Hotline 24/7
08983-08983

PGS.BS Huỳnh Wynn Trần: Vì sao số ca bệnh COVID-19 tăng cao đột ngột và giải thích con số ủ bệnh 24 ngày?

PGS.BS Huỳnh Wynn Trần phân tích một số dữ liệu đã được công bố để giải thích vì sao số ca bệnh COVID 2019 tăng cao đột ngột và giải thích con số ủ bệnh 24 ngày để giúp mọi người có cái nhìn đúng về những con số này.

Đã hơn 1 tháng từ lúc Coronavirus (tên virus mới là Sars-Cov-2, tên dịch bệnh là COVID-19) làm mưa làm gió trên các phương tiện truyền thông, xã hội, và y văn. Hôm nay (13/2) tôi tổng hợp cập nhật các tin mới nhất về virus này và phân tích một số dữ liệu đã công bố.

Tổng số ca nhiễm Corona virus?

Tổng số ca nhiễm đã hơn 60,000 với gần 1,400 người chết, và 5,700 người hoàn toàn khỏi bệnh, tuy nhiên vẫn còn 8,200 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, theo thống kê của Worldometer. Tại Hoa Kỳ, con số ca nhiễm bệnh là 14 (7 ca tại California), với 3 ca khỏi hoàn toàn, theo thống kê của CNN. Tại Việt Nam, con số ca mắc bệnh là 15, với 6 ca khỏi bệnh.

Cập nhật dịch Coronavirus (Covid-19) 13/2 từ BS Wynn Tran: vì sao số bệnh tăng cao đột ngột lên 60 nghìn và giải thích con số ủ bệnh 24 ngày? - Ảnh: AloBacsi tổng hợp

Số ca công bố có chính xác không?

Tôi nghĩa là chưa.
Có nhiều lý do mà tôi cho rằng các con số này chưa chính xác, trong đó các lý do quan trọng nhất là cách chẩn đoán, thời gian chẩn đoán, và môi trường chẩn đoán.
- Hiện nay, các chẩn đoán virus Corona là dùng kỹ thuật PCR để xác định gene di truyền RNA của virus trên người bệnh. Về lý thuyết khi virus xâm nhập cơ thể, virus sẽ nhân ra rất nhiều bản, và sẽ có các gene di truyền virus trong các tế bào hay cơ quan người mắc bệnh. Thực tế, không phải người bệnh nào cũng sẽ có gene di truyền RNA của virus để test.
Theo một phỏng vấn của GS Wang Chen trên đài CCTV, ông cho rằng chỉ có 30-50% bệnh nhân mắc virus Covid-19 có chất liệu virus NAT (nucler acid test để test RNA). Như vậy, có thể có khoảng 50-70% bệnh nhân đã mắc virus Corona (Covid-19) nhưng sẽ thử test không có bệnh (âm tính giả).
Đây là điều rất nguy hiểm vì có thể nhiều bệnh nhân đã mắc bệnh nhưng test âm tính. Điều này giải thích vì sao có bệnh nhân test đến lần thứ 4 mới tìm ra virus Corona mặc dù 3 test đầu là âm tính (giả).
- Thứ hai là thời gian chẩn đoán, sớm nhất là 6g cho đến 1 ngày (mời quý vị xem bài viết chi tiết của tôi về kỹ thuật PCR và các kỹ thuật khác) nên các con số bệnh chúng ta đọc hôm nay thật ra là của 1-2 ngày trước.
- Điểm cuối cùng là nơi chẩn đoán. Hiện nay các thông tin về con số bệnh thường do nhà chức trách Trung Quốc kiểm soát trước khi công bố, có nhiều nhà khoa học nghi ngờ về các con số này. Một nghiên cứu trên tờ Lancet xuất bản ngày 31/1/2020 dự đoán khoảng 75,000 ca bệnh tại Vũ Hán vào ngày 25/1/2020 (con số báo cáo là 2050 ca dựa theo Worldometer).

