Hotline 24/7
08983-08983

Rụng tóc khi điều trị ung thư: Khi nào tóc mọc lại, chăm sóc ra sao?

Rụng tóc trong quá trình điều trị ung thư gây tác động tâm lý rất lớn cho người bệnh. Hàng loạt thắc mắc được đặt ra: Chăm sóc da đầu trong thời gian tóc rụng như thế nào? Khi nào tóc sẽ mọc lại? Vì sao tóc mọc lại xơ hơn, khô hơn?... Các thắc mắc này đã được TS.BS Phan Thị Hồng Đức - Trưởng khoa Nội 4 - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Rụng tóc ảnh hưởng tâm lý bệnh nhân ung thư thế nào?

TS.BS Phan Thị Hồng Đức trả lời: Khi bệnh nhân ung thư đến với bác sĩ có nhiều thắc mắc, đó là giai đoạn bệnh, diễn tiến, điều trị, độc tính của thuốc. Đặc biệt rụng tóc cũng là vấn đề bệnh nhân thường xuyên chia sẻ với bác sĩ, bởi điều này ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài của nhiều người, ở cả bệnh nhân nam và bệnh nhân nữ.

Do đó, các bác sĩ khi bắt đầu điều trị đều sẽ giải thích cho bệnh nhân, từ các vấn đề độc tính trong quá trình điều trị đến cả việc rụng tóc. Sau khi nghe giải thích, đa số bệnh nhân đều chấp nhận và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

2. Vì sao tóc dễ bị rụng khi điều trị ung thư?

TS.BS Phan Thị Hồng Đức trả lời: Trong các biện pháp điều trị ung thư, hóa trị là phương pháp gây rụng tóc nhiều nhất. Bởi vì hóa trị sẽ tiêu diệt các tế bào ung thư đang phát triển, nhưng đồng thời cũng sẽ ảnh hưởng đến các tế bào tăng trưởng nhanh, đặc biệt là da - lông - tóc - móng và tế bào máu. Do đó, chúng ta thấy rằng đa số các phác đồ hóa trị, bệnh nhân sẽ xảy ra tình trạng rụng tóc.

3. Tình trạng rụng tóc xảy ra ở những biện pháp điều trị ung thư nào?

TS.BS Phan Thị Hồng Đức trả lời: Những biện pháp điều trị toàn thân như hóa trị đều có khả năng gây rụng tóc. Ngoài ra, các biện pháp khác như xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch, cấy ghép tủy cũng gây rụng tóc cho bệnh nhân.

4. Rụng tóc do hóa trị có khác biệt so với các phương pháp điều trị khác?

TS.BS Phan Thị Hồng Đức trả lời: Những phương pháp khác như xạ trị sẽ chỉ ảnh hưởng đến vùng có thể tích chiếu xạ. Liệu pháp miễn dịch hay liệu pháp nhắm trúng đích có cơ chế điều trị khác hẳn so với hóa trị. Do vậy, việc ảnh hưởng lên tóc không phải gây rụng hoàn toàn mà khả năng khiến cho tóc khô hơn, mỏng hơn và thậm chí là thay đổi màu tóc, do vậy tóc dễ gãy, rụng hơn so với hóa trị.

5. Có cách nào hạn chế tình trạng rụng tóc cho bệnh nhân ung thư?

TS.BS Phan Thị Hồng Đức trả lời: Trước khi hóa trị, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ tư vấn, giải thích về khả năng rụng tóc. Bệnh nhân cần biết rằng sau khi kết thúc liệu trình điều trị tóc sẽ mọc trở lại. Do đó, trong thời gian chịu ảnh hưởng của độc tính do quá trình điều trị ung thư gây ra, bệnh nhân sẽ được chuẩn bị tâm lý và có các biện pháp thay thế để giúp vượt qua thời gian khủng khoảng này.

6. Chăm sóc da đầu và tóc trong - sau quá trình điều trị ung thư thế nào?

TS.BS Phan Thị Hồng Đức trả lời: Các biện pháp thay thế đó có thể là:

- Bệnh nhân cắt tóc ngắn bớt, hoặc thậm chí một số người cạo luôn tóc.

- Trong chu kỳ đầu tiên 1-3 tuần sau hóa trị tóc bắt đầu rụng. Do đó bệnh nhân có thể sử dụng khăn trùm tóc để tránh tình huống tóc vương vãi trên sàn nhà cũng gây tác động tâm lý rất lớn.

- Khi tóc rụng cần phải tránh tiếp xúc trực tiếp của da đầu với mặt trời để tránh gây tổn thương da đầu bằng cách đeo mũ trùm đầu hoặc đội tóc giả.

