Hotline 24/7
08983-08983

Người ghép thận đầu tiên ở Việt Nam cách đây 30 năm vẫn khỏe mạnh

Trong 30 năm, Việt Nam thực hiện hơn 6.500 ca ghép tạng thành công, trong đó chủ yếu là người được ghép thận. Đáng chú ý, người ghép thận đầu tiên ở Việt Nam cách đây 30 năm hiện vẫn khỏe mạnh.

Tại Hội nghị khoa học Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi toàn quốc 2022 diễn ra ngày 18-19/11, các chuyên gia đánh giá 30 năm qua lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam có những bước tiến kỳ diệu, với hơn 6.500 ca ghép thành công, mang lại sự hồi sinh cho nhiều số phận lay lắt như ngọn đèn trước gió.

Trong số ca ghép tạng thành công từ năm 1992 đến nay, chủ yếu là người được ghép thận (gần 6.100 ca). Người ghép thận đầu tiên ở Việt Nam cách đây 30 năm hiện vẫn khỏe mạnh. Không ít bệnh nhân được ghép thận 2 lần, 3 lần vẫn sống khỏe mạnh sau 5 năm, 8 năm. Việt Nam cũng thực hiện 384 ca ghép gan, 59 ca ghép tim.

Đến nay Việt Nam có 16 cơ sở y tế ghép thận, 5 cơ sở ghép gan, 3 cơ sở ghép tim và đội ngũ y bác sĩ được đào tạo chuyên sâu để thực hiện các kỹ thuật khó. Bộ đã cấp phép hoạt động cho 10 ngân hàng mô, trong đó có một số ngân hàng mô chuyên biệt (tế bào gốc) và đã thực hiện được hàng nghìn ca ghép mô (giác mạc, da, tủy...).

Việt Nam đã thực hiện được nhiều kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực ghép tạng, ngang với các nước trong khu vực và thế giới. Năm 2017, các bác sĩ thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên và ghép tim cho bệnh nhân nhi nhỏ tuổi nhất Việt Nam. Cuối năm 2018, lần đầu tiên các thầy thuốc thực hiện thành công ca ghép hai phổi từ người cho đa tạng chết não, được Bộ Y tế vinh danh là một trong 9 sự kiện y tế nổi bật của năm.

Năm 2020, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lập kỷ lục trong 13 ngày đã ghép thành công 23 tạng, trong đó có 8 thận từ người cho sống, 15 tạng từ người cho chết não. Cùng năm đó, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện ca ghép tay từ người cho sống đầu tiên trên thế giới.

Và mới nhất, hôm 17/11, Bệnh viện Chợ Rẫy công bố 6 người hồi sinh từ mô tạng của một bệnh nhân 38 tuổi chết não hiến trái tim, hai quả thận, hai giác mạc. Ngoài ra, phần da được các bác sĩ ghép thành công, là ca ghép da từ người hiến chết não đầu tiên ở Việt Nam.

Phẫu thuật ghép tạng là một trong các phẫu thuật phức tạp nhất của lĩnh vực ngoại khoa, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kỹ năng tổng hợp nhiều chuyên ngành và phải làm chủ được các biến chứng trong và sau mổ.

Ghép tạng cũng là sự hiệp đồng sức mạnh của rất nhiều các chuyên khoa: ngoại, tiết niệu, thận học, gan mật, tiêu hóa, ung bướu, chẩn đoán hình ảnh, tim mạch, gây mê hồi sức, huyết học, tâm lý, phục hồi chức năng,…

Cùng với những câu chuyện về hiến mô, tạng gây xúc động đã tạo nên hiệu ứng tích cực nhiều năm gần đây, số lượng người đăng ký hiến tạng sau chết, chết não tăng vọt. Theo Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đến tháng 8/2022, trung tâm đã nhận đơn đăng ký hiến của gần 50.000 người. So với 8 năm trước chỉ 200 người đăng ký, số lượng này được đánh giá là ấn tượng.

Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất của ngành ghép tạng là sự khan hiếm nguồn mô tạng hiến. Hiện 95% ca ghép tạng ở Việt Nam được tiến hành từ người cho sống, chỉ 5% ca ghép từ người cho chết não, điều này ngược hoàn toàn với xu hướng chung của toàn thế giới khi nhiều nước đa phần ca ghép tạng là từ người cho chết não.

Cả nước có 1.500 bệnh viện, trong đó khoảng 300 bệnh viện điều trị bệnh nhân chấn thương sọ não. Mỗi bệnh viện chỉ cần một bệnh nhân chết não hiến tặng mô bộ phận cơ thể người thì trong một năm sẽ có khoảng 300 người hiến. Do đó, các chuyên gia kỳ vọng càng nhiều người đăng ký hiến tạng sau khi chết, mở ra cơ hội sống khỏe mạnh cho nhiều người khác.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X