Hotline 24/7
08983-08983

Phẫu thuật giảm đau trong điều trị bệnh ung thư, hiệu quả đến mức độ nào?

85% bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đều có đau ở các mức độ khác nhau, gây ảnh hưởng cả thể chất lẫn tinh thần. Cách nào giảm đau hiệu quả? Phẫu thuật giảm đau trong điều trị bệnh ung thư mang lại lợi ích gì cho người bệnh? TS.BS.CK2 Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đã giải đáp các thắc mắc này trong bài viết dưới đây.

1. Vì sao bệnh nhân ung thư bị đau?

Đầu tiên xin được hỏi bác sĩ: Đau do ung thư nguyên nhân do đâu? Các mức độ đau ở bệnh nhân ung thư ra sao ạ?

TS.BS.CK2 Đặng Huy Quốc Thịnh trả lời: Khi nhắc đến ung thư, phần lớn bệnh nhân đều sợ cảm giác đau. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) 85% bệnh nhân ung thư đều có đau, đặc biệt đau diễn ra từ mức độ trung bình đến nặng đối với người bệnh giai đoạn cuối. Như vậy, đau trong ung thư là một thực thể mà các bác sĩ và bệnh nhân phải đối mặt.

Có rất nhiều nguyên nhân gây đau. Chẳng hạn như đau do khối bướu chèn ép hệ thần kinh, chèn ép lên các tạng lân cận, sau đó những khối bướu này tiết ra những chất có thể gây đau. Trong chuyên môn chia đau do ung thư thành nhiều loại khác nhau:

- Đau có nguồn gốc từ thần kinh.

- Đau có nguồn gốc từ những thụ cảm khác nhau trong cơ thể.

Việc phân loại này sẽ giúp các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị giảm đau phù hợp nhất. Hiện nay có rất nhiều phương cách điều trị giảm đau do ung thư như thuốc (dạng uống, dạng chích), giải pháp hỗ trợ đi kèm (tâm lý). Ngoài ra, người ta cũng có thể phối hợp với hóa trị triệu chứng hoặc xạ trị để giảm đau. Bên cạnh đó, người ta cũng có thể sử dụng phẫu thuật như một giải pháp giúp kiểm soát đau hiệu quả cho người bệnh.

2. Làm sao phân biệt đau do ung thư hay do bệnh lý khác?

Các triệu chứng đau trong ung thư? Làm sao để phân biệt với triệu chứng đau ở những bệnh lý khác, thưa BS?

TS.BS.CK2 Đặng Huy Quốc Thịnh trả lời: Đau do ung thư thì chúng ta phải đặt bệnh nhân trong bối cảnh họ đang mắc ung thư, sau đó có cảm giác đau ở một nội tạng liên quan đến ung thư hoặc đau ở một vị trí khác. Khi đó, hầu hết triệu chứng đau đều liên quan đến bệnh lý ung thư mà bệnh nhân mắc phải.

Tất nhiên vẫn có những bệnh lý khác đi kèm. Ví dụ như bệnh nhân ung thư có vấn đề về bệnh lý khớp thì có thể xuất hiện biểu hiện đau khớp. Tuy nhiên, khi đó bác sĩ sẽ khám thực thể trên người bệnh giúp phân biệt tình trạng đau này là do ung thư hay do bệnh lý nền sẵn có.

>>> Làm thế nào để bệnh nhân ung thư bớt đau đớn?

3. Có những giải pháp nào để giảm đau cho người bệnh ung thư?

Thưa BS, hiện nay có những phương thức giảm đau nào? Giai đoạn nào thì được áp dụng các phương pháp này ạ?

TS.BS.CK2 Đặng Huy Quốc Thịnh trả lời: Như đã nói, 85% trường hợp các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đều có đau, từ đau vừa đến đau nặng. Các bác sĩ sẽ đánh giá mức độ đau của người bệnh, từ đó lựa chọn giải pháp điều trị đau cho phù hợp.

