Hotline 24/7
08983-08983

Phẫu thuật có làm ung thư vú tái phát, di căn?

Phẫu thuật ung thư vú có làm tế bào ung thư nhanh tiến triển, di căn? Thắc mắc này đã được ThS.BS Nguyễn Đỗ Thuỳ Giang - Phó trưởng khoa ngoại tuyến vú - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Trong điều trị ung thư vú, phẫu thuật nên tiến hành ở giai đoạn nào?

Ngày nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư, trong đó phẫu thuật vẫn là 1 phương pháp điều trị kinh điển. Xin BS cho biết phẫu thuật có thể tiến hành ở những giai đoạn nào của ung thư?

ThS.BS Nguyễn Đỗ Thuỳ Giang trả lời: Đối với ung thư vú, phẫu thuật có vai trò trong mọi giai đoạn. Tuy nhiên khi can thiệp thì phải mang lại mang lại lợi ích cho người bệnh. Song hiện nay, giai đoạn không còn là yếu tố quan trọng trong chọn lựa phương pháp điều trị mà sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó sinh học của bướu rất quan trọng.

Ví dụ, trước đây phẫu thuật thường được ưu tiên trong giai đoạn sớm; trong khi đó giai đoạn trễ sẽ không được phẫu thuật. Tuy nhiên, hiện nay, ngay cả khi ở giai đoạn sớm, các phương pháp điều trị toàn thân cũng sẽ giúp cho việc phẫu thuật thuận lợi hơn. Mục tiêu của phẫu thuật không chỉ là an toàn mà còn đẹp, giữ lại cấu trúc, chức năng thiên bẩm của người phụ nữ.

Bệnh nhân khi bị ung thư nếu mất đi một bên tuyến vú sẽ có khả năng xáo trộn cuộc sống rất cao. Vì vậy, phẫu thuật giai đoạn nào không quan trọng bằng mục đích chọn lựa phẫu thuật, nhất là ở giai đoạn sớm, bác sĩ rất mong muốn giữ lại tuyến vú cho người bệnh. Thậm chí ở giai đoạn muộn hơn, sau khi hóa trị toàn thân, phẫu thuật cũng giúp giảm tổng khối bướu, giảm biến chứng của bệnh lý (đau, lở loét), cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân, và hỗ trợ cho quá trình xạ trị sau đó, nếu có.

2. Để phẫu thuật ung thư vú, cần đáp ứng các tiêu chí nào?

Khối u của bệnh ung thư đáp ứng được những tiêu chí nào thì có thể phẫu thuật, thưa bác sĩ?

ThS.BS Nguyễn Đỗ Thuỳ Giang trả lời: Tiêu chí chọn lựa phẫu thuật có nhiều yếu tố bao gồm: bệnh nhân, bệnh lý (trong đó có bướu, hạch, mức độ lan rộng, sinh học của bướu), bệnh nền đi kèm. Khối u chỉ là một phần trong tiêu chí chọn lựa.

Ví dụ, có những bệnh nhân cùng giai đoạn, nhưng với người lớn tuổi (60, 70 tuổi) mục tiêu điều trị sẽ khác (đôi khi chỉ cắt rộng bướu và điều trị thuốc, rất đơn giản, nhẹ nhàng); còn với người trẻ diễn tiến sinh học sẽ khác, vì vậy mục đích điều trị cũng khác, đôi khi phải hóa trị trước, sau đó phẫu thuật và xạ trị.

Hiện nay, nguyên tắc điều trị ung thư vú là cá thể hóa trên từng người bệnh. Đây là điều quan trọng nhất. Các bác sĩ sẽ hội chẩn đa chuyên khoa để đưa ra hướng xử trí tối ưu nhất cho người bệnh.

ThS.BS Nguyễn Đỗ Thuỳ Giang - Phó trưởng khoa ngoại tuyến vú - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM

3. Sử dụng phương tiện gì để đánh giá khối u và đưa ra quyết định phẫu thuật?

Các bác sĩ dùng những phương tiện gì để khảo sát, đánh giá khối u có thể phẫu thuật được hay không ạ?

