Hotline 24/7
08983-08983

Paracetamol và chuyện chăm sóc sau tiêm vắc xin COVID-19

BS Ngô Đức Hùng, tác giả 2 ấn phẩm: “Để yên cho bác sĩ hiền” và “3 phút sơ cứu” có bài chia sẻ trên trang cá nhân về chuyện chăm sóc sau tiêm vắc xin COVID-19 và cách sử dụng Paracetamol an toàn, hiệu quả. AloBacsi xin được trích đăng bài viết này để bạn đọc chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiêm ngừa "tập 1" hay "tập 2" sắp tới.

Hàng ngày, mình bị nã liên tục các tin nhắn về chuyện đau mỏi cơ và sốt sau tiêm vắc xin COVID-19 từ những người... sắp tiêm. Đây là hậu quả của việc “truyền miệng" cùng với những nỗi sợ mơ hồ về các tác dụng phụ vốn dĩ thông thường sau tiêm bất cứ loại vắc xin nào trở thành nỗi lo thái quá của nhiều người.

Mỗi con người là duy nhất, nên dù có cấu tạo giống nhau, hoạt động giống nhau nhưng cách phản ứng với các vật chất kích thích sinh kháng thể - còn gọi là kháng nguyên có đôi chút khác nhau. Có người phản ứng mạnh, có người phản ứng nhẹ, vì vậy khả năng sinh kháng thể bảo vệ mỗi người cũng khác. Đó cũng là lý do tại sao khi mắc COVID-19, có người chuyển nặng thở máy, rồi ECMO, người khác lại nhẹ hều, không cần làm gì cũng khỏi.

BS Ngô Đức Hùng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về việc sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt sau tiêm ngừa

Việc tiêm vắc xin thế nào và phối hợp ra sao các văn bản của Bộ Y tế đã quá rõ ràng không cần thiết phải nhắc lại nữa. Trong phạm vi bài này chỉ đề cập đến tác dụng ngoại ý sau tiêm. Hầu hết các phản ứng sau tiêm vắc xin COVID-19 đều xuất phát từ phản ứng viêm, viêm tại chỗ và viêm toàn thân. Nói chung gần giống hệt vắc xin cúm mùa. Các phản ứng này chỉ xuất hiện 1-2 ngày rồi hết mà không cần phải can thiệp gì cả. Còn lại là vài phản ứng miễn dịch hiếm gặp khác, như nổi mẩn, vi huyết khối…, loại này thì nên gặp bác sĩ để tư vấn thêm.

Triệu chứng viêm tại chỗ chính là sưng đau tại chỗ tiêm, tự chườm mát là hết. Phản ứng viêm toàn thân chính là cơn sốt, kèm đau mỏi cơ từ đầu đến chân. Nói chung là khá mệt, lúc này thì nên uống thuốc cho đỡ khó chịu.

Lần tiêm mũi vắc xin COVID-19 đầu tiên, mình chẳng có phản ứng gì ra hồn nên rất sung sướng, đến mũi 2 thì đau mỏi người, đứng ngồi không yên, và sốt mất nguyên 1 ngày. Cũng chả phải làm gì ngoài việc uống 2 viên hạ sốt, rồi thôi. Nhưng ngược lại, đồng nghiệp của mình thì mũi một nằm 3 ngày, sốt đùng đùng, uống thuốc hạ sốt ngày 4 lần, đến mũi hai, nó lại “nhe nhởn” như không có chuyện gì xảy ra. Thế nên đừng tin các lời khuyên từ kinh nghiệm kẻo nghiệm lại mà kinh.

Nhiều người gửi tin nhắn hỏi mình có nên làm theo các lời khuyên trên mạng xã hội, rằng uống… 1 - 2 viên paracetamol trước khi tiêm vắc xin… phòng sốt có được không. Giời ạ!

Paracetamol có tác dụng ức chế các chất hóa học gọi là Prostaglandin, đây là chất kích thích gây tăng thân nhiệt và phản ứng đau, có tác dụng hạ sốt và giảm đau ở mức độ vừa phải và an toàn, đó cũng là lý do nó thuộc nhóm không cần kê đơn.

Sau khi vào cơ thể, thuốc sẽ vào máu và xử lý qua gan, thời gian có tác dụng thường chỉ trong 4 - 6 giờ, do đó, việc uống paracetamol trước khi tiêm vắc xin để… phòng đau và sốt là vô tác dụng. Chưa kể, tiêm xong cũng phải 6 giờ sau mới có thể sốt. Phải uống đúng thời điểm và đúng hàm lượng, nghĩa là khi nào đau và sốt hãy uống, còn không thì thôi.

Uống thế nào? Lý tưởng là mỗi lần 10-15mg/kg cân nặng và mỗi lần uống cách nhau mỗi 4 - 6 giờ. Hầu hết người Việt đều có cân nặng từ 50 - 70kg nên lượng Paracetamol thông thường sẽ rơi vào khoảng giữa 500 - 1000mg. Uống 500 thì hơi ít, mà 1000 thì lại hơi thừa.

Để đảm bảo tác dụng tốt, thường chúng ta có xu hướng tăng liều hơn so với khuyến cáo sẽ tăng gánh nặng chuyển hóa cho tế bào gan. Do vậy, mình vẫn khuyên mọi người có thể lựa chọn Hapacol 650mg, với liều 1 viên mỗi lần là hợp lý cho đa số.

Một số người cực đoan hơn, bảo cứ để đau mỏi, cứ để sốt thế mới tốt. Ơ hay, thuốc được sinh ra để giảm bớt sự khó chịu giúp chúng ta sống thoải mái hơn thì tội gì phải khổ, đau mỏi cũng là 1 trạng thái stress cần phải giải tỏa kẻo có hại cho cơ thể.

Tuy nhiên, cái gì cũng có 2 mặt, thuốc dù không kê đơn cũng phải dùng đúng thời điểm và đúng liều, không được lạm dụng. Liều phù hợp để lá gan không bị tổn thương và đúng thời điểm để kiểm soát triệu chứng cho tốt. Nắm vững cơ bản thế là có thể áp dụng luôn vào đời sống thường ngày.

Tỉ dụ như mùa dịch ở trong nhà kéo dài đã phát điên, rồi suốt ngày canh con học online nữa thì đau đầu thật. Những cơn đau do stress kiểu này hoàn toàn có thể uống 1 viên Hapacol 650 thay vì đút đầu vào tủ lạnh cho nguội bớt các mẹ ạ!

[DAP]

BS Ngô Đức Hùng (Hùng Ngô) - tác giả cuốn sách “Để yên cho bác sĩ hiền”, bác sĩ của khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, giảng viên của Đại học Y Hà Nội, là cái tên quen thuộc với nhiều người sử dụng Facebook.

Với lối viết hóm hỉnh, kiến thức đa chiều trong lĩnh vực y học, Facebook của BS Ngô Đức Hùng thu hút được lượng người theo dõi lên tới hơn 162.000. Đặc biệt BS Ngô Đức Hùng còn nổi lên như một bác sĩ tiên phong trong việc sử dụng mạng xã hội để “chiến đấu” với những hội nhóm đang sử dụng kiến thức y học thiếu chính xác khiến người dân có những hiểu biết sai lệch.

[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X