Hotline 24/7
08983-08983

Quy trình thực hiện ghép ngón chân lên bàn tay thế nào, bao lâu hồi phục?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn - Bệnh viện Nhân dân 115 đã thực hiện thành công phẫu thuật ghép ngón chân lên bàn tay cho 50 người, thực hiện ước mơ bàn tay cầm nắm được, giúp bệnh nhân trở lại với cuộc sống thường ngày. Nhân dịp này, AloBacsi đã kết nối với chuyên gia để tìm hiểu thông tin về quy trình cũng như khả năng phục hồi, chi phí cho một cuộc vi phẫu này.

1. Bệnh nhân mất ngón tay trong những tình huống nào?

Xin BS cho biết 50 ca phẫu thuật này được BS thực hiện trong bao nhiêu năm? Thường thì các bệnh nhân này đến bệnh viện trong tình huống như thế nào ạ?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: 50 trường hợp bệnh nhân được phẫu thuật chuyển ngón chân lên làm ngón tay kéo dài hơn 10 năm.

Các trường hợp đến thực hiện phẫu thuật này có nhiều tình huống khác nhau. Có người nhập viện do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt bị mất ngón tay… được cắt lọc, giữ lại tất cả mỏm cụt của bàn tay và sau đó tư vấn - thực hiện phẫu thuật chuyển ngón chân lên làm ngón tay.

Một số trường hợp khác thì người bệnh tự tìm hiểu, đến tái khám và được tư vấn về phẫu thuật ghép ngón chân lên bàn tay.

2. Mất ngón tay nào có thể nối ghép ngón chân, mất ngón nào không thể thực hiện được?

Có phải ngón tay nào bệnh nhân bị mất đi, BS cũng ghép nối ngón chân lên được, hay có sự lựa chọn, đánh giá các yếu tố gì trước khi phẫu thuật?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Về cơ bản, vấn đề tổn thương thiếu và mất đi ngón tay là một trong những vấn đề gây nhiều khó khăn trong quá trình làm việc. Đặc biệt là mất hoặc tổn thương ngón cái hoặc toàn bộ ngón tay, hoặc mất một nửa bàn tay (có thể là còn ngón cái nhưng mất 4 ngón còn lại) thì gần như người bệnh mất chức năng làm việc. Vì vậy, phẫu thuật chuyển ngón chân lên làm ngón tay sẽ đáp ứng nhu cầu về chức năng, thẩm mỹ cho người bệnh.

Gần như mất tất cả các ngón trên bàn tay đều có thể đưa ngón chân lên làm ngón tay, nhưng ưu tiên các ngón gây ảnh hưởng đến chức năng, thường nhất là ngón cái, tiếp theo là ngón trỏ, ngón giữa, ngón thứ 4. Mục đích là mang lại chức năng của bàn tay, sau đó là thẩm mỹ. Chẳng hạn mất một số đốt xa hoặc đốt giữa, người bệnh cần chiều dài của ngón tay thì phẫu thuật viên có thể đưa một ngón chân lên làm ngón tay để mang lại chức năng thẩm mỹ.

3. Quy trình thực hiện phẫu thuật ghép ngón chân lên làm ngón tay như thế nào?

BS có thể cho biết sơ lược các bước thực hiện phẫu thuật ghép ngón chân lên bàn tay? Thường một ca mổ sẽ kéo dài bao lâu?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Một trường hợp chuyển ngón chân lên làm ngón tay đòi hỏi quá trình tương đối phức tạp và cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, về cơ bản chung, bệnh nhân sẽ được khám, chụp các mạch máu của chi, chụp x-quang để xác định vị trí tổn thương, sau đó lên kế hoạch mổ.

Bác sĩ cần xác định được mạch máu cho ở bàn tay, thần kinh, gân gấp, gân duỗi, cũng như xương còn lại. Tiếp đến lấy ngón chân (lấy các phần cần thiết), ví dụ nếu chỉ mất búp ngón tay thì chỉ cần lấy búp ngón chân, nếu mất toàn bộ ngón tay thì sẽ lấy toàn bộ ngón chân. Hoặc những tổn thương phối hợp thì cần phải lấy cả da, xương để tạo phù hợp tại vị trí khuyết hỏng ở bàn tay.

Sau khi bộc lộc xong sẽ chuyển lên nối. Đầu tiên là kết hợp xương, tiếp theo là nối mạch máu thần kinh, gân cơ. Sau mổ, bệnh nhân cần tập phục hồi chức năng.

4. Những bước tiến trong phẫu thuật vi phẫu ghép ngón chân lên làm ngón tay?

Trong nhiều năm qua, phẫu thuật ghép ngón chân lên bàn tay có những cải tiến nào về mặt kỹ thuật, công nghệ?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Phẫu thuật chuyển ngón tay lên ngón chân đã có từ rất lâu. Kỹ năng và kỹ thuật gần như không có sự thay đổi nhiều, chỉ có sự tiếp cận nhanh hơn về phương tiện máy móc, dụng cụ, trang thiết bị hỗ trợ cho quá trình phẫu thuật tốt hơn.

