Hotline 24/7
08983-08983

Nhật ký AloBacsi tuần 3 tháng 3: Đi thì cũng dở, ở không xong

Việc hạn chế đi lại trong mùa dịch COVID-19 khiến cho nhiều người tiến thoái lưỡng nan vì có triệu chứng mà chần chừ không dám đi khám bệnh, ở nhà thì lại không yên tâm. Họ tìm đến AloBacsi nhờ tư vấn.

Hotline 08983 08983 hôm thứ sáu nhận cuộc gọi từ một chị ở Cà Mau liên hệ phòng khám của một bác sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực ung bướu nhưng không ai nghe máy. Chị có u vú lành tính, lâu nay vẫn khám định kỳ tại bệnh viện ở TPHCM nhưng cả tháng nay bỗng nhiên thấy nhức nhức. Mùa dịch, chị cũng chần chừ, nhưng chờ mãi không biết khi nào hết dịch nên quyết định đến phòng khám tư ở Sài Gòn, hi vọng phòng khám đỡ đông hơn bệnh viện thì ít nguy cơ gặp “cô Vy” hơn.

AloBacsi đưa ra giải pháp là chị đến Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ. Từ Cà Mau chị đến đây sẽ gần hơn, mà Cần Thơ ở thời điểm này cũng ít ghi nhận trường hợp COVID-19 so với TPHCM. Chị mừng hết sức, vậy mà nào giờ chị đâu biết ở miền Tây có bệnh viện chuyên về ung bướu. Lần nào đi khám cũng đón xe đi Sài Gòn xa lắc.

Một bà mẹ bỉm sữa ở Thái Bình thì băn khoăn về cái đinh nẹp xương đùi, gắn vào đã 4 năm, không có dự định tháo ra nhưng nay nó rục rịch, có cảm giác là lạ, không biết giờ có nên mổ lấy ra không, hay đợi qua mùa dịch. Mổ thì lo phải dùng thuốc, ảnh hưởng đến việc cho con bú. AloBacsi trấn an bạn rằng, đinh nẹp được làm từ vật liệu không gây phản ứng hay kích ứng với cơ thể nên bạn để đó nhiều năm nó cũng không sinh sự gì.

Tuy nhiên modul đàn hồi của xương theo sinh học là mềm dẻo, khác với modul đàn hồi của nẹp vít, vì thế có thể nẹp với xương sẽ không tương thích được với nhau và gây ra một số tác dụng phụ nếu để lâu quá. Cho nên các bác sĩ Chấn thương chỉnh hình vẫn khuyến khích bệnh nhân trong độ tuổi lao động thì nên tháo nẹp ở những bệnh nhân cố định xương ở chi dưới (chân), đối những bệnh nhân ở chi trên thì có thể để nguyên. Thế nhưng việc lấy ra cũng không nhất thiết phải tiến hành ngay và luôn, bạn có thể đợi qua mùa dịch hoặc sau khi cai sữa cho bé cũng được.

Rất nhiều trường hợp tương tự như những bạn đọc ở Cà Mau, Thái Bình này, câu hỏi: tôi có cần đi bệnh viện giờ luôn không, mùa dịch này nên đi khám ở đâu để đỡ nguy cơ lây nhiễm… là thường gặp nhất, song song với câu hỏi: tôi có triệu chứng a, b, c thì có phải nhiễm virus nCoV rồi không. Chưa bao giờ vai trò hướng dẫn và trấn an tâm lý bạn đọc của AloBacsi lại có ý nghĩa quan trọng như mùa COVID-19 này.