Với điều trị đau bao giờ cũng bắt đầu bằng nội khoa, nghĩa là sử dụng thuốc giảm đau khác nhau dựa trên nguồn gốc gây đau thần kinh hay cảm thụ. Trên thị trường có rất nhiều loại thuốc giảm đau, nhưng bác sĩ Ung thư sẽ phân biệt được nguồn gốc của cơn đau này để lựa chọn thuốc thích hợp.

Một trong những thuốc giảm đau sử dụng phổ biến trong ung thư đó là Opioid (hiểu nôm na như thuốc morphin), nghĩa là thuốc gây nghiện. Đây là nhóm thuốc giảm đau rất mạnh, đem lại hiệu quả giảm đau rất nhiều, nhưng đòi hỏi phải có sự quản lý, kiểm soát về mặt liều lượng và chỉ định phù hợp.

Bên cạnh việc dùng thuốc có thể áp dụng thêm các giải pháp tổng thể phối hợp khác. Chẳng hạn như hóa trị (để kiểm soát các triệu chứng), xạ trị (để kiểm soát các triệu chứng đau do di căn xương) hoặc phẫu thuật.

4. Phẫu thuật giảm đau cho bệnh nhân ung thư, khi nào áp dụng?

Nhiều bệnh nhân có gửi câu hỏi về xin được tư vấn đề việc phẫu thuật giảm đau cho bệnh nhân ung thư. Xin hỏi bác sĩ về phương pháp giảm đau này? Hiện Bệnh viện Ung bướu TPHCM có áp dụng phương pháp này chưa?

TS.BS.CK2 Đặng Huy Quốc Thịnh trả lời: Trong kiểm soát đau, phẫu thuật với mục đích giảm đau là giải pháp lồng ghép trong bối cảnh vừa điều trị để kiểm soát triệu chứng đau, vừa để kiểm soát bệnh ung thư. Trong chuyên môn, chỉ định sử dụng phẫu thuật nhằm mục đích giảm đau cho bệnh nhân là không nhiều. Tuy nhiên vẫn có thể áp dụng.

Ví dụ bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng, sau đó tắc ruột gây đau bụng dữ dội. Trong tình huống này các giải pháp khác như dùng thuốc, hóa trị để kiểm soát hoàn toàn không hiệu quả nên đòi hỏi bác sĩ thực hiện phẫu thuật (có thể là phẫu thuật cấp cứu) để giải quyết tình trạng tắc ruột. Khi đó, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ đoạn ruột có khối ung thư bị tắc, như vậy bệnh nhân sẽ hết đau.

Hoặc bệnh nhân có khối ung thư ở xương, rất to và đau. Trong chuyên môn, việc sử dụng các loại thuốc, xạ trị đôi khi sẽ không kiểm soát được. Lúc này, bác sĩ phải quyết định sử dụng giải pháp phẫu thuật, chẳng hạn như đoạn chi để lấy khối u, khi đó bệnh nhân sẽ hết đau. Sau đó sẽ tiếp tục bổ sung điều trị bằng các giải pháp đặc hiệu khác.

Như vậy, ít khi nào các bác sĩ sử dụng phẫu thuật với mục đích đơn thuần là để kiểm soát đau, mà thường lồng ghép trong bối cảnh vừa kiểm soát đau, vừa kiểm soát, giải quyết khối bướu.

TS.BS.CK2 Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM

5. Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có nên phẫu thuật để giảm đau?

Đối tượng được chỉ định phẫu thuật giảm đau trong ung thư? Bệnh nhân giai đoạn 4A trở đi có thể được áp dụng phương pháp này hay không, thưa BS?

TS.BS.CK2 Đặng Huy Quốc Thịnh trả lời: Việc chỉ định phẫu thuật để giải quyết tình trạng đau ở bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối rất hạn chế, trừ trường hợp đau này là biến chứng ngoại khoa. Ví dụ bệnh nhân ở giai đoạn 4A có tắc ruột gây đau, khi đó bác sĩ phải can thiệp phẫu thuật để giải quyết tắc ruột, giúp bệnh nhân bớt đau.

Còn phần lớn bệnh nhân giải đoạn 4A không có biến chứng ngoại khoa, các bác sĩ sẽ không sử dụng phẫu thuật như một biện pháp giảm đau. Bởi điều này đôi khi không mang lại lợi ích mà ngược lại còn làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh. Trong tình huống này, các bác sĩ thường lựa chọn giải pháp giảm đau khác, chủ yếu là giảm đau bằng nội khoa (thuốc uống hoặc truyền).

6. Bệnh nhân ung thư cần chuẩn bị tâm lý thế nào trước phẫu thuật giảm đau?

Bệnh nhân và người nhà cần chuẩn bị gì trước phẫu thuật thưa BS?

TS.BS.CK2 Đặng Huy Quốc Thịnh trả lời: Về mặt tâm lý, bệnh nhân ung thư đối diện với nhiều nỗi lo sợ, trong đó có cảm giác đau. Nhưng ngày nay, với sự hiểu biết của các bác sĩ cùng với các loại thuốc men đầy đủ, việc kiểm soát đau cho bệnh nhân hoàn toàn có thể thực hiện tốt.

Một trong những phương châm của bác sĩ và Bệnh viện Ung Bướu nói chung đó là “Không để cho bệnh nhân chịu đựng đau đớn”. Nghĩa là khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau, các bác sĩ phải bằng mọi cách để kiểm soát cơn đau đó.

Đối với người bệnh giai đoạn cuối hoặc bất kỳ giai đoạn nào khác, bác sĩ phải sử dụng phương pháp phẫu thuật để kiểm soát bệnh và những cơn đau thì bệnh nhân có thể yên tâm về chỉ định chuyên môn, tuân thủ hướng dẫn. Bởi vì để đưa đến quyết định thực hiện phẫu thuật, các bác sĩ đã cân nhắc rất nhiều giữa lợi ích - rủi ro và thấy rằng việc phẫu thuật là giải pháp hữu hiệu nhất để mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người bệnh.

7. Hậu phẫu thuật ở bệnh nhân ung thư cần lưu ý gì?

Hậu phẫu thuật ở bệnh nhân ung thư cần lưu ý điều gì, thưa BS? Sau phẫu thuật, bệnh nhân có giảm bớt triệu chứng đau?

TS.BS.CK2 Đặng Huy Quốc Thịnh trả lời: Với bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, bác sĩ và bệnh nhân đều phải đối mặt với biến chứng sau mổ, bao gồm ngoại khoa (chảy máu sau khi mổ nên phải can thiệp lại), nhiễm trùng. Riêng đối với tình huống đau ngoại khoa, hầu hết các trường hợp sau khi mổ xong, nguồn gốc cơn đau do bệnh lý ngoại khoa gây nên đều kiểm soát được.

Tất nhiên, bệnh nhân vẫn sẽ chịu đựng cơn đau khác. Ví dụ, bệnh nhân có nguồn gốc cơn đau do tắc ruột, sau khi mổ trong 1-2 ngày đầu bệnh nhân sẽ phải chịu đựng đau của vết mổ nhưng những cơn đau này hoàn toàn kiểm soát trong tầm tay bằng thuốc men. Vì vậy, bệnh nhân không nên quá lo lắng rằng việc can thiệp phẫu thuật làm gia tăng cơn đau.

Chúng tôi thực sự rất chia sẻ với bệnh nhân khi trải qua những cơn đau. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta đã hiểu biết rất nhiều về đau và các bác sĩ, đặc biệt là trong chuyên khoa ung thư đã hiểu thêm về cơ chế gây đau cũng như cách sử dụng thuốc giảm đau cùng với việc phối hợp thêms các giải pháp khác. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được cơn đau để mang lại chất lượng sống tốt nhất cho người bệnh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X