Hotline 24/7
08983-08983

Nhiễm độc thạch tín gây ung thư da từ mỹ phẩm, nguồn nước

Bệnh viện Da liễu Trung ương đang điều trị cho nhiều bệnh nhân bị ung thư tế bào gai do nhiễm độc thạch tín. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ung thư này có thể do độc tố tích tụ nhiều năm từ nguồn nước, thuốc điều trị hoặc mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Thời gian vừa qua, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị ung thư tế bào gai do nhiễm độc Arsenic (còn gọi là asen, thạch tín).

Điển hình là một bệnh nhân nam ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng có dấu hiệu nhiễm độc thạch tín mạn tính như các điểm dày sừng lòng bàn tay bàn chân, kích thước nhỏ từ một hoặc vài mm, sờ vào lòng bàn tay bàn chân thấy sần sùi, thô ráp...

Theo TS.BS Nguyễn Hữu Quang - Khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, chỉ cần sờ vào lòng bàn tay, bàn chân bệnh nhân cảm thấy gợn gợn, sần sùi, không phẳng mà rất thô ráp. Tổn thương ung thư đã tiến triển rộng khiến bàn tay bệnh nhân đôi lúc tấy đỏ, đau rát, bứt rứt. Một vài chỗ trên bàn tay bệnh nhân đã rỉ dịch.

Dù nguồn nhiễm từ đâu thì chưa thể khẳng định nhưng qua khai thác tiền sử, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có sử dụng thuốc đông y từ cách đây 20 năm để chữa bệnh hen phế quản. Đây là một trong những yếu tố khiến da bị nhiễm độc thạch tín gây ung thư da.

Các chuyên gia nhấn mạnh, Arsenic là một kim loại rất độc, kim loại này cũng được dùng để điều trị bệnh, tuy nhiên chỉ dùng với một liều lượng nhỏ. Với các trường hợp ngộ độc, nếu không điều trị kịp thời thì rất dễ tiến triển thành ung thư. Đặc điểm đáng chú ý của nhiễm độc thạch tín mạn tính là tích tụ ở răng, móng, tóc, da nhiều năm mà người dân không hề hay biết.

Biểu hiện thường gặp của nhiễm độc thạch tín trên cơ thể là biểu hiện dày sừng từng điểm lòng bàn tay bàn chân, tình trạng "hạt mưa trên cát" được mô tả là những chấm giảm sắc tố nhỏ trên nền tăng sắc tố (hay gặp ở vùng lưng) và tổn thương ung thư tế bào gai.

Trong tự nhiên, nồng độ thạch tín trong nước ngầm, nước giếng khoan người dân hay dùng cao hơn nhiều so với nguồn nước đến từ sông hồ. Những bệnh nhân nhiễm độc thạch tín là thường bị các bệnh mạn tính như: Hen phế quản, vảy nến hay những người sống ở những vùng có nguồn nước bị nhiễm thạch tín trong một thời gian dài.

Mặt khác, thạch tín có tác dụng làm trắng nên có thể xuất hiện trong các sản phẩm mỹ phẩm làm trắng da. Ngoài ra, nó có thể là thành phần trong các sản phẩm trang điểm mắt như phấn mắt, bút kẻ lông mày hoặc son môi…

Làm sao phòng ngừa nhiễm độc thạch tín?

Theo nghiên cứu của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế), hiện có hơn 20% dân số Việt Nam đang dùng nguồn nước nhiễm asen. Việc sử dụng nguồn nước nhiễm asen ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người khi tích tụ những chất độc này trong cơ thể. Tuy nhiên, nhiều người lại không biết những nguy hại nghiêm trọng này.

Ảnh hưởng độc hại của asen tới sức khoẻ là các bệnh ngoài da: biến đổi sắc tố, sạm da, sừng hoá, ung thư da... Về lâu dài, cũng có thể gây hại nhiều hệ cơ quan thần kinh, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, sẩy hoặc lưu thai... Song việc nhận biết các dấu hiệu nhiễm độc asen rất khó vì dễ nhầm lẫn với các bệnh về da liễu.

Đáng lưu ý, người nhiễm độc asen có thể sẽ tích tụ 5-10 năm thậm chí 20 năm mới phát bệnh. Do đó, nếu người dân sống ở những nơi có nguồn nước nhiễm asen cao hơn mức WHO khuyến cáo, công nhân mỏ than, khai thác khoáng sản nếu thấy trên da xuất hiện các nốt sần sờ thô ráp, nhỏ li ti (biểu hiện nhiễm độc asen mãn tính) thì nên đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa, các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên sử dụng nước sạch, ở nông thôn hay dùng nước giếng khoan thì cần qua khâu lọc xử lý loại bỏ kim loại. Trong trường hợp người dân mắc các bệnh lý mạn tính như vảy nến, hen phế quản… mọi người tuyệt đối  không tự ý dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc vì có thể trong thuốc đó có chứa asen.

Đồng thời, khi lựa chọn các sản phẩm làm đẹp, hãy chú ý kỹ tới nguồn gốc và nơi sản xuất. Nếu có các dấu hiệu nốt sần nhỏ trên da, sờ thô ráp... thì nên đến các cơ sở chuyên khoa da liễu khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhất để tránh tiến triển thành khối ung thư da.

>>> BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp tư vấn: Hiểm họa nào từ nguồn nước sinh hoạt nhiễm độc?

[DAP]

Thạch tín có hai dạng, thứ nhất là thạch tín hữu cơ (nằm trong thực vật và mô thịt động vật), loại thạch tín này thường vô hại đối với con người. Thứ hai là thạch tín vô cơ tích tụ trong đất đá hoặc hòa tan vào nước.

Thạch tín vô cơ là loại hóa chất cực độc không mùi, không màu, không vị. Độc tính của thạch tín vô cơ cao gấp 4 lần thủy ngân, được công nhận là các chất gây ung thư nhóm 1. Thạch tín và các hợp chất của thạch tín được sử dụng làm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và trong sản xuất các hợp kim.

Nếu một lượng lớn thạch tín xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ tác động xấu đến hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và có thể gây tử vong ngay lập tức. Nếu bị nhiễm độc thạch tín dần dần, mỗi ngày tích tụ một ít, tùy theo mức độ bị nhiễm và thể trạng của mỗi người, có thể xuất hiện nhiều bệnh nguy hiểm từ nhẹ đến nặng như: rụng tóc, buồn nôn, sút cân, giảm trí nhớ, làm rối loạn sắc tố da, sừng hóa gan bàn tay, gan bàn chân, gây hoại tử các vết loét ở tay, chân, ung thư thậm chí tử vong.

Thạch tín đi vào vào cơ thể con người qua 3 đường chính là hô hấp, tiêu hóa và qua da. Khi vượt quá ngưỡng an toàn thì thạch tín trong thực phẩm, nước uống hoặc không khí sẽ trở thành chất độc gây nguy hiểm.

[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X