Hotline 24/7
08983-08983

Phình giáp có nhân lành tính đã phẫu thuật nhưng tái phát, phải làm sao?

TS.BS.CK2 Trần Thanh Phương - Trưởng khoa Ngoại 3, Bệnh viện Ung bướu TPHCM tư vấn trường hợp phình giáp có nhân lành tính đã phẫu thuật nhưng tái phát, và nếu cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp thì có cho con bú được không?

Tại buổi sinh hoạt “Câu lạc bộ trò chuyện cùng bác sĩ chuyên khoa” ngày 28/8 do Bệnh viện Ung bướu TPHCM với chuyên đề: “Ung thư tuyến giáp - Gặp nhiều nhưng dễ chữa lành”, một nữ bệnh nhân hỏi:

Tôi bị phình giáp có nhân, lành tính, đã phẫu thuật 10 năm trước. Năm nay tôi 27 tuổi, bị khó thở, nghẹn cổ, đi khám lại thì BS nói bị phình giáp đa nhân 2 thùy, có 1 nhân ở bên phải. Tôi đang chờ kết quả sinh thiết. Xin hỏi BS nguyên nhân tại sao tôi bị tái phát, và các bước điều trị tiếp theo như thế nào?

Và sau khi cắt bỏ tuyến giáp, phải uống thuốc nội tiết, có cho con bú được không, thưa bác sĩ?

TS.BS.CK2 Trần Thanh Phương - Trưởng khoa Ngoại 3, Bệnh viện Ung bướu TPHCM trả lời:

Tuyến giáp làm nhiệm vụ tiết ra nội tiết tố cho cơ thể, nếu chúng ta hủy nó đi, cơ thể sẽ thiếu hụt nội tiết tố này. Nhưng khi bản thân cơ quan nội tiết này có vấn đề thì buộc phải xử lý.

Tuyến giáp có 2 bên, tiền căn lúc trước chị đã mổ một bên rồi, hiện giờ tái phát ở bên còn lại. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa biết nguyên nhân tái phát là gì.

Khi tái phát, việc quan trọng là phải xác định lành hay ác? Chính vì vậy bác sĩ đã cho chị làm chọc hút tế bào bằng kim nhỏ để xét nghiệm (sinh thiết). Nếu xác định ác tính thì bác sĩ khuyên chị nên mổ để giải quyết ung thư. Nếu kết quả lành tính thì không bắt buộc phải mổ mà có thể uống thuốc và theo dõi. Việc mổ hay không trong trường hợp này phụ thuộc nhiều yếu tố: bướu có chèn ép không, có gây mất thẩm mỹ không, mong muốn của bệnh nhân thế nào…

Mổ xong có uống thuốc hay không phụ thuộc vào việc bác sĩ có lấy hết mô tuyến giáp hay không. Nếu lấy hết toàn bộ tuyến giáp, thì sẽ không bao giờ bị tái phát nhưng chị sẽ bị thiếu hụt nội tiết tố của tuyến giáp, thay vào đó sẽ uống thuốc nội tiết suốt đời.

Nếu chỉ phẫu thuật cắt 1 phần tuyến giáp bỏ đi, giữ lại một phần thì chức năng tuyến giáp vẫn còn, có thể không cần uống thuốc suốt đời. Nhưng khi chừa lại một phần để duy trì hoạt động nội tiết thì lại có nguy cơ tái phát tiếp tục. Đây là bài toán khó không chỉ với người bệnh mà với các bác sĩ nữa.

Sau khi “nhà máy” tuyến giáp bị phá hủy, cơ thể sẽ thiếu hụt nội tiết tố, rơi vào tình trạng suy giáp thì viên thuốc bướu cổ (thuốc nội tiết) sẽ trả bệnh nhân về cuộc sống bình thường. Nhờ uống thuốc mới đạt được tình trạng bình giáp, chị trở lại là người khỏe mạnh, không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt hay lập gia đình, sinh sản, cho con bú… tất cả đều bình thường. Vì vậy bệnh nhân nên yên tâm theo phác đồ điều trị của bệnh viện.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X