Hotline 24/7
08983-08983

Rau cần tây giúp thanh nhiệt, giảm ho, còn đuổi muỗi hiệu quả

Theo y học cổ truyền, rau cần tây có tác dụng thanh nhiệt, giảm ho, giúp tiêu hóa, lợi tiểu tiện. Theo nghiên cứu hiện đại, rau cần tây có tác dụng chống viêm toàn thân, giải độc gan, ngoài ra còn dùng để chế tạo gel đuổi muỗi.

Tên thường gọi: Rau cần tây

Tên gọi khác:  hạn cần (cần cạn), hương cần (cần thơm), dược cần (cần thuốc).

Tên khoa học: Apium graveolens L.

Phân họ: Họ Hoa tán (Apiaceae).

I. Tổng quan về rau cần tây

1. Nhận biết rau cần tây

Cần tây là loài cây thân thảo, sống 1-2 năm, cao 0,5-1m. Thân mọc đứng, nhẵn, có nhiều rãnh dọc, phân nhánh nhiều. Lá ở gốc có cuống, bẹ to rộng, hình tam giác – thuôn hoặc dạng 5 cạnh có gốc cụt, xẻ 3-5 thùy hình tam giác, đầu tù, mép khía răng to, lá ở giữa và lá ngọn không cuống; bẹ ngắn, xẻ 3 thùy hoặc không chia thùy.

Cụm hoa gồm nhiều tán dài, ngắn không đều (khoảng 8-12), các tán ở đầu có cuống dài hơn các tán bên. Không có tổng bao và tiểu bao; hoa nhỏ màu trắng hoặc lục nhạt; đài có răng rất ngắn; tràng có cánh khum; bầu nhỏ.

Quả đôi dạng trứng, hơi dẹt, nhẵn, có cạnh lồi.

Mùa hoa quả trong tháng 3-5.

Bộ phận dùng của rau cần tây là toàn bộ phần trên mặt đất của cây, cả hạt.

2. Thành phần dược chất của rau cần tây

Rau cần tây chứa 0,1% tinh dầu, hạt cần tây chứa 2% dầu, trong đó có d-limonen, selinen, phtalid, santalol, eudesmol. Cần tây chứa nhiều acid béo, các loại đường saccarose, glucose, frucose, vitamin C, nhiều hoạt chất có mùi thơm, các terpen, coumarin và coumarin glycosid.

Trong 100g rau cần tây phần ăn được có chứa: 90g nước, 2,2g đạm, 0,6g béo, 4,6g tinh bột, 1,4g chất xơ, 1,7g tro, 2685 UI vitamin A, 0,08mg vitamin B1, 0,12mg vitamin B2, 0,6mg vitamin B3, 49mg vitamin C, 326mg canxi, 51mg photpho, 15,3mg sắt, 151mg natri, 318mg kali.

II. Công dụng của rau cần tây

1. Công dụng của rau cần tây theo đông y cổ truyền

Rau cần tây có vị ngọt, cay, mùi thơm, có tác dụng thanh nhiệt, giảm ho, giúp tiêu hóa, lợi tiểu tiện.

2. Công dụng của rau cần tây theo đông y hiện đại

Các tác dụng đã nghiên cứu:

