Hotline 24/7
08983-08983

Những điều cần chuẩn bị trước khi sinh mổ và chi phí sinh tại bệnh viện Từ Dũ?

Những điều cần chuẩn bị trước khi sinh mổ là gì? Em muốn sinh tại bệnh viện Từ Dũ thì bao nhiêu tiền? Mong AloBacsi tư vấn giúp.

Chào AloBacsi,

Em mang thai 32 tuần. Đây là lần sinh nở đầu tiên của em nên khá lo lắng. Em có bà chị sinh thường nên đã được truyền ít kinh nghiệm. Tuy nhiên, em sợ nếu sinh mổ thì không biết nên chuẩn bị những gì? Chi phí sinh mổ tại bệnh viện Từ Dũ ra sao? Mong BS tư vấn giúp em. Cảm ơn BS nhiều ạ.

Việc chuẩn bị sẵn các vật dụng sẽ giúp mẹ yên tâm khi sinh em bé. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chị Nga thân mến,

Về các thắc mắc của chị, AloBacsi xin được giải đáp như sau:

1. Khi nào cần sinh mổ?


Mổ chủ động là phương pháp mổ lấy thai trước khi có cơn chuyển dạ. Mổ chủ động thường được thực hiện với trường hợp đã từng sinh mổ trước đó, khi người mẹ mắc bệnh, do tử cung ít nước ối, có dấu hiệu suy thai, thai kém phát triển hoặc do tử cung mẹ dị dạng, không thể sinh thường.

Hầu hết những trường hợp sinh mổ sẽ được gây tê cục bộ, vì vậy, mẹ bầu vẫn có thể tỉnh táo suốt thời gian phẫu thuật. Mũi tiêm sẽ gây tê cột sống và chị sẽ không có cảm giác đau đớn.

Đây là loại phẫu thuật quen thuộc của bất kì bác sĩ sản khoa nào. Tuy nhiên, như tất cả các ca phẫu thuật khác, chị có thể gặp một số rủi ro nhất định. Khoảng 10% các trường hợp sinh mổ sẽ có những biến chứng bất thường.

Chị nên thăm khám thai định kỳ để các bác sĩ đưa ra phương pháp hỗ trợ sinh sản tốt nhất cho chị. Bởi chỉ có người thầy thuốc mới hiểu rõ được nên làm gì tốt nhất cho sản phụ. Việc sinh thường hay sinh mổ sẽ được bác sĩ cân nhắc kỹ lưỡng giữa rủi ro và lợi ích, tùy thuộc vào tình trạng thai kỳ của mẹ, cơ địa...  Do đó, trước khi sinh mổ chị nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ nếu như có bất kỳ lo lắng hoặc thắc mắc nào.

2. Sinh mổ cần chuẩn bị những gì?


Vì trong thông tin chị gửi về mong muốn được giải đáp thắc mắc về sinh mổ. Do đó, trong bài viết này AloBacsi sẽ đề cập đến những điều cần chuẩn bị trước khi sinh mổ để chị Nga và bạn đọc có hành trang tốt nhất cho kỳ “vượt cạn” của mình.

- Các vật dụng cần thiết nên mang đến bệnh viện.

+ Đồ cho mẹ:
Trong khi các chị em sinh thường hầu hết chỉ lưu lại bệnh viện từ 1 - 2 ngày sau sinh, thì với các mẹ sinh mổ, khoảng thời gian nằm viện sẽ lâu hơn, khoảng từ 3 - 5 ngày. Do đó, cần mang thêm nhiều vật dụng để quá trình nằm viện sau sinh mổ được dễ chịu hơn.

Danh sách các vật dụng cần thiết mà mẹ bầu sinh mổ nhớ mang theo là quần lót lưng cao để không cấn và không gây kích ứng vết mổ; băng vệ sinh; vớ chân dày; quần áo rộng, có khuy cài nếu mẹ muốn cho bé bú ngay sau khi sinh; dép đi trong nhà loại chắc chắn, có đế bám tốt tránh trượt ngã và phần đế mềm mại vì sau sinh mổ, mẹ sẽ cần phải đi bộ nhẹ nhàng; một ít thực phẩm giàu chất xơ như nho khô, mận khô, cùng các loại nước có gas để giúp hệ tiêu hóa có thể hoạt động trở lại sau sinh mổ càng sớm càng tốt; vài cái gối và chăn hỗ trợ bụng khi ho, hắt hơi, hay cười, vì bất cứ hoạt động nào làm căng cơ bụng sẽ gây đau khá trầm trọng ở vết mổ…

+ Đồ cho bé: Áo cho bé sơ sinh tối thiểu 10 cái size nhỏ, 10 cái size lớn hơn; Tã vải (dán 2 bên): 10 cái cỡ nhỏ nhất, 10 cái cỡ tiếp theo; Miếng tã lót để dán vào tã vải; Tã bỉm (mặc khi đi ngủ, ra ngoài đi chích ngừa); Vớ tay, vớ chân 10 đôi; Nón cho trẻ sơ sinh 5 cái; Khăn lông lớn (để quấn người em bé, kê đầu cho em bé nằm, lau khô sau khi tắm) hơn 10 cái; Khăn sữa nhỏ, mềm: 20 cái nhỏ + 30 cái lớn (dùng khi cho bú, lau người em bé,…); Khăn lót mông bé khi nằm; Yếm dùng để đắp ngực em bé khi ngủ; Áo khoác dài tay bằng vải cotton có nón liền, cỡ lớn để hoác cho bé khi đưa đi ra ngoài, đi chích ngừa; Binhg sữa; Ly + muỗng cho em bé uống nước; Bình thủy hoặc bình giữ nhiệt.

