Hotline 24/7
08983-08983

TS.BS Võ Thành Toàn: Phòng tránh tai nạn trong sinh hoạt và lao động bằng cách nào?

Tai nạn trong sinh hoạt và lao động luôn tiềm ẩn trong cuộc sống hằng ngày, ảnh hưởng đến mọi đối tượng trong xã hội. Vậy làm sao để phòng tránh những tai nạn này? TS.BS Võ Thành Toàn - Trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Thống Nhất sẽ giải đáp trong bài tư vấn dưới đây.

TS.BS Võ Thành Toàn - Trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Thống Nhất TS.BS Võ Thành Toàn - Trưởng khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Thống Nhất

Có bao nhiêu nhóm tai nạn?

Bệnh viện Thống Nhất là một trong những bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bị tai nạn trong lao động và sinh hoạt. BS có thể cho biết con số thống kê của những năm qua không ạ?

TS.BS Võ Thành Toàn trả lời:

Trong 5 năm qua, Bệnh viện Thống Nhất cũng như khoa Chấn thương Chỉnh hình đã tiếp nhận khoảng 1.000 ca về tai nạn lao động và 1.000 ca về tai nạn sinh hoạt.

Các tai nạn sinh hoạt từ nhẹ nhất như té ngã, chấn thương phần mềm, sưng đau khớp đến các tai nạn sinh hoạt nặng như gãy cổ xương đùi, chấn thương-xẹp các đốt sống, thậm chí tử  vong vì các biến chứng như bệnh nhân nằm lâu gây viêm phổi, loét do tì đè cũng bắt đầu từ các tai nạn sinh hoạt.

Bệnh viện Thống Nhất nằm ngay ngã tư Bảy Hiền, là khu vực có nhiều cơ sở sản xuất tư nhân về may dệt và các ngành tiểu thủ công nghiệp khác nên có khá nhiều ca tai nạn lao động như kim khâu găm vào tay, máy cuốn/ dập bàn tay/ cánh tay/ bàn chân…

Gần đây chúng tôi tiếp nhận một trường hợp tai nạn lao động khá đặc biệt. Bệnh nhân nữ, hơn 40 tuổi, buổi sáng tiến hành xay thịt thì máy xay bị tắc, bệnh nhân đưa tay vào máy đẩy khối thịt xuống, không may tay bị trôi xuống và cuốn vào máy, toàn bộ vùng bàn tay, cẳng tay bệnh nhân bị máy xay cuốn vào.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cánh tay bệnh nhân gắn với máy xay thịt, bị sốc và mất máu. Chúng tôi đã tiến hành hồi sức, nhanh chóng hội chẩn khoa phòng, sau đó tiến hành tháo bỏ máy xay thịt và bảo tồn, phục hồi một phần chức năng của bàn tay. Sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã ra viện với một phần bàn tay được phục hồi và trở về sinh hoạt đời thường.

Xin BS cho biết các tai nạn được phân nhóm như thế nào? Những tai nạn này có gắn liền với những mùa hay sự kiện trong năm không?

TS.BS Võ Thành Toàn trả lời:

Có nhiều cách phân loại, nhưng cách phân loại thường gặp nhất là 4 nhóm: tai nạn do lao động, tai nạn do sinh hoạt, tai nạn do giao thông, tai nạn do các nguyên nhân khác. Các nhóm tai nạn này có thể có liên quan đến mùa hoặc những dịp đặc biệt.

Tai nạn lao động thường xảy ra ở những đối tượng đang trong độ tuổi lao động.

Ví dụ, dịp lễ tết, các cơ sở sản xuất thường tăng ca, dễ gây tình trạng người lao động không tỉnh táo và dẫn đến các tai nạn trong lao động. Hoặc những dịp này nhiều gia đình dọn dẹp, nấu nướng dễ bị các tai nạn sinh hoạt. Hay khi đội tuyển bóng đá Việt Nam giành chiến thắng trong một số mùa giải, nhiều cổ động viên quá khích tổ chức đua xe, lạng lách gây một số vụ tai nạn thương tâm và đáng tiếc.

Gần đây, khi kiểm tra nồng độ cồn ở các phương tiện tham gia giao thông, chúng tôi thấy tai nạn do giao thông đã giảm rõ rệt, hơn ¾ so với cùng thời điểm những năm về trước. Tuy nhiên, sau khi nới lỏng kiểm tra nồng độ và sau nới lỏng giãn cách xã hội do COVID-19 thì xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Gần đây, tuần nào chúng tôi cũng tiếp nhận 3-5 ca tai nạn đa chấn thương, gãy nhiều xương, dập các cơ quan nội tạng, có bệnh nhân không thể vượt qua được.

Độ tuổi nào dễ xảy ra tai nạn?

Theo BS, để phòng tránh tai nạn, những lứa tuổi nào hay nhóm nghề nghiệp gì cần lưu tâm nhiều nhất?

