Hotline 24/7
08983-08983

Phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh cần làm gì để vượt qua tình trạng “khô hạn”?

“Khô hạn” là tình trạng thường gặp ở người phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh, khiến chị em giảm mong muốn chuyện “phòng the”. Vậy làm sao để cải thiện tình trạng này? Thắc mắc này sẽ được TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà - Giảng viên Đại học Y dược TPHCM giải đáp.

1. “Khô hạn” âm đạo ở người phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh là gì?

Tình trạng khô âm đạo, thường gọi là “khô hạn” là một trong những vấn đề khó chịu lẫn khó xử trong giai đoạn tiền mãn kinh của người phụ nữ. Xin BS lý giải vì sao lại có hiện tượng này ạ?

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:

Người phụ nữ sẽ trải qua rất nhiều giai đoạn. Khi họ chuyển từ giai đoạn sinh đẻ sang giai đoạn tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, nội tiết tố nữ giảm, ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, điển hình là hệ niệu dục.

Âm đạo của người phụ nữ được cấu trúc dạng ống, bao phủ bởi nhiều lớp niêm mạc. Nếu chúng ta ở độ tuổi trẻ với nội tiết đầy đủ, âm đạo có khoảng độ 35 lớp niêm mạc. Khi đó, nếu có quan hệ vợ chồng, âm đạo bị trầy đi vài lớp niêm mạc cũng không ảnh hưởng gì quá lớn và người phụ nữ cũng không có cảm giác khó chịu.

Tuy nhiên, khi người phụ nữ đang ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, nội tiết tố giảm, lớp niêm mạc của âm đạo chỉ còn khoảng 3 - 4 lớp và rất mỏng, có thể nhìn thấy mạch máu.

Do đó, khi vợ chồng quan hệ, có sự chà xước ở âm đạo, các mạch máu bị hở, gây chảy máu, tổn thương niêm mạc và dây thần kinh khiến người phụ nữ đau, rát và khó chịu. Khi bị trầy xước như vậy sẽ gây ra tình trạng tiết dịch sau đó là ra huyết trắng gây hôi và đau.

Đặc biệt, việc trầy xước âm đạo cũng ảnh hưởng đến đường tiểu. Bởi giữa âm đạo (đường sinh em bé, hành kinh hoặc quan hệ vợ chồng) và niệu đạo ( đường nước tiểu đi ra) có khoảng cách bằng tờ giấy, nằm sát nhau. Khi người phụ nữ có nhiều lớp niêm mạc sẽ không bị ảnh hưởng nhưng nếu âm đạo bị viêm, trầy xước thì niệu đạo sẽ ảnh hưởng.

Sau khi quan hệ, người phụ nữ sẽ không đi tiểu được hoặc đi tiểu ra máu, đau buốt, rất khó chịu.

Tóm lại, tình trạng nội tiết của người phụ nữ giảm đi ở độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh làm các lớp niêm mạc âm đạo mỏng và khi quan hệ vợ chồng có thể gây các sang chấn, tổn thương, gây đau, rát, chảy máu, tiểu khó và viêm nhiễm.

Đó là những  hậu quả có thể gặp ở những người phụ nữ suy giảm nội tiết độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh.

2. Phương pháp khắc phục khô âm đạo ở người phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh

Gel bôi trơn là một trong những lựa chọn khi phụ nữ bị khô âm đạo nhưng dường như đây chỉ là giải pháp tình thế, ngoài ra, còn có cách nào khác căn cơ hơn không, thưa BS?

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:

Việc sử dụng gel bôi trơn chỉ là một giải pháp tình thế. Để khắc phục tình trạng trên, chúng ta phải bổ sung nội tiết tố estrogen, làm cho lớp niêm mạc dày hơn, mọc lên nhiều hơn.

Khi chúng ta đưa nội tiết tố vào cơ thể dưới dạng toàn thân sẽ có điểm tốt và điểm không tốt. Do đó, thông thường, người phụ nữ sẽ chọn loại nội tiết tố estrogen tại chỗ. Nghĩa là bác sĩ sẽ cho người phụ nữ đặt thuốc ở âm đạo và trong viên thuốc này có chứa estrogen. Loai thuốc này có ưu điểm hơn rất nhiều so với dùng nội tiết toàn thân đó là nó chỉ có tác dụng tại chỗ. Nó sẽ làm lớp niêm mạc mọc lên nhiều hơn, dày hơn và giúp tăng cường độ ẩm.

Như vậy khi quan hệ vợ chồng sẽ không bị khô, rát và không gây tình trạng rối loạn nội tiết niệu sau khi giao hợp.

Đây là chuyện rất khó nói của chị em và nhiều khi bác sĩ họ cũng không dám nói. Vì vậy, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chị em có thể nghe và hiểu được đây là tình trạng có thể gặp, sẽ gặp của những người trong độ tuổi 45 - 55.

Nếu chẳng may gặp những triệu chứng này, chị em nên gặp bác sĩ sản phụ khoa để loại trừ vấn đề bệnh lý nguy hiểm, viêm, nhiễm, ung thư tại vùng cơ quan sinh dục và điều trị bằng nội tiết tố tại chỗ để giải quyết tình trạng khô hạn.

3. Phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh cần bổ sung nội tiết tố gì?

Bổ sung nội tiết tố ngoài việc giảm bớt tình trạng khô âm đạo, còn đem lại những lợi ích gì cho phụ nữ tiền mãn kinh nữa ạ? Phụ nữ giai đoạn này cần bổ sung nội tiết tố và dưỡng chất gì?

