Hotline 24/7
08983-08983

Rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ bao lâu sẽ khắc phục được?

Nhiều bệnh nhân sau đột quỵ gặp phải tình trạng rối loạn ngôn ngữ, khiến họ mất kiên nhẫn và tự ti. Vậy người nhà cần làm gì để giúp họ phục hồi chức năng? ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, bệnh viện Quân y 175 sẽ hướng dẫn chi tiết để người bệnh sớm trở về cuộc sống bình thường mới.

1. Rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ là gì?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ là rối loạn có liên quan đến bệnh nhân mất khả năng nghe, nói, đọc, viết do tổn thương ở các vùng khác nhau sau đột quỵ.

Hai dạng rối loạn ngôn ngữ thường gặp là rối loạn ngôn ngữ Broca (vùng Broca trên não bị ảnh hưởng). Đây là tình trạng rối loạn ngôn ngữ không trôi chảy, nghĩa là người bệnh vẫn có thể nói được câu ngắn và người nhà vẫn có thể hiểu được.

Dạng rối loạn ngôn ngữ thứ hai là Wernicke (rối loạn ngôn ngữ trôi chảy), người bệnh có thể nói câu dài có ý nghĩa. Tuy nhiên, câu trả lời không ăn nhập so với câu hỏi của người thân hay bác sĩ.

Một dạng rối loạn ngôn ngữ cũng thường gặp ở lâm sàng đó là rối loạn ngôn ngữ toàn bộ, nghĩa là bệnh nhân bị mất khả năng thông hiểu và diễn tả trôi chảy lời nói.

2. Những di chứng thường gặp sau đột quỵ, ngoài rối loạn ngôn ngữ?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Đối với bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ có thể kèm theo triệu chứng như yếu liệt nửa người, rối loạn nuốt, mất thăng bằng cũng như phối hợp vận động. Tất cả triệu chứng của bệnh cảnh đột quỵ có thể đi kèm với rối loạn ngôn ngữ.

3. Cách phục hồi từng dạng rối loạn ngôn ngữ có khác nhau?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Có nhiều dạng rối loạn ngôn ngữ khác nhau. Hai dạng rối loạn ngôn ngữ chính là Broca hay rối loạn ngôn ngữ không trôi chảy. Bệnh nhân chỉ có thể nói được câu ngắn, nhưng chúng ta có thể hiểu được.

Dạng rối loạn ngôn ngữ Wernicke cũng thường gặp, người bệnh có thể nói câu dài có ý nghĩa nhưng không ăn khớp với câu hỏi của bác sĩ và thân nhân. Ngoài ra, còn một vài dạng ngôn ngữ khác ít gặp hơn như rối loạn ngôn ngữ dẫn truyền.

Tùy thuộc vào chức năng của vỏ não bị tổn thương và rối loạn ngôn ngữ, mà có cách đưa ra dạng luyện tập cũng như điều trị phục hồi sau đó. Vì vậy, khi bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ cần được đánh giá bởi các bác sĩ đột quỵ, chuyên viên về ngữ âm trị liệu để có được kế hoạch điều trị rối loạn ngôn ngữ hiệu quả.

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa - Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, bệnh viện Quân y 175

4. Thời điểm bệnh nhân có thể luyện tập, khắc phục rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ phù hợp nhất?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Khi bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ, việc tập luyện được khuyến cáo là sớm nhất có thể trong lúc tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cho phép. Việc tập luyện sớm hay muộn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thứ nhất là người bệnh, thứ hai là càng sớm càng tốt. Một điểm quan trọng nữa là phối hợp và có sẵn chuyên viên trị liệu.

Tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, chúng ta chưa có nhiều chuyên gia về ngữ âm trị liệu tại cơ sở điều trị đột quỵ. Vì vậy, có sẵn chuyên gia ngữ âm trị liệu cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định điều trị đột quỵ.

Thời gian hiệu quả nhất được rất nhiều nghiên cứu và chuyên gia trên thế giới chỉ ra là tuần lễ đầu tiên sau khi bị đột quỵ ở bệnh nhân có rối loạn ngôn ngữ.