TS.BS Võ Thành Toàn trả lời:

Với tai nạn lao động, lứa tuổi lao động dễ gặp tai nạn nhất. Ngoài vấn đề biết phòng tránh thì cần được huấn luyện về nghề nghiệp, huấn luyện về an toàn lao động, phổ biến các kiến thức cần thiết. Đặc biệt không nên gắng sức trong những trường hợp không còn tỉnh táo vì quá mệt mỏi hoặc đang sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng đến sự tập trung.

Tai nạn giao thông xảy ra ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên lứa tuổi chưa quá thanh thiếu niên đến trung niên có nguy cơ cao nhất nếu không tuân thủ các quy định an toàn hoặc thiếu lơ là, quan sát sẽ xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Trong nhà có trẻ nhỏ, cần lưu ý điều gì để tránh xảy ra tai nạn ạ? Với gia đình có người cao tuổi thì cần lưu ý điều gì để an toàn cho các cụ?

TS.BS Võ Thành Toàn trả lời:

Người già và trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị các tai nạn.

Với trẻ nhỏ chưa ý thức được những hành động tự bản thân các cháu đang làm gây nguy hiểm. Để phòng tránh, gia đình nên tránh các góc nhọn, sắc cạnh gây nguy cơ té ngã cho các cháu, đặc biệt là ban công, cửa. Bên cạnh đó, các ổ cắm điện nên được che chắn, tránh để các cháu thò tay hoặc đưa các que sắt vào. Bố mẹ nên để để ý bàn ủi còn nóng không để con cái sờ vào. Nhiều trường hợp các bé bị bỏng tay gây xơ cứng các gân cũng do bàn ủi mà ra.

Phụ huynh nên quan tâm đến môi trường sinh hoạt của con cái, tránh các trường hợp té ngã hoặc tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Người già và trẻ em là hai đối tượng dễ bị tai nạn trong sinh hoạt

Người già cũng dễ bị tai nạn sinh hoạt. Bởi thị lực người già thường kém gây ảnh hưởng đến tầm nhìn và quan sát. Thứ hai, người cao tuổi thường có một số bệnh lý nền liên quan đến tai nạn như bệnh Parkinson, Alzheimer, teo cơ, cứng khớp, thoái hóa khớp gây ảnh hưởng đi lại, dễ té ngã gây gãy xương đùi, xương cánh tay…

Bên cạnh đó, người già thường có các bệnh cần sử dụng thuốc. Có một số loại thuốc gây ảo giác, mất tập trung, thậm chí ngủ gà, lơ mơ. Điều này cũng dễ gây tai nạn sinh hoạt như té ngã, sặc thức ăn vào phổi gây viêm phổi hít.

Một số người dễ bị tai nạn khi đã có sẵn bệnh lý, đó là những bệnh gì, thưa BS?

TS.BS Võ Thành Toàn trả lời:

Trước khi tham gia lao động cần phải được kiểm tra sức khỏe để xác định liệu có phù hợp với ngành nghề làm việc, đồng thời được huấn luyện các kỹ năng về nghề nghiệp cũng như an toàn lao động. Nếu mắc một số khiếm khuyết hoặc bệnh lý về hệ cơ xương khớp, tim mạch, thần kinh  thì không thể tham gia lao động.

Ví dụ nếu bị sa sút trí tuệ, giảm trí nhớ thì không thể tham gia các công việc điều khiển máy móc hay các phương tiện giao thông. Hoặc mắc một số bệnh lý như thoái hóa khớp, xơ cứng khớp, dị tật cơ quan vận động cũng không thể tham gia các công việc đặc trưng sử dụng các cơ quan vận động khéo kéo, tinh xảo.

Đối với người lớn tuổi, những bệnh như thoái hóa khớp gây cứng khớp, đi lại đau, khó khăn dễ làm người bệnh té ngã nếu không sử dụng các dụng cụ hỗ trợ. Hay người bệnh tiểu đường dễ bị tổn thương dây thần kinh ngoại biên gây mất cảm giác và dễ bị bỏng, vật sắc nhọn đâm vào chân… Do đó, mỗi bệnh lý khác nhau có cách phòng ngừa tai nạn khác nhau.

TS.BS Võ Thành Toàn thăm ca bệnh tai nạn lao động khiến bệnh nhân bị mất nguyên bàn tay phảiTS.BS Võ Thành Toàn thăm ca bệnh tai nạn lao động khiến bệnh nhân bị mất nguyên bàn tay phải

Những loại thuốc nào có thể góp phần ảnh hưởng tai nạn?

Khá nhiều loại thuốc khi uống mọi người phải tránh không được lái xe hay vận hành máy móc. Tuy nhiên, không phải ai cũng đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc và làm theo. Nhân dịp này, nhờ BS khái quát một số nhóm thuốc thông dụng mà người dân cần lưu ý khi sử dụng, để giúp hạn chế tai nạn?

TS.BS Võ Thành Toàn trả lời:

Một số nhóm thuốc, đặc biệt là nhóm thuốc tác động hệ thần kinh trung ương ảnh hưởng đến việc tập trung cũng như tốc độ phản xạ, do đó sẽ gây một số tai nạn cần đến sự tập trung. Ví dụ, nhóm thuốc an thần, đặc biệt là nhóm thuốc gây ngủ có thể gây gà gật, lơ mơ có thể gây tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động do phản xạ chậm.

