Hotline 24/7
08983-08983

Những kỹ năng cha mẹ cần dạy con để tránh hiểm họa rơi từ nhà cao tầng

Mặc dù đã có nhiều bài học về việc trẻ rơi từ nhà cao tầng xuống đất, nhưng sự việc vẫn tiếp tục xảy ra. Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ con chính là trang bị những kỹ năng sống cho trẻ. Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của BS Trương Hữu Khanh để tìm ra giải pháp nhé!

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Ở chung cư, tai nạn nào có thể xảy ra với trẻ?

Những tai nạn có thể xảy ra cho trẻ khi ở các chung cư cao tầng mà các bậc phụ huynh cần lưu tâm thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh:

Điều quan trọng nhất mà chúng ta cần lưu ý đó là trẻ em có thể bị tai nạn ở bất cứ đâu, ví dụ nếu nhà bạn có cầu thang, hoặc bạn có thể không sống ở nhà cao tầng,… vì vậy đừng nghĩ chỉ sống ở nhà cao tầng thì trẻ mới dễ bị tai nạn, điều này hoàn toàn sai lầm.

Các bậc phụ huynh hãy để trẻ trong tầm mắt mình, đừng bao giờ nghĩ để trẻ tự chơi một chút thôi sẽ không sao điều này hết sức nguy hiểm, bởi sẽ có rất nhiều tai nạn xảy ra như: phỏng, điện giật, té cầu thang, té ngã, tủ đè, …

2. Cách xử trí khi trẻ gặp tai nạn

Người lớn cần xử trí, phản ứng ra sao khi chẳng may có tai nạn xảy ra?

BS Trương Hữu Khanh:

Khi một chuyện gì đó đã xảy ra với trẻ thì câu đầu tiên tôi khuyên các bậc phụ huynh đó là nên bình tĩnh và phân tích lại xem tai nạn xảy ra ở tình huống nào.

Nếu thấy trẻ có có vấn đề gì không ổn thì chắc chắn phải đưa trẻ đến bệnh viện để BS đánh giá tình trạng. Đặc biệt nếu đưa trẻ đến bệnh viện thì cần xem cổ của trẻ có chấn thương hay không để tìm cách di chuyển cho đúng. Đừng mất bình tĩnh, bởi sẽ càng làm mọi chuyện rối thêm.

3. Cha mẹ nên làm gì để con vượt qua tổn thương tâm lý?

Không chỉ vấn đề chấn thương, tâm lý của trẻ cũng sẽ hoảng loạn, lo sợ khi gặp tai nạn. Như trường hợp điển hình của em bé ngoài Hà Nội, xin hỏi BS trẻ có thể phải đối diện với những sang chấn tâm lý nào sau cú sốc rơi từ tầng cao?

BS Trương Hữu Khanh:

Tùy theo lứa tuổi, nếu đã lớn trẻ sẽ hoảng hốt nhiều hơn, nếu còn nhỏ thì trẻ dễ quên đi sự việc. Tuy nhiên, nếu trẻ bị rơi từ độ cao như vậy thì:

  • Thứ nhất khi lớn lên chắc chắn trẻ sẽ sợ độ cao
  • Thứ hai trẻ không dám đến gần lan can

Nếu trẻ hoảng hốt quá mức thì có thể nhờ đến chuyên gia tâm lý hoặc BS tâm lý để các BS giúp bạn trấn an trẻ từ từ. Đặc biệt nhất với trẻ lúc này là người trong gia đình, cần hỗ trợ cả về thể chất và tinh thần cho trẻ.

Nếu thời gian hoảng hốt kéo quá dài 1 tuần - 1 tháng thì nên đưa trẻ đi khám. Còn trong những ngày đầu tiên sau khi té ngã chắc chắn trẻ sẽ sợ nhiều thứ, ví dụ: ngủ giật mình khóc đêm, những lúc như thế này thì cố gắng dỗ trẻ là được.

4. Có nên để anh chị lớn trông em nhỏ?

Từ xưa đến nay, nhiều gia đình thường có thói quen giao trách nhiệm trông em nhỏ cho các anh chị chỉ lớn hơn vài tuổi. Theo BS, có nên để anh chị lớn trông em nhỏ?

BS Trương Hữu Khanh:

Cần lựa chọn không gian an toàn cho trẻ chơi, không có nhiều vật thể nhỏ khiến trẻ bỏ vào miệng nuốt vì như vậy dễ bị sặc, hoặc không có vật gì có thể đè trẻ, không có ổ điện, trẻ không thể bước ra cầu thang/ lan can vì như vậy rất dễ té,…

Ngay cả người lớn đứng gần để trông coi mà không để mắt đến trẻ thì cũng rất có thể trẻ sẽ bị chấn thương, chứ đừng nói chi đến một em bé khác chỉ lớn hơn vài tuổi canh chừng. Nhiều người thường nghĩ đi đâu đó một chút rồi quay lại; một chút xa rời trẻ của bạn cũng có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm. Do đó, khi quyết định để trẻ một mình bạn phải hết sức cẩn thận.