  • Rau cần tây có tác dụng chống viêm toàn thân, giải độc gan, làm giảm mức tăng các men gan AST, ALT. Cần tây là một trong những thực phẩm chống viêm hữu hiệu nhất, vì nó giết chết vi khuẩn bất lợi, nấm, nấm mốc, nấm men và virus hiện diện trong cơ thể, loại bỏ độc tố và chất thừa sót lại ra khỏi đường ruột và gan. Các mầm bệnh thế này thường là nguyên nhân cơ bản gây viêm. Khi vắng mặt chúng, cơ thể bạn có thể xử lý những cản trở tốt hơn. Đồng thời, cần tây sẽ giúp các loài vi khuẩn có lợi phát triển mạnh.
  • Sử dụng cần tây là cách hữu hiệu nhất để kiềm hóa ruột. Một phần vì cần tây (về mặt lý thuyết là một loại thảo mộc, chứ không phải là rau) chứa hàm lượng natri hoạt tính sinh học cao. Nó cũng chứa muối khoáng vi lượng đồng yếu tố chưa được khám phá. Đây là các loại muối natri và khoáng chất vi lượng (hơn 60 loại trong số đó), hoạt động có hệ thống với nhau, để tăng độ pH của cơ thể và loại bỏ axit độc hại khỏi mọi kẽ hở của cơ thể bạn, bao gồm cả ruột. Quá trình này là cách lý tưởng để làm sạch và cải thiện niêm mạc ruột.
  • Đồng thời, cần tây cũng cung cấp enzyme và coenzyme, nó làm tăng acid hydrochloric trong dạ dày, cải thiện tình trạng khó tiêu. Cần tây cũng giải quyết tình trạng thẩm thấu amoniac qua niêm mạc ruột và gây ra tình trạng hư răng.
  • Cần tây giúp cải thiện chức năng thận và phục hồi tuyến thượng thận.
  • Các hoạt động dẫn truyền của tế bào thần kinh cũng được rau cần tây hỗ trợ, khi đó tình trạng trí nhớ của chúng ta sẽ được cải thiện. Cần tây cũng sẽ hydrat hóa sâu bên trong tế bào, làm giảm đau nửa đầu.
  • Rau cần tây còn có tác dụng lợi tiểu và giúp thông ruột bằng cách gây trung tiện.
  • Các nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng uống chiết xuất cần tây có thể làm giảm lượng đường trong máu ở những người cao tuổi bị tiền tiểu đường. Ngoài ra rau cần tây còn giúp chữa các bệnh chứng: Đau bụng kinh, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp Gout, rối loạn lo âu, đau đầu, chán ăn, kiệt sức, phù, hội chứng ruột kích thích, mất ngủ, tắc kinh nguyệt, thiếu sữa mẹ, nhiễm trùng thận, bàng quang hoặc niệu đạo (nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng tiểu). Tuy nhiên các nghiên cứu này chỉ mới ở mức sơ khởi và chưa đủ mạnh.

Các tác dụng dùng theo kinh nghiệm dân gian:

  • Trong y học dân gian Ấn Độ, quả chín khô của rau cần tây được dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, gây trung tiện và bổ. Nước sắc quả là thuốc trị thấp khớp. Dầu từ quả được dùng làm thuốc chống co thắt và kích thích thần kinh; trị viêm khớp dạng thấp và nhiễm khuẩn đường ruột. Rễ rau cần tây được coi có tác dụng hồi phục chức năng và lợi tiểu, điều trị phù toàn thân và cơn đau bụng.
  • Ở Brasil, nhân dân dùng rau cần tây làm thuốc kích thích tử cung khi sinh đẻ. Ở Guatemala, đài hoa và rễ rau cần tây là thuốc lợi tiểu.
  • Ở châu Âu, rễ rau cần tây lại có tác dụng lợi tiểu, gây trung tiện và là thực phẩm cung cấp vitamin C cho cơ thể.
  • Ở Trung Quốc, nhân dân dùng rau cần tây làm thuốc giải nhiệt, giảm ho, giúp tiêu hóa, lợi tiểu và hạ huyết áp.
  • Ở Philippin, nước sắc rau cần tây để lợi tiểu và điều kinh.
  • Ở Australia, quả rau cần tây được chế thành thuốc giảm đau trị đau xương, viêm khớp đạt kết quả tốt.

III. Cách dùng - liều dùng rau cần tây

Liều dùng: Một người dùng không quá 1 cây cần tây non mỗi ngày. Nếu dùng ngoài, bôi gel chứa chiết xuất cần tây không quá 25%.

1. Một số cách dùng cần tây theo kinh nghiệm dân gian hoặc bài thuốc cổ phương:

  • Nước ép từ lá rau cần tây phối hợp với nước cà rốt và nước cà chua có tác dụng bổ dưỡng.
  • Một công thức khác để làm nước ép rau cần tây cho 1-2 người uống: 1 đầu cần tây, cuống tách riêng, 1 quả táo lớn, thái lát, 1 quả chanh, nửa bó rau mùi tây hoặc rau ngò, 4 nhánh bạc hà tươi.
  • Dùng ngoài, hàng ngày súc miệng bằng nước ép lá cần tây chữa loét miệng, viêm họng, khàn tiếng; lá giã đắp chữa vết thương, mụn nhọt.
  • Nước sắc rau cần tây (250g lá trong một lít nước) dùng ngâm chân chữa nứt nẻ. Phụ nữ đôi khi dùng nước sắc lá cần tây gội đầu để làm bền chắc chân tóc.
  • Rau cần tây cũng được dùng điều trị tăng huyết áp, mỗi ngày dùng toàn bộ một cây tươi thái nhỏ, đun và uống làm nhiều lần trong ngày. Có thể dùng cây phơi khô trong mát. Tác dụng hạ huyết áp có thể do hoạt tính lợi tiểu của vị thuốc. Khi có kết quả nên dừng ngay, không dùng kéo dài.

