Hotline 24/7
08983-08983

Nhóm người nào tại TPHCM không cần giấy đi đường?

Cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành tài chính ngân hàng, chứng khoán... được lưu thông đổi ca làm việc hàng tuần, thời gian di chuyển từ 16h30 - 18h ngày thứ sáu và 6h30 - 8h ngày thứ hai.

Thông tin được thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu, Công an TPHCM nói tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống COVID-19 trên địa bàn chiều 16/9. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh thành phố ghi nhận hơn 315.000 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư và trải qua ngày thứ 25 siết chặt giãn cách theo nguyên tắc "ai ở đâu yên đó".

Theo đó, cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành tài chính ngân hàng, chứng khoán được lưu thông đổi ca làm việc hàng tuần, thời gian di chuyển từ 16h30 đến 18h ngày thứ sáu và 6h30 đến 8h ngày thứ hai.

Nhân viên doanh nghiệp xăng dầu, gas được lưu thông đổi ca làm việc từ 13h đến 15h ngày chủ nhật hàng tuần; người lao động thuộc các doanh nghiệp Nhà nước (điện lực, bưu điện, viễn thông…) được lưu thông đổi ca làm việc thời gian từ 15h đến 17h thứ 7 và 6h đến 7h30 thứ 2 hàng tuần.

Từ ngày 16/9, nhiều nhóm việc làm tại TPHCM không cần giấy đi đường khi di chuyển

Công nhân làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao phải nghỉ việc về nhà khi nhà máy ngưng hoạt động; người lao động đến nhà máy đổi ca làm việc (thời gian đổi ca không dưới 7 ngày/1 lần) hoặc người lao động đến làm việc tại công ty, nhà máy mở cửa hoạt động được phép lưu thông thời gian lưu thông từ 9h đến 11h hoặc từ 14h đến 16h…

Công nhân lưu thông từ nhà máy, công ty đến nơi cư trú và nhân viên công ty, doanh nghiệp được Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao xác nhận, ghi rõ thời gian lưu thông; có xét nghiệm âm tính trong 5 ngày; có khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.

Ngoài ra, theo quy định mới, luật sư tham gia tố tụng được lưu thông khi có thông báo yêu cầu, giấy triệu tập của các cơ quan tố tụng. Khi lưu thông, người trong diện này phải có thẻ luật sư; khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.

Nhân viên bưu cục, giáo viên vận chuyển sách đến nhà cho học sinh phải mặc đồng phục ngành, đeo thẻ ngành; có sách hoặc lịch, danh sách địa điểm giao sách; khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.

Giảng viên, giáo viên lưu thông đến trường hoặc điểm dạy học trực tuyến được lưu thông phù hợp với lịch dạy học, phải mang thẻ ngành, có lịch giảng dạy được ban giám hiệu nhà trường duyệt, thực hiện khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.

Nhóm này khi ra đường phải mặc đồng phục ngành, doanh nghiệp; đeo thẻ nhân viên; có lịch đổi ca của đơn vị... Khi di chuyển, luật sư phải có các yếu tố nhận diện là thẻ luật sư trùng với giấy tờ và kiểm tra khai báo y tế trên phần mềm VNEID.

Trước đó, từ ngày 23/8 khi thực hiện siết chặt giãn cách, thành phố cũng quy định một số công việc được di chuyển không cần giấy đi đường gồm: người đi tiêm vắc xin; đại diện cơ quan, doanh nghiệp đi nộp, nhận, đổi giấy đi đường; người đi làm căn cước công dân; người có vé máy bay đi ra sân bay; lực lượng y tế; nhân viên nhà thuốc; người đi xét nghiệm Covid-19; tài xế đi xét nghiệm COVID-19 để làm giấy tờ xin cấp mã QR code đối với ôtô chở hàng thuộc diện được hoạt động;

Các cá nhân, xe chở oxy, thuốc men, vật tư thiết bị y tế... phục vụ phòng chống dịch; nhân viên vận chuyển gas cho phép đi trong phường hoặc phường liền kề; nhân viên vệ sinh môi trường; người chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện; thành viên tổ bay các hãng hàng không (phi công, tiếp viên..); người thân đi chăm sóc cha mẹ già ở một mình, bệnh nhân Covid-19 cách ly tại nhà một mình...

Tối qua, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi ban hành quyết định thực hiện giãn xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn trong 15 ngày từ 16-30/9 để phòng chống dịch. Đến nay, thành phố đã giãn cách xã hội hơn 100 ngày với nhiều cấp độ khác nhau.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X