Hotline 24/7
08983-08983

Nội soi phế quản bằng ống mềm được thực hiện thế nào?

ThS.BS Cao Văn Hội - Phó khoa Hô hấp, BV Nguyễn Tri Phương đưa ra chỉ dẫn cặn kẽ dành cho bệnh nhân chuẩn bị nội soi phế quản bằng ống mềm, thủ thuật thực hiện ra sao, sau khi nội soi bệnh nhân sẽ cảm thấy thế nào?

1. Nội soi phế quản bằng ống mềm đem lại lợi ích gì?

Nội soi phế quản ống mềm giúp bác sĩ quan sát và theo dõi được niêm mạc và các bất thường trong đường thở của bệnh nhân. Qua đó, bác sĩ thực hiện các phương pháp chẩn đoán như lấy mẫu mô, tế bào hay dịch ở phổi, đồng thời thực hiện một số thủ thuật điều trị để giúp bệnh nhân.

Hiện nay, thủ thuật nội soi được sử dụng rất rộng rãi do có sự tiến bộ của máy nội soi và kỹ thuật tiếp cận các đường thở của bệnh nhân, ít bị tổn thương về đường thở và đánh giá nhanh hơn, thời gian ngắn hơn nên thủ thuật nội soi được thực hiện ngày càng nhiều.

Thủ thuật tương đối an toàn, tuy nhiên, để được an toàn chúng ta phải tuân thủ một số quy tắc.

2. Vì sao phải thực hiện thủ thuật nội soi phế quản?

Thủ thuật nội soi phế quản là phương pháp vừa chẩn đoán vừa điều trị của các bác sĩ hô hấp.

Về chẩn đoán:

  • Nội soi có thể tìm thấy một khối u ở phổ, một hạt lypho, tình trạng xẹp phổi hay một tình trạng bất thường mà trước đó đã thấy được trên X-quang phổi, trên MSCT ngực của bệnh nhân, khảo sát, chẩn đoán khác.
  • Trên một bệnh nhân nghi ngờ có một bệnh lý đi kèm với phổi.
  • Đó là tình trạng ho kéo dài trên 3 tháng mà chúng ta chưa rõ nguyên nhân. Lúc đó, bác sĩ sẽ cho tiểu luận nội soi phế quản.
  • Trong một số trường hợp bệnh lý nhiễm trùng như viêm phổi không thể chẩn đoán được bằng các phương pháp khác. Khi đó, bệnh nhân sẽ được nội soi phế quản để xác định tác nhân gây bệnh.

Về điều trị:

  • Hỗ trợ điều trị, ví dụ như khi có bệnh nhân ho ra máu, bác sĩ sẽ nội soi phế quản để xác định vị trí chảy máu ở đâu. Qua đó, bác sĩ có thể cầm máu cho bệnh nhân.
  • Lấy dị vật đường thở.
  • Trong một số trường hợp ngộ độc về khí độc hay hóa chất hoặc những bệnh nhân bị tắc nghẽn, bác sĩ sẽ nội soi để hút lấy đi chất dịch hay đàm nhớt để thông đường thở cho bệnh nhân, hoặc dẫn lưu áp xe, rửa đường thở.

3. Trường hợp nào nên tạm hoãn nội soi phế quản?

Không phải tất cả bệnh nhân nào có vấn đề cần phải nội soi đều thực hiện soi ngay. Một số bệnh nhân cần tạm hoãn để cho bệnh nhân được an toàn hơn trong cuộc nội soi. Ví dụ:

Bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim nhưng không điều trị được tại thời điểm đó, nếu chúng ta nội soi có thể gây ảnh hưởng đến an toàn của bệnh nhân.

Bệnh nhân có bệnh lý về hô hấp nhưng hiện tại không có khả năng cung cấp đủ oxy trong quá trình nội soi, có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Suy hô hấp cấp tính, trừ phi các bệnh nhân này đã được đặt nội khí quản và thở máy, bảo vệ đường thở.

Bệnh nhân có tình trạng tắc nghẽn khí quản ở mức độ nặng: bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp không an toàn cho vấn đề nội soi và bệnh nhân bị đông máu nhưng không điều trị kịp thời.

Một số trường hợp ban đầu một số bệnh nhân đồng ý đi nội soi, nhưng khi nội soi thì không hợp tác nên bác sĩ phải tạm hoãn cuộc nội soi đó.

