Hotline 24/7
08983-08983

Nôn trớ ở trẻ thế nào là dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản?

Trẻ bị nôn trớ khiến nhiều ông bố, bà mẹ bối rối. Tình trạng này nên xử trí thế nào đây? Câu trả lời đã có trong bài viết dưới đây với sự tư vấn của BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Nguyên Trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM.

1. Trẻ sơ sinh thường nôn trớ khi bú sữa, vì sao?

Thưa BS, hiện nay có rất nhiều trẻ sơ sinh khi bú sữa mẹ bị nôn trớ khiến các mẹ bỉm sữa hết sức bối rối. Vậy BS có thể cho biết nguyên nhân do đâu, và cách khắc phục tình trạng này thế nào ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Đôi khi tình trạng nôn trớ của trẻ sơ sinh là “tín hiệu” cảnh báo trẻ bị đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, hay biểu hiện của những bệnh lý khác. Mặc dù đây là biểu hiện của đường tiêu hoá nhưng cũng có thể trẻ đang bị nhiễm siêu vi hoặc mắc các bệnh lý về hô hấp. Do đó, phụ huynh nên theo dõi những triệu chứng kèm theo như:

  • Trẻ có triệu chứng sốt.
  • Trẻ bị nôn trớ thoáng qua (có thể do được đặt nằm xuống liền ngay sau khi bú).
  • Trẻ bị nôn trớ theo chu kỳ.
  • Trẻ chỉ mới xuất hiện triệu chứng nôn trớ trong khoảng 1 - 2 ngày.

Đó có thể là những biểu hiện của bệnh lý cấp tính hoặc chỉ là phản ứng của trẻ khi hờn dỗi, muốn mẹ ẵm bồng. Chính vì vậy, phụ huynh cần theo dõi kỹ để xác định được đây là triệu chứng do sinh lý hay bệnh lý.

Thông thường, BS sẽ khuyên các ông bố, bà mẹ theo dõi trẻ thông qua sổ sức khỏe ghi nhận tình trạng cân nặng, chiều cao. Cụ thể, nếu trẻ có biểu hiện nôn trớ nhưng không thường xuyên và vẫn lên cân bình thường thì trẻ không bị sao hết. Tuy nhiên, nếu trước đây trẻ không bị nôn trớ nhưng trong thời gian gần đây lại xuất hiện triệu chứng này, kèm theo sốt hoặc tiêu phân lỏng thì có thể trẻ đang mắc bệnh lý về tiêu hoá.

Bên cạnh đó, nếu trẻ bị nôn trớ, không muốn ăn và có thêm triệu chứng ho hoặc nghẹt mũi thì có thể trẻ đang mắc các bệnh lý về đường hô hấp.

Nói tóm lại, nếu trẻ chỉ bị nôn trớ mà không có triệu chứng kèm theo và vẫn sinh hoạt bình thường thì không sao hết. Dù vậy, nếu trẻ cứ nôn trớ trong thời gian dài thì sẽ gây ra những hậu quả như trẻ bị ho kéo dài, viêm tai giữa,… Vì vậy, bố mẹ nên đặc biệt lưu ý và đưa trẻ đi khám để được can thiệp sớm.

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh luôn được các bạn nhỏ yêu mến vì thăm khám nhẹ nhàng, giảm nỗi sợ khi phải đi khám, gặp bác sĩ. Ảnh: Viết Hưởng

2. Trẻ bị nôn trớ khi bú sữa có tự hết?

Vậy thì tình trạng nôn trớ của trẻ khi bú sữa có thể tự hết được không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Nếu trẻ nôn trớ do sinh lý thì có thể tự hết, tình trạng này chỉ xảy ra trong vòng vài tháng.

