Hotline 24/7
08983-08983

Nhiều địa phương ghi nhận số F0 tăng đột biến

Những ngày qua, tình hình dịch tại nhiều địa phương diễn biến phức tạp, khi số ca mắc COVID - 19 trong cộng đồng càng gia tăng. Các địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp để khống chế.

Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc COVID-19 trong nước đã lên tới ngưỡng khoảng 13.000 trường hợp/ngày thời gian gần đây. So với khoảng 5.000 ca/ngày hồi đầu tháng 11, số lượng F0 đã tăng lên đáng kể chỉ sau chưa đầy 30 ngày.

Trước đó, các chuyên gia lý giải nguyên nhân của tình trạng này đến từ sự biến động dân cư sau khi nhiều tỉnh, thành phố có dịch nới lỏng giãn cách xã hội. Tuy nhiên, song song với số F0 tăng, tỷ lệ bao phủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 của một số tỉnh còn ở mức thấp.

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Cần Thơ, trong ngày 26/11, thành phố đã ghi nhận thêm tổng cộng 1.067 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, 279 ca nhiễm được phát hiện thông qua xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng và cơ sở y tế.

Tính từ này 8/7 đến nay, Cần Thơ đã có 22.398 F0. Bên cạnh gần 11.000 trường hợp khỏi bệnh, các cơ sở y tế của thành phố đang phải điều trị cho hơn 10.000 nhiễm virus. Đáng chú ý, 83 người trong số này phải thở oxy mặt nạ, 18 ca thở oxy dòng cao (HFNC), 5 trường hợp thở máy không xâm lấn và 19 bệnh nhân thở máy xâm lấn.

Hiện nay, Cần Thơ vẫn tiếp tục đồng loạt triển khai tiêm chủng vắc xin diện rộng trên toàn địa bàn thành phố, nhằm đảm bảo hoàn thành sớm nhất kế hoạch tiêm chủng đã đề ra. Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh công tác xét nghiệm trọng điểm tại các khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao nhằm nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Tương tự như Cần Thơ, các tỉnh miền Tây Bạc Liêu, Đồng Tháp, Sóc Trăng... ca nhiễm đang có xu hướng tăng. Chính quyền các tỉnh này siết chặt các hoạt động để kiềm chế đà lây lan.

Tại Bạc Liêu, 24 giờ qua có thêm 566 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 232 người là ca cộng đồng. Thành phố Bạc Liêu là địa phương ghi nhận số ca cộng đồng cao nhất khi xác định tới 100 trường hợp dương tính mới trong ngày 26/11.

Địa phương này, người mắc COVID-19 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin, người đã tiêm liều một trên 14 ngày và trường hợp đi tiêm vắc xin, mới được phép ra khỏi nhà. Từ 20g hôm trước đến 4g hôm sau mọi người không được ra đường, trừ trường hợp có yêu cầu công vụ hoặc công tác phòng chống dịch; cấp cứu y tế; xử lý các sự cố khẩn cấp...

Tại Sóc Trăng, trong ngày 26/11 ghi nhận 588 ca mắc mới. Cộng dồn đến nay là 14.942 trường hợp. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Sóc Trăng, cho biết trước tình hình số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng, gây quá tải cho các cơ sở điều trị, ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ký công văn về việc triển khai trạm y tế lưu động thực hiện điều trị F0 tại nhà.

Ngoài ra, do phát hiện nhiều mắc COVID-19 nên Ban quản lý Khu công nghiệp An Nghiệp (tỉnh Sóc Trăng) đã có biện pháp siết chặt việc tuyển dụng, sử dụng lao động. Đây là khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Sóc Trăng, hiện có trên 30 nhà máy, xí nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó chủ yếu chế biến tôm xuất khẩu và may mặc, đang giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động.

Từ ngày 14/10 đến 15/11, qua xét nghiệm tầm soát tại doanh nghiệp, đã phát hiện 307 trường hợp công nhân, người lao động dương tính với SARS-CoV-2.

Trước diễn biến phức tạp dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, Ban quản lý các KCN tỉnh thông báo từ nay cho đến hết năm 2021, doanh nghiệp KCN (kể cả các nhà thầu xây dựng công trình trong KCN) chỉ sử dụng lao động đã tiêm đủ hai liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc lao động nhiễm COVID-19 đã được điều trị khỏi bệnh. Tạm thời không tuyển dụng, sử dụng lao động chưa tiêm đủ liều vắc xin.

Đối với lao động đã tiêm đủ liều vắc xin nhưng lưu trú tại các khu vực, địa bàn có nguy cơ cao, phải bố trí làm việc tách biệt, có biện pháp quản lý, theo dõi sức khỏe và xét nghiệm tầm soát thường xuyên (từ 2 đến 3 lần/tuần). Tuyệt đối không sử dụng lao động tại những nơi, địa điểm đang bị phong tỏa, cách ly (kể cả với người tiêm đủ vắc xin).