4. Nội soi phế quản có được về trong ngày không?

Nội soi phế quản là phương pháp điều trị an toàn và bệnh nhân này có thể được điều trị và về trong ngày nhưng một số bệnh nhân có bệnh lý mãn tính sẽ được điều trị qua đêm. Những bệnh nhân này sẽ được chỉ định và giải thích cặn kẽ trước khi nội soi cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân đã hiểu rõ vì sao mình cần nội soi và các nguy cơ khi nội soi, bệnh nhân đồng ý thì bác sĩ sẽ ký giấy chấp nhận thủ thuật.

Tiếp theo đó, bệnh nhân được thực hiện một số việc để đảm bảo an toàn cho cuộc nội soi, như xét nghiệm máu xem bệnh nhân có bị rối loạn đông máu hay không, BS xem phim X-quang và phim CT để xác định rõ các vị trí cần khảo sát.

Với các bệnh nhân có bệnh lý mạn tính, cần xem xét các bệnh mạn tính này có khả năng ảnh hưởng đến an toàn của cuộc nội soi bằng cách mời bác sĩ chuyên khoa đánh giá trước khi nội soi.

5. Trước khi nội soi, bệnh nhân được chuẩn bị thế nào?

Các bệnh nhân cần nhịn ăn và uống một đêm trước khi được nội soi, một số bệnh nhân đang dùng thuốc loãng máu, thuốc aspirin và thuốc ibuprofen thì bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân dừng các loại thuốc này bởi vì những thuốc này có thể ngăn làm chảy máu và ảnh hưởng đến sự an toàn của bệnh nhân.

Bệnh nhân sẽ được đặt kim luồn catheter vào tĩnh mạch để truyền thuốc khi nội soi. Một số bệnh nhân buồn ngủ hay gặp các phản ứng không mong muốn sau khi nội soi nên cần có một thân nhân đi cùng.

Bệnh nhân có răng giả hay hàm giả nhưng tháo lắp được nên tháo ra trước cuộc nội soi.

6. Nội soi phế quản bằng ống mềm được tiến hành như thế nào?

Đa phần nội soi phế quản được thực hiện hoàn toàn tỉnh táo, một số trường hợp sẽ được tiền mê. Bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc theo đường tĩnh mạch để được thư giãn hơn, không quá lo lắng.

Bệnh nhân sẽ nằm ngửa ở tư thế thích hợp, hướng lên trần nhà. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng thuốc tê xịt vào khoang miệng hay cổ họng cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân được nội soi qua đường mũi, thủ thuật này được dùng để giảm khó chịu và cảm giác buồn nôn khi đưa ống vào.

Thuốc tê thường sẽ có mùi khó chịu và có vị nồng, bệnh nhân sẽ có cảm giác tê hay mất cảm giác. Khi ống soi được đưa vào trong khoang miệng hay đường thở của bệnh nhân, bệnh nhân có thể ho nhưng khi thuốc tê đã có tác dụng thì phản xa ho sẽ mất đi.

Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong cuộc nội soi, bác sĩ sẽ cung cấp oxy cho bệnh nhân hay đặt một cái sonde qua mũi hoặc qua mặt nạ dưỡng khí.

Trong cuộc nội soi, bệnh nhân sẽ được theo dõi nhịp tim liên tục, nhịp thở cũng như nồng độ oxy trong máu của bệnh nhân.

Sau khi đưa ống nội soi vào đường thở của bệnh nhân, bác sĩ sẽ bơm muối vào ống nội soi để súc rửa và lấy được tế bào, dịch rửa từ phế quản.

Một số trường hợp khác bác sĩ sẽ đưa dụng cụ như kìm hoặc kẹp vào trong ống soi để tiếp cận vào các điểm tổn thương, lấy những mảnh mô nhỏ trong đường thở của bệnh nhân, đây là thủ thuật sinh thiết. Hoặc bác sĩ dùng kìm lấy dị vật ra khỏi đường thở.

7. Bệnh nhân sẽ cảm thấy gì khi nội soi phế quản và sau khi nội soi?

Ban đầu, bác sĩ sử dụng thuốc tê để làm dịu hay làm tê các cơ tại cổ họng. Khi thuốc tê có tác dụng, bệnh nhân có cảm giác như có chất lỏng đang chảy ở phía sau thành họng của mình và muốn ho, mắc nghẹn. Khi thuốc tê có tác dụng hoàn toàn trong khi nội soi, bệnh nhân sẽ cảm giác có một vật lạ đè nhẹ lên khi bác sĩ kéo nhẹ ống soi khi đi qua đường thở.