Dạ dày của trẻ sơ sinh nằm ngang chứ không nằm dọc như của người lớn. Do đó, đoạn từ dạ dày đến thực quản ra miệng rất ngắn và cơ vòng trên vẫn chưa được hoàn thiện nên trẻ sẽ dễ bị nôn trớ hơn trong những tháng đầu đời. Đây được xem là hiện tượng hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, phụ huynh nên chú ý không để chất nôn chảy vào trong đường phế phản của trẻ vì sẽ khiến trẻ bị viêm phổi hít hoặc viêm đường thở, trẻ sẽ bị sặc, thậm chí tắc đường thở.

Hiện tượng nôn trớ do sinh lý ở trẻ sơ sinh thường diễn ra trong vài tháng. Khi dạ dày của trẻ phát triển bình thường thì trẻ sẽ tự hết và không cần phải can thiệp.

3. Trẻ ở tuổi ăn dặm hay nôn ói, do đâu?

Vậy thưa BS, với những trẻ ở tuổi ăn dặm, bé hay nôn ói là do nguyên nhân do đâu ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Nôn ói là một triệu chứng của rất nhiều bệnh lý:

  • Ảnh hưởng của đường tiêu hoá.
  • Triệu chứng của đường hô hấp.
  • Do tâm lý.
  • Viêm tai giữa
  • Nhiễm siêu vi.

Có thể thấy, dù là một triệu chứng nhỏ nhưng nôn ói lại là biểu hiện của nhiều bệnh lý. Do đó, khi đến khám, các BS thường hỏi phụ huynh những triệu chứng kèm theo ở trẻ để chẩn đoán một cách chính xác trẻ đang bị bệnh lý gì.

4. Trẻ nôn ói, khi nào là nhõng nhẽo, khi nào là dấu hiệu bệnh lý?

Vậy thưa BS, có khi nào trẻ nôn là do nhõng nhẽo không ạ? Làm sao để biết chính xác là trẻ đang nhõng nhẽo chứ không bị bệnh ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Đối với trẻ lớn, khi có biểu hiện bất thường thì trẻ có thể dễ dàng nói cho bố mẹ biết. Tuy nhiên, với những trẻ còn quá nhỏ, trẻ chỉ có thể báo hiệu cho bố mẹ biết bằng cách khóc la hoặc nôn trớ.

Theo đó, nôn trớ có thể do vấn đề tâm lý. Chẳng hạn, những bé đang bú sữa mẹ, đột nhiên một ngày nào đó mẹ đi làm trở lại thì trẻ có thể phản ứng nhõng nhẽo đòi mẹ bằng biểu hiện nôn trớ. Hay đối với trẻ đang trong độ tuổi học mầm non, việc khó thích nghi với môi trường mới cũng có thể khiến trẻ nôn trớ.

Vì vậy, các ông bố bà mẹ nên hiểu rằng, tất cả những biểu hiện xảy ra trên người trẻ đều là “tín hiệu” mà con muốn nói cho bố mẹ biết. Chính vì vậy, bố mẹ cần quan sát và phân biệt được trẻ đang mắc bệnh lý hay gặp vấn đề về tâm lý.

  • Nếu trẻ mắc bệnh lý, ngoài nôn trớ thì trẻ có thể xuất hiện những triệu chứng kèm theo như bỏ ăn, mệt mỏi.
  • Nếu trẻ đang gặp vấn đề về tâm lý, trẻ sẽ có những biểu hiện buồn, vui, nôn trớ,… Những phản ứng, cảm xúc của trẻ nhỏ sẽ không giống với người lớn, nên bố mẹ cần tâm sự nhiều hơn và giải thích cho con hiểu. Một điểm đặc biệt là người mẹ có khả năng cảm nhận được con của mình có vấn đề gì không ổn. Tuy nhiên, một số bà mẹ thường lo lắng thái quá nên cần đến sự thăm khám của BS.