Em bé tầm khoảng 10 tháng tuổi là đã có thể nhận thức được từ “không”. Vẫn thương, vẫn yêu trẻ nhưng phải giáo dục trẻ những gì là không được làm, cần nghiêm khắc đúng mức vì như vậy mới bảo vệ được sự an toàn cho con.

Khi trẻ bắt đầu chơi một trò chơi gây nguy hiểm cho bản thân ngay lập tức phụ huynh cần răn đe, cần thiết thì tạo hình phạt để trẻ biết sợ. Riêng đối với các bậc phụ huynh đương nhiên cần tạo sự an toàn như ngăn cầu thang, lan can lại; đây không phải là lỗi của người xây nhà cao tầng mà là lỗi của chính những người chăm sóc em bé. Phải có một kế hoạch rõ ràng cho trẻ chơi, ăn, ngủ mới có thể đảm bảo được sự an toàn của trẻ.

5. Kỹ năng cần dạy con khi ở chung cư?

Nên dạy con những kỹ năng gì khi ở nhà chung cư cao tầng để tránh những tai nạn đáng tiếc, thưa BS? Làm thế nào để giúp trẻ nhận biết đó là tình huống nguy hiểm?

BS Trương Hữu Khanh:

Ngay từ đầu cần giáo dục dặn dò trẻ không được đến gần lan can, nếu không dặn được trẻ thì phải chắn ngang lại. Trong những trường hợp này cần hết sức nghiêm khắc với trẻ, dạy trẻ không được đến gần là tuyệt đối trẻ không được đến gần. Trẻ rất hiếu động nhưng chúng đủ để hiểu điều gì là không được, cần cố gắng huấn luyện. Nếu không huấn luyện được thì cần sửa lan can.

  • Thứ nhất: đừng nghĩ em bé không thể leo lên được, đừng nghĩ em bé không thể trèo qua được.
  • Thứ hai: Đừng đổ lỗi cho người xây dựng, khi bạn đến ở một nơi nào đó đặc biệt nhà cao tầng/ chung cư nếu có con nhỏ thì cần lưu ý điều này. Con nít điều gì chúng cũng có thể làm được và động tác của chúng rất nhanh, chúng ta không thể biết trước được chúng sẽ làm gì, nên đừng suy đoán.

6. Giải pháp giúp trẻ tránh gặp tai nạn khi ở chung cư?

Theo BS, những giải pháp nào là cần thiết để giảm thiểu sự cố tai nạn cho trẻ ở nhà cao tầng, chung cư? Những khu vực nào kém an toàn mà cha mẹ cần lưu ý để con tránh xa khi ở chung cư?

BS Trương Hữu Khanh:

Chỉ có một cách duy nhất để giáo dục trẻ hiệu quả là nghiêm khắc, nếu thấy trẻ bắt đầu chơi một trò chơi nguy hiểm thì phải nhắc nhở, răn đe trẻ ngay lập tức. Nên nhớ khi la trẻ đừng bao giờ vừa la vừa giỡn, hãy nhìn thẳng vào mắt trẻ nói “không” nói từng từ một, nếu trẻ vẫn không vâng lời, cần thiết thì nên nhắc lại 3-4 lần câu “con không được làm.” Như vậy trẻ mới sợ và chỉ có như vậy mới giúp trẻ được an toàn.

Những nơi trẻ có thể gặp nguy hiểm:

  • Thứ nhất: lan can, cần thiết thì đóng cửa không cho trẻ ra ngoài đó chơi. Nếu cần thiết có thể che đậy lại,…
  • Thứ hai: cầu thang, cần chắn lại làm sao để trẻ không thể từ phòng bước ra cầu thang, khe của ống cầu thang cần tính toán thế nào để trẻ không lọt được qua khe đó
  • Thứ tư: nhà tắm, trong nhà tắm trơn trượt, nhiều xà bông đôi khi có các thau/ chậu nước nếu bạn không để ý trẻ vào nhà tắm và bị té úp mặt vào thau nước rất dễ gây chết ngộp và tử vong.
  • Thứ năm: ổ điện, đừng bao giờ thiết kế ổ điện gần tầm tay trẻ vì sẽ rất dễ xảy ra những tai nạn không mong muốn.

Đã có con trẻ trong nhà thì phải tìm hiểu tất cả những khả năng có thể gây nguy hiểm cho trẻ, có như vậy mới bảo vệ được an toàn cho chính con em mình.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X