Cùng với đó đội ngũ phẫu thuật viên được đào tạo bài bản hơn, đặc biệt là các bạn trẻ tiếp cận sớm, hiểu về vấn đề giải phẫu chức năng, nên kỹ năng tương đối nhanh và thuận lợi hơn. Nếu trước đây một ê-kíp làm từ tay đến chân, sau đó chuyển lên thì hiện tại 2 ê-kíp phối hợp rất nhanh.

5. Chi phí ghép ngón chân lên làm ngón tay thế nào?

BS có thể cho biết chi phí của một ca mổ vi phẫu ghép ngón chân lên bàn tay hiện nay là khoảng bao nhiêu, và có được BHYT chi trả?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: BHYT chi trả cho người bệnh tương đối nhiều. Vì vậy, theo BS Viễn, mỗi người nên tham gia BHYT, không chỉ là giảm chi phí cho việc điều trị các bệnh lý thông thường mà ngay cả trong cuộc sống nếu không may mắc bệnh nặng, tai nạn… thì có BHYT đồng chi trả, giảm bớt gánh nặng về kinh tế.

Đối với phẫu thuật chuyển ngón chân lên làm ngón tay được BHYT nhiều. Tùy mức hưởng BHYT, một ca mổ có thể giao động từ 7 - 20 triệu đồng.

6. Ngón tay giả có giúp người mất ngón cử động như bình thường?

Ngoài phẫu thuật vi phẫu, còn có cách nào khác giúp bệnh nhân có ngón tay giả mà cử động được không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Về công nghệ, hiện nay dụng cụ chân tay giả tương đối phát triển, bao gồm cả ngón tay robot, ngón tay gắn chíp. Tuy nhiên, đến hiện tại, các giải pháp này đa phần để phục vụ cho chức năng thẩm mỹ nhiều hơn, mức độ linh động về chức năng hoạt động vẫn còn tương đối khó khăn.

Hiện nay, với người bệnh bị tổn thương ngón tay, mất chức năng nhiều (có thể mất ngón cái hoặc mất nhiều ngón trên bàn tay) đa phần vẫn ưu tiên phẫu thuật chuyển ngón chân lên bàn tay. Các ngón tay robot hoặc điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo (Al) vẫn có nhiều hạn chế và chi phí cũng cao.

7. Người bệnh có lấy lại cảm giác sau phẫu thuật ghép ngón chân lên làm ngón tay?

Cảm giác của ngón tay ghép so với các ngón khác sẽ đạt khoảng bao nhiêu %, thưa BS? Và móng của ngón được ghép có mọc ra bình thường không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Thường, kỹ năng chuyển ngón chân lên làm ngón tay có nối mạch máu, thần kinh, kèm theo gân cơ và xương. Cảm giác của ngón tay còn tùy thuộc vào việc nối thần kinh. Nếu thần kinh gốc còn đầy đủ, đa phần khả năng phục hồi thần kinh cảm giác rất tốt, không gây ảnh hưởng nhiều. Nếu ghép thần kinh có nơi lan được, có nơi không lan được sẽ mất cảm giác một số nơi, nhưng bệnh nhân vẫn đạt được chức năng vận động tốt.

Về chức năng sau phẫu thuật, đa phần những người lớn tuổi hết sụn tiếp hợp thì ngón tay không dài ra nữa. Đối với trẻ em vẫn còn sụn tiếp hợp, nên khi lớn lên ngón tay vẫn phát triển phù hợp với độ tuổi và bàn tay của bé.

8. Những điều cần lưu ý sau phẫu thuật ghép ngón chân lên làm ngón tay để nhanh hồi phục?

BS có thể cho biết, sau khi ghép, bệnh nhân cần được chăm sóc, tập luyện thế nào để vết thương mau lành, nhanh chóng lấy lại chức năng cầm nắm của bàn tay?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Tương tự như bất kỳ loại phẫu thuật nào khác, phẫu thuật cần đi kèm với phục hồi chức năng. Nếu chỉ phẫu thuật sẽ chỉ mới đạt được một nửa quá trình điều trị.

Sau mổ, bệnh nhân không tự tập, không có sự can thiệp của vật lý trị liệu thì việc phẫu thuật chỉ đạt được những chức năng cơ bản, không cử động như ngón tay bình thường được.

Trong phẫu thuật chuyển ngón chân lên bàn tay, nếu kết hợp xương vững chắc, sau mổ 1 ngày bệnh nhân có thể vận động - tập luyện ngay, để gân cơ phục hồi tốt hơn. Nếu kết hợp xương không vững chắc (vị trí kết hợp xương bung ra, cần cố định một thời gian), thì ngay sau khi rút các phương tiện cố định ra, bệnh nhân cũng cần phải tập sớm.

Nếu không tập, khả năng vận động của người bệnh sẽ gặp phải các vấn đề: dính gân, cứng khớp, các mô mềm bị ảnh hưởng. Nói tóm lại, ngay sau phẫu thuật chuyển ngón chân lên bàn tay, bệnh nhân cần tập vật lý trị liệu ngay và thời gian cụ thể tùy thuộc vào các tình huống nói trên.