2. Cách dùng cần tây đã nghiên cứu

Thuốc đuổi muỗi: Một số nghiên cứu cho thấy việc thoa gel có chứa 5% đến 25% chiết xuất cần tây lên da có thể xua đuổi muỗi tới 4,5 giờ.

Nghiên cứu khác cho thấy việc áp dụng một sản phẩm cụ thể có chứa chiết xuất cần tây 5%, vanillin, dầu bạch đàn, dầu cam và dầu sả, có tác dụng xua đuổi muỗi tương tự như các sản phẩm hóa học thương mại khác nhưng an toàn hơn cho da và niêm mạc.

3. Dùng cần tây đối với phụ nữ mang thai và cho con bú:

Rau cần tây giúp tăng tiết sữa mẹ, theo một số nghiên cứu đơn lẻ.

Phụ nữ mang thai không được dùng dầu cần tây hoặc hạt cần tây qua đường ăn uống vì có thể gây sảy thai.

Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý từ phần lá rau cần tây trên đối tượng phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, không nên dùng nhiều mỗi ngày vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này đối với sản phụ. Không nên tự ý dùng thảo dược này khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.

4. Dùng cần tây đối với trẻ nhũ nhi

Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng trẻ nhũ nhi. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho trẻ nhũ nhi vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này trên trẻ nhũ nhi, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc có chuyên môn về lĩnh vực này trước khi dùng.

V. Tác dụng phụ - thận trọng - tương tác & chống chỉ định của rau cần tây

  1. Không dùng cần tây cho người viêm loét dạ dày – tá tràng vì cần tây làm gia tăng dịch vị.
  2. Một số người bị dị ứng với cần tây. Các phản ứng dị ứng có thể từ phát ban da đến sốc phản vệ. Cần tây cũng có thể gây nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Những người có dị ứng với các loại thảo dược sau đây thì cũng có khả năng dị ứng với rau cần tây: ngải cứu, hạt thì là hoặc rau mùi, mùi tây, hồi, cây dã hương và bồ công anh.
  3. Dầu cần tây và hạt cần tây không an toàn khi dùng đường ăn uống trong thời kỳ mang thai ngay cả với liều dùng thông thường. Một lượng lớn cần tây có thể khiến tử cung co lại và gây sẩy thai.
  4. Rối loạn đông máu: Cần tây có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi sử dụng với thuốc chống đông máu. Không sử dụng cần tây nếu bạn bị rối loạn đông máu.
  5. Huyết áp thấp: Rau cần tây dùng cùng với thuốc hạ áp có thể làm giảm huyết áp. Nếu huyết áp của bạn đã thấp, dùng cần tây cũng có thể làm nó giảm quá nhiều.
  6. Phẫu thuật: Cần tây có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Cần tây khi kết hợp với thuốc gây mê và các loại thuốc khác được sử dụng trong và sau khi phẫu thuật có thể làm chậm hệ thần kinh trung ương đáng kể. Ngừng sử dụng cần tây ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật theo lịch trình.
  7. Tương tác của rau cần tây với thuốc tây:
  • Levothyroxine: Levothyroxine được sử dụng trong điều trị suy chức năng tuyến giáp. Dùng hạt cần tây cùng với levothyroxine có thể làm giảm hiệu quả của levothyroxine. Một số nhãn hiệu có chứa levothyroxine bao gồm Armor Thyroid, Eltroxin, Estre, Euthyrox, Levo-T, Levothroid, Levoxyl, Synthroid, Unithroid và những loại khác.
  • Lithium: Cần tây có thể có tác dụng giống như thuốc lợi tiểu. Dùng cần tây có thể làm giảm mức độ cơ thể đào thải lithium. Điều này có thể làm tăng lượng lithium trong cơ thể và dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng. Cần thông báo cho bác sĩ trực tiếp điều trị của bạn nếu bạn đang dùng lithium, bác sĩ có thể sẽ chỉnh liều lithium cho bạn.
  • Thuốc làm tăng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời: Cần tây cũng có thể làm tăng độ nhạy cảm của bạn với ánh sáng mặt trời. Dùng cần tây cùng với các loại thuốc làm tăng độ nhạy cảm với ánh nắng có thể làm tăng khả năng bị cháy nắng, phồng rộp hoặc phát ban trên những vùng da tiếp xúc với ánh nắng. Nhớ mặc áo chống nắng và quần áo bảo vệ khi tiếp xúc ánh nắng. Một số loại thuốc gây nhạy cảm với ánh sáng bao gồm amitriptyline (Elavil), Ciprofloxacin (Cipro), norfloxacin (Noroxin), lomefloxacin (Maxaquin), ofloxacin (Floxin), levofloxacin (Levaquin), sparfloxacin (Zagam), gatifloxacin (Axifoxquin), gatifloxacin (Axifoxquin) , trimethoprim / sulfamethoxazole (Septra), tetracycline, methoxsalen (8-methoxypsoralen, 8-MOP, Oxsoralen) và Trioxsalen (Trisoralen).
  • Thuốc an thần (thuốc trầm cảm CNS): Cần tây có thể gây buồn ngủ. Thuốc gây buồn ngủ được gọi là thuốc an thần. Dùng cần tây cùng với thuốc an thần có thể gây buồn ngủ quá mức cần thiết. Một số thuốc an thần bao gồm clonazepam (Klonopin), lorazepam (Ativan), phenobarbital (Donnatal), zolpidem (Ambien), và những loại khác.

