Hotline 24/7
08983-08983

Nhập viện vì bệnh ngoài da lúc trở mùa

Những ngày gần đây, thời tiết giao mùa, hanh khô, độ ẩm giảm khiến lượng bệnh nhân đi khám và nhập viện vì các bệnh ngoài da gia tăng.


Vết xước mưng mủ do viêm da khiến chị Hoài Anh đau nhức. Ảnh: PV
Vết xước mưng mủ do viêm da khiến chị Hoài Anh đau nhức. Ảnh: PV

Chân bỗng sưng vù vì bệnh ngoài da

Gần đây, từ khi thời tiết chuyển mùa hanh khô, trời se lạnh, độ ẩm rất thấp khiến chị Hoài Anh (ở khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) luôn cảm thấy khó chịu, ngứa da. Đặc biệt, cách đây hơn một tuần, chị phát hiện gần đầu gối có một vết xước, đỏ, dài khoảng 7cm. “Ban đầu, tôi tưởng chỉ là do bị gai nhọn cào hoặc có thể do mùa này nhiều côn trùng nên chủ quan “bỏ qua”. Ai ngờ 2 ngày sau, vết xước mưng mủ trắng đục, sưng tấy khiến tôi khó chịu, mặc quần bị chà xát rất đau. Thậm chí, tôi còn bị sốt nhẹ, đau không ngủ được”, chị Hoài Anh kể lại.

Nghĩ mình bị zona thần kinh (dân gian thường gọi là bệnh “giời leo”), chị Hoài Anh tự đắp hỗn hợp gạo nếp và đỗ xanh cho “mát”, mau lành. Nhưng vết thương không những không đỡ mà còn mưng tấy, nhức nhối, thậm chí còn xuất hiện triệu chứng “giật”, chị phải đi viện. Bác sĩ cho biết, chị bị viêm da. Sau khi được bôi thuốc “đặc chủng” khoảng 5 ngày, vết thương chị đã đỡ nhưng lại để lại vết sẹo dài.

Cũng mắc bệnh về da khi thời tiết chuyển mùa hanh khô là bé Q.T (5 tuổi, ở Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Theo lời kể của gia đình, ban đầu, bé bị mẩn ngứa da, càng gãi càng ngứa. Gia đình tự mua thuốc uống nhưng không đỡ nên đưa đi BVĐK Phúc Yên. Tại đây, bé được tiêm truyền nhưng một ngày sau, tình trạng ngứa không đỡ mà còn lan rộng khắp lưng. Đặc biệt, bàn chân của bé bỗng dưng phù nề, đến mức không đi lại được. Lo lắng nên gia đình đã tự đưa bé lên BV Da liễu Trung ương thăm khám.

Ngay lập tức, bé T được chỉ định nhập viện điều trị với chẩn đoán mắc mề đay cấp không rõ nguyên nhân. Các bác sĩ lý giải, với bệnh này, nếu tìm được chính xác nguyên nhân gây bệnh thì việc điều trị không quá khó khăn. Tuy nhiên, đa số các trường hợp mắc lại không xác định được căn nguyên. Bệnh mề đay là bệnh dị ứng, không phải là bệnh truyền nhiễm, tuy vậy bệnh hay tái phát, nhất là lúc thời tiết chuyển mùa. Cơ địa nhạy cảm là yếu tố thuận lợi cho bệnh xuất hiện. Sau 3 ngày điều trị, chủ yếu bằng bôi thuốc bột khắp vùng da, tình trạng sức khỏe của bé đã có nhiều tiến triển và vừa được xuất viện.

Điểm danh những bệnh ngoài da thường gặp mùa hanh khô


Để phòng viêm da mùa hanh khô, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất, uống nhiều nước, vệ sinh sạch sẽ. Ảnh minh hỌA
Để phòng viêm da mùa hanh khô, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất, uống nhiều nước, vệ sinh sạch sẽ. Ảnh minh họa

Theo PGS.TS Lê Thị Minh Hương, Trưởng khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, khi thời tiết chuyển mùa lạnh, độ ẩm không khí rất thấp, hanh khô, khiến cơ thể ít tiết mồ hôi là điều kiện thuận lợi cho các bệnh về da như: Viêm da, ngứa, bệnh da dị ứng, chàm, vảy nến… tấn công, phát triển.

