Hotline 24/7
08983-08983

Phát hiện sớm và điều trị đúng thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung là như thế nào? Việc phát hiện sớm và điều trị đúng sẽ có những lợi ích gì cho phụ nữ? BS.CK2 Lê Ngọc Diệp - Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) đã có những chia sẻ về vấn đề này trong bài viết dưới đây.

1. Thai ngoài tử cung là gì?

Trứng và tinh trùng gặp nhau, tạo thành phôi vào ngày thứ 5 hoặc thứ 6. Phôi đi vào lòng tử cung và làm tổ. Tuy nhiên, vì lý do nào đó phôi không thể di chuyển vào buồng tử cung mà vướng trên tai vòi, thậm chí là không nằm ở vòi trứng mà đi ra ngoài, có khi phôi nằm gần mạch máu của động mạch chủ bụng, có khi lại di chuyển lên gan.

Khi thai không nằm trong buồng tử cung được gọi là thai ngoài tử cung.

2. Thai ngoài tử có hậu quả gì?

Nếu thai nằm ở vị trí không thuận lợi, thai sẽ lớn dần lên sẽ gây ra hậu quả Ví dụ như thai nằm ở tai vòi, thai lớn lên sẽ làm chảy máu trong bụng. Đặc biệt, thai ngoài tử cung bám ngay đoạn eo tai vòi hay cổ tử cung, nếu chảy máu sẽ rất ồ ạt và ảnh hưởng đến tính mạng của người mẹ.

Mỗi năm, tại Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận ít nhất 10 trường hợp phụ nữ nhập viện trong tình trạng không đo được mạch, huyết áp vì thai ngoài tử cung bị vỡ, máu chảy vào ổ bụng.

Việc phát hiện sớm tình trạng thai ngoài tử cung rất quan trọng

3. Thai ngoài tử cung điều trị thế nào?

Để điều trị thai ngoài tử cung, có 3 hướng:

Thứ nhất, chờ đợi để khối thai tự chết đi, hay còn gọi là thai ngoài tử cung thoái triển. Đây là hướng mong muốn nhất, hạnh phúc nhất cho người phụ nữ bị thai ngoài tử cung vì không cần phải can thiệp và họ có thể trở về cuộc sống bình thường.

Thứ hai, điều trị bằng thuốc Methotrexate để khối thai không phát triển. Đây là cách để người phụ nữ tránh cuộc phẫu thuật. Tuy nhiên, khi điều trị bằng thuốc, có thể khối thai sẽ chết đi, nhưng có thể thai sẽ diễn tiến qua bước thứ ba, khối thai bị vỡ gây chảy máu trong ổ bụng. Khi đó, cần phải can thiệp phẫu thuật.

Thứ ba, can thiệp phẫu thuật để ngăn chặn sự chảy máu. Đa số các trường hợp là phải cắt khối tai vòi bị chảy máu để giữ lại sinh mạng cho người mẹ.

4. Làm sao phòng ngừa thai ngoài tử cung?

Một vài yếu tố có thể làm tăng tỷ lệ thai ngoài tử cung, ví dụ viêm nhiễm vòi trứng, nạo hút thai nhiều lần. Tuy nhiên, chưa có khẳng định chắc chắn rằng những yếu tố đó sẽ gây ra thai ngoài tử cung.

Một vài yếu tố nào đó như u xơ tử cung, u buồng trứng mà làm biếng dạng tai vòi cũng là yếu tố thuận lợi cho thai ngoài tử cung. Đề phòng thai ngoài tử cung rất khó khăn bởi có một số phụ nữ không có yếu tố tiền căn nhưng vẫn bị thai ngoài tử cung.

Theo tôi, việc phát hiện sớm tình trạng thai ngoài tử cung rất quan trọng, vì khi phát hiện sớm có thể điều trị sớm và đúng cách. Tránh được tình trạng khối thai ngoài bị vỡ và có thể gây mất máu ồ ạt trong bụng. Lúc đó, người phụ nữ rơi vào tình trạng sốc, mạch và huyết áp không đo được; gây nguy hiểm đến tính mạng.

Qua đây, tôi mong muốn những người phụ nữ đã bắt đầu vào giai đoạn mong chờ con thì ngay khi trễ kinh hay có dấu hiệu bất thường như ra máu ít ít, đau bụng râm râm, bạn nên đi khám thai ngay. Bởi, ở giai đoạn sớm, việc phát hiện và điều trị đúng thai ngoài tử cung sẽ đảm bảo tương lai sản khoa cho bà mẹ.

Minh Huy (ghi)

Trích trong chương trình 180 giây thay đổi ngày 5/8 của Bệnh viện Từ Dũ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X