Hotline 24/7
08983-08983

Nguyên nhân và cách phòng ngừa té ngã cho người cao tuổi?

Ở người lớn tuổi rất hay xảy ra tình trạng té ngã, gây hậu quả nghiêm trọng như gãy xương và suy giảm chức năng vận động. Vậy nguyên nhân do đâu và làm sao để phòng ngừa? Câu trả lời đã được BS.CK1 Nguyễn Minh Đức giải đáp ngay trong bài viết dưới đây.

BS.CK1 Nguyễn Minh Đức BS.CK1 Nguyễn Minh Đức - Giảng viên Bộ môn Lão khoa, Đại học Y dược TPHCM

NỘI DUNG TƯ VẤN

Yếu tố nguy cơ khiến người cao tuổi dễ bị té ngã?

BS.CK1 Nguyễn Minh Đức trả lời:

Yếu tố nguy cơ ở người cao tuổi thường sẽ chia làm 2 nhóm:

Thứ nhất, nhóm liên quan tới thay đổi chức năng ở người lớn tuổi hoặc các bệnh lý mãn tính đi kèm. Vì người lớn tuổi thường bị suy giảm sức cơ và có nhiều bệnh lý phối hợp, do đó làm họ dễ mất thăng bằng khi đi lại.

Các thuốc bệnh nhân sử dụng cũng sẽ có loại làm tăng nguy cơ té ngã. Hoặc các vấn đề khác như giảm thị lực, giảm thính lực.

Thứ 2, yếu tố ngoại sinh, tức là yếu tố bên ngoài như môi trường và trong nhà. Trong nhà cần chú ý đến các vấn đề sau:

Sàn nhà nên dùng vật liệu không gây trơn trượt, nhất là nơi thường dễ bị té ngã như nhà vệ sinh.

Cầu thanh không quá dốc và nên có thanh vịn 2 bên.

Bậc thềm không nên quá cao

Vật dụng không để bừa bộn, nên để phù hợp với người lớn tuổi không quá cao hoặc quá thấp.

Bố trí ánh sáng đủ như khu vực nhà vệ sinh, nhà bếp, để tránh người cao tuổi đi vệ sinh ban đêm sẽ bị té ngã.

Té ngã ở người cao tuổi gây hậu quả gì, điều trị ra sao?

BS.CK1 Nguyễn Minh Đức trả lời:

Tỉ lệ nguy cơ bị té ngã ở người lớn tuổi rất cao. Tại Mỹ thống kê khoảng 40% những người 65 tuổi trở lên hay bị té ngã, còn với người càng lớn tuổi trên 80 tuổi thì tỉ lệ sẽ tăng lên 50%, tức là cứ 10 người thì sẽ có 5 người bị té ngã trong 1 năm.

Té ngã có thể gây chấn thương đầu, gãy xương, nhất là gãy xương hông hay cổ xương đùi có thể khiến bệnh nhân phải nằm 1 chỗ, tốn chi phí thay khớp và có thể gặp 1 số biến chứng trong quá trình nằm viện như nhiễm trùng bệnh viện, và các chức năng sau đó cũng bị suy giảm.

Nếu bệnh nhân gãy xương mà kèm theo nhiều bệnh lý thì sẽ rất nguy hiểm, ví dụ như nhiễm trùng bệnh viện, gây hình thành cục máu đông thường ở chân bất động dẫn đến bệnh cảnh thuyên tắc phối khiến tỉ lệ tử vong tăng cao.

Hoặc bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng gây viêm phổi, nhất là viêm phổi bệnh viện, kháng thuốc dẫn thì khả năng tử vong cũng sẽ xảy ra. Ngoài ra, trong quá trình nằm viện lâu bệnh nhân cũng có thể bị viêm loét.

Do đó người lớn tuổi tốt nhất nên phòng ngừa vấn đề té ngã, đừng để té ngã kèm gãy xương thì giải quyết hậu quả sẽ vừa tốn kém, làm giảm chức năng sau gãy xương và nguy cơ tử vong cao.