Ngoài ra, cần chuẩn bị thêm cây rửa bình sữa chậu tắm dài, chậu tròn, rơ lưỡi, gạc băng rốn, khăn giấy ướt, que tăm bông ngoáy tai cho bé, quê bông tiệt trùng, nước muối nhỏ mắt và mũi, dầu khuynh diệp hoặc dầu chàm, dầu gội và tắm cho bé,

- Dọn “cỏ” vùng kín: Các chị em vẫn có thể gội đầu và tắm rửa sạch sẽ. Sinh mổ không phải rặn đẻ và ra nhiều mồ hôi như sinh thường, nhưng đây vẫn là điều nên làm. Một điều tế nhị khác là khi sinh mổ, bác sĩ sẽ thực hiện một vết rạch xuống vùng bụng dưới của bạn. Vì vậy, mẹ bầu nên dọn dẹp sạch sẽ “vùng đất” phía dưới của mình để tránh nguy cơ bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, đó là đối với những mẹ có vùng bụng dưới “rậm rạp”. Nếu chỉ “lác đác vài sợi” thì có thể bỏ qua vấn đề này.

- Về ăn uống: Các chị em vẫn ăn uống bình thường vài ngày trước ngày mổ. Nhưng không nên ăn những món nhiều dầu mỡ, khó tiêu, đồ ngọt, thực phẩm nhiều protein như hải sản, bánh ngọt, gà rán, khoai tây chiên, pizza. Nên ăn súp, cháo, rau củ quả dễ tiêu.

Ít nhất 8 tiếng đồng hồ trước khi mổ, mẹ bầu không nên ăn hay uống bất cứ thứ gì, kể cả thức ăn đặc, loãng, thậm chí không được nhai kẹo cao su hay các loại kẹo khác. Đêm trước ngày phẫu thuật chỉ nên uống các loại thức uống dễ tiêu, tránh sữa, nước ngọt, kem… và các loại thực phẩm có nhiều chất xơ vì cơ thể khó tiêu hóa, chất xơ không tiêu hết sẽ gây khó khăn cho quá trình phẫu thuật. Mẹ cũng không được ăn các loại trái cây như lê, cam, táo… và các loại rau cải.  Nếu phải uống thuốc nên uống với 1 ngụm nhỏ nước và chỉ uống những loại thuốc thật sự cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.

Việc nhịn ăn uống trước khi sinh mổ sản phụ đều phải gây tê hoặc gây mê. Trong lúc bắt đầu gây tê hoặc gây mê, nếu dạ dày đầy thức ăn, nước uống sẽ có nguy cơ xảy ra tai biến trào ngược thức ăn từ dạ dày vào phổi, có thể gây đột tử cho mẹ do tắc nghẽn đường thở hay tử vong muộn do các biến chứng viêm phổi, xẹp phổi.

- Nói “không” với mỹ phẩm và trang sức: Trang điểm, sơn móng tay hay đồ trang sức hoàn toàn không cần thiết.

- Về việc đại tiện: Trước khi mổ thai phụ được thụt sạch sẽ. Tuy nhiên vẫn nên đi đại tiện trước khi ca mổ diễn ra.

3. Chi phí sinh mổ tại bệnh viện Từ Dũ


Chi phí trọn gói cho một ca sinh mổ tại bệnh viện Từ Dũ thường vào khoảng 7 triệu đồng. Chi phí này chưa bao gồm tiền phòng dịch vụ và tiền công sinh mổ dịch vụ theo yêu cầu (lấy thai lần đầu là 2,5 triệu đồng; lần hai là 3 triệu đồng nếu có đăng ký dịch vụ).

Như vậy, tổng chi phí tạm tính là: 7 triệu đồng + tiền phòng dịch vụ (600.000 đồng x khoảng 5 ngày) + tiền công mổ dịch vụ lần đầu (2,5 triệu đồng) = 12.500.000 đồng.

Nếu chị có BHYT thì tổng chi phí sẽ thấp hơn. Chẳng hạn, nếu có giấy chuyển tuyến hoặc nhập viện trong tình trạng bệnh lý cấp cứu (do bác sĩ xác nhận) thì sẽ được hưởng tỷ lệ đúng tuyến khoảng 80% trên mức quyền lợi BHYT. Nếu không có giấy chuyển tuyến hoặc không phải là bệnh lý cấp cứu, thì chỉ được hưởng tỷ lệ trái tuyến khoảng 40% trên mức quyền lợi BHYT.

Chị phải tự thanh toán phần đồng chi trả (nếu có) và thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT và các dịch vụ theo yêu cầu (trong đó có tiền phòng dịch vụ, nếu chị có đăng ký nằm phòng dịch vụ).

Hy vọng những thông tin chúng tôi cung cấp trong bài viết: Những điều cần chuẩn bị trước khi sinh mổ và chi phí sinh tại bệnh viện Từ Dũ sẽ giúp chị Nga và các chị em phụ nữ giảm bớt lo lắng, bỡ ngỡ khi “vượt cạn” lần đầu tiên.

Trân trọng!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X