Hotline 24/7
08983-08983

Nhiễm trùng màng bụng khi lọc màng bụng, có thật sự đáng sợ như bạn nghĩ?

Lọc màng bụng là giải pháp điều trị thay thế thận tối ưu giúp bệnh nhân không phụ thuộc vào bệnh viện, chất lượng sống tốt hơn, nhưng nhiều người vẫn lo lắng về biến chứng nhiễm trùng màng bụng. Liệu tình trạng này có thật sự đáng sợ như chúng ta thường nghĩ?

Nhiễm trùng màng bụng khi lọc màng bụng, do đâu?

Bên cạnh các ưu điểm mà lọc màng bụng (hay còn gọi là thẩm phân phúc mạc) mang lại như được lọc máu tại nhà, không phụ thuộc vào bệnh viện, tự do học tập, làm việc, chế độ dinh dưỡng không quá khắt khe… thì nhiều bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối vẫn còn e ngại biến chứng, nhất là nhiễm trùng màng bụng có thể xảy ra khi lựa chọn giải pháp này trong điều trị thay thế thận.

Nhiễm trùng màng bụng thường gây ra bởi vi khuẩn hoặc nấm. Nhiễm trùng có thể xảy ra trong lúc lọc màng bụng bởi vùng xung quanh ống không sạch, vệ sinh kém, không tuân thủ quy trình thay dịch.

Tỷ lệ bệnh nhân mắc nhiễm trùng màng bụng trong thẩm phân phúc mạc không cao nếu chúng ta tuân thủ tốt hướng dẫn quy trình thay dịch.

Trong thẩm phân phúc mạc, tỷ lệ nhiễm trùng màng bụng được ký hiệu là 1:25, 1:78… Sau dấu hai chấm, số càng cao chứng tỏ tỷ lệ viêm phúc mạc càng ít và theo quy ước quốc tế 1:26 đã đạt yêu cầu.

Đây là con số được đánh giá bởi một cơ quan độc lập dựa trên tỷ lệ bệnh nhân nhập viện và điều trị viêm phúc mạc. Tại Việt Nam, ở các Trung tâm lọc màng bụng lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115,  Bệnh viện Thống Nhất đều có tỷ lệ biến chứng này rất thấp.

Dấu hiệu nhiễm trùng màng bụng và cách xử trí

Điều quan trọng là người bệnh cũng như thân nhân cần nhận biết được dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng màng bụng để có hướng xử trí kịp thời, giảm thiểu tối đa nguy cơ biến chứng nặng.

Đau bụng là triệu chứng thường gặp nhất, gặp ở khoảng 95% trường hợp nhiễm trùng màng bụng. Khi đó, bệnh nhân thường đau nhiều, đau khắp bụng, không có tính khu trú. Một dấu hiệu khác cũng rất dễ nhận biết đó là dịch lọc màng bụng khi xả ra có màu đục khác thường so với màu dịch lọc thường ngày, biểu hiện này ở 99% các trường hợp.

Ngoài ra, bệnh nhân viêm phúc mạc cũng có biểu hiện sốt cao từ 39-40 độ C, nhưng dấu hiệu này chỉ chiếm khoảng 30-33%. Một số biểu hiện ít gặp hơn, chiếm khoảng 15-20% là triệu chứng thành bụng (đau khi ấn lớp cơ thành bụng xuống), cảm giác buồn nôn, ớn lạnh. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể gặp phải vấn đề rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, nhưng tình trạng này không thường xuyên, chiếm tỷ lệ chỉ khoảng 10-15%.

Bệnh nhân lọc màng bụng, nếu xuất hiện triệu chứng đau bụng cần liên hệ ngay với bác sĩ, đây là dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng màng bụng.(Ảnh minh họa - nguồn Internet)

Khi bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu này cần đến bệnh viện ngay, không nên chần chừ. Đối với nhiễm trùng màng bụng, phần lớn bác sĩ chỉ cần dựa vào lâm sàng vẫn có thể chẩn đoán được, song để khẳng định và có hướng điều trị cho từng tác nhân gây bệnh, bệnh nhân sẽ được xét nghiệm tế bào dịch ổ bụng, cấy vi sinh dịch ổ bụng, cấy máu.

Phòng ngừa nhiễm trùng màng bụng khi lọc màng bụng

Cho đến nay, đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 bùng phát gây ảnh hưởng lớn đến bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, lọc màng bụng vẫn là giải pháp tối ưu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế khuyến nghị nên áp dụng, để giảm nguy cơ tiếp xúc, lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Không chỉ riêng lọc màng bụng, với bất kỳ phương pháp điều trị nào vẫn có khả năng xảy ra tác dụng phụ hoặc biến chứng. Trong các nguyên nhân gây nhiễm trùng màng bụng có đến 50% là do thao tác không đúng cách. Vì vậy, để phòng ngừa nhiễm trùng màng bụng điều quan trọng nhất là bệnh nhân phải rửa tay đúng cách trước khi thay dịch.

Song song đó cần làm sạch vùng da xung quanh ống thông, lưu trữ các dụng cụ, vật tư lọc màng bụng ở nơi sạch sẽ, luôn luôn đeo khẩu trang đúng cách trong lúc thay dịch lọc, không ngủ với vật nuôi.

Điều tiên quyết để phòng ngừa các biến chứng, trong đó có nhiễm trùng màng bụng, bệnh nhân lọc màng bụng cần tuân thủ nguyên tắc rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách khi thay dịch (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, hiện nay nhiều bệnh nhân có xu hướng sử dụng lọc màng bụng tự động bằng máy, điều này giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng. Bởi lọc màng bụng bằng tay một ngày thay dịch 4-5 lần/ngày, trong khi lọc bằng máy chỉ cần kết nối với máy 1 lần ngày, tần suất tiếp xúc ít hơn và máy được cài đặt tự động nên rất đơn giản, thuận tiện cho người bệnh. Đồng thời, máy còn chủ động hút dịch trong ổ bụng ra, tránh bị tồn dư trong bụng, không có các chất lắng đọng nên ít gây nhiễm trùng hơn.

Như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù lọc màng bụng vẫn có khả năng xảy ra biến chứng nhiễm trùng màng bụng song tỷ lệ không cao và phòng ngừa là điều hoàn toàn có thể chỉ bằng cách thực hiện đúng quy trình tại nhà và đừng quên lịch hẹn định kỳ mỗi tháng một lần với bác sĩ để được đánh giá tình trạng sức khỏe. Và một điều lưu ý, phương pháp này đang được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam khuyến nghị áp dụng rộng rãi trong tình hình dịch bệnh để đảm bảo đảm sự an toàn cho bệnh nhân suy thận.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X