ThS.BS Nguyễn Đỗ Thuỳ Giang trả lời: Tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, tất cả các bệnh nhân có bệnh lý vú đến bệnh viện sẽ vào khoa Ngoại tuyến vú, sau đó bác sĩ sẽ thực hiện đánh giá toàn diện. Chúng ta phải có “kiềng ba chân” để đánh giá, đó là khám lâm sàng - phương tiện chẩn đoán hình ảnh (thường nhất là siêu âm nhũ ảnh, đôi khi cần kết hợp thêm MRI) - giải phẫu bệnh, vì mỗi một loại tế bào, nhóm sinh học sẽ có diễn tiến khác nhau, từ đó kế hoạch điều trị cũng khác nhau.

Khi đó bác sĩ sẽ tối ưu hóa trên từng người bệnh, có người phẫu thuật trước nhưng có người nên ưu tiên hóa trị hoặc uống thuốc. Bác sĩ sẽ cùng thảo luận cùng người bệnh để có kế hoạch điều trị cụ thể (ví dụ với người trẻ muốn giữ tuyến vú thì có những cách gì; sau khi giữ tuyến vú thì phải điều trị ra sao; nếu không giữ được thì phải tạo hình bằng cách nào - bằng túi hay bằng vạt của bệnh nhân…).

4. Làm cách nào để thu gọn khối u trong tình huống khó phẫu thuật?

Với khối u có hình dáng khó phẫu thuật lấy hết được, chúng ta có cách nào thu gọn nó để phẫu thuật dễ dàng hơn không ạ?

ThS.BS Nguyễn Đỗ Thuỳ Giang trả lời: Hiện nay, điều trị toàn thân (hóa trị) phát triển vượt bậc, không chỉ điều trị di căn hay u lan rộng mà còn giúp bệnh nhân giai đoạn sớm nhưng có khuynh hướng diễn tiến xấu chặn đứng nguy cơ và hỗ trợ rất nhiều cho phẫu thuật. Tuy nhiên, điều này cũng còn tùy thuộc, có trường hợp đáp ứng tốt, nhưng cũng có khoảng 10% sẽ tiến triển. Bác sĩ sẽ dựa vào chứng cứ y học để tư vấn cho bệnh nhân hiệu quả, tác dụng xảy ra khi hóa trị.

5. Khối u tái phát, có phải do phẫu thuật bị sót?

Một số trường hợp khối u tái phát sau phẫu thuật, có phải là do lần trước phẫu thuật bị sót không, thưa BS? Và việc tái phát này có liên quan đến chuyện chúng ta lựa chọn mổ mở hay nội soi không ạ?

ThS.BS Nguyễn Đỗ Thuỳ Giang trả lời: Đối với ung thư vú, nội soi hiện nay chưa phát triển vì chưa mang lại nhiều hiệu quả. Nội soi chủ yếu ứng dụng để đánh giá mức độ an toàn (tái phát và di căn) đối với các phương pháp phẫu thuật trong ổ bụng hoặc lồng ngực.

Trường hợp khối u tái phát sau phẫu thuật có liên quan một phần đến việc phẫu thuật không an toàn trước đó. Tuy nhiên, nếu bệnh quay lại trong vòng 6 tháng không gọi là “tái phát” mà sẽ là “tiến triển”, nghĩa là nền ung thư vẫn còn nên bùng lên sau đó, thường trường hợp này diễn tiễn rất xấu. Ung thư tái phát theo định nghĩa là trường hợp bệnh quay lại sau 6 tháng khi đã ổn định.

Có 3 vấn đề liên quan đến tái phát mà bệnh nhân cần quan tâm:

- Tái phát tại vị trí mổ

- Tái phát tại vùng (hạch)

- Tái phát di căn xa

Như vậy, nếu phẫu thuật chỉ giúp bệnh nhân tại chỗ, tại vùng mà sau đó di căn thì không phải nguyên nhân từ phẫu thuật mà do diễn tiến. Hóa trị sẽ giúp giảm tái phát di căn.