5. Trẻ bị nôn ói, phụ huynh nên xử lý tại nhà ra sao?

Thưa BS, trẻ nôn với tần suất thế nào là nhiều, và trong thời gian chưa đi bệnh viện khám được, các phụ huynh có cách nào giúp giảm nôn cho con tại nhà không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Nếu quý phụ huynh thấy con có biệu hiện rối loạn tiêu hoá hoặc sốt thì nên đưa trẻ đi khám ngay. Đặc biệt, ở những trẻ nhỏ thường gặp trường hợp bị lồng ruột, biểu hiện qua việc trẻ khóc thét từng cơn. Nếu thấy con gặp biểu hiện này, bố mẹ cần đưa con đến bệnh viện ngay lập tức.

Theo BS, phụ huynh không nên tự ý cho con uống thuốc khi thấy con nôn ói. Bởi nôn ói ở trẻ có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau, nếu bố mẹ tự ý cho trẻ uống thuốc chống ói đôi khi sẽ lợi bất cập hại.

Chẳng hạn, trẻ không nên uống thuốc chống ói nếu đang bị lồng ruột. Hay nếu trẻ đang khó chịu, muốn đẩy những chất ứ đọng trong bụng ra mà phụ huynh lại cho trẻ uống thuốc chống ói cũng không tốt. Chưa kể, thuốc chống ói còn có thể gây ra tác dụng phụ khiến trẻ gặp hội chứng ngoại tháp.

Do đó, phụ huynh không nên tự ý cho trẻ uống thuốc mà nên xử lý một cách đúng đắn.

  • Với những trẻ sơ sinh (< 6 tháng), bố mẹ có thể cho trẻ nghiêng đầu sang một bên tránh tình trạng trẻ bị viêm phổi hít và sặc chất ói. Đồng thời, phụ huynh nên theo dõi thêm, nếu trẻ cứ ói nhiều lần thì nên đưa đến cơ sở y tế.
  • Với trẻ > 6 tháng, chúng ta không nên ép trẻ ăn nữa mà chủ yếu là bù nước cho trẻ.
  • Với những trẻ ói theo chu kỳ, rất có thể đó là biểu hiện của bệnh lý về não. Do đó, nên đưa trẻ đi khám để thực hiện những xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân khiến trẻ ói theo chu kỳ.
  • Một số trường hợp trẻ bị dị ứng nhưng lại không có biểu hiện nổi mề đay mà chỉ nôn trớ. Đó có thể do viêm thực quản dị ứng với thức ăn hoặc một dị nguyên nào đó.

Nói tóm lại, nôn trớ là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em, đó là một trong những triệu chứng của nhiều bệnh lý. Do đó, phụ huynh cần nắm được những bệnh lý có thể gây ra nôn trớ ở trẻ và đưa con đi khám kịp thời.

6. Trẻ bị nôn ói, khi nào cần bù nước và nên bổ sung loại nào?

Thưa BS, trẻ bị nôn ói nhiều thì khi nào chúng ta phải bù nước, và nên cho bé uống nước gì ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Khi trẻ bị nôn ói nhiều, BS thường kê dung dịch nước điện giải oresol để bù cho trẻ.

Tuy nhiên, trẻ sẽ gặp vấn đề là cứ ói hoài nên sẽ rất khó uống. Vì vậy, phụ huynh cần kiêng nhẫn cho con uống từng ngụm và không nên cho con uống nhiều vì sẽ khiến con nôn trớ trở lại.

Thông thường, khi trẻ bị nôn ói hay tiêu chảy sẽ bị mất nước và chất điện giải rất nhiều. Do đó, chúng ta cần bù lại cho trẻ. Quý phụ huynh có thể trữ sẵn trong tủ thuốc gia đình một vài gói oresol hay viên bù điện giải để phòng trường hợp trẻ bị nôn ói, tiêu chảy vào buổi tối. Tuy nhiên, với những trẻ nhỏ (< 6 tháng) thì không cần phải bù nước mà chỉ cần bú sữa mẹ là được.