9. Sau phẫu thuật ghép ngón, bao lâu người bệnh có thể sinh hoạt bình thường?

Thường thì sau phẫu thuật bao lâu, người bệnh có thể làm các động tác sinh hoạt cá nhân, bao lâu sau thì trở lại công việc ạ?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Tùy vào mức độ lành xương của người bệnh. Sau khi chuyển ngón chân lên làm ngón tay, nếu kết hợp xương vững chắc, sau 1-2 tháng bệnh nhân gần như cử động được cơ bản, có thể tự sinh hoạt cá nhân. Nếu kết hợp xương không vững chắc, quá trình lành xương lành chậm, thời gian có thể kéo dài hơn, từ 3-6 tháng. Tuy nhiên, hiện nay kỹ năng thực hiện đã tốt hơn, vì vậy trung bình 3-4 tháng người bệnh có thể sinh hoạt bình thường, nếu hoạt động mạnh thì cần trên 1 năm.

10. Ghép ngón chân của người thân được không?

Một người cha có con bị tai nạn mất toàn bộ ngón tay trỏ, đã hỏi AloBacsi rằng ông muốn tặng 1 ngón tay của mình để ghép cho con thì có được không? Nhờ BS giải đáp.

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Đây là tình huống rất nhiều người bệnh đã hỏi BS. Thực tế, đối với việc ghép ngón của người khác không phải gặp khó khăn về mặt kỹ thuật, mà là sau khi mổ người bệnh phải sử dụng thuốc chống thải ghép gần như cả đời, đây sẽ là hành trình rất dài. Trong khi đó, phẫu thuật chuyển ngón chân lên làm ngón tay của người bệnh sẽ phù hợp, thuận lợi hơn và không ảnh hưởng đến chức năng, thẩm mỹ của ngón chân.

11. Vì sao có người sau khi ghép ngón không lấy lại được cảm giác, không cử động được?

Có trường hợp nào ngón chân sau khi được ghép lên bàn tay không có cảm giác, không cử động được, mặc dù bệnh nhân vẫn chăm sóc, tập luyện chăm chỉ không ạ? Trường hợp đó có cách nào khắc phục?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Thực tế vẫn có trường hợp không cử động được sau phẫu thuật ghép ngón chân lên làm ngón tay. Bởi vì điều này còn phù thuộc vào nhiều yếu tố như tổn thương của người bệnh, bệnh lý nền kèm theo, ngoài việc chăm chỉ tập luyện, vật lý trị liệu thì còn có hệ thống gân, cơ và phần mềm.

Một số trường hợp tập luyện vẫn dính gân hoặc gân tại vị trí đó bị liệt thần kinh, cơ bị tổn thương hết thì bệnh nhân có thể không cử động được như ban đầu. Tuy nhiên, về mặt chức năng người bệnh vẫn đạt được chức năng cơ bản trong sinh hoạt.

12. Ghép ngón chân lên làm ngón tay, nên hay không?

BS có lời khuyên dành cho những người chẳng may bị mất ngón tay, vẫn còn đang băn khoăn trước việc phẫu thuật ghép ngón chân?

BS.CK2 Nguyễn Cao Viễn trả lời: Trước khi quyết định phẫu thuật, người bệnh có rất nhiều băn khoăn. Trong số đó có nhiều trường hợp người bệnh không dám thực hiện phẫu thuật ghép ngón chân lên làm ngón tay vì lo sợ, nếu lấy 1 hoặc 2 ngón chân lên sẽ ảnh hưởng, tổn thương thêm đến chức năng của bàn chân.

Tuy nhiên, thực tế thì phẫu thuật này không gây ảnh hưởng đến chức năng bàn chân. Người bệnh vẫn có thể đi lại, làm việc bình thường. Trong khi đó, bàn tay thực hiện rất nhiều chức năng, từ cầm nắm đến sinh hoạt... Đối với bàn chân, về thẩm mỹ chúng ta có thể cải thiện bằng cách mang giày, dép. Hơn nữa, khi lấy một ngón chân lên làm ngón tay, phẫu thuật viên sẽ khâu khép lại nên phần lớn sẽ không ảnh hưởng nhiều về thẩm mỹ.

Hiện nay, tại Việt Nam kỹ thuật vi phẫu phát triển rất tốt, đặc biệt kỹ năng và kinh nghiệm của phẫu thuật viên được nâng cao nên tỷ lệ thành công cao. Đã có trường hợp bác sĩ bị mất các ngón tay, sau khi chuyển ngón chân lên làm ngón tay vẫn có thể quay trở lại công việc phẫu thuật, tức là làm được các thao tác đòi hỏi sự tinh tế, không ảnh hưởng đến nghề nghiệp. Đây là một bước tiến lớn mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.

Vì vậy, người bệnh không nên quá lo ngại và băn khoăn về việc mất chức năng vận động bàn chân sau khi thực hiện phẫu thuật chuyển ngón chân lên làm ngón tay.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X