Thực tế, trong ung thư phẫu thuật có nguyên tắc “cách ly không đụng đến”, nghĩa là phải an toàn, bao trùm-bao phủ, để đảm bảo vấn đề độ rộng-độ lớn-độ sâu, bác sĩ chuyên khoa phải lập kế hoạch từ đầu. Đối với bệnh nhân có nguy cơ cao tái phát, bác sĩ sẽ tiếp tục điều trị hỗ trợ trong giới hạn cho phép (ví dụ hóa trị, xạ trị).

Việc chọn lựa không đúng còn nằm trong tình huống, giả sử bệnh nhân giai đoạn 3, diễn tiến rộng nhưng bác sĩ không chuyên sâu có thể đánh giá nhẹ hơn, điều này có thể dẫn đến việc điều trị không đủ, cũng ảnh hưởng đến kết cục điều trị của bệnh nhân.

Tóm lại, khi đánh giá đúng bản chất của bệnh lý thì kế hoạch điều trị sẽ chuẩn mực và an toàn.

6. Phẫu thuật làm bệnh ung thư tiến triển nhanh hơn?

Cũng khá nhiều người lo ngại rằng việc phẫu thuật có thể làm bệnh ung thư tiến triển nhanh hơn, giống như “đang yên đang lành mình đi chọc vào tổ ong”. Xin BS đưa ra nhận định chính xác về vấn đề này?

ThS.BS Nguyễn Đỗ Thuỳ Giang trả lời: Điểm “đặc biệt” của ung thư vú đó là không làm xáo trộn về mặt chức năng của người bệnh. Ngay cả ở giai đoạn tiến triển, thậm chí di căn thì bệnh nhân vẫn có thể di lại, ăn uống, sinh hoạt bình thường, khác với ung thư đường ruột, ung thư phổi, ung thư gan làm suy kiệt. Tuy nhiên, chính điều này khiến bệnh nhân có suy nghĩ “đang yên đang lành”.

Bên cạnh đó, trong thực tế bệnh nhân còn cho rằng “đụng dao, đụng kéo làm bệnh tiến triển”. Điều này cũng có phần đúng, thực tế đã ghi nhận. Tuy nhiên, nếu với bệnh tiến triển, không an toàn khi phẫu thuật, bác sĩ có thể lựa chọn hóa trị trước. Ngược lại, nếu phẫu thuật trước mà mổ không đủ rộng, không đủ sâu thì vẫn có khả năng bùng lại.

Song, tương tự như người thợ nuôi ong sẽ biết khi nào có thể thu hoạch lấy trọn ổ mật. Như vậy, với người bệnh ung thư, nếu đang bùng thì bác sĩ cũng đừng “chọc” vào. Bác sĩ chuyên khoa sâu nắm toàn diện sẽ giúp cho bệnh nhân xây dựng kế hoạch điều trị. Tóm lại, việc hoạch định phương hướng điều trị cho bệnh nhân ngay từ đầu vẫn là quan trọng nhất.

7. Tế bào ung thư có “chui ra” theo đường đi của kim sinh thiết?

Tương tự, khi tiến hành sinh thiết khối u, cũng có bệnh nhân băn khoăn không biết tế bào ung thư có “chui ra” theo đường đi của kim sinh thiết không, nhờ BS giải đáp?

ThS.BS Nguyễn Đỗ Thuỳ Giang trả lời: Việc “gieo rắc tế bào ung thư” theo đường kim sinh thiết là có. Tuy nhiên, “CÓ” ở đây nghĩa là đã chọc kim sinh thiết nhưng sau đó không làm gì cả, không điều trị, không có các giải pháp can thiệp hoặc lấy mẫu không đúng (ác tính nhưng cho rằng lành tính) thì chắc chắn là sẽ có sự “gieo rắc” và tái phát.