# Vì sao con số mắc bệnh tăng cao đột ngột?

- Hôm qua, ngày 12/2, theo báo New York Times, con số mắc bệnh Covid-19 tại Vũ Hán đột ngột tăng cao chỉ trong một ngày đến 15,000 ca và thêm 242 người chết. Con số này chủ yếu do cách chẩn đoán mới, chỉ dựa vào triệu chứng và chẩn đoán do BS, không dùng test (vì có thể không có test đủ dùng để xét nghiệm tất cả mọi người). Mặc khác, Trung Quốc cũng đang tìm cách phân loại các ca bệnh, và chỉ ra các ca có cả triệu chứng lâm sàng và test virus COVID-19 dương tính mới được xem là ca bệnh.
Tóm lại, con số thực tế mắc bệnh và tử vong có thể cao hơn (hay cao hơn rất nhiều).

Có dấu hiệu nào khả quan trong các con số thống kê?

- Đầu tiên là tổng số ca mắc bệnh mới mỗi ngày có chiều hướng giảm cho đến ngày hôm nay. Theo Worlodometer thì từ ngày 4/2 số ca mới mắc bệnh có xu hướng giảm xuống hàng ngày cho đến ngày 11/2 thì con số bệnh đột ngột tăng cao (xem hình trước và sau ngày 12/2).
- Con số khả quan khác là số ngày để tăng ca bệnh lên gấp đôi (doubling time) trước kia là 2-3 ngày (trong khoảng cuối tháng 1 (từ 2000 đến 4000) sau đó tăng lên 6 ngày (từ 3/2 đến 9/2). Càng tăng thời gian doubling time thì càng có dấu hiện chậm lại của bệnh dịch.
- Tại Hoa Kỳ, con số case tăng chậm so với Trung Quốc và các nước khác, với các bệnh pháp quyết liệt như cấm bay và cách ly khách từ vùng dịch về Hoa Kỳ, con số ca tại Hoa có thể sẽ tăng chậm và trong tầm kiểm soát.
- Con số ca được công bố tại Việt Nam cũng tăng chậm so với Trung Quốc.

COVID-19 lây qua đường nào?

- Hiện nay WHO cho rằng COVID-19 chủ yếu lây do tiếp xúc gần qua đường hô hấp. WHO cũng không khẳng định rõ Covid-19 có lây qua khí dung hay không, tuy nhiên các quan chức Trung Quốc và Bộ Y tế Việt Nam đều khẳng định Covid-19 không lây qua đường không khí. CDC ngày 5/2 cũng cho rằng Covid-19 lây qua tiếp xúc gần qua hệ hô hấp.
- Một số bài báo cho rằng Covid-19 có thể lây qua đường phân-miệng (fecal-oral) nhưng cả WHO và CDC đều chưa khẳng định. Các case nghiên cứu cho thấy khi mật độ virus cao thì virus có thể lây qua nhiều đường khác nhau. Nhưng hiện nay, virus Corona vẫn lây chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc gần.

COVID-19 sống được bao lâu ngoài không khí?

- Nhiều nhà khoa học cùng nhau đoán con virus này sống bao lâu bên ngoài cơ thể, chủ yếu dựa vào các nghiên cứu từ bà con của nó là MERS và SARS.
Gần đây, một nghiên cứu từ Đức cho thấy Covid-19 có thể sống từ 2 giờ đến 9 ngày, trung bình là 4-5 ngày trong điều kiện 20 độ C, và chúng có thể sống đến 9 ngày ở nhiệt độ thấp và ẩm. Nhiệt độ cao hơn thì virus ít sống lâu hơn. Nghiên cứu này cũng chỉ ra các chất có thể làm tê liệt (inactive) virus trong 1 phút gồm 62-71% ethanol, 0.5% hydrogen peroxide, hay 0.1% sodium hypochlorite.

Thời gian ủ bệnh của virus COVID-19 là bao lâu?

- Trong y khoa, thời gian ủ bệnh được tính từ lúc bị nhiễm virus Corona cho đến có các triệu chứng lâm sàng như sốt, ho, khó thở, mệt mỏi. Hiện nay các ước tính trung bình là 6 ngày, trong khoảng từ 1 đến 12 ngày do WHO công bố. CDC thì cho rằng thời gian ủ bệnh là 2-14 ngày, dựa trên các thông số của virus MERS. Gần đây có báo nói về thời gian ủ bệnh đến 24 ngày, con số này không đúng vì cách giải thích bên dưới.

Gần đây chúng ta biết thêm gì virus Corona?