- Nên sử dụng các loại dầu gội nhẹ, chẳng hạn như dầu gội thảo dược hoặc dầu gội cho trẻ em để tránh làm tổn thương da đầu đang nhạy cảm.

- Khi tóc mọc trở lại, bệnh nhân cũng cần tránh tác động quá nhiều trên da đầu. Ví dụ như tránh massage quá mức trên da đầu. Nên sử dụng các loại lược có răng thưa hơn để tránh làm tổn hại đến tóc mới mọc.

- Khi tóc mọc trở lại, bệnh nhân cũng cần cẩn thận hơn khi đi ra ngoài bằng các biện pháp để che đầu. Đồng thời, trong quá trình này cần tránh uốn, duỗi, nhuộm, ép tóc.

7. Có khi nào tóc không mọc lại sau điều trị ung thư?

TS.BS Phan Thị Hồng Đức trả lời: Trên thực tế, tình huống tóc không mọc lại sau quá trình điều trị rất hiếm khi xảy ra, trừ trường hợp sử dụng hóa trị liều cao trên một số ít bệnh nhân, hay xạ trị liều cao trên vùng da đầu. Đa số tóc sẽ mọc lại sau khi chúng ta chấm dứt quá trình điều trị.

8. Các biện pháp thay thế tóc bệnh nhân ung thư có thể áp dụng là gì?

TS.BS Phan Thị Hồng Đức trả lời: Trước khi điều trị, tôi thường khuyên bệnh nhân nên sử dụng tóc giả để tránh tâm lý tự ti khi giao tiếp với người xung quanh. Tóc giả hiện nay rất đa dạng, trong đó có loại nhân tạo làm từ sợi nilong, tuy nhiên với loại tóc giả này bệnh nhân thường than phiền làm nóng bức, kích ứng da đầu.

Một số bệnh nhân sử dụng tóc thật của chính bản thân họ. Trước khi điều trị, bệnh nhân sẽ cắt tóc thật và đến những cơ sở để làm thành bộ tóc giả rất đẹp. Hiện tại, một số cơ sở cũng làm tóc giả từ tóc thật của những người hiến tóc. Vì vậy có thể rất an toàn cho những bệnh nhân ung thư cần bề ngoài đẹp, thẩm mỹ.

Theo tôi biết, hiện tại ở nước ngoài hay tại Việt Nam cũng có những Hội tham gia vận động người khỏe mạnh hiến tóc để hỗ trợ làm thành bộ tóc giả cho người bệnh ung thư. Đây là việc làm có ý nghĩa, tiện lợi và tạo vẻ bề ngoài thẩm mỹ cho bệnh nhân ung thư.

Bên cạnh đó, một số bệnh nhân cũng rất tự tin, không cần tóc giả mà sử dụng những loại khăn choàng trên đầu rất đẹp.

9. Vì sao tóc mọc lại xoăn hơn, xơ hơn và khô hơn sau điều trị ung thư?

TS.BS Phan Thị Hồng Đức trả lời: Trong quá trình điều trị, những loại thuốc điều trị ung thư như hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch có thể tác động đến tế bào nang lông của tóc, thậm chí là ảnh hưởng đến biểu mô màng trong. Vì vậy, sau điều trị một thời gian khoảng 3 - 6 tháng tóc có thể mỏng hơn, xoăn hơn, thậm chí đổi màu. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian 6 - 12 tháng tóc sẽ quay trở lại bình thường.

Lưu ý, trong khoảng thời gian 1 năm này chúng ta không nên can thiệp quá mức vào tóc mới mọc, ví dụ như uốn, duỗi, nhuộm, ép. Song song đó, nên cung cấp dinh dưỡng trong quá trình phục hồi của tóc bằng cách tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ và bổ sung vitamin-khoáng chất, đồng thời cũng có thể nhận tư vấn từ bác sĩ da liễu để có cách chăm sóc tóc nhất hơn trong thời gian này.

10. Lời khuyên từ chuyên gia với bệnh nhân ung thư đang đối diện với tình trạng rụng tóc!

TS.BS Phan Thị Hồng Đức trả lời: Rụng tóc là một độc tính của điều trị toàn thân có khả năng xảy ra trong quá trình điều trị ung thư. Bác sĩ sẽ tư vấn trước khi điều trị và chuẩn bị tâm lý cho bệnh nhân để vượt qua khoảng thời gian khủng hoảng này. Hiện nay có những biện pháp hỗ trợ trong quá trình điều trị như sử dụng tóc giả, khăn trùm đầu. Sau khi điều trị, trong quá trình phục hồi sẽ có sự tư vấn từ bác sĩ dinh dưỡng, bác sĩ da liễu cũng như bác sĩ ung thư để bệnh nhân có lại một mái tóc đẹp.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X