Thay vì mổ sinh thiết, khi sử dụng kim sẽ hạn chế sẹo cho bệnh nhân mà vẫn đủ mẫu, đạt được kết quả tương đương để đưa ra giải pháp điều trị sau đó. Thực tế, trong các nghiên cứu lớn đã chứng minh không có sự gieo rắc vào đường sinh thiết. Đây là phương pháp an toàn với điều kiện phải lấy đúng, lấy đủ và điều trị sau đó.

8. Trước khi phẫu thuật ung thư vú, bệnh nhân cần chuẩn bị những gì?

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật ung thư cần được chuẩn bị, chăm sóc trước và sau phẫu thuật như thế nào để góp phần cho kết quả điều trị được tốt đẹp?

ThS.BS Nguyễn Đỗ Thuỳ Giang trả lời: Trong điều trị ung thư vú có 5 phần. Trong đó phẫu thuật chỉ mới chiếm 1/5 trong đoạn đường điều trị. Và gia đình là phần quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả điều trị, vì vậy cần có sự quan tâm, đồng hành, chia sẻ với người bệnh. Tối ưu nhất vẫn là nên có sự tư vấn tâm lý để người bệnh và thân nhân bớt lo âu, khi đó kế hoạch điều trị sẽ tốt nhất.

Về sức khỏe, ung thư vú là bệnh lý điều trị rất nhẹ nhàng, bệnh nhân có thể xuất viện sau 24 giờ. Ngay cả với việc phẫu thuật tạo hình 5-6 tiếng, bệnh nhân cũng chỉ cần nằm viện 3 ngày. Thậm chí chúng tôi đã phẫu thuật cho những trường hợp 80-90 tuổi.

Như vậy, vấn đề chính yếu đó là cải thiện tâm lý, bởi vì người bệnh sẽ mang cảm giác tổn thương nặng. Độ tuổi mắc ung thư vú hiện nay phổ biến nhất là giai đoạn 40-49 tuổi, đây là thời điểm người phụ nữ đạt được rất nhiều thành công trong cuộc sống (gia đình, sự nghiệp, quan hệ xã hội) và trách nhiệm cũng rất lớn với con cái. Vì vậy, các chị em sẽ có nhiều mối lo và cho rằng bản thân là gánh nặng. Nếu không được chia sẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quyết định điều trị.

9. Đôi lời nhắn gửi của chuyên gia đến bệnh nhân ung thư vú

BS có lời khuyên dành cho những người bệnh ung thư có chỉ định phẫu thuật, giúp họ vững tâm hơn, tránh tình trạng "sợ mổ quá, thôi về uống thuốc nam"?

ThS.BS Nguyễn Đỗ Thuỳ Giang trả lời: Trong ung thư có một nguyên tắc “chia sẻ quyết định”, bác sĩ sẽ là người dẫn đường, đưa ra kế hoạch điều trị và người bệnh-thân nhân sẽ đưa ra quyết định. Nếu chẳng may bản thân hoặc người thân trong gia đình mắc ung thư thì chúng ta nên chia sẻ quyết định trực tiếp với bác sĩ, có quyền đặt câu hỏi và có quyền lựa chọn.

Kinh nghiệm của bác sĩ cũng đến từ người bệnh. Thực tế, không phải bác sĩ mà chính sự hỗ trợ từ người thân giúp điều trị thành công nhiều nhất. Để nâng cao hiệu quả điều trị là sự tổng hòa của nhiều yếu tố và mối liên kết giữa phẫu thuật viên, bác sĩ Nội khoa, bác sĩ Xạ trị, bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh và giải phẫu bệnh, phục hồi chức năng, tâm lý… Mỗi bộ phận chỉ đồng hành trên cùng một giai đoạn nào đó, còn gia đình chính là điểm tựa xuyên suốt.

Hơn nữa, ung thư vú là căn bệnh điều trị tốt, hiệu quả. Hiện nay, trên 80% bệnh nhân giai đoạn sớm được điều trị thời gian ổn định rất lâu dài, hòa nhập cộng đồng. Chúng ta không phải điều trị để hết bệnh mà để người phụ nữ tái hòa nhập xã hội, tự tin với hình thể của mình.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X