Hotline 24/7
08983-08983

Phục hồi sau đột quỵ, những yếu tố nào quyết định?

Thưa TS.BS Trần Chí Cường, những yếu tố nào tiên lượng khả năng phục hồi sau đột quỵ? Mong BS giải đáp.

TS Cường ơi, em có 3 điều thắc mắc muốn hỏi như sau:

- Điều gì sẽ xảy ra sau khi một người bị đột quỵ?

- Điều gì xảy ra trong giai đoạn hồi phục của bệnh nhân đột quỵ?

- Những yếu tố nào tiên lượng khả năng phục hồi hoàn toàn sau đột quỵ?

Chân thành cảm ơn TS đã dành thời gian giải đáp giúp em.

(Bạn đọc Đỗ Huy Thịnh - 0634875…)

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào Huy Thịnh,

- Khi một người bị đột quỵ có nghĩa là tế bào não bị ngừng cung cấp oxy do mạch máu bị tắc nghẽn hay bị vỡ. Nếu vùng tế bào não nhỏ bệnh nhân sẽ có những triệu chứng đột quỵ nhẹ. Nếu vùng tế bào não lớn, bệnh nhân sẽ có tình trạng đột quỵ nặng, thậm chí tử vong. Tương ứng với việc mạch máu bị sự cố là nhỏ hay lớn. Nếu do mạch máu nhỏ bị tắc nghẽn hay bị vỡ, bệnh nhân có thể bị đột quỵ nhẹ. Nếu do mạch máu lớn bệnh nhân có thể đột quỵ nặng, tàn phế nặng hay tử vong. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tắc nghẽn hay vỡ mạch đã được đề cập.

- Việc phục hồi của bệnh nhân tùy thuộc vào việc phục hồi của hệ tuần hoàn vùng não bị đột quỵ. Nếu tái thông mạch máu tắc kịp thời bệnh nhân có thể giảm được tàn phế và giảm được tỷ lệ tử vong. Nếu mạch máu chảy có kích thước nhỏ tự cầm thì bệnh nhân có thể phục hồi trở lại khi lượng máu chảy ra ngoài lòng mạch tan đi. Nếu mạch máu chảy có kích thước lớn bệnh nhân có thể không qua khỏi hay đòi hỏi phải có những kĩ thuật cầm máu đặc biệt mới có thể cứu sống bệnh nhân. Việc phục hồi cho những bệnh nhân này còn tùy thuộc vào thương tổn thần kinh nhiều hay ít.

Trong giai đoạn phục hồi sau đột quỵ đôi khi bệnh nhân vẫn có thể bị đột quỵ lại nếu nguyên nhân đột quỵ lần trước chưa xử lý triệt để (huyết áp chưa kiểm soát tốt, đường huyết vẫn còn tăng cao, bệnh nhân vẫn hút thuốc lá, mạch máu dị dạng chưa được xử lý, mạch máu hẹp chưa được khai thông). Điều nhấn mạnh là đột quỵ có thể tái phát nhiều lần.

- Những yếu tố tiên lượng khả năng phục hồi sau đột quỵ:

+ Nguyên nhân gây đột quỵ là nguyên nhân gì?

+ Loại đột quỵ xuất huyết hay nhồi máu?

+ Vị trí tổn thương của đột quỵ là vùng não nào?

+ Thời gian từ lúc xảy ra triệu chứng đến khi được điều trị là bao lâu?

+ Điều trị loại bỏ được nguyên nhân gây đột quỵ hay chỉ là điều trị tạm thời?

+ Các cơ quan khác của bệnh nhân có bị tổn thương kèm theo hay không? (tim mạch, hô hấp, chức năng gan - thận).


Nếu đột quỵ do nguyên nhân có thể chẩn đoán, điều trị tốt trong thời gian vàng, vị trí tổn thương não là vùng không quan trọng, bệnh nhân không có bệnh nền kèm theo (suy tim, suy hô hấp, suy gan thận) thì khả năng bệnh nhân phục hồi hoàn toàn là cao nhất. Có những trường hợp đột quỵ nặng do mạch máu lớn nhưng cứu chữa kịp thời, đúng phương pháp, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, không để lại di chứng.

Theo thống kê chung, tỷ lệ đột quỵ gây tử vong, tàn phế nặng khoảng 30%, 30% là tàn phế trung bình, 30% là không để lại di chứng nếu được cứu chữa hợp lý.

Thân mến!


TS.BS Trần Chí Cường
Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM

Bắt đầu từ 1/6 đến hết tháng 12/2018, AloBacsi phối hợp với nhãn hàng NattoEnzym của Công ty Dược phẩm Hậu Giang mở chuyên đề “Không còn nỗi lo đột quỵ” với tiêu chí: tư vấn - giải đáp câu hỏi hàng ngày, tổ chức các chương trình truyền hình trực tuyến, livestreams trò chuyện với bác sĩ về các vấn đề đột quỵ và tổ chức các sự kiện thực tế tại các TP lớn như TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ...

Mời bạn đọc có các thắc mắc về bệnh tim mạch, nội thần kinh, đột quỵ, tai biến... gửi câu hỏi về email: tuvan@alobacsi.vn để được TS.BS Trần Chí Cường, TS.BS Lê Văn Tuấn và ThS.BS Bùi Diễm Khuê tư vấn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X