5. Việc luyện tập phục hồi chức năng ngôn ngữ sau đột quỵ gặp khó khăn gì?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Việc khó khăn đầu tiên đối với thân nhân và bệnh nhân đột quỵ là nhiều người không có lĩnh vực chuyên sâu về phục hồi ngữ âm hoặc phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ.

Thứ hai, họ không có thông tin cơ sở nào có chuyên viên, chuyên gia phục hồi ngữ âm sau đột quỵ.

Thứ ba là sự thiếu kiên nhẫn từ phía bệnh nhân và gia đình bệnh nhân, vì việc tập luyện yêu cầu sự kiên trì rất lớn từ người bệnh và sự thông cảm từ gia đình, cộng đồng.

Việc khó khăn ở bác sĩ là bị thiếu thông tin về những nơi có chuyên viên được đào tạo chuyên sâu về điều trị ngữ âm ở bệnh nhân rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ. Chính vì vậy, việc phục hồi ngữ âm cho bệnh nhân rối loạn ngôn ngữ đang phát triển trong những năm gần đây. Những cơ sở y tế lớn đã bắt đầu quan tâm và phát triển lĩnh vực này.

Chúng tôi hy vọng với những khó khăn này, chúng ta sẽ nhanh chóng khắc phục để bệnh nhân đột quỵ có cơ hội trở về cuộc sống bình thường.

6. Phương pháp giúp phục hồi rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Việc luyện tập phục hồi ngôn ngữ ở bệnh nhân rối loạn ngôn ngữ tại các quốc gia phát triển chủ yếu dựa vào bài tập là chính. Gần như không có máy móc nào hỗ trợ bệnh nhân sau đột quỵ, tất cả tùy thuộc vào sự kiên nhẫn và tuân thủ các bài tập phục hồi ngôn ngữ sau rối loạn ngôn ngữ ở bệnh nhân rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ.

Một số bệnh nhân hỏi tôi rằng loại thuốc nào để giúp họ nói được bình thường, hiện tại vẫn không có loại thuốc thần kỳ. Sự tập luyện rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ đòi hỏi sự kiên trì tốt giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các chuyên viên về ngữ âm trị liệu.

>>> Xem thêm: Sách hướng dẫn các bài tập dành cho người đột quỵ bị rối loạn ngôn ngữ

7. Việc phục hồi chức năng ở bệnh nhân nội trú và ngoại trú có khác nhau?

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Không có sự khác nhau về mặt nguyên lý. Ở đây, chỉ có sự khác nhau về mức độ và cường độ tập luyện tùy thuộc theo giai đoạn bệnh, mức độ tổn thương của bệnh nhân đột quỵ. Sự khác nhau ở đây chỉ là mức độ ưu tiên.

Trong giai đoạn đầu, các chuyên viên sẽ tập trung vào chức năng ngôn ngữ. Ở giai đoạn giữa, bệnh nhân sẽ tập song song chức năng ngôn ngữ và giao tiếp. Giai đoạn sau sẽ tập trung vào chức năng giao tiếp để giúp bệnh nhân hòa nhập với cuộc sống, gia đình và các hoạt động xã hội khác.

8. Lời khuyên cho gia đình có bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ

ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa:

Việc phục hồi chức năng sau đột quỵ đóng vai trò hết sức quan trọng như tôi đã trình bày trong cuộc thảo luận hôm nay. Giữ tinh thần tích cực cũng như được đánh giá, có kế hoạch điều trị bài bản là yếu tố quan trọng.

Nếu gia đình có thân nhân bị rối loạn ngôn ngữ sau đột quỵ hãy kiên trì và ủng hộ cho người thân của mình, hãy đồng cảm chia sẻ để quá trình phục hồi ngôn ngữ đối với nhóm bệnh nhân này sẽ diễn ra một cách tốt đẹp. Từ đó, nó sẽ giúp nâng cao chất lượng sống ở nhóm bệnh nhân này.

Theo Trọng Dy - Benhdotquy.net

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X