VI. Phân bố, trồng trọt, thu hái và chế biến rau cần tây

Rau cần tây có nguồn gốc ở vùng ôn đới ấm của châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, chỉ có một loài rau cần tây, là cây nhập trồng.

Có 3 nhóm giống rau cần tây xuất xứ từ 3 thứ như sau:

  1. Rau cần tây cho lá (A. graveolens L. var. secalinum Alef.): Cây có cuống mảnh, màu xanh, lá phân thùy nông, rất thơm. Nhóm này có quan hệ gần gũi với quần thể rau cần tây mọc hoang dại. Cây được trồng nhiều ở Trung Quốc, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác. Cây được trồng ở vùng nhiệt đới, nhưng thường vào vụ đông – xuân, khi có nền nhiệt độ thấp nhất trong năm.
  2. Rau cần tây cho cuống (A. graveolens L. var. dulce (Miller) Pers.): cây có nhiều lá, cuống mập, thường mọc thẳng áp sát vào nhau tạo thành bó; phiến lá xẻ thùy sâu, mép có răng cưa nhỏ, thơm. Nhóm giống này được trồng nhiều ở vùng ôn đới ấm của châu Âu hay châu Á.
  3. Rau cần tây cho củ (A. graveolens L. var. rapaceum (Miller) Gaudin): phần gốc phình thành củ (thân, rễ), lá gần giống nhóm trên nhưng cuống lá mảnh, ngắn. Loại này chủ yếu được trồng ở châu Âu.

Nhìn chung, tất cả các loại rau cần tây đều ưa khí hậu ẩm mát, từ 15-21 độ C, không chịu được nắng nóng. Cây ra hoa quả nhiều, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt.

Rau cần tây sinh trưởng mạnh vào vụ đông xuân. Khi hạt chín, cắt cả bông về phơi khô, bảo quản trong lọ kín. Có thể gieo nhiều vụ liên tiếp từ tháng 9 đến tháng 1-2 năm sau. Trước khi gieo, hạt cần được ngâm nước 1 ngày đêm, đãi lấy hạt chìm, trộn với cát, đất bột hoặc tro để gieo cho đều. Gieo xong, phủ trấu hoặc rơm rạ, tưới ẩm. Cần dỡ bỏ rơm rạ sau khi cây mọc.

Đất trồng rau cần tây tốt nhất là đất cát pha, đất thịt nhẹ, nhiều mùn, tơi xốp, giữ ẩm tốt. Sau khi cày bừa kỹ, cần lên luống cao 20-25cm, rộng 1-1,2m, bón lót 10-15 tấn phân chuồng hoai/ha. Thường gieo hạt thẳng, khi cây cao 10-15cm, vừa nhổ tỉa rau ăn, vừa để trồng, khoảng cách trồng 5-7 x 10-15cm. Trồng bằng cây con, sau 30-35 ngày có thể thu hoạch. Nếu làm rau ăn, cần thu hoạch lúc cây còn non, nhổ cả cây. Nếu làm thuốc, có thể để già hơn, thu và phơi hay sấy khô. Nếu cất tinh dầu, đợi đến khi cây bắt đầu ra hoa.

VII. Bảo quản rau cần tây

Cần tây tốt nhất là nên dùng tươi và không bảo quản lâu tại nhà.

Nếu dùng khô, cần cho vào hủ thủy tinh, đậy kín, tránh ánh sáng. Có thể cho vào một viên vôi sống để hút ẩm. Nếu bạn không phải là thầy thuốc thì không nên lưu trữ thuốc tại nhà quá lâu. Nếu bạn buộc phải lưu trữ thảo dược tại nhà lâu hơn 1 tháng, cần kiểm tra chúng hàng tuần, nếu phát hiện mối mọt, ẩm mốc, biến đổi màu sắc, mùi vị thì cần loại bỏ ngay.

BS. Đoàn Quang Nguyên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X