Một số ít bệnh nhân sẽ cảm thấy nghẹt thở khi ống soi nằm trong cổ họng, nhưng đây chỉ là cảm giác của bệnh nhân, thực tế họ không thể bị nghẹt thở trong trường hợp này.

Sau khi nội soi và hết thuốc tê, bệnh nhân sẽ có triệu chứng rát cổ họng từ 1-2 ngày.

Phản xạ ho sẽ lặp lại từ 1-2 giờ. Do đó, trong 1-2 giờ đầu khi chưa có phản xạ ho, bệnh nhân sẽ không được ăn uống cho đến khi có phản xạ ho.

Phản xạ nuốt sẽ trở lại trong vòng 4 giờ sau khi nội soi, do đó bệnh nhân không được ăn uống trước khi có thể nuốt được. Để tránh tình trạng hít sặc, bệnh nhân luôn được khuyên ngồi thẳng.

Có thể test lại khả năng nuốt của bệnh nhân bằng cách cho bệnh nhân uống từng ngụm nước nhỏ. Nếu bệnh nhân không sặc hay có vấn đề, biến chứng xảy ra thì bệnh nhân sẽ trở lại bình thường.

Sau khi nội soi chúng ta không nên hút thuốc lá bởi vì hút thuốc sẽ gây kích thích đường hô hấp và gây ho, gây ra các phản xạ không mong muốn.

8. Sau nội soi phế quản, bệnh nhân bị đau họng hay biến chứng khác thì khắc phục thế nào?

Mặc dù nội soi phế quản là thủ thuật an toàn nhưng đây cũng là phương pháp xâm lấn nên cũng có những phản ứng không mong muốn xảy ra.

Tình trạng đau họng xảy ra do ống soi đi qua đường mũi họng, khí quản, nó để lại sang chấn vật lý và cơ học. Một số bệnh nhân sẽ bị khàn tiếng hay đau họng, đây chỉ là tạm thời, bệnh nhân sẽ dễ chịu sau khi dùng thuốc.

Thứ hai, chảy máu ở nơi bác sĩ bấm sinh thiết trên cơ địa của bệnh nhân khó sử dụng các loại thuốc cầm máu trước đó nhưng tình trạng ho ra máu hiếm khi xảy ra.

Do sử dụng thuốc tê, sau khi nội soi phế quản ta sẽ có cảm sặc, ngạt thở và có khả năng nhiễm trùng do dụng cụ nội soi hay bơm nước vào đường thở của bệnh nhân.

Ngoài ra, còn có một số rủi ro khác như rối loạn nhịp tim, khó thở, bệnh nhân có sốt, nhồi máu cơ tim, suy hô hấp. Do đó, các bác sĩ nội soi sẽ dặn dò tất cả những bệnh nhân sau khi nội soi báo ngay cho bác sĩ nếu bị khó thở, thở khò khè, ho đàm máu, sốt, đau ngực để bác sĩ có hướng theo dõi và xử trí.

9. Nội soi phế quản có kết quả trong bao lâu?

Sau khi nội soi, các bác sĩ ghi biên bản những hình ảnh, những bất thường mà bác sĩ quan sát được. Nếu có làm các xét nghiệm về dịch phổi phế quản hay sinh khiết, các mẫu bệnh phẩm này sẽ được gửi đến các phòng xét nghiệm để làm kiểm tra. Kết quả xét nghiệm sẽ có từ 3-5 ngày làm việc.

Tóm lại, nội soi phế quản ống mềm là một thủ thuật thiết yếu, an toàn trong chẩn đoán và điều trị cần thiết đặc biệt là ở bệnh nhân có bệnh lý đường thở. Tuy nhiên, nó cũng giống các thủ thuật khác trong y khoa. Mặc dù báo cáo là khá an toàn, vẫn có một số biến chứng không mong muốn. Các bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ để có lời khuyên thích hợp cho bệnh nhân.

Trọng Dy (ghi)

Nguồn: video “Nội soi phế quản bằng ống mềm” - ThS.BS Cao Văn Hội  - Phó khoa Hô hấp, BV Nguyễn Tri Phương

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X