Hotline 24/7
08983-08983

Phân biệt cảm lạnh và cúm mùa ở trẻ bằng cách nào?

Chiều 25/2, BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình khởi đầu tuần mới với buổi tư vấn: “Làm sao phân biệt cảm lạnh và cúm mùa ở trẻ?”, đây là vấn đề lo lắng của nhiều ông bố bà mẹ trong thời điểm thời tiết có nhiều biến đổi như hiện nay.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình
Ảnh Viết Hưởng

NỘI DUNG TƯ VẤN

Câu 1

Thưa bác sĩ, tại Việt Nam, cúm mùa do những chủng nào gây nên? Chủng nào có thể tiêm ngừa được? Ở nước ta, cúm mùa thường diễn ra vào tháng mấy?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Cúm mùa tại Việt Nam là một bệnh nhiễm virus cấp tính gây ra bởi virus cúm (Influenza) thuộc nhóm Orthomyxoviridae chia thành 3 type A, B, C với các chủng cúm mùa hiện nay thường do chủng cúm mùa A/H1N1 (chiếm khoảng gần 70%), cúm A/H3N2, cúm B. Mặc dù rất nhiều người mắc phải nhưng do độc lực thấp nên hiếm khi gây tử vong.

Chủng tiêm ngừa: Vắc xin cúm có 2 loại, vắc xin sống giảm độc lực và vắc xin cúm bất hoạt.

Loại vắc xin cúm đang được sử dụng tại Việt Nam là loại vắc xin bất hoạt chứa các kháng nguyên của 2 chủng cúm A (H1N1, H3N2) và 1 chủng cúm B.

Ở nước ta, cúm mùa thường diễn ra từ tháng 10 đến hết tháng 01 năm sau vì lúc này thời tiết thay đổi, trời se lạnh làm cho mũi bị khô lạnh, giảm hoạt động của các lớp màng nhầy. Sau khi virus xâm nhập qua lớp phòng ngự này, hệ thống miễn dịch bên trong cơ thể sẽ phòng vệ làm tế bào miễn dịch Phagocyte tiêu hủy virus. Nhưng trời lạnh làm chậm lại quá trình này tạo điều kiện cho virus cúm hoạt động mạnh. Do đó, mùa này rất dễ mắc bệnh cúm.


Câu 2

Cách thức lây lan của cúm mùa như thế nào ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, thay đổi thất thường với nhiệt độ lúc nóng, lúc lạnh, nắng mưa bất thường khiến hệ miễn dịch của cơ thể yếu đi và dễ mắc bệnh. Đặc biệt vào lúc giao mùa của thu và đông, không khí lúc ẩm, lúc hanh khô có thể khiến cho các loại virus gây bệnh sinh sôi mạnh. Lúc này, cơ thể không thích ứng kịp thời khiến cho sự xâm nhập của virus cúm sẽ rất thuận lợi nên dễ mắc cảm cúm.

Virus cúm có trong nước mũi, nước bọt người bệnh, bệnh lây truyền từ người bị cúm sang người chưa nhiễm khi những hạt nước nhỏ li ti có chứa siêu vi cúm bắn ra từ mũi, miệng người bệnh khi ho, hắt hơi bắn ra môi trường bay trong không khí hoặc qua tiếp xúc trực tiếp. Người lành nhiễm phải dễ bị mắc bệnh.

Chính vì vậy bệnh cúm rất dễ lây lan ở những nơi phòng kín, phòng máy lạnh, nơi đông người… Do đó, một ngày trước khi có triệu chứng, người bệnh đã có thể truyền virus cho người khác và tiếp tục truyền lan trong nhiều ngày kế tiếp.

Ngoài ra, người nhiễm bệnh khi tiếp xúc với các vật dụng hoặc bàn tay người lành, từ đó làm ô nhiễm đồ ăn thức uống cũng có thể giúp lan truyền bệnh cúm.


Câu 3

Độ tuổi và thời điểm nào bé nên được tiêm ngừa cúm? Sau khi tiêm ngừa, bao lâu bé có đủ kháng thể chống lại bệnh này? Ngoài tiêm ngừa thì các biện pháp ngừa cúm là gì?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Bé 06 tháng tuổi trở lên là tiêm ngừa cúm. Vắc xin cúm có thể tiêm ngừa bất cứ lúc nào trong mùa cúm. Tuy nhiên, thời điểm tốt nhất để  tiêm vắc xin cúm vào khoảng tháng 10 và 11 hàng năm.

Vắc xin cúm sử dụng ở Việt Nam được điều chế từ virus cúm bị bất hoạt. Khi tiêm vắc xin này vào cơ thể, virus gây ra bệnh cúm có thể kích thích cơ thể sản sinh kháng thể  đủ mạnh và đủ nhiều để chống lại virus cúm ở bên ngoài xâm nhập vào. Sau khi tiêm ngừa khoảng 2 tuần thì vắc xin có hiệu quả bảo vệ khoảng 96-98%. Tuy nhiên, một số trường hợp sau khi tiêm ngừa vẫn bị cúm là do cơ địa không đáp ứng với vắc xin, do bảo quản vắc xin không đúng cách.

Tiêm ngừa vắc xin cúm cho trẻ là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh cúm ở trẻ

Ngoài tiêm ngừa vắc xin cúm thì cách tốt nhất để bảo vệ bản thân hạn chế bệnh cúm là rửa tay sạch sẽ với xà phòng và nước thường xuyên; vệ sinh mũi họng thường xuyên; tránh chạm vào mắt, mũi và miệng; tránh xa những người đã bị cảm; đi đến chỗ đông người hoặc ra ngoài nên mang khẩu trang.

Việc ăn uống và bồi bổ đầy đủ vitamin, nhất là vitamin C từ các loại nước ép trái cây (cam, chanh, quýt, bưởi, sơri, táo…) để tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể. Ăn thêm các loại rau xanh như: cải xoăn, bông cải xanh, rau ngò rí, cần tây, cần tàu, dưa leo, cà rốt, bạc hà…

Ngủ đủ giấc: từ 7-8 giờ để kích thích phản ứng miễn dịch tự nhiên. Giấc ngủ là biện pháp phòng ngừa đáng tin cậy nhất chống lại virus.

Vận động thường xuyên: tạo thói quen tập thể dục cho cơ thể khỏe hơn và giúp lưu thông khí huyết để ngăn ngừa bệnh.


Câu 4

Cúm mùa là bệnh nguy hiểm hay không nguy hiểm? Vì sao ạ? Từ lúc khởi phát đến khỏi hẳn khoảng bao nhiêu ngày? Sau khi khỏi bao nhiêu ngày thì không còn khả năng lây bệnh cho người khác?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Cúm mùa là một bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân, lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Ở nước ta, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Bệnh thường tiến triển lành tính nhưng cũng có thể gây biến chứng nặng, nguy hiểm ở những người có bệnh về hô hấp,tim mạch, suy giảm miễn dịch dẫn đến tử vong do bội nhiễm vi khuẩn không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Thời gian nhiễm bệnh từ lúc xuất hiện các dấu hiệu cảm cúm đến lúc hết bệnh là từ 7 - 10 ngày. Sau khi khỏi bệnh thì không lây bệnh cho người khác.

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Câu 5

Những triệu chứng cúm mùa ở trẻ gồm những gì thưa bác sĩ? Ở trẻ em, bệnh cúm thường bị nhầm với cảm lạnh thông thường, nhờ bác sĩ hướng dẫn các bố mẹ cách phân biệt 2 bệnh này?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

- Triệu chứng cúm mùa:

Khi bị nhiễm bệnh cảm cúm thì thường có các dấu hiệu như: sốt cao, chảy nước mũi, nghẹt mũi, họng khô ngứa, đau, buồn nôn, nhức đầu, đau tai,… và có kèm theo ho khiến bé chóng mặt, mệt mỏi và khó chịu. Ngoài ra còn có cảm giác chán ăn, ăn không ngon, mất cảm giác khứu giác và vị giác.

Ở trẻ em, bệnh cảm cúm thường bị nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh, nhưng các triệu chứng của cúm thường có chiều hướng phát triển nhanh (thường 1-4 ngày sau khi bệnh nhân nhiễm phải virus cúm) và thường nghiêm trọng hơn so với triệu chứng hắt hơi và nghẹt mũi đặc trưng của bệnh cảm.

