Hotline 24/7
08983-08983

PGS.BS Huỳnh Wynn Trần tư vấn: Thuốc nào điều trị COVID-19 tại nhà và bệnh viện?

Trong buổi livestream mới đây, PGS.BS Huỳnh Wynn Trần nhận được nhiều câu hỏi về các loại thuốc điều trị COVID-19. Vì vậy, chuyên gia đến từ Los Angeles, California đã chia sẻ ngắn gọn các loại thuốc dùng để chưa tại nhà (ngoại trú) và tại bệnh viện (nội trú).

Tuy nhiên, PGS.BS Huỳnh Wynn Trần cũng nhấn mạnh, cho dù được điều trị tại nhà hay tại bệnh viện thì người bệnh cần phải được tư vấn với bác sĩ về thuốc điều trị COVID-19 vì các loại thuốc luôn tiềm  ẩn những tác dụng phụ nguy hiểm.

1. Các thuốc điều trị COVID-19 tại nhà hay tại văn phòng bác sĩ

Việc chữa trị tại nhà hay tại bệnh viện tùy vào triệu chứng, bệnh nền, rủi ro phát bệnh nặng. Bệnh nhân COVID-19 có thể có nhiều triệu chứng khác nhau, nên cả bác sĩ và bệnh nhân cần phải nghĩ đến chẩn đoán COVID-19 cho bất kỳ triệu chứng nào khác thường ngày ví dụ như mệt mỏi, biếng ăn (do mất vị giác), đau nhức khớp, nhức mỏi hay các triệu chứng kinh điển như sốt, ho, khó thở.

Theo PGS.BS Huỳnh Wynn Trần, để giúp việc chữa trị thành công, thì cần các yếu tố. Thứ nhất là giải thích kỹ về COVID-19. Thứ hai, điều vô cùng quan trọng đó là tạo hệ miễn dịch tốt, có như vậy bệnh nhân mới chiến đấu hiệu quả với COVID-19/SASR-CoV-2, và để làm được điều này thì cần chữa dứt hoặc kiểm soát tốt các bệnh mãn tính, cần tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và ăn uống cân bằng.

Khi điều trị tại nhà, PGS.BS Huỳnh Wynn Trần lưu ý đến các triệu chứng cần phải được xử trí ngay. Đó là, các triệu chứng về phổi cần phải được chữa sớm ví dụ như cho thuốc giảm ho, tiêu đàm (Benzonatate, Aprodine) khi bệnh nhân bị ho, thuốc trị sốt (Tylenol), thuốc xịt phổi Albuterol (ProAir) khi bệnh nhân khó thở, và trụ sinh trong trường hợp có dấu hiệu viêm phổi.

“Dùng oxygen tại nhà nếu cảm giác khó thở hay mệt và khi oxygen trong máu bị tụt dưới 90%, mục tiêu là giữ oxygen trên 90%. Bệnh nhân có thể bắt đầu bằng cho chạy 2L/min và chỉnh lên xuống khi cần thiết. Máy đo nồng độ oxygen trong máu (Pulse oxygen), bình thường là trên 95%, nếu dưới 90% hoặc có triệu chứng khó thở/mệt thì gọi bác sĩ ngay” - PGS.BS Huỳnh Wynn Trần cho hay.

Về các loại thuốc có thể sử dụng khi điều trị tại nhà/ văn phòng bác sĩ, PGS.BS Huỳnh Wynn Trần đưa ra một vài gợi ý như sau:

1. Paracetamol (Acetaminophen, APAP) hay Tylenol: Đây là thuốc giảm đau và hạ sốt, nên dùng ngay khi nghi ngờ có triệu chứng. Liều dùng 2 viên 500mg mỗi ngày 3 lần, tối đa 3g một ngày. Lưu ý bệnh nhân bệnh gan cần phải hỏi ý kiến bác sĩ vì dùng nhiều APAP có thể tăng rủi ro tổn thương gan.

2. NSAID (Ibuprofen 200mg, Aleve hay Naproxen 500mg): là thuốc kháng viêm, giảm đau nhức, và hạ sốt. Trước kia có nhiều nghi ngờ về NSAID trong chữa trị COVID-19, nhưng nghiên cứu gần đây trên Lancet chỉ ra NSAID có thể chữa triệu chứng không thua gì Acetaminophen và không có tăng rủi ro (1). Vì vậy, Ibuprofen 200mg /Aleve có thể dùng cho chữa trị COVID-19 nếu bệnh nhân không thể dùng Acetaminophen.

3. Vitamin D liều thấp mỗi ngày: Ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra vai trò quan trọng của vitamin D trong việc ngăn ngừa và bảo vệ cơ thể khỏi COVID-19. Khi bệnh nhân bị thấp vitamin D thì rủi ro mắc COVID-19 hoặc có bệnh COVID-19 nặng hơn sẽ cao hơn. Bạn nên kiểm tra mức vitamin D và có thể dùng 1 viên 2000 IU mỗi ngày.

4. Thuốc Steroid (Dexamethasone và Prednisone): Dexamethasone (Steroid) đã chứng minh có thể giảm tỉ lệ tử vong trong các nghiên cứu trước đây và hiện nay đã được NIH đưa vào phác đồ điều trị trong bệnh viện. Tuy nhiên, chưa có những hướng dẫn về trị Steroid tại nhà nên tùy vào từng ca mà bác sĩ có thể cho uống Steroid tại nhà. Liều thông thường là 6mg Dexamethasone hay 40mg Prednisone mỗi ngày trong vòng 5-7 ngày.

5. Melatonin: Đây là thuốc ngủ gốc thảo dược, có rất ít tác dụng phụ và bệnh nhân có thể dùng trong một thời gian dài. Một nghiên cứu hồi quy từ Cleveland Clinic cho thấy bệnh nhân dùng Melatonin có thể giảm được 28% rủi ro nhiễm virus SARS-CoV-2. Dựa vào điều này, nhiều bác sĩ đã cho bệnh nhân dùng Melatonin, liều dùng 10mg mỗi tối.

2. Các thuốc dùng điều trị tại bệnh viện

Về các thuốc dùng điều trị tại bệnh viện, theo PGS.BS Huỳnh Wynn Trần các thuốc được khuyến cáo sử dụng từ IDSA là Dexamethasone, Remdesivir, Tocilizumab. Tuy nhiên, trong các thuốc này FDA chỉ mới phê chuẩn thuốc Remdesivir.

1. Dexamethasone (Steroid): Là thuốc ức chế hệ miễn dịch. Nghiên cứu RECOVERY (2) cho thấy Dexamethasone có thể giảm nguy cơ tử vong trong bệnh viện đến 36% đối với bệnh nhân thở máy, và giảm 18% đối với bệnh nhân nhận oxygen.

2. Remdesivir: Là thuốc kháng virus, dùng để ức chế khả năng nhân đôi của virus. Kết quả cho thấy Remdesivir giảm thời gian nằm viện từ 15 ngày xuống còn 11 ngày. Nhóm dùng remdesivir có thể giảm nguy cơ tử vong khoảng 27%. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây chỉ ra không có sự khác biệt lớn giữa hai nhóm dùng Remdesivir và giả dược (3).

3. Tocilizumab và Sarilumab: Là thuốc ức chế hệ miễn dịch, dùng chữa trị bệnh thấp khớp và bệnh viêm động mạch. Thuốc tocilizumab là ức chế protein IL-6, khóa chuỗi kháng viêm. Nghiên cứu đang trên NEJM chỉ ra xác suất sống ở bệnh nhân được điều trị với tocilizumab và sarilumab tăng 61%.

4. Baricitinib: Là thuốc ức chế hệ miễn dịch, dùng trong chữa trị bệnh thấp khớp và da liễu. Thuốc Barcitinib ức chế và khóa chuỗi viêm sưng, dẫn đến kiểm soát viêm sưng và ức chế hệ miễn dịch.

BS Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ

Tham khảo

1. https://www.thelancet.com/.../PIIS2665-9913(21.../fulltext

2. https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa2021436

3.https://jamanetwork.com/.../jamanetwo.../fullarticle/2781959

Bài viết mang tính chất tham khảo, người bệnh không tự ý dùng thuốc, cần có sự tư vấn chuyên môn từ bác sĩ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X