Hotline 24/7
08983-08983

Người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19, lo bản thân thì ít, lo cho người nhà thì nhiều!

ThS.BS Đỗ Đăng Trí cho biết, người đã tiêm đủ 2 mũi ngừa COVID-19 vẫn có thể trở thành F0. Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy nhờ có chủng ngừa đầy đủ mà nguy cơ người đó bị nhiễm bệnh đã giảm xuống 8 lần, nguy cơ bị bệnh nặng giảm xuống 25 lần. Tuy nhiên, cần chú ý đến nguy cơ lây nhiễm của F0 đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho những người xung quanh.

1. 3 lý giải cho tình trạng tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 vẫn trở thành F0

Trước thông tin nhiều người, trong đó có cả nhân viên y tế dù đã tiêm 2 mũi vắc xin COVID-19 vẫn trở thành F0 khi đi chống dịch, ThS.BS Đỗ Đăng Trí - Bệnh Viện Nhi Đồng 1 TPHCM - Bộ Môn Nhi tại Đại Học Y Dược TPHCM cho biết, thực tế điều này vẫn có thể xảy ra.

Song cần phải nhấn mạnh về khái niệm cần phải làm rõ, một người được gọi là tiêm chủng đầy đủ khi đã trải qua 2 tuần sau khi tiêm đủ 2 liều của vắc xin ngừa COVID-19 (Pfizer hoặc Moderna hoặc AstraZeneca)[1].

Để lý giải cho hiện tượng này[2, 3], ThS.BS Đỗ Đăng Trí cho rằng, vắc xin COVID-19 có hiệu quả và là một công cụ quan trọng để kiểm soát đại dịch. Tuy nhiên, không có vắc xin nào có hiệu quả ngăn ngừa bệnh 100%.

Điều đó nghĩa là sẽ có một tỷ lệ nhỏ những người đã tiêm chủng đầy đủ mà vẫn mắc COVID-19 (có triệu chứng hoặc không triệu chứng) nếu họ tiếp xúc với virus gây bệnh. Hiện tượng này gọi là nhiễm đột phá (breakthrough infection). Đối với bất kỳ loại vắc xin nào, đều có những trường hợp nhiễm đột phá như vậy.

“Hai nữa, cơ thể phải mất 2 tuần sau khi chủng ngừa để tạo dựng hàng rào bảo vệ (hệ miễn dịch) chống lại virus gây bệnh COVID-19. Điều này có nghĩa là một người vẫn có thể nhiễm phải virus SARS-CoV-2 trước hoặc ngay sau khi tiêm chủng và sau đó mới được phát hiện ra là F0, nguyên nhân là do vắc xin chưa có đủ thời gian để hoàn chỉnh khả năng bảo vệ.

Và cuối cùng, các biến chủng mới của virus gây bệnh COVID-19 đang lan rộng và có thể làm giảm hiệu quả bảo vệ của vắc xin, đặc biệt là biến chủng Delta” - ThS.BS Đỗ Đăng Trí cho biết.

ThS.BS Đỗ Đăng Trí - Bệnh Viện Nhi Đồng 1 TPHCM - Bộ Môn Nhi tại Đại Học Y Dược TPHCM

2. Tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19, giảm nguy cơ mắc 8 lần, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong 25 lần

Tuy nhiên, điều may mắn là tình trạng nhiễm đột phá rất hiếm và thường không triệu chứng hoặc chỉ triệu chứng nhẹ. ThS.BS Đỗ Đăng Trí dẫn chứng, tại Hoa Kỳ, tỉ lệ các ca nhiễm đột phá chỉ chiếm < 1% trong số những người đã được tiêm chủng đầy đủ[4].

Hiện nay, khi mà biến chủng Delta đang hoành hành tại Hoa Kỳ, trong số 162 triệu người dân đã được chủng ngừa thì cứ mỗi tuần có thêm 35.000 ca nhiễm đột phá mới (tỉ lệ chỉ là 0.02%). Tuy nhiên, cũng nhờ có chủng ngừa đầy đủ mà nguy cơ người đó bị nhiễm bệnh đã giảm xuống 8 lần, nguy cơ bị bệnh nặng (phải nhập viện hoặc thâm chí tử vong) giảm xuống 25 lần[5].

Từ ngày 1/5/2021, CDC chuyển từ việc giám sát tất cả các trường hợp nhiễm đột phá được báo cáo sang tập trung vào việc xác định và chỉ điều tra các trường hợp nhiễm đột phá mà phải nhập viện hoặc tử vong. Sự thay đổi này sẽ giúp tối ưu hóa chất lượng của dữ liệu được thu thập về các trường hợp có tầm quan trọng lớn nhất đối với lâm sàng và sức khỏe cộng đồng. Tính đến ngày 26/7/2021, CDC đã nhận được báo cáo từ 49 tiểu bang và vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ về 6.587 ca nhiễm đột phá nặng phải nhập viện hoặc tử vong (tỉ lệ cực thấp chỉ 0.004% tổng số người đã chủng ngừa)[3]. Đặc điểm các ca này như sau:

Các biến chủng của virus SARS-CoV-2 đã nhiều lần thay đổi cục diện của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Biến chủng Delta hiện đang là tâm điểm của mối quan tâm quốc tế vì chúng đang gây ra bệnh COVID-19 lan rộng trên toàn cầu. Các trường hợp nhiễm đột phá gