Hotline 24/7
08983-08983

Phòng trị giun đũa, giun kim

Giun đũa rất hay gặp ở người lớn và trẻ em nước ta. Trẻ em nhiễm giun đũa nhiều hơn người lớn, lứa tuổi nhiễm cao nhất là 5-9 tuổi. Không có sự khác nhau giữa nam và nữ.

10-25-23_gk1

Giun đũa ký sinh trong ruột non của người. Từ giun đũa ký sinh trong ruột non sẽ sinh ra trứng bài xuất theo phân ra ngoài, trứng phát triển thành trứng có ấu trùng, trứng nhiễm lại vào người nào nuốt phải, ấu trùng thoát ra khỏi vỏ trứng rồi chui qua thành ruột và theo tĩnh mạch cửa lên gan, tim rồi đến phổi, ấu trùng chui qua thành phế nang lên phế quản rồi đến hầu, ấu trùng tiếp đó theo thực quản xuống ruột non và phát triển thành giun đũa trưởng thành.

Triệu chứng của bệnh giun đũa như sau: Giai đoạn ấu trùng giun - gây viêm phổi dị ứng (ho khan, sốt nhẹ). Giai đoạn giun trưởng thành - rối loạn tiêu hoá với các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, đau vùng bụng trên, đau quanh rốn. Chán ăn, ăn không ngon miệng, không thấy đói. Các triệu chứng viêm ruột mạn tính là táo bón, tiêu chảy xen kẽ, bất thường, kéo dài. Mức độ rối loạn tiêu hoá phụ thuộc vào số lượng giun đũa trong ruột.

Vì tác hại rất lớn của bệnh giun đũa cho nên thỉnh thoảng cần đi làm xét nghiệm giun đũa (xét nghiệm tìm trứng trong phân). Khi có biến chứng cần siêu âm đường mật, chụp X-quang, kiểm tra phản ứng miễn dịch huỳnh quang…).

Để điều trị có thể tự mua thuốc phổ rộng để tẩy đồng thời nhiều loại giun bằng một liều duy nhất. Trường tiểu học nên tổ chức tẩy giun đồng loạt cho học sinh. Nếu phối hợp trừ cả giun đũa, giun tóc và giun móc có thể dùng thuốc albendazole 400mg/ngày x 3 ngày, hoặc dùng thuốc mebendazole 500mg/ngày x 3 ngày. Còn có thể dùng thuốc pyrantel pamoate theo chỉ định của bác sĩ (theo PGS Nguyễn Văn Đề).

Giun kim là loài giun tròn ký sinh trong ruột người. Giun kim cũng rất phổ biến ở Việt Nam. Tỷ lệ nhiễm cao nhất ở trẻ em, thành phố cao hơn nông thôn, nữ cao hơn nam.

Chẩn đoán giun kim bằng cách soi phân (giun bám trắng ở rìa phân), dán giấy bóng kính vào hậu môn buổi sáng sớm, soi kính hiển vi thấy trứng giun kim…

Điều trị phải kết hợp chặt chẽ với phòng bệnh để đề phòng tái nhiễm. Nơi nào cả tập thể có tỷ lệ nhiễm giun kim cao cần điều trị hàng loạt cho cả tập thể. Có thể dùng thuốc Mebendazole với một liều duy nhất 500mg cho cả người lớn và trẻ em, nhắc lại sau 1 tháng với cung liều như vậy. Để điều trị có hiệu quả cần rửa hậu môn cho trẻ vào buổi tối và buổi sáng.

Không nên cho trẻ cởi truồng hoặc mặc quần thủng đít. Không cho trẻ lê la trên nền đất bẩn. Cắt móng tay, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi ngoài. Thường xuyên giặt giũ và phơi nắng quần áo, chăn chiếu (theo PGS Nguyễn Văn Đề).

Theo GS Nguyễn Lân Dũng - Nông nghiệp Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X