Đầu tiên, chúng ta phải phân biệt rõ giữa cảm và cúm thông thường, bởi vì virus gây ra 2 loại bệnh này thường không có những biểu hiện giống nhau.

Thường thì triệu chứng của cảm cúm thường xuất hiện 1-3 ngày sau nhiễm virus. Xuất hiện cùng lúc 3 hiện tượng là: đầu tiên là sốt, đau hay rát họng. Sau đó là ngạt mũi, ho và chảy nước mũi. Ở trẻ có thể có thêm triệu chứng đau tai; đau họng và sưng hạch, hoặc tiêu chảy, đau và nôn mửa. Ngoài ra có các triệu chứng như: sốt, ớn lạnh, nhức đầu, chóng mặt, nhức cơ, mệt mỏi, mất cảm giác thèm ăn,...

Bố mẹ nên kiểm tra nhiệt độ thường xuyên khi trẻ bị sốt. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Bố mẹ nên kiểm tra nhiệt độ thường xuyên khi trẻ bị sốt. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Còn bệnh cúm thì được gây ra bởi virus Influenza, bao gồm 3 loại A, B và C. Bệnh cảm và cúm thường có một số triệu chứng giống nhau, tuy nhiên bị mắc virus cúm có thể dẫn tới sốt cao, đau nhức, toát mồ hôi lạnh và rùng mình - đây là cách rõ nhất để phân biệt 2 loại bệnh này.


Câu 6

Cách hạ sốt khi bé bị cúm như thế nào, thưa bác sĩ? Bé có ở trong phòng máy lạnh được không?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Phương pháp hạ sốt cho bé tại nhà:

- Để trẻ nằm ở nơi thông thoáng khí, không có gió lùa, hạn chế nhiều người vây quanh trẻ. Theo dõi nhiệt độ bé.

- Cho bé mặc quần áo mỏng, dễ hút mồ hôi. Dùng khăn mềm nhúng nước ấm lau bé đến khi giảm sốt. Không dùng nước đá để lau bé do cơ chế co mạch ngoại vi khiến bé sốt nhiều hơn.

- Cho bé uống nhiều nước, nước ép trái cây hoặc sữa.

- Nếu bé sốt cao, bố mẹ không tự ý mua thuốc cho bé uống mà nên đưa bé đến cơ sở y tế để được xử trí.

Bé không nên ở phòng máy lạnh.


Câu 7

Bé đang bị cúm nên ăn uống và vệ sinh thân thể như thế nào?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

* Chế độ ăn uống:

- Cho bé uống đủ nước.

- Thực phẩm chọn mua an toàn, hợp vệ sinh.

- Cho bé ăn đầy đủ 4 nhóm chính: Chất bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Nấu lỏng, mềm, nhuyễn cho bé dễ tiêu hóa.

- Thức ăn không được nấu đi nấu lại nhiều lần, tạo mùi hôi và mất hết chất dinh dưỡng.

- Liên tục chế biến, thay đổi món ăn để bé không cảm thấy ngán.

- Bổ sung thêm sữa và các chế phẩm từ sữa cho bé.

Bé đang bị cúm cha mẹ nên cho bé uống nhiều nước

* Vệ sinh thân thể cho bé khi bị cúm:

- Để phòng tránh lây nhiễm cho người khác, hạn chế cho bé ra khỏi phòng bệnh, khi ra khỏi phòng cần đeo khẩu trang cho bé, hạn chế nhiều người tiếp xúc với bé.

- Vệ sinh mắt, mũi họng hàng ngày cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.

- Vệ sinh thân thể cho bé sạch sẽ.

- Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ: Thay quần áo và tắm nhanh bằng nước ấm trong phòng tắm khi bé không sốt.

- Luôn giữ ấm cho trẻ, nhất là khi trời lạnh.


Câu 8

Nếu trong nhà có trẻ bị cúm, những bé khác có cần cách ly không? Biện pháp phòng ngừa cho các bé sống chung nhà như thế nào?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Trong nhà có trẻ bị cúm thì nên cách ly để tránh lây cho trẻ khác.