Hình ảnh bạn đọc gửi về AloBacsi nhờ tư vấn

Mùa dịch bệnh lây nhiễm, việc đeo khẩu trang, rửa tay, rửa mũi, súc miệng, theo dõi thân nhiệt… đã được cộng đồng quan tâm hơn. Đôi khi xảy ra tình huống như dùng nhiệt kế hồng ngoại đo xong không rõ mình có bị sốt hay không, hoặc trường hợp bạn đọc Lan Anh (email: thuky...@gmail.com) gặp phải: Cho em hỏi súc miệng nhầm bằng cồn y tế thì có sao không ạ? Sao em súc miệng bằng cồn vậy mà không có hiện tượng gì ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương giải đáp: Cồn dùng trong y tế thường là cồn 70 độ và 90 độ để đạt tính sát khuẩn. Khi uống dung dịch cồn 90 độ sẽ gây ra bỏng niêm mạc ống tiêu hóa, ngộ độc gan, thận... Nếu em chỉ nhấm phải 1 chút cồn 90 độ do súc miệng nhầm thì với liều lượng thấp không đủ gây ngộ độc, nhưng có thể gây bỏng niêm mạc miệng vùng có tiếp xúc với cồn (như môi, lợi) với biểu hiện nề đỏ, bóng nước, loét nhẹ.

Đối với cồn 70 độ thì mức độ kích ứng niêm mạc miệng ít hơn. Do đó, sau súc miệng nhầm cồn y tế mà em không thấy khó chịu gì ở miệng thì có lẽ là cồn 70 độ hoặc chai cồn để lâu ngày, có thể phần cồn đã bay hơi nhiều. Nhìn chung nếu không có khó chịu gì trong miệng thì không sao cả, em nhé!

Còn đây hẳn là vấn đề mà rất nhiều bạn đọc quan tâm khi mùa nắng nóng tới gần:

Tôi làm việc trong văn phòng, tòa nhà cao, cửa kính và sử dụng máy lạnh. Từ ngày phát dich COVID-19, chúng tôi đã tang nhiệt độ trong phòng làm việc và mở cửa sổ, nay khi hậu ở TPHCM ngày nóng lên, nhân viên nóng và mệt mỏi vì quá nóng nực, vậy xin hỏi nếu ở văn phòng nên duy trì nhiệt độ bao nhiêu là thích hợp nhất trong tình hình bệnh dịch hiện nay? (Hong Việt - email: ngtuyen...@gmail.com)

Theo BS.CK1 Cao Thị Lan Hương: Các quan sát dịch tễ vài tháng trước đây ghi nhận virus COVID-19 có vẻ thích lạnh hơn thích nóng, vì dịch bùng phát nhanh và mạnh ở các nước đang vào đợt khí hậu lạnh hơn so với các nước có khí hậu nóng như nước ta. Tuy nhiên, hiện nay các bang ở Mỹ ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 ở các bang có khí hậu lạnh còn ít hơn so với các bang có nhiệt độ môi trường cao hơn.

Do đó, với thời tiết nóng gắt như hiện nay, việc không sử dụng máy lạnh với hi vọng ngăn ngừa COVID-19 có khi lại bị bệnh khác trước khi bị nhiễm COVID-19, như mất nước mất muối, sốc nhiệt, giảm hiệu quả làm việc. Ngay cả tại bệnh viện, một số khoa phòng vẫn mở máy lạnh để điều hòa nhiệt độ cho bệnh nhân.

Bạn vẫn có thể sử dụng máy lạnh nhưng vẫn để cửa sổ mở vào buổi sáng và xế chiều, để luồng không khí lưu thông là tốt nhất. Trưa nắng gắt thì có thể đóng cửa lại. Nhiệt độ phòng dao động khoảng 22-25 độ là phù hợp.

Quan trọng là vệ sinh máy lạnh thường xuyên hơn, chú ý đeo khẩu trang dù trong phòng làm việc, rửa tay bằng xà phòng hay dung dịch sát khuẩn tay nhanh hay cồn thường xuyên và đặc biệt là trước và sau khi ra khỏi phòng.

Hồng Nhung

Quý bạn đọc có thể theo dõi nhiều buổi trò chuyện của các bác sĩ - chuyên gia, chia sẻ những thông tin thiết thực về việc bảo vệ sức khỏe tại kênh youtube: AloBacsi - video.

Nếu có thắc mắc về sức khỏe, kính mời bạn đọc đặt câu hỏi và gửi về chương trình thông qua:
Fanpage: AloBacsi - Hỏi bác sĩ trả lời
Email: tuvan@alobacsi.vn

Hoặc trò chuyện trực tiếp với bác sĩ trong thời lượng của các buổi tư vấn trực tuyến qua số điện thoại: 08983 08983
Trân trọng!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X