Hotline 24/7
08983-08983

Nguy cơ tử vong cao do hen phế quản ác tính

Hen ác tính là một căn bệnh diễn ra đột ngột, có thể gây suy hô hấp nhanh và ngừng thở nguy hại đến tính mạng, hoặc sau cấp cứu, nhiều trường hợp để lại di chứng nặng nề, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Vừa qua, Bệnh viện Quân y 175 tiếp nhận cấp cứu cho bệnh nhân lên cơn hen đột ngột, sử dụng thuốc cắt cơn không hiệu quả.

Bệnh nhân là V.T.H.K., sinh năm 1979, bị lên cơn hen đột ngột, khi được đến phòng khám tư thì tình trạng đã suy hô hấp nguy kịch, dọa ngừng tim, ngừng thở, phải tiến hành đặt nội khí quản, bóp bóng và hồi sinh tim phổi tại chỗ.

Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Quân y 175 với tình trạng co thắt khí phế quản đã giảm rất nhiều, nghe phổi đã bắt đầu có ran, có tiếng rít ở phế quản, huyết áp đã bắt đầu đo được (60/40 mmHg).

Theo BS.CK2 Vũ Đình Ân - Phó Chủ nhiệm khoa Hồi sức tích cực Nội (Bệnh viện Quân y 175), các chỉ số về thăng bằng kiềm toan và khí máu động mạch bị rối loạn nghiêm trọng nhưng tình trạng này đã được các bác sĩ khắc phục, điều chỉnh dần trở về ổn định trong thời gian ngắn.

Sau 1 đêm, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, tự thở, mạch huyết áp ổn định.

Chị K không khỏi bàng hoàng kể lại giây phút sinh tử xảy ra: “Hôm đó, khoảng 18g, em bắt đầu lên cơn hen, em cố gắng dùng tất cả các loại thuốc thường dùng nhưng tất cả thuốc đều không hiệu quả. Cho đến khi không thể gượng nổi nữa nên em gọi người nhà chở đi cấp cứu và sau đó em không còn biết gì nữa. Sau khi tỉnh lại, em chỉ thấy có các bác sĩ đứng bên hỏi thăm em. Em cảm ơn các y, bác sĩ của bệnh viện đã cứu sống em, giúp em hồi sinh thêm lần nữa”.

Được biết, bệnh nhân bắt đầu bị bệnh hen cách đây 5 năm. Khoảng 2 tuần - 1 tháng lại bị lên cơn hen một lần vào ban đêm. Những lần trước cơn hen xảy ra thì bệnh nhân chỉ uống thuốc, xịt thuốc hoặc khí dung là hết.

BS.CK2 Trần Văn Thành - Trưởng ban CTXH thăm hỏi và động viên bệnh nhân

1. Tình trạng co thắt phế quản

Theo BS.CK2 Vũ Đình Ân, hen là bệnh lý viêm mãn tính của đường hô hấp, biểu hiện bằng 3 đặc tính:

+ Tăng tính phản ứng của phế quản

+ Tăng tính tiết dịch

+ Tăng tính co thắt phế quản

Tình trạng co thắt của phế quản có thể tự hồi phục hoặc hồi phục dưới tác dụng của điều trị. Sau khi co thắt phế quản được phục hồi thì bệnh nhân có thể trở về trạng thái bình thường ngay. Chính vì đặc tính đó nên bệnh nhân chủ quan, những người bị hen nguy cơ tái phát rất cao. Bệnh hen có từng bậc thang để kiểm soát dự phòng.

Người bệnh cần có dự phòng ở 2 cấp độ:

+ Làm thế nào để không xuất hiện cơn hen

+ Khi xuất hiện cơn hen (cơn khó thở) thì làm thế nào để nó không nặng lên nguy kịch.

2. Dự phòng, kiểm soát cơn hen

Việc dự phòng, kiểm soát cơn hen rất là không đơn giản, nhưng vẫn có thể dự phòng được, khi được trang bị những kiến thức cơ bản, đó là:

- Người bị bệnh hen cố gắng tránh các yếu tố nhiễm trùng, vì viêm, nhiễm trùng dễ là yếu tố khởi phát. Nhiễm virus đường hô hấp cấp Haemophilus influenzae rất hay gặp trong cộng đồng, rất dễ dẫn đến cơn hen, vì vậy những người bệnh như này cần phải cố gắng giữ gìn vệ sinh vùng họng, răng miệng cho tốt, không để cơ thể gặp nóng lạnh đột ngột, giữ ấm vùng cổ ngực.

- Những người đã có bệnh lý hen: hen có liên quan đến cơ địa dị ứng, vì vậy phải hết sức lưu ý khi khởi tiết chuyển mùa, đặc biệt là mùa thu đông, tiết trời se lạnh. Điều kiện sống thay đổi, phải hết sức chú ý đề phòng tác nhân dị ứng (thức ăn, nước uống, môi trường, khói bụi,...).

- Những người bị hen phế quản nên chú ý vấn đề rèn luyện nâng cao sức khỏe bản thân, chú ý vấn đề dinh dưỡng (thực phẩm, rau xanh, trái cây,…), tăng cường sức đề kháng cho cơ thể để hạn chế nhiễm trùng.

- Dự phòng mức độ nặng lên của bệnh. Sử dụng thuốc cắt cơn hen, khi có dấu hiệu cơn hen thì cần sử dụng thuốc ngay.

- Gọi điện cho Bác sĩ để được tư vấn kịp thời, nếu cần thiết phải đi bệnh viện, phòng khám ngay để được khám, tư vấn và điều trị đúng cách.

3. Các khuyến cáo cho bệnh viện tuyến dưới

BS.CK2 Vũ Đình Ân cũng đưa ra khuyến cáo cho những các phòng khám hay bệnh viện tuyến dưới:

- Cần nâng cao trình độ kỹ năng tiếp cận những bệnh nhân suy hô hấp cấp, đặc biệt là trường hợp suy hô hấp cấp, suy hô hấp nguy kịch thì thủ thuật phải đi trước, thuốc đi sau.

- Phải luôn có dự phòng cơ số thuốc cấp cứu, thuốc điều trị cắt cơn hen phế quản, các trang thiết bị y tế cần thiết cho công tác cấp cứu (đèn soi, ống đặt nội khí quản, bóng Ambu, bình Oxy,…) và đặc biệt là kỹ thuật chuyên môn cấp cứu hồi sinh tim phổi thành thạo.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X