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:

Khi phụ nữ vào tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh sẽ có tình trạng suy giảm nội tiết tố gây ảnh hưởng rất nhiều cơ quan. Khi đó, chị em có thể bổ sung nội tiết tố tại chỗ hoặc chọn một số thuốc có nguồn gốc từ thảo dược trong đó có các estrogen tự nhiên.

Khi sử dụng, thảo dược sẽ phù hợp với sức khỏe, chuyển hóa cơ thể và ít bị tác dụng phụ so với các loại nội tiết tổng hợp. Trong những trường hợp nặng, người phụ nữ trầm cảm tới mức muốn tự tử thì phải sử dụng thuốc với liều lượng cao hơn. Các bác sĩ sẽ có các loại thuốc để hỗ trợ cho người phụ nữ tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh.

Ngoài việc dùng thuốc, chế độ bổ sung trái cây, rau xanh, uống nhiều nước cũng có thể bổ sung thêm các vitamin C, vitamin E, kẽm, sắt, mangan, đồng. Các bạn cũng có thể dùng 1 viên vitamin dạng tổng hợp và kết hợp việc tập thể dục thể thao.

Như vậy thuốc, chế độ ăn, chế độ sinh hoạt, thể dục thể thao và các mối quan hệ xã hội liên kết với nhau để giúp chị em có cuộc sống tốt hơn, chất lượng cuộc sống cao hơn.

4. Phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh bị “khô hạn” đừng cố gắng chịu đựng

Cũng nhiều chị em khi biết mình có cơn bốc hỏa, cho rằng đây là chuyện "rồi sẽ đến, rồi sẽ qua" trong cuộc đời người phụ nữ mà không đi khám bệnh. Theo BS, điều này có đúng không?

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:

Bốc hỏa là triệu chứng rất thường gặp ở những người phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh do suy giảm nội tiết tố nữ, gây khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của họ.

Ví dụ, khi nóng các chị em sẽ dùng máy lạnh, quạt để giải nhiệt nhưng sau khoảng 2-5 phút bắt đầu chuyển sang cơn lạnh run. Cảm giác này làm cho người phụ nữ phải trùm mền nhưng chưa kịp ngủ thì lại có cơn nóng bừng bừng, phải thức giấc để bật quạt, máy lạnh. Cứ liên tục như vậy trong đêm khiến các chị em mất giấc ngủ và chào đón ngày mới với tâm trạng mệt mỏi, không muốn làm việc.

Vì vậy, khi chị em có triệu chứng của cơn bốc hỏa như cảm giác nóng từ ngực lan lên cổ, lên vai, mặt, lên tới đầu thì bạn nên đi khám.

Các bác sĩ sẽ có các phương tiện, phương pháp xác định có phải bạn đang bước vào giai đoạn tiền mãn kinh không, có nên điều trị và mức độ điều trị như thế nào cho hợp lý. Chị em có thể giải quyết tình trạng này và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn.

Khi các chị em cố gắng chịu đựng sẽ dễ cáu gắt khiến chồng con xa lánh và bạn cảm thấy cô đơn. Vì vậy, chị em cần chăm sóc cho bản thân và mối quan hệ trong gia đình tốt thì chất lượng cuộc sống cũng cải thiện hơn.

Các bác sĩ phương Tây rất ngạc nhiên khi thấy người phụ nữ Việt Nam chịu đựng tình trạng bệnh thời gian dài. Ở nước ngoài, người phụ nữ được khám và theo dõi sức khỏe định kỳ và họ thường mở lòng hơn người phụ nữ châu Á.

5. Người chồng phải hiểu và thông cảm cho vợ trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh

Lời nhắn nhủ của BS dành cho các quý ông có vợ đang trong thời kỳ “khô hạn”, để họ thông cảm và trân trọng người phụ nữ của mình hơn?

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hà:

Người phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh không chỉ thay đổi về thể chất mà tâm lý cũng bị ảnh hưởng. Có nhiều chị em bị giống như một dạng thần kinh, trầm cảm, lúc vui lúc buồn, tự nhiên khóc. Khi đó, chồng là người chịu đựng rất nhiều.

Khi điều trị cho người phụ nữ đang giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh, các bác sĩ muốn mời người chồng vào cùng nói chuyện, để người đàn ông hiểu được đây là vấn đề người phụ nữ không mong muốn.

Người phụ nữ đang rất khổ và khó chịu, mong được người chồng hiểu và thông cảm. Bởi người phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh rất cô đơn vì nhiều chồng né tránh, con không tiếp xúc.

Một số cặp vợ chồng chung sống với nhau hòa thuận nhưng đến giai đoạn này lại cãi nhau, ly dị vì vì người phụ nữ không muốn quan hệ. Khi người phụ nữ không muốn quan hệ, người chồng sẽ nghĩ vợ mình có mối quan hệ khác bên ngoài và không biết người vợ đang có sự thay đổi. Khi đàn ông không được quan hệ lâu ngày, họ sẽ tìm người khác để giải quyết nhu cầu.

Từ đó, phát sinh những vấn đề xã hội không mong muốn.

Khi gặp các bác sĩ, những người chồng cũng hiểu được mỗi khi quan hệ là sự chịu đựng của người phụ nữ. Bởi sau đó, người phụ nữ bị đau, rát, chảy máu và đi tiểu không được.

Các bác sĩ cũng sẽ hỗ trợ chị em giảm trình trạng “khô hạn”, tăng nhu cầu quan hệ. Người phụ nữ cũng nên chia sẻ, tâm sự nhiều hơn với chồng để hai vợ chồng hiểu nhau hơn.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X