Biện pháp phòng ngừa bệnh cúm cho các bé sống chung nhà:

- Tiêm ngừa vắc xin cúm;

- Cách ly bé bệnh, hạn chế tiếp xúc với bé bị bệnh;

- Đeo khẩu trang cho bé khi tiếp xúc với bé bị bệnh;

- Giữ vệ sinh miệng họng, nhất là sau khi cho trẻ ăn, sau khi trẻ ho, hắt hơi; thường xuyên vệ sinh tay chân cho trẻ; cho bé súc miệng bằng nước muối sinh lý;

- Không cho bé dùng chung đồ chơi hay vật dụng cá nhân với bé đã mắc bệnh cúm;

- Tránh cho bé dùng chung đồ chơi, tiếp xúc với bé bị cúm;

- Cho bé  ăn nhiều hoa quả và rau xanh;

- Cho bé ăn uống đầy đủ 4 nhóm , thực phẩm an toàn hợp vệ sinh.


Câu 9

Nếu đang cho con bú mà mẹ bị có triệu chứng bị cảm cúm, chưa xác định rõ là cảm thông thường hay cúm mùa thì có nên cho con bú không? Trên mạng có hình ảnh người mẹ bị thủy đậu trùm áo mưa kín người, bịt khẩu trang, đeo găng tay rồi cho con bú, cách này có áp dụng được với bà mẹ bị cúm muốn cho con bú không?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình

Cảm cúm là bệnh nhiều người thường gặp, tuy nhiên với các bà mẹ đang cho con bú, khi mẹ bị cảm cúm thì vẫn cho bé bú được.

Bệnh cúm không lây lan qua sữa mẹ

Mặc dù virus cúm rất dễ lây lan nhưng không thể xâm nhập vào sữa mẹ, do đó bệnh cúm không thể nào lây qua sữa mẹ được. Tuy nhiên, nếu mẹ có các triệu chứng cúm nặng như hắt hơi liên tục, ho liên tục, khạc đờm liên tục thì lúc này mẹ cần cách ly với bé một thời gian và nên ngưng cho bé bú trong 2-3 ngày.

Mẹ bị cúm có thể cho con bú nhưng nên mang khẩu trang, găng tay và lau sạch đầu vú bằng nước ấm trước khi cho bé bú để tiêu diệt vi khuẩn và đợi ít nhất 2 tuần mới được tiếp xúc trực tiếp lại với bé vì lúc này mẹ mới chắc chắn hết bệnh.



Câu 10

Bác sĩ có lưu ý gì dành cho các nhà trẻ và trường tiểu học khi bệnh cúm mùa gia tăng không ạ?

BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình


Để phòng ngừa bệnh cúm mùa thì nhà trẻ và trường tiểu học cần lưu ý:

- Nguồn nước nhà trường phải vệ sinh và an toàn theo tiêu chuẩn.

- Cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh và an toàn thực phẩm.

- Dạy cho bé thực hiện tốt phương pháp vệ sinh cá nhân hằng ngày như rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng với nước sạch, vệ sinh mắt, mũi, họng. Như vậy sẽ tạo thói quen cho bé đến tuổi trưởng thành.

- Che miệng khi ho và hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi.

- Vệ sinh nhà ở, lớp học sạch sẽ, mở cửa phòng học cho thoáng, nhiều ánh sáng…

- Vệ sinh môi trường thông thoáng, không vứt rác tùy tiện…

- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh, khi tiếp xúc phải đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm.

- Trong lớp khi bé có biểu hiện triệu chứng của cúm cần đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để có biện pháp điều trị và cách ly kịp thời. Nếu bé bị bệnh nên để bé ở nhà, cách ly với các bạn trong lớp.

AloBacsi trân trọng cảm ơn BS.CK1 Trịnh Ngọc Bình đã dành thời gian chia sẻ kiến thức bổ ích về cách phân biệt cảm lạnh và cúm mùa ở trẻ nhằm giúp bố mẹ hiểu đúng, thực hành điều trị đúng cách, xóa tan những lo âu khi con mắc bệnh.


Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X