cứu còn cho thấy gừng có tác dụng giảm nhẹ huyết áp nhưng không đủ để điều trị cao huyết áp. Gừng có khả năng tăng chuyển hóa của cơ thể, phần nào làm giảm một ít cholesterol. Ngoài ra, gừng có tác dụng kích thích tuyến tụy tự nhiên tiết ra insulin giúp một phần nhỏ trong việc hạ đường máu và có cả tính sát khuẩn.

5. Nhiều tài liệu nói, gừng có tác dụng chống buồn nôn. Như vậy gừng dùng cho các chị em bầu bì được không thưa bác sĩ?

ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Nhiều nghiên cứu cho thấy tác dụng giảm nôn ói của gừng hiệu quả nhất trên phụ nữ có thai. Khi so sánh tỉ lệ dị tật thai nhi ở những mẹ bầu uống gừng và không uống gừng khi bị nghén là không khác nhau; vì thế có thể sử dụng.

Bên cạnh đó, gừng cũng có thể giảm nôn ói khi say tàu xe nhưng tác dụng yếu hơn so với mẹ bầu sử dụng để giảm ốm nghén.

6. Em mua gói trà gừng của một công ty dược trong nước sản xuất, trong tờ hướng dẫn sử dụng có ghi “sản phẩm không dùng cho người tiểu đường”. Em uống thử trà không ngọt, vậy vì sao gừng không nên dùng cho người bệnh tiểu đường?

Trong tài liệu khác lại ghi "Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng gừng có thể giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn, cải thiện lượng đường trong máu". Thực hư việc này như thế nào? Người bệnh tiểu đường, nên hay không nên dùng gừng, thưa bác sĩ?

ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Theo khoa học chính thống, những người đái tháo đường không nên xem gừng là một liệu pháp để điều trị giảm đường huyết. Gừng tương tác với thuốc, làm cho thuốc trị tiểu đường mạnh hơn mức bình thường; do đó có thể gây tác dụng phụ. Vì vậy, người ta ghi trên tờ hướng dẫn sử dụng “sản phẩm không dùng cho người tiểu đường” là rất đúng, mặc dù những người hơi dư đường có thể uống gừng tươi giúp cải thiện một phần nào đó nhưng đều không đáng kể.

7. Nhắc đến cháo cảm là nhắc đến củ gừng. Một tô cháo cảm cần khoảng bao nhiêu lát gừng? Em nghe nói “Vỏ gừng có nhiều chất quý”, vậy nấu cháo cảm khi cho lát gừng cho vào tô cháo, ta có nên gọt vỏ hay không?

ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Gừng có thể ăn cả vỏ cũng không sao, tuy nhiên có những vấn đề như bảo quản không tốt, nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, hoặc nhiễm hóa chất khi trồng,… thì có thể ảnh hưởng. Tốt nhất nên rửa sạch và gọt vỏ cũng không mất đi những dược liệu tốt.

Tốt nhất, khi ăn gừng nên sửa sạch và gọt vỏ

8. Gần như tất cả các tài liệu đông y đều đưa ra hướng dẫn “Khi bị cảm lạnh, uống nước gừng sẽ rất hiệu quả. Trái lại, đối với những trường hợp cảm mạo thử nhiệt, cảm mạo phong nhiệt hoặc bị trúng nắng tuyệt đối không cho dùng gừng”. Vậy làm sao phân biệt “cảm lạnh” và “cảm mạo” thưa bác sĩ?

ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Có thể chia thành 2 loại cảm: cảm mạo là sốt do nhiễm siêu vi cúm, cảm lạnh là sốt do những siêu vi bình thường.

Biểu hiện của 2 loại cảm này khác nhau. Đối với cảm mạo, bệnh nhân thường sốt cao và đau họng, đau nhức cơ rất nhiều. Cảm lạnh thì ít sốt cao, người bệnh chỉ bị nghẹt mũi, nhảy mũi nhiều và ít bị đau cơ.

Theo đông y, không dùng gừng cho cảm mạo mà dùng cho cảm lạnh hoặc không dùng cho say nắng là vì: khi bị cảm mạo sẽ gây sốt cao, cơ thể sinh nhiệt lượng rất nhiều, trung tâm điều hòa thân nhiệt của cơ thể bị rối loạn. Lúc đó cơ thể tăng sản xuất nhiệt, gừng lại tăng chuyển hóa, hai cái cộng dồn lại, điều này hoàn toàn không đúng và có khi gây tác dụng ngược.

Cảm lạnh theo đông y do nhiễm những con siêu vi khác, cơ thể ít sốt, gây ớn lạnh, ra mồ hôi, mệt mỏi, làm tiết dịch ở mũi nhiều. Như vậy, cơ thể cần nóng lên để giảm triệu chứng, sử dụng gừng theo đông y là hợp lí vì nó tăng sinh nhiệt và kháng một số siêu vi.

9. Vì sao với tây y, cảm nào cũng dùng 1 viên thuốc cảm là xong, với đông y lại phân biệt 2 loại cảm như vậy? Cách điều trị hai loại cảm này có gì khác biệt, thưa bác sĩ?

ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Chúng ta hay quen với việc ra tiệm tây mua thuốc mua thuốc cảm để uống. Những thuốc của tây y đều có tác dụng điều trị triệu chứng giảm đau đầu, giảm cảm giác ớn lạnh, giảm sốt trong cảm mạo hay cảm lạnh.