Làm sao để phòng ngừa té ngã cho người cao tuổi ở nhà?

BS.CK1 Nguyễn Minh Đức trả lời:

Thứ nhất, xem xét bệnh lý liên quan đến xương khớp làm cho người cao tuổi đi không vững hoặc bệnh lý liên quan thần kinh (ví dụ bệnh tiền đình gây chóng mặt) cũng làm tăng nguy cơ té ngã.

Thứ 2, xem xét thuốc đang dùng vì người lớn tuổi thường sử dụng nhiều loại thuốc cùng một lúc để điều trị các bệnh lý khác nhau. Một số loại thuốc làm tăng nguy cơ té ngã cao hơn, nhất là thuốc liên quan tới điều trị mất ngủ, thuốc chống lo âu, trầm cảm,…

Thứ 3, vấn đề liên quan tới mắt, người lớn tuổi thường bị suy giảm thị lực vì vậy nên đi khám mắt định kỳ.

Thứ 4, vấn đề bàn chân, bệnh nhân có bị tiểu đường, hoặc bệnh lý xương khớp làm bàn chân biến dạng, đi đứng không vững không, nếu có cần khám chuyên khoa để giải quyết vấn đề này. Bên cạnh đó, cần mang giày dép phù hợp như đi vừa chân, đế không quá cao, có khả năng chống trơn trượt, nhất là dép đi trong nhà vệ sinh cần có độ bám tốt.

Ý nghĩa của việc phòng ngừa té ngã ở người cao tuổi?

BS.CK1 Nguyễn Minh Đức trả lời:

Ở nước ta vấn đề này chưa được quan tâm nhiều lắm, nhất là té ngã bên ngoài cộng đồng.

Cách đây khoảng 10 năm, vấn đề loãng xương chưa được quan tâm, mãi đến sau này thì nó mới được chú ý nhiều hơn và người lớn tuổi cũng đã biết cách phòng ngừa bằng việc tầm soát và điều trị loãng xương.

Vai trò của điều trị loãng xương sẽ giúp phòng ngừa gãy xương. Đối với gãy cổ xương đùi chiếm khoảng 95% nguyên nhân do té ngã. Do đó, nhiều khi điều trị loãng xương chưa đủ thời gian để có hiệu quả mà bệnh nhân bị té ngã thì vẫn có khả năng bị gãy xương.

Nếu bệnh nhân không điều trị loãng xương nhưng phòng ngừa tốt té ngã, không để té ngã xảy ra thì tỉ lệ gãy xương lại rất thấp.

Tốt nhất người lớn tuổi nên đề phòng loãng xương và tình trạng té ngã thì sẽ giảm nguy cơ bị gãy xương hơn.

Cách phòng ngừa tái phát việc gãy xương do té ngã ở người cao tuổi?

BS.CK1 Nguyễn Minh Đức trả lời:

Bác sĩ thường sẽ có 3 câu hỏi đặt ra cho bệnh nhân:

Thứ nhất, trong 1 năm nay bệnh nhân có bị té ngã lần nào chưa? Vì những người từng bị té ngã thì nguy cơ té ngã tái phát sẽ rất cao.

Thứ 2, bệnh nhân có vấn đề về giữ thăng bằng khi đứng 1 chỗ hoặc đi lại không?

Thứ 3, bệnh nhân sợ té ngã.

Do đó, chỉ cần có 1 trong 3 yếu tố trên thì bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao bị té ngã.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân hoặc người có nguy cơ cao bị té ngã?

BS.CK1 Nguyễn Minh Đức trả lời:

Đối với bệnh nhân bị té ngã hoặc nguy cơ cao bị té ngã thì nên bổ sung vitamin D mỗi ngày để giúp phòng ngừa. Nếu có loãng xương kèm theo thì nên điều trị bệnh.

Về dinh dưỡng tùy theo bệnh nhân mắc bệnh lý gì mà có chế độ ăn phù hợp, còn trong vấn đề té ngã thì không yêu cầu kiêng gì cả.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X