Trong đó, PGS.TS Minh Hương cho biết, khi có triệu chứng sưng, ngứa, bong vẩy, sẩn đỏ ở da thì có thể nghĩ tới bệnh da dị ứng. Mề đay cấp như trường hợp bé T trên đây là một trong 4 loại dị ứng da thường gặp trong mùa hanh khô.

Một bệnh tương tự phát ban mề đay nhưng xảy ra ở lớp da sâu, đôi khi xuất hiện cùng với phát ban là phù mạch. Bệnh này không khiến da bị đỏ, không ngứa, thường xuất hiện ở các mô mềm như mi mắt, miệng hoặc bộ phận sinh dục. Ban và phù mạch có thể xuất hiện cùng nhau hoặc tách biệt trên cơ thể. Ngoài ra, mùa hanh khô, tỷ lệ bệnh nhân mắc viêm da tiếp xúc khi một số chất tiếp xúc trực tiếp với da có thể gây ban và mắc viêm da dị ứng (Eczema) xuất hiện ở các vị trí như mặt, khuỷu tay và đầu gối, cũng gia tăng.

Vào mùa hanh khô, tiết trời lạnh, rất nhiều người xuất hiện tình trạng ngứa ngoài da. Biểu hiện ngứa có thể từ lâm râm đến dữ dội, nhất là vào ban đêm khi ngủ, đặc biệt trời càng lạnh càng ngứa dữ dội, khi trời ấm lên thì da đỡ ngứa hơn. Nhiều người ngứa không chịu được nên gãi làm trầy xước da, chảy máu, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng. Đặc biệt, ngứa do thời tiết chỉ điều trị khỏi từng đợt, không thể chữa khỏi vĩnh viễn. Để hạn chế bị ngứa, cần chú ý vệ sinh da sạch sẽ.

Mùa đông, trời lạnh, cơ thể ít tiết mồ hôi, ít cảm giác “rin rít” nhưng vẫn phải tắm rửa thường xuyên, nhất là cần vệ sinh vùng kín, nách, bẹn... để da sạch, thông thoáng. Lưu ý quan trọng khi tắm rửa, vệ sinh mùa này là không dùng nước nóng, chỉ dùng nước đủ ấm và không chà xát da mạnh. Thông thường, một tình trạng hay gặp là người bị ngứa hay ngâm mình trong nước nóng rất lâu để da bớt ngứa. Trong khi đó, nước càng nóng, ngâm càng lâu thì càng làm da mất hết chất nhờn, mau khô, nứt nẻ, nên bản thân càng ngứa hơn. Khi tắm xong cần lau khô nước bằng khăn bông mềm, sau đó bôi kem dưỡng ẩm phù hợp lên da.

Theo TS Ngô Xuân Nguyệt, Trưởng khoa Da liễu (BV Bạch Mai), nhiều phụ nữ vào mùa hanh khô, mùa lạnh thường bị viêm môi (nứt nẻ môi). Nguyên nhân là do cơ địa da môi cộng với yếu tố thời tiết. Ngoài ra, thói quen liếm môi làm nước bọt ngấm vào da môi càng khiến môi nứt nẻ hơn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. BS Xuân Nguyệt khuyến cáo, chị em có thể bôi sáp nẻ hoặc son dưỡng môi, tránh ăn mặn khiến môi phồng rộp hơn. Nếu thấy môi vẫn chảy máu thì phải đi khám chuyên khoa da liễu để tránh nhiễm trùng.

Khi bị ngứa dữ dội kéo dài, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được chỉ định dùng thuốc phù hợp. Không được tự ý sử dụng thuốc hoặc gãi mạnh gây trầy xước, gây nhiễm trùng, viêm da.

“Để phòng viêm da mùa hanh khô, điều quan trọng đầu tiên là phải giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, ngay cả quần áo cũng phải được giặt thật sạch sẽ, phơi khô, chống nấm mốc. Sử dụng kem dưỡng làm ẩm da phù hợp với từng vị trí da: Môi, mặt, tay, chân, cơ thể. Nếu bôi kem dưỡng không hiệu quả thì nên kết hợp thuốc bôi đặc trị theo chỉ định của bác sĩ. Người dân cũng cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất, uống nhiều nước. Khi làm việc, tránh tiếp xúc trực tiếp với chất tẩy rửa, xà phòng. Tắm nước ấm, không tắm nước nóng quá, dễ gây ngứa”.

TS Ngô Xuân Nguyệt - Trưởng khoa Da liễu (BV Bạch Mai)


Theo Quỳnh An - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X