Những thành tựu và hướng phát triển của lĩnh vực nghép tạng Việt Nam
Ngành ghép tạng Việt Nam đi sau thế giới 40 năm nhưng đến nay đã có rất nhiều thành tựu vượt bậc. Trong tương lai cần đẩy mạnh đào tạo, phát triển kỹ thuật, triển khai quy trình để đưa ghép tạng Việt Nam tiệm cận thế giới. Đó là những điều PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM nhấn mạnh tại VASEL 2024.
Ghép tạng tại Việt Nam từ ca đầu tiên đến những thành tựu vượt bậc
Trong phần chia sẻ về chủ đề “Ghép tạng Việt Nam: Thử thách, tiềm năng và triển vọng”, PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc tự hào chia sẻ về những thành tựu đầu tiên trong lĩnh vực ghép tạng tại Việt Nam.
Năm 1992, ca ghép thận đầu tiên đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện Quân y 103. Đến năm 2004, ca ghép gan đầu tiên diễn ra tại Học viện Quân y, với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài.
Ghép tạng là sự đỉnh cao của y học, đòi hỏi nền tảng vững chắc về kinh tế, xã hội và sự đồng lòng ủng hộ của các chuyên khoa. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cũng là yếu tố quan trọng.
“Bệnh viện TW Quân đội 108 là một minh chứng thực tế, sau khi đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị tốt thì ghép tạng tại đây phát triển như vũ bão” - PGS. TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc chia sẻ.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc cho biết, ghép tạng tại Việt Nam đi sau thế giới 40 năm và đang đứng hàng rất thấp so với các nước. Do đó trong thời gian vừa qua, trung tâm điều phối tạng quốc gia đã hoạt động tích cực để khắc phục tình trạng này. Điều đó cho thấy, Việt Nam với nền kinh tế, điều kiện dịch tễ, nhu cầu ghép tạng rất cao.
Từ năm 1992-2012, Việt Nam chỉ thực hiện được 1.000 ca ghép thận, nhưng đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 ca được thực hiện nhờ vào tiến bộ kỹ thuật. Tuy nhiên, tỷ lệ nhận thận từ người cho chết não chỉ đạt khoảng 3,7%. Trách nhiệm của cộng đồng y khoa và xã hội là tìm cách tăng tỷ lệ này.
Kỹ thuật ghép gan tại Việt Nam đã phát triển với tổng cộng 649 ca ghép, tỷ lệ ghép gan từ người chết não đạt khoảng 20%. Mỗi năm, có khoảng 100 ca ghép gan được thực hiện, 8 tháng đầu năng 2024 đã thực hiện 20 ca từ người cho chết não.
Việt Nam cũng đã phát triển các kỹ thuật ghép gan cho trẻ em, chia gan để ghép và ghép đa tạng (thận-gan, tim-gan). Đặc biệt là ghép cho các trường hợp suy gan cấp, nếu không được ghép kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong ngay.
Một kỹ thuật khá khó là ghép gan cho trẻ em. Để chuẩn bị cho kỹ thuật ghép gan, các bệnh viện đã cử bác sĩ đi học tại nhiều quốc gia trên thế giới. Khi sẵn sàng triển khai ghép gan trong nước thì rơi vào đúng giai đoạn COVID-19, không mời được chuyên gia nước ngoài về hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu không tiến hành thì các bệnh nhi không thể chờ đợi, do đó, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn online và đến nay, Việt Nam đã tự làm chủ được kỹ thuật ghép gan cho trẻ em.
Vị chuyên gia nhận định, sau khi bệnh nhi được ghép gan, hồi phục và trở về với gia đình sẽ giảm được các gánh nặng cho y tế, xã hội và gia đình. Do đó, đây là một chu cầu rất lớn cần được phát triển.
Gần đây, kỹ thuật chia gan để ghép cũng được tiến hành. Trong đó Bệnh viện TW Quân đội 108 đã tiến hành một ca chia gan để ghép trong cơ thể; Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã thực hiện một ca chia gan để ghép ngoài cơ thể. Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM nhận định trong bối cảnh người cho chết não còn đang rất hiếm nhưng đã làm chủ được kỹ thuật này, giúp tăng cơ hội cho người được nhận gan.
Cuối cùng là kỹ thuật phẫu thuật nội soi, chuyên gia thông tin, đến nay Việt Nam đã phát triển rất mạnh so với các nước trong khu vực. Trước đây các chuyên gia Việt Nam phải đi học ở nước ngoài nhưng hiện nay, một số bệnh viện tại Việt Nam trở thành trung tâm đào tạo, tiếp đón rất nhiều đoàn bác sĩ nước ngoài đến để học tập về kỹ thuật này.
Đối với Trung tâm huấn luyện Phẫu thuật nội soi Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã đón nhận hơn 800 bác sĩ ở 11 nước.
Đến nay, đã có 62 ca được thực hiện phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện TW Quân đội 108 và Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Tất cả những yếu tố thuận lợi trong phẫu thuật nội soi bệnh nhân đều được hưởng và bệnh nhân xuất viện sau 5-7 ngày.
Những việc cần làm để đưa ghép tạng Việt Nam tiệm cận thế giới
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc nhấn mạnh, để đưa ghép tạng Việt Nam tiệm cận với thế giới, cần đầu tư thêm vào các vấn đề chuyên môn, xây dựng quy định và quy trình kỹ thuật, BHYT cần chấp thuận hỗ trợ nhiều chi phí, vì chi phí ghép tạng hiện nay rất lớn.
Chuyên gia đề xuất phối hợp với Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam thành lập nhiều chi hội, mở rộng hoạt động vận động hiến tạng, tăng số lượng người hiến.
Phát triển các chương trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và tiếp cận giữa các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương cũng là điều cần thiết. Điển hình như Bệnh viện Chợ rẫy đã kết hợp với Bệnh viện Cần Thơ, Bệnh viện TW Quân đội 108 kết hợp với Bệnh viện TW Huế chuyển giao kỹ thuật ghép tạng.
Về hành lang pháp lý, cần hoàn thiện các quy trình, quy định về ghép tạng. Trong 20 năm qua, ghép tạng tại Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, nhiều bệnh nhân được ghép tạng, các nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, chuyên gia cho rằng cần quan tâm đến người dân nói chung. Bệnh nhân được ghép tạng cần được tư vấn trước ghép, chăm sóc sau ghép… Do đó, công tác xã hội đóng vai trò rất quan trọng cho hoạt động này.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc kỳ vọng, triển vọng ghép tạng của Việt Nam trong tương lai vẫn cần sự quan tâm của cơ quan quản lý, sự hỗ trợ của đoàn thể, hiệp hội, sự chỉ đạo của các nhà quản lý, các bệnh viện. Tiếp tục phát triển chuyên môn về các kỹ thuật, chinh phục các kỹ thuật mới, hợp tác, chuyển giao. Hy vọng các thầy thuốc sẽ có nhiều ý tưởng, hoài bão để có định hướng mới, tiếp tục phát triển cho ngành ghép tạng Việt Nam.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình