Hotline 24/7
08983-08983

Nhỏ nhầm thuốc vào mắt, hành tỏi ớt văng vào mắt, phải làm sao?

BS.CK2 Nguyễn Thế Hồ - Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Mắt Trưng Vương hướng dẫn bạn đọc AloBacsi cách xử trí dị vật rơi vào mắt như: nhỏ nhầm thuốc vào mắt, hành tỏi ớt văng vào mắt, côn trùng bay vào mắt...

BS.CK2 Nguyễn Thế Hồ - Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Mắt Trưng Vương

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

1. Thưa bác sĩ, trong những trường hợp nhỏ nhầm thuốc nhỏ mũi, cồn, oxy già vào mắt thì cần phải xử lý như thế nào?

Trong bất cứ trường hợp nhỏ nhầm thuốc nào cũng được xếp vào loại bỏng hóa chất. Lúc này chúng ta phải lập tức rửa mắt bằng nước sạch có sẵn, rửa càng nhanh, càng nhiều nước càng tốt và không cần thiết phải sử dụng loại thuốc nhỏ mắt nào khác.

Việc rửa sạch này sẽ giúp loại bỏ hóa chất đã nhỏ nhầm ra khỏi mắt như cồn, dung dịch oxy già, nước nhỏ mũi mà AloBacsi đã nhắc đến. Sau khi rửa sạch, chúng ta nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa Mắt để được xử lý tiếp tục. Đây là cách tốt nhất.

Mời xem thêm:

>> Bị aceton văng vào mắt, có sao không BS ơi?

>> Cồn 90 độ rơi vào mắt nguy hiểm thế nào, cách xử lí?

2. Khi đi ngoài đường nếu không có kính bảo hộ chúng ta thường gặp phải tình trạng dị vật bay vào mắt. Dị vật này có thể là côn trùng hoặc bụi, vậy 2 trường hợp này cách xử lý có giống nhau không ạ?

Dị vật rơi vào mắt trong trường hợp đi ngoài đường thì chúng ta cần chia thành 2 loại. Thứ nhất, nếu đó là dị vật vô cơ, nghĩa là không gây tác hại về mặt hóa học thì thường chỉ cần gắp dị vật đó ra.

Nếu là côn trùng thì ngoài tác động cơ học thì nó còn có chứa các độc tố. Chẳng hạn như kiến ba khoang hay bọ xít, bản thân nó ngoài việc là dị vật thì còn có khả năng bắn độc chất vào mắt. Do đó, ngoài việc phải gắp dị vật ra khỏi mắt thì chúng ta cần phải rửa mắt bằng nước sạch hoặc dung dịch trung hòa khác.

Trong hầu hết các côn trùng bay vào mắt, mọi người thường tìm cách lấy ra. Một số trường hợp may mắn có thể lấy được dị vật ra, tuy nhiên có rất nhiều ca đã bị tổn thương nặng nề hơn do lấy dị vật không đúng cách, khi đưa đến bác sĩ thì rất đáng tiếc.

Do đó, trong tất cả các trường hợp bị dị tật rơi vào mắt, tôi nghĩ tốt nhất các bạn nên đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ chuyên về Mắt xử lý, can thiệp sẽ tốt hơn, tránh những điều đáng tiếc sau này do khâu xử lý chưa được tốt tại nhà.

Rửa mắt bằng nước sạch là bước sơ cứu đầu tiên và quan trọng trong việc xử lý dị vật bay vào mắt - Ảnh minh họa: internet

3. Các bà nội trợ thường hay bị dầu chiên rán văng vào mắt khi đang nấu ăn. Nên xử lý như thế nào trong tình huống này, thưa BS Hồ?

Nếu là dầu ăn nguội thì không phải là vấn đề vì dầu ăn chúng ta dùng hằng ngày để chiên, nấu thực sự không phải hóa chất gây tổn thương nặng nề cho mắt. Tuy nhiên, dầu văng vào mắt khi đang nấu ăn thì chắc chắn phải nóng, đây là một tình huống bỏng nhiệt.

Như vậy, cách sơ cứu ban đầu cũng giống như tôi đã nói ở trên, phải làm sao để hạ nhiệt độ xuống và loại hóa chất ra khỏi mắt. Cách tốt nhất là rửa bằng nước sạch, không cần thiết phải là loại nước, dung dịch chuyên môn nào đâu. Chỉ cần nước sạch dùng trong gia đình, chúng ta làm sao cho mát, cho sạch trước đã. Các bạn cứ rửa để cho dầu trôi ra, chính động tác rửa này đã giúp giảm nhiệt xuống, làm mát mắt.

Sau đó, tùy theo mức độ, nếu mắt không bị mờ, không đau nhức nhiều thì có thể theo dõi tại nhà, ngược lại nếu thấy mắt mờ, càng lúc càng đau nhức thì nên đến bác sĩ chuyên khoa Mắt để được xử lý tiếp tục.

 

4. Thưa bác sĩ, khi nấu nướng mọi người băm hành, tỏi, ớt, gừng hoặc xoa dầu gió sau đó lại lấy tay đưa quẹt/dụi lên mắt khiến mắt bị đau, cay. Cách sơ cứu như thế nào ạ?

Đây là các tình huống thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày. Tỏi, hành, ớt, gừng, tiêu, chanh… là gia vị, được xếp trong nhóm thực phẩm và không gây tổn thương nặng nề cho mắt nếu chẳng may bị văng vào hoặc dụi vào mắt. Do đó, trong những trường hợp này, các bạn có thể xử trí như cách tôi đã hướng dẫn ở trên, rửa mắt bằng nước sạch, càng nhiều càng tốt.

Nhưng dầu gió lại là vấn đề khác, nó không phải là thực phẩm mà là hóa chất nên có thể gây tổn thương nặng nề cho mắt. Vì thế, ngoài chuyện rửa mắt bằng nước sạch thì sau đó cần theo dõi kỹ lưỡng và đến gặp bác sĩ chuyên khoa Mắt để được xử lý tùy theo mức độ, tình trạng của người bệnh.

Sau khi rửa mắt tại nhà để loại bỏ dị vật, cần theo dõi kỹ lưỡng và đến gặp bác sĩ chuyên khoa Mắt để được xử lý tùy theo mức độ, tình trạng của người bệnh. - Ảnh: Trung Úy

5. Bác sĩ có thể chia sẻ về một trường hợp hi hữu bị dị tật vào mắt mà ông đã xử lý và lưu tâm nhất? Thường gặp nhất là những dị vật gì ạ?

Chúng tôi thường xuyên xử trí những trường hợp bị dị vật rơi vào mắt, như các tình huống mà AloBacsi đã nhắc đến như nhỏ nhầm thuốc nhỏ mũi vào mắt, oxy già, cồn… trong sinh hoạt hàng ngày thì thường sẽ nhẹ hơn những trường hợp trong lao động, nhất là những anh công nhân khi tiện, hàn đồ do không cẩn thận nên xảy ra tai nạn về mắt. Những dị vật này thường bén hơn, nóng hơn và ghim sâu vào mắt.

Vì vậy, nếu các bạn gặp phải tình huống này thì cần đến bác sĩ ngay, nhẹ thì chỉ cần nhỏ thuốc tê rồi gắp dị vật ra, nếu cắm sâu thì phải đưa vào phòng mổ để gây mê mới lấy được.

Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp đáng tiếc do xử lý quá muộn có thể đưa bỏng mắt, thậm chí hỏng mắt. Hoặc một số ca bị nhiễm trùng do người bệnh chủ quan không lấy dị vật ra, để thời gian lâu hoặc tự ý lấy dị vật không đúng cách, không đảm bảo vô trùng dẫn đến nhiễm trùng mắt và đưa đến mù lòa, thậm chí đã có trường hợp phải múc bỏ mắt.

Nếu nói về ca dị vật đặc biệt thì thực sự nhiều lắm. Tôi muốn chia sẻ với các bạn một ca đặc biệt về dị vật côn trùng, đó là nam bệnh nhân 30 tuổi, ở TPHCM bị đau mắt đỏ, thay vì đến bệnh viện thì anh áp dụng phương pháp dân gian là đắp con ếch vào đôi mắt để điều trị.

Sau đó bệnh không hết đau mắt đỏ mà còn thấy mắt nhột nhột. Khi bệnh nhân đến khám lần đầu tiên, thực sự lúc đó chúng tôi chưa phát hiện ra, nhưng 1 tuần sau tái khám chúng tôi xem xét kỹ lại thì phát hiện những con sán nhái lúc nhúc trong mắt.

Chúng tôi phải đưa lên phòng mổ, thậm chí phải mở phẫu tích thì cuối cùng, các bác sĩ đã lấy ra được 5-6 con sán nhái ăn sâu vào trong mắt. Sau khi bệnh nhân được điều trị thì mắt đã bình phục.

Qua trường hợp này tôi muốn khuyên các bạn nên thận trọng với đôi mắt của mình để tránh những trường hợp nhỏ nhầm thuốc, cồn vào mắt. Nên có kính bảo hộ che chắn, bảo vệ mắt khi đi ngoài đường, lao động, sinh hoạt. Và khi mắt bị bệnh nên đến bác sĩ, không nên tự ý xử lý tại nhà để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Những hướng dẫn của TTƯT.BS.CK2 Nguyễn Thế Hồ - trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Trưng Vương đã giúp bạn đọc biết cách xử lý đúng khi bị dị vật rơi vào mắt. Thay mặt bạn đọc, xin chân thành cảm ơn bác sĩ!.

Hồng Nhung - Ánh Phương

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X