7. Làm sao để nhận biết trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản?

Thưa BS, với trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản, thì có dấu hiệu nào để phụ huynh nhận biết không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản sẽ có biểu hiện nôn trớ. Cũng có trường hợp trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản nhưng không nôn trớ mà chỉ có hiện tượng khóc về đêm. Sở dĩ có trường hợp này là do vào buổi tối, dịch vị trào ngược lên khiến trẻ khó chịu nhưng không nôn trớ nên trẻ chỉ bật khóc. Đôi lúc, trẻ bị viêm tai giữa cũng do trào ngược dạ dày thực quản.

Một số phụ huynh khi thấy con ho, khò khè hoài thì điều trị viêm phế quản, viêm họng nhưng thực tế đó là do trẻ bị trào ngược dạ dày.

Như vậy, để xác định chính xác nguyên nhân khiến trẻ bị trào ngược, bố mẹ cần đưa con đi khám và thực hiện một số xét nghiệm để con được điều trị hợp lý nhất.

8. Trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản, nên điều trị ở độ tuổi nào?

Nếu trẻ đã được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản thì nên bắt đầu điều trị ở độ tuổi nào thưa BS?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Bất cứ trẻ ở lứa tuổi nào mà trào ngược dạ dày thực quản gây ra hậu quả đều cần được điều trị. Nếu trào ngược dạ dày thực quản không gây ra hậu quả thì bố mẹ chỉ cần thay đổi cách ăn, chẳng hạn như hạn chế cho trẻ bú đêm, hoặc dùng các loại sữa dành cho trẻ trào ngược.

Một số trường hợp trẻ bị trào ngực dạ dày thực quản cần điều trị như:

  • Gây viêm phổi hít.
  • Ho kéo dài.
  • Viêm tai giữa.
  • Hư răng.

9. Ngoài dùng thuốc, phụ huynh cần lưu ý gì để trẻ giảm trào ngược dạ dày thực quản?

Thưa BS, ngoài việc dùng thuốc thì trong sinh hoạt, trẻ cần lưu ý gì để giảm triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Để giảm trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ, phụ huynh cần lưu ý một số điều sau:

  • Trước đi ngủ 2 giờ, không nên cho trẻ bú sữa hoặc ăn đêm. Nếu bố mẹ sợ trẻ suy dinh dưỡng thì có thể bổ sung những thực phẩm vào ban ngày. Nếu trẻ đã quen với bú vào buổi tối, bà mẹ cần tập cho con ngưng bú đêm một cách từ từ chứ không nên ngưng ngay lập tức, bởi thói quen của trẻ cần được hình thành trong vòng 1 - 2 tuần.
  • Phụ huynh có thể cho con uống những loại sữa dành riêng cho trẻ bị trào ngược.

10. Nên cho trẻ ăn thế nào để tránh nôn ói, phòng ngừa trào ngược dạ dày thực quản?

Trước khi khép lại chương trình ngày hôm nay, BS có thể đưa ra một vài lời khuyên dành cho các phụ huynh trong việc cho con ăn uống như thế nào để giúp giảm tình trạng nôn ói và phòng ngừa bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ được không ạ?

BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Để phòng ngừa bệnh trào ngược dạ dày thực quản cho con, quý phụ huynh có thể lưu ý một số điều sau:

  • Chỉ nên cho con ăn nhẹ vào buổi tối. Nếu sợ trẻ đói, phụ huynh có thể cho trẻ ăn trước khi ngủ 2 giờ.
  • Không nên cho trẻ ăn thức ăn khó tiêu vào buổi tối như: đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh,…
  • Trẻ cần được ngủ ngon và đủ giấc. Bởi khi ngủ không ngon, hệ tiêu hoá của trẻ cũng sẽ hoạt động không tốt khiến trẻ dễ trào ngược.
  • Bố mẹ nên chú trọng đến tâm lý, sự tương tác của trẻ với xã hội và gia đình.

Có thể thấy, nuôi con là một nghệ thuật, không chỉ giúp con phát triển tốt về thể chất, phụ huynh cũng cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề tâm sinh lý của con.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X