- Một nghiên cứu gần đây (công bố ngày từ Trung Quốc với 1099 bệnh nhân mắc virus Corona cho chúng ta thêm các thông tin về con virus này. Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa được bình duyệt (not yet peer reviewed) nên nhiều thông tin và phân tích thống kê có thể chưa chính xác. Đây có thể xem là nghiên cứu có số bệnh nhân về virus Corona nhiều nhất cho đến nay.
- Nghiên cứu này cho thấy tuổi mắc bệnh trung bình của bệnh nhân là 47 tuổi, trong đó có 58.1% là nam, 41.9% là nữ. Trong số này, phần lớn bệnh được lây từ người qua người (chỉ có 1.18% bệnh nhân mắc bệnh là tiếp xúc với động vật), trong đó 31.3% bệnh nhân từng đến Vũ Hán và 71.8% bệnh nhân tiếp xúc với người từ Vũ Hán.

Các triệu chứng thường gặp nhất là sốt (87.9%) và ho (67.7%). Xét nghiệm máu cho thấy 82.1% bệnh nhân bị thấp bạch cầu lymphocyte, đây là bạch cầu chính tấn công virus (Lymphopenia). Nhiều bệnh nhân có hình X-quang bình thường (do virus và cơ thể cần thời gian để làm tổn thương mô phổi). Thời gian ủ bệnh trung bình là 3 ngày (từ 0 đến 24 ngày). Đã có báo giật tin là thời gian ủ bệnh virus này là 24 ngày có lẽ dựa vào thông tin này.
- Nghiên cứu này có vài điểm khác biệt với một nghiên cứu khác đăng trên JAMA (đã qua bình duyệt) với 138 bệnh nhân virus corona. Thứ nhất là số bệnh nhân bệnh nặng, nhập viện ICU tại nghiên cứu (có thêm nhiều bệnh nhân) này chỉ là 5% so với 26% trên JAMA. Thứ hai, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân trong nghiên cứu này là 1.36% so với 4.1% trên JAMA. Cả hai đều cho thấy bệnh nhân trong nghiên cứu này bệnh không nặng bằng nghiên cứu trước trên JAMA.

- Con số 24 ngày ủ bệnh có thể là outliner (con số ngoại lệ) chứ không hẳn là chính xác. Bệnh nhân có thể bị nhiễm vào ngày 0, sau đó đến ngày thứ 10, vẫn chưa có triệu chứng, lại bị nhiễm lần nữa do tiếp xúc với nhiều người bệnh (tại Vũ Hán), sau đó thì thêm 14 ngày nữa có triệu chứng (tổng cộng là 24 ngày).
Trước kia, trong dịch Ebola, có trường hợp bị tái nhiễm (re-infection), khiến cho thời gian ủ bệnh dài hơn và cũng có cách giải thích cũng tương tự. Ngoài ra, nghiên cứu này chỉ tính các bệnh nhân ở tỉnh Hồ Bắc và Vũ Hán, các thành phố và nước khác chưa có thông tin cụ thể.

Khẩu trang muối có diệt được virus?

- Câu trả lời ngắn gọn là được trên lý thuyết, nhưng dùng thế nào để an toàn và không bị tác dụng phụ là chuyện khác.
Năm 2017, GS Hyo Choi từ Canada có xuất bản nghiên cứu về dùng muối ăn để diệt virus cúm (influenza). Năm nay, ông cho rằng có thế áp dụng bằng cách tráng lớp muối trên bên trong khẩu trang, khi các hạt mịn thấm (có chứa virus) thấm vào rồi khô đi, virus Covid-19 gặp muối sẽ bị tê liệt.
- Vấn đề là có nên lấy muối ăn đắp vào khẩu trang hay không? Hiện cách phòng ngừa bệnh tốt nhất vẫn là rửa tay sạch, có hệ miễn dịch tốt, và đeo khẩu trang khi cần thiết (có triệu chứng ho hoặc tiếp xúc người bệnh). Nếu quý vị khỏe mạnh, ít có khả năng bị nhiễm thì đeo khẩu trang muối vào sẽ làm viêm da mặt (khô da) và có khả năng cao huyết áp (do tăng muối).

FB Huynh Wynn Tran

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X