Hotline 24/7
08983-08983

Sa sinh dục, căn bệnh ám ảnh "khó nói" của chị em phụ nữ

Sa sinh dục là bệnh lý “khó nói” của phụ nữ. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ nặng hơn gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bác sĩ phẫu thuật trị sa sinh dục

Bà Trịnh Thị T. (70 tuổi) trú tại phường Cẩm Thạch, Thành phố Cẩm Phả. Bà T. vào viện trong tình trạng cổ tử cung xung huyết sa ra ngoài âm đạo gần 3cm không tự co lên được, đi tiểu đau buốt, khó khăn.

Được biết, bệnh nhân mắc sa sinh dục hơn 8 năm nay, tuy nhiên do tâm lý ngần ngại nên không đi khám và điều trị, vì vậy tình trạng bệnh ngày càng trở nên trầm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống.

Các bác sĩ đánh giá bệnh nhân bị sa sinh dục độ IV trên nền bệnh tăng huyết áp và chỉ định thực hiện phẫu thuật nội soi đặt lưới nâng tử cung cố định vào mỏm nhô.

Thạc sĩ Phạm Việt Hùng - Trưởng khoa Ngoại - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện khâu 2 tấm lưới nhân tạo vào thành trước và sau cổ tử cung, luồn lưới dưới phúc mạc và đính cố định vào mặt trước cột sống thắt lưng cùng để nâng đỡ các tạng bị sa trong vùng chậu, khắc phục khiếm khuyết. Tỉnh dậy sau mổ bệnh nhân chỉ có cảm giác đau nhẹ. Qua 3 ngày, bệnh nhân đã phục hồi đáng kể, đi tiểu bình thường, không còn khối sa ra ngoài âm hộ, có thể xuất viện nhanh chóng.

Theo bác sĩ Hùng, trước đây với những bệnh nhân sa sinh dục độ nặng thường được xử trí bằng phương pháp phẫu thuật cắt tử cung đường âm đạo, may phục hồi thành trước và sau hoặc mổ đường bụng. Tuy nhiên các phương pháp này có nhiều nhược điểm là phải cắt tử cung, dễ tái phát, gây thiếu tự tin, nhất là đối với phụ nữ còn trong độ tuổi sinh đẻ.

Phương pháp phẫu thuật nội soi đặt tấm lưới nhân tạo nâng tử cung cố định vào mỏm nhô được đánh giá khó và phức tạp. Tuy nhiên phương pháp này  mang lại hiệu quả tốt nhất vì khắc phục được các nhược điểm của mổ kinh điển, tỷ lệ tái phát thấp, giữ được tử cung, ít đau, phục hồi nhanh, tính thẩm mỹ cao.

Sa sinh dục hay còn gọi sa các cơ quan vùng chậu là tình trạng tử cung, bàng quang, trực tràng sa xuống thấp trong âm đạo hoặc sa hẳn ra ngoài âm hộ, nguyên nhân là do hệ thống cơ và dây chằng vùng đáy chậu bị lão hóa dãn ra khiến các phủ tạng trong ổ bụng đè lên vùng đáy chậu làm các cơ quan vùng chậu không giữ được đúng vị trí tự nhiên. Đây là căn bệnh luôn là nỗi ám ảnh của phụ nữ bởi những hậu quả gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống, song do tâm lý ngần ngại nên thường phớt lờ giấu kín, âm thầm chịu đựng.

Bác sĩ Phạm Văn Lượng - Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, có nhiều nguyên nhân gây sa sinh dục ở phụ nữ như: sinh nhiều lần, sinh sớm, không được đỡ đẻ an toàn đúng kỹ thuật hoặc bị rách tầng sinh môn không khâu, phụ nữ hoạt động mạnh quá sớm sau sinh, công việc lao động nặng nhọc thường xuyên…

Vì là bệnh vùng nhạy cảm khó nói nên khi mới mắc bệnh nhân thường ngần ngại khó nói, chủ quan không điều trị dẫn đến tình trạng ngày càng trầm trọng, nguy hiểm hơn là gây ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe, khó khăn trong sinh hoạt, biến chứng bí tiểu và phải giải quyết cấp cứu. Do đó, khi có các dấu hiệu bệnh, chị em phụ nữ nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa sản để được thăm khám và điều trị kịp thời, hiệu quả, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Theo Khánh Ngọc - Infonet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X