Đông y chú trọng việc cân bằng âm-dương và ngũ hành nhiều hơn, điều chỉnh mức cân bằng 5 yếu tố cơ thể của trời đất: mộc, hỏa, thổ, kim, thủy. Vì thế cách điều trị khác nhau. Quan điểm của tây y là chỉ cần điều trị triệu chứng giúp cơ thể cân bằng lại, hệ miễn dịch sẽ đẩy lùi mọi bệnh tật vì thế điều trị gần giống nhau; khi nào có biến chứng thì tây y mới đưa ra biện pháp xử lí để cứu bệnh nhân.

10. Bác sĩ ơi, cháu là nam sinh, 17 tuổi, 1m72, nặng 85 kg, thích ăn vặt, ăn ngọt. Dạo gần đây cháu rất quan tâm đến việc giảm cân. Các bạn nữ trong lớp cháu chuyền nhau bài thuốc: nước trà, thêm 5 lát gừng, 1 thìa mật ong, uống mỗi sáng sẽ giảm cân hiệu quả.

Cháu đọc tài liệu, các trường đại học ở New York cũng có nghiên cứu về tác động giảm cân của gừng trên người. Gừng tạo hiệu ứng sinh nhiệt, làm tăng hiệu quả của quá trình đốt cháy năng lượng. Đồng thời trà gừng còn giúp làm giảm cảm giác thèm ăn….

Cháu uống thử 1 tuần nay, tự nhiên thấy mặt mọc mấy cái mụn đỏ, sưng. Dạ dày có cảm giác nóng, bỏng. Cân nặng có giảm 1.5kg. Không biết do vô tình giảm hay tác dụng thật của trà gừng? Giờ cháu nên uống tiếp hay không ạ? Có phải uống gừng nóng là mọc mụn không bác sĩ? Giờ cháu lại thấy khó chịu vì mấy cái mụn sưng đau. Cháu mong bác sĩ cho cháu lời khuyên, nên làm thế nào, ngừng hay uống tiếp? Cháu cảm ơn bác sĩ nhiều.

ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Chào bạn,

Bạn cao 1m72, nặng 85 kg là hơi thừa cân. Bạn nên tập thể dục, thể thao nhiều để giảm cân, đồng thời có một cơ thể cường tráng. Cách giảm cân bạn nói trên không phải là thiếu khoa học nhưng đây chỉ là một nghiên cứu nhỏ, không chắc sẽ giảm cân. Bạn còn trẻ, không nên áp dụng những phương pháp hết sức thụ động như thế; hãy tập thể dục, chơi thể thao lành mạnh,… sẽ giúp bạn giảm cân hiệu quả.

Lí giải cho việc bạn bị nổi mụn là do uống gừng nhiều, điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Gừng chỉ tạm thời làm êm dịu dạ dày, chống nôn ói, tuyệt nhiên không có tác dụng trong việc điều trị bệnh dạ dày; tác dụng sinh nhiệt và kích ứng của gừng đôi khi làm khó chịu dạ dày. Bạn là nam, 17 tuổi - đây là lúc nội tiết tố nam phát triển rất nhiều dễ làm bạn bị rối loạn khi tăng sinh nhiệt, bít tắc tuyến bã và dễ bị nổi mụn, điều này không sai. Hãy dừng lại việc uống gừng, và cần sinh hoạt bình thường, giải trí thể dục, thể thao đầy đủ, ăn ít chất bột đường bạn vẫn có thể giảm cân.

Chúc bạn sớm đạt được nguyện vọng của mình.

11. Trong tài liệu của Cục An toàn Thực phẩm của Bộ Y tế, có đoạn này: “Không nên ăn gừng tươi đã bị dập. Củ gừng tươi sau khi bị dập sẽ sinh ra một loại độc tố mạnh có thể gây hoại tử các tế bào gan, lâu dần sẽ biến thành ung thư gan, ung thư thực quản. Mặc dù gừng có nhiều tác dụng nhưng không nên quá lạm dụng”. Xin nhờ bác sĩ giải thích thêm về thông tin này. Lâu nay chúng tôi có thói quen trữ ít gừng trong tủ lạnh, để phòng khi trái gió, trở trời có củ gừng sẵn trong nhà. Đôi khi gừng bị mốc khô ngay đầu củ thì cắt bỏ phần đó đi, sử dụng phần còn lại bình thường. Đọc thông tin này thấy hơi hoang mang. Nên bảo quản gừng thế nào cho an toàn? Vì sao “gừng bị dập sẽ sinh ra độc tố mạnh có thể gây hoại tử tế bào gan, lâu dần thành ung thư gan…” Mong thông tin phản hồi từ bác sĩ. Trân trọng cảm ơn.

Gừng khô héo, dập nát, mọc mầm không nên sử dụng

ThS.BS Trần Ngọc Lưu Phương trả lời:

Chào bạn,

Chất bạn đang nói tới là safrole, trước đây được xem là an toàn trong thực phẩm, và được xem là một chất phụ gia. Sau này tổ chức IARC (Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế) xếp chất này vào nhóm có khả năng gây ung thư mức độ 2B (không quá nhiều) nhưng vẫn cần thận trọng; chất này thường có trong những loại cây quế, húng, gừng nhưng không nhiều. Tuy nhiên, ở những củ gừng bị dập nát, thối rữa, mốc meo có thể có nhiều safrole hơn.

Chúng ta không thể ăn một lần hàng tấn gừng, nhiều lắm là 1-2 lát, vì thế có thể bảo quản gừng trong tủ lạnh, phần nào bị hư thối thì nên bỏ đi. Lưu ý nên ăn gừng tươi, những củ bị dập hay thối rữa, mốc meo nên mạnh dạn vứt bỏ.

Thân mến.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X