Đồng Tháp trong ngày 26/11 cũng phát hiện thêm 601 ca nhiễm mới. Trong đó, số ca cộng đồng là 225 trường hợp, phân bổ đông nhất tại huyện Lai Vung với 95 người. Tỉnh đang điều trị cho 6.410 F0, trong số này có 46 trường hợp diễn biến rất nặng. Song song với đó, Đồng Tháp đã bao phủ mũi một vaccine phòng COVID-19 cho 91,15% người dân trên địa bàn. Với mũi 2, tỷ lệ này là 64,13%.

Vĩnh Long cũng là một trong những địa phương đang có tình hình dịch khá phức tạp khi vừa ghi nhận 536 ca nhiễm mới sau 24 giờ qua. Trong đó, 327 người được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng. Tỷ lệ người dân trên 18 tuổi của Vĩnh Long được tiêm hai mũi vắc xin phòng COVID-19 đến nay đã đạt 77,48%.

Bà Rịa - Vũng Tàu nửa tháng nay số ca nhiễm liên tục tăng 200-500 mỗi ngày. Riêng ngày 23/11, địa phương ghi nhận 709 ca, cao nhất từ trước tới nay. Đến ngày 26/11, số ca nhiễm SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục ở ngưỡng cao khi địa phương này ghi nhận 653 người. Tổng số ca trong đợt dịch thứ tư của tỉnh vượt hơn 10.000. Như vậy, so với ngày 16/10 bắt đầu "thích ứng", tức hơn một tháng, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng hơn 6.000 ca.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh, nguồn lây từ bên ngoài vào địa phương. F0 đã xâm nhập, "ngấm" vào cộng đồng khiến số ca mắc liên tục tăng cao.

Ngày 25/11 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện việc điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà. Theo đó, việc áp dụng việc điều trị F0 tại nhà đối với những người mắc COVID-19 không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng nhưng ở mức độ nhẹ như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, tê lưỡi… F0 được điều trị tại nhà không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, không có dấu hiệu bất thường trong khi thở.

Tây Ninh cũng đã thống kê và ghi nhận số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong ngày 26/11 cao hơn 5 trường hợp so với ngày trước đó (608 ca). Trong đó, số ca cộng đồng lên tới 605 người, 3 trường hợp còn lại từ khu cách ly tập trung.

Theo đại diện Sở Y tế Tây Ninh, ca nhiễm tăng nhanh ở các khu vực có đông dân cư đô thị, công nhân trong các khu công nghiệp do việc mở cửa, đi làm trở lại. Đồng thời, nhiều người chủ quan, lơ là phòng dịch, không tuân thủ 5K. Ngoài ra, so với các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, TPHCM... thì tỷ lệ tiêm vắc xin của tỉnh tương đối thấp, đến nay chỉ có hơn 70% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi.

Bình Thuận hiện ghi nhận gần 500 ca nhiễm mỗi ngày, dịch trên toàn tỉnh ở cấp độ 3, tổng số ca lên hơn 13.000. Trong đó, 4 địa phương cấp độ 4 (vùng đỏ) gồm: Phan Thiết, Tuy Phong, Bắc Bình và đảo Phú Quý.

Covid-19 tăng mạnh trở lại tại tỉnh từ giữa cuối tháng 10, ban đầu khoảng 100 ca mỗi ngày. Đến đầu tháng 11, mỗi ngày toàn tỉnh ghi nhận hơn 200 ca nhiễm. Giữa tháng 11, số ca mới hàng ngày vượt 400 và gần đây gần 500 ca mỗi ngày. Trưa 24/11, Bình Thuận thêm 470 ca. Đặc biệt, huyện đảo Phú Quý cách đất liền 56 hải lý đang bùng phát dịch phức tạp. Đây là lần đầu tiên đảo Phú Quý xuất hiện COVID-19. Tuần trước, Sở Y tế phải điều động đoàn công tác ra hỗ trợ huyện đảo này kiểm soát dịch.

Trước diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các địa phương tập trung kiểm soát chặt việc ra vào của người dân ở những vùng đỏ. Người ra vào vùng đỏ phải đảm bảo đầy đủ hai điều kiện: có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin hoặc giấy chứng nhận đã điều trị khỏi COVID-19 không quá 6 tháng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ; có các loại giấy thông hành được cấp thẩm quyền cấp.

Ngành y tế tăng cường xét nghiệm sàng lọc những nhóm nguy cơ cao, tầm soát, ngăn chặn nguồn lây; cách ly F1 tại nhà; điều trị tại nhà F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; F0 nặng và trung bình điều trị tại các cơ sở y tế.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X