Nhiều loại thuốc ảnh hưởng đến sự tập trung, gián tiếp gây nên một số tai nạn

Bên cạnh đó, nhóm thuốc chống viêm giảm đau có morphin làm mất sự tập trung và đôi khi gây ảo giác, rối loạn thị giác.

Nhóm thuốc điều trị trầm cảm, trị ho, chống nôn, chống say tàu xe có kháng histamine. Nếu kháng histamine chọn lọc sẽ không gây buồn ngủ; nhưng với kháng histamine thế hệ cũ, không chọn lọc gây buồn ngủ…

Nhóm thuốc điều trị thần kinh như Gabapentin gây tác dụng buồn ngủ.

Do đó, bệnh nhân cần khai nghề nghiệp cũng như giờ giấc làm việc để hoàn thành công việc. Đồng thời trước khi sử dụng thuốc cần đọc kỹ hướng dẫn cách sử dụng và nghe tư vấn của bác sĩ.

Theo BS Võ Thành Toàn, vào mỗi dịp lễ hội đăc biệt, số ca tai nạn lao động và sinh hoạt đều tăng lên đáng kểTheo BS Võ Thành Toàn, vào mỗi dịp lễ hội đăc biệt, số ca tai nạn lao động và sinh hoạt đều tăng lên đáng kể

BS cho biết thêm là với những nhóm thuốc kể trên, sau bao lâu thì thuốc hết tác dụng và người bệnh có thể trở lại làm việc, sinh hoạt bình thường ạ?

TS.BS Võ Thành Toàn trả lời:

Trong toa thuốc có thông tin thời gian bán hủy thuốc, tuy nhiên tùy thuộc vào cơ địa bệnh nhân cũng như các bệnh nhân nhân mắc phải như tổn thương chức năng gan thận thì thời gian thải thuốc chậm hơn nhiều so với các bệnh nhân khác.

Vì vậy hãy tham khảo lời khuyên của bác sĩ cũng như lắng nghe cơ thể mình để có hành động đúng mức.

Tai nạn trong nhà bếp cũng là vấn đề cần lưu ý. Theo BS, để việc bếp núc an toàn thì gia chủ cần lưu ý điều gì ạ?

TS.BS Võ Thành Toàn trả lời:

Gần đây các dụng cụ nhà bếp đã tiến bộ và hiện đại hơn rất nhiều, có những tiêu chuẩn đáp ứng người sử dụng. Tuy nhiên nên làm trong tình trạng tỉnh táo. Khi đã mệt mỏi nên nghỉ ngơi, đừng nên cố làm, bởi tai nạn thường xảy ra khi gắng sức.

Những tai nạn nhẹ như tổn thương bàn tay, đứt tay chúng tôi có thể xử lý được và phục hồi chức năng, nhưng những tai nạn với máy ép, máy xay… thực sự chúng tôi không thể đưa bệnh nhân về tình trạng trước khi xảy ra và ảnh hưởng chức năng hoạt động về sau của người bệnh.

Sơ cứu khi gặp tai nạn

Cách xử trí khi bị tai nạn sinh hoạt?

TS.BS Võ Thành Toàn trả lời:

Có nhiều trường hợp sơ cứu sai cách dẫn đến tổn thương trầm trọng hơn. Ví dụ đưa tay vào máy xay, máy ép, rồi quay ngược trở lại gây tổn thương, dập nát nặng hơn; một số mô đáng lẽ giữ được thì cuối cùng phải cắt bỏ.

Một số trường hợp sơ cứu đơn giản như bỏng, việc đầu tiên nên rửa bằng nước lạnh, sau đó đưa vào cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục xử lý, nếu nặng nên đến bệnh viện tuyến lớn, không nên coi thường những vết thương hay tổn thương nhỏ, bởi xử lý không phù hợp sẽ trở thành những tổn thương đáng tiếc.

Xả nhẹ nước mát khi không may bị bỏng là bước sơ cứu đầu tiên khi bị bỏng

Theo nghiên cứu của chúng tôi trong 5 năm qua, tai nạn sinh hoạt và loa động đang tăng lên, có thể do năng suất và cường độ lao động ngày càng cao, nhưng bên cạnh đó, vấn đề đào tạo đội ngũ cũng như ý thức vệ sinh an toàn lao động cần đi kịp với tốc độ sản xuất.

Nhiều hộ sản xuất gia đình, kinh doanh nhỏ lẻ thiếu sự quan tâm đến an toàn lao động, do đó xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Sự bận rộn của người trẻ, người già sống thọ hơn, điều kiện xã hội về trung tâm dưỡng lão chưa phát triển làm cho những người lớn tuổi dễ bị tai nạn sinh hoạt, đặc biệt là nguy cơ té ngã.

Người dân, đặc biệt là người lớn tuổi nên khám sức khỏ định kỳ để được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, bộ phận đang độ tuổi lao động cần được huấn luyện về an toàn lao sđộng và kỹ năng nghề nghiệp.

Xin cảm ơn BS.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X