Hotline 24/7
08983-08983

PGS.BS Huỳnh Wynn Trần: “Nợ miễn dịch” có thật không?

Trên trang cá nhân, PGS.BS Huỳnh Wynn Trần giúp mọi người hiểu rõ vấn đề “nợ miễn dịch” (immunity debt) được nhắc đến nhiều sau đại dịch Covid-19 và khái niệm “khoảng trống miễn dịch” (immunity gap).

Hôm nay báo VnExpress phỏng vấn tôi về “nợ miễn dịch” (immunity debt) do tình hình trẻ em tại Việt Nam mắc bệnh nhiều sau dịch Covid-19. Tôi viết bài này chỉ giải thích kỹ hơn về hệ miễn dịch, chỉ ra “nợ miễn dịch” là một khái niệm chưa chính xác, mới chỉ xảy ra sau dịch Covid-19, và khái niệm “khoảng trống miễn dịch” (immunity gap).

Nợ miễn dịch là gì?

- Khái nhiệm nợ miễn dịch bắt nguồn từ năm ngoái, khi một bài nghiên cứu từ Pháp (1) gợi ý rằng trẻ em khi không tiếp xúc nhiều với các virus và mầm bệnh trong hơn hai năm đại dịch Covid-19 khiến cho hệ mịễn dịch trẻ yếu hơn. Giờ đây khi cuộc sống bình thường trở lại, các trẻ này tiếp xúc nhiều với các loại virus, như RSV, khiến cho trẻ bị bệnh nhiều hơn do hệ miễn dịch bị thiếu hay bị "nợ".

Một số bài phân tích khác cho rằng hệ miễn dịch trẻ em như một cơ bắp, cần phải tập luyện tiếp xúc thường xuyên với virus hay mầm bệnh sẽ khiến hệ miễn dịch mạnh hơn. Không tiếp xúc một thời gian dài khiến hệ miễn dịch bị yếu đi, như chúng ta không tập thể dục cho cơ bắp.

Hệ miễn dịch của chúng ta phức tạp hơn cơ bắp

- Để hiểu hơn về trẻ em và Covid-19, tôi nhắc lại chút xíu về hệ miễn dịch. Chúng ta có 2 loại miễn dịch: miễn dịch tự nhiên (innate immunity, có sẵn trong cơ thể) và miễn dịch thu được (adaptive immunity, cơ thể tạo thêm kháng thể và tế bào miễn dịch học qua quá trình tương tác với virus, vi khuẩn, từ đó cơ thể học cách nhớ mặc các bệnh này).

Hệ miễn dịch tự nhiên là  miễn dịch phản ứng tại chỗ, nhanh, nhưng không cụ thể, không rõ  ràng (kiểu như thiên lôi chỉ đâu đánh đó), không có sự lựa chọn hay trí nhớ miễn dịch trong khi đó miễn dịch thu được là phản ứng chậm hơn,  có lựa chọn, và có trí nhớ miễn dịch thông qua tương tác kháng thể với các tế bào khác. Cả người lớn và trẻ em đều có 2 loại miễn dịch này nhưng cách phản ứng của hai loại miễn dịch có thể có kết quả khác nhau với virus.

- Ở trẻ em, bảo vệ cơ thể ban đầu chủ yếu là hệ miễn dịch tự nhiên (lực lượng địa phương), gồm làn da, các dung dịch, tế bào đại thực bào, tế bào bạch cầu. Hệ miễn dịch thu được gồm tế bào T, tế bào B, Natural Killer T cell, có khả năng nhận biết virus, nhớ virus vi khuẩn, nhớ bệnh, và có thể gọi là lực lượng tinh nhuệ trung ương.

Khi virus vào cơ thể trẻ em, nơi hệ miễn dịch tự nhiên lập tức phản ứng nhanh, nhiều và mạnh, có thể lập tức đánh bại virus ngay lúc virus vừa vào, khi virus chưa có nhân bản nhiều trong lúc đợi miễn dịch thu được phát triển.

Trong một bài khác, tôi phân tích xông hơi trị cảm cũng là một cách kích thích hệ miễn dịch tự nhiên khi làm nhiệt độ cơ thể tăng cao, làm chậm quá trình nhân bản của virus .

- Vì vậy, hiểu và phân tích hệ miễn dịch ở trẻ em không chỉ đơn giản là so sánh hệ miễn dịch với cơ bắp, tiếp xúc nhiều sẽ khoẻ hơn, hay khái niệm "vay trả do thiếu nợ".

Trẻ bệnh nhiều hơn có thể do khoảng trống miễn dịch

- Một khái niệm mới gần đây, khoảng trống miễn dịch, chỉ ra trẻ em khi ít tiếp xúc với các virus và mầm bệnh thì hệ miễn dịch có thể cần thêm chút thời gian để bắt kịp với việc nhận ra các mầm bệnh và tấn công chúng. Khái niệm này có thể giải thích lý do vì sao trẻ trước dịch Covid-19 và sau dịch Covid-19 phản ứng khác nhieu khi tiếp xúc với virus RSV.

Trước dịch Covid-19, CDC ước tính đa số các trẻ trước 2 tuổi đã có tiếp xúc với RSV và có thể đã có kháng thể đặc hiệu(2). Sau Covid-19, do các lệnh khoảng cách và ít tiếp xúc, trẻ em nhiều khả năng chưa có đủ các kháng thể kháng RVS, dẫn đến bệnh nặng hơn và tỉ lệ nhập viện cao hơn.

- Một bài báo đăng trên Lancet cũng chỉ ra sau Covid-19, trẻ em sẽ có rủi ro bệnh cao hơn do hệ miễn dịch cần có thêm thời gian để bắt kịp và nhận ra các mầm bệnh (3).

Tóm lại

- Trẻ em và cả người lớn sau Covid-19 khi tiếp xúc trở lại cuộc sống bình thường có thể sẽ bị nhiễm những bệnh hay gặp trước kia (RSV, cúm mùa) và cơ thể sẽ cần thời gian để bắt kịp khoảng trống miễn dịch

- Quý vị nhớ chăm sóc con em bằng cách theo dõi với BS nhi khoa thường xuyên, kiểm soát dinh dưỡng (ngăn ngừa bệnh tiểu đường), kiểm tra bệnh suyễn, và chích ngừa vaccine cho bé đầy đủ.

Bs Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X