Hotline 24/7
08983-08983

Phát hiện động mạch cảnh trái hẹp đến 90%, kịp thời ngăn chặn đột quỵ tái phát

Sau cơn đột quỵ 6 năm trước, nữ bệnh nhân ngày càng nói khó hơn và nửa người phải yếu hơn. Chụp MRI kiểm tra lại, phát hiện động mạch cảnh trái hẹp đến 90% và được can thiệp kịp thời, tránh cơn đột quỵ tái phát.

“6 năm trước, tôi từng bị đột quỵ, từ đó việc gọi tên những đứa con thân yêu của mình đã trở thành điều khó khăn với tôi. Như có điều gì nghẹn lại ở cổ, khiến mình khó nói và khó hiểu...

Giờ đây tôi mừng lắm vì đã nói chuyện lại được rồi, mặc dù thời gian mới có 2, 3 ngày thôi nhưng tôi đã cảm thấy mình may mắn, cuối cùng mình cũng được thay đổi, trở lại ngày nào...”

Đó là những tâm sự đầu tiên của bà N.T.T.V 56 tuổi, sống tại TP.HCM sau khi được các bác sĩ tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ can thiệp đặt stent điều trị hẹp gốc động mạch cảnh trong trái đến 90%, tránh được nguy cơ tái phát đột quỵ, sau cơn đột quỵ cách đây 6 năm.

Sau cơn đột quỵ, cuộc sống bà V. gần như bị xáo trộn, từ việc gia đình đến việc kinh doanh. Thời gian qua bà V. vẫn luôn sử dụng thuốc đều đặn nhưng không có sự thay đổi nhiều.

Gần đây, bà V. nói khó hơn và nửa người phải yếu hơn, bà V. đã về Cần Thơ thăm khám tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ. Từ kết quả MRI, bác sĩ kết luận bà V. có nguy cơ tái phát đột quỵ rất cao, do tắc nghẽn và hẹp động mạch não giữa, động mạch cảnh trái hẹp đến 90%, cần đặt stent nong mạch nhằm tái thông lại mạch máu.

Không riêng trường hợp của bà V. thời gian qua Bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho rất nhiều người may mắn ngăn chặn kịp thời được những cơn đột quỵ tái phát lần 2, lần 3 qua chương trình tầm soát nguyên nhân và dự phòng đột quỵ tại Bệnh viện S.I.S Cần Thơ.

TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc bệnh viện cho biết:

“Đối với bệnh nhân đã từng bị đột quỵ có nguy cơ tái phát đột quỵ lần nữa là rất cao. Chính vì vậy, việc điều trị phòng ngừa, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ là rất quan trọng trong suốt quãng đời còn lại của bệnh nhân. Vì nếu bệnh nhân bị tái phát đột quỵ sẽ để lại di chứng nặng nề, chi phí điều trị cao hơn, phác đồ điều trị sẽ phức tạp hơn so với lần đầu, thậm chí đôi khi bệnh nhân không còn cơ hội sống sót”.

Thế mới thấy, việc điều trị dự phòng cho bệnh nhân sau đột quỵ mang ý nghĩa sống còn. Điều này phụ thuộc rất lớn vào lối sống của bệnh nhân và sự quan tâm chăm sóc từ chính thân nhân.

Ngoài dự phòng các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân... cần thay đổi lối sống như vận động luyện tập thể dục, làm việc nhẹ nhàng giảm căng thẳng stress cũng như thay đổi chế độ ăn, ăn nhiều rau quả tươi, giảm ăn muối,... Người bệnh cũng cần chủ động tầm soát chuyên sâu về mạch máu não để theo dõi tình trạng diễn tiến của bệnh đồng thời phát hiện sớm việc tắc nghẽn, hẹp, phình, dị dạng mạch máu, vì đây là những nguyên nhân dẫn đến cơn đột quỵ tái phát.

Kim Cương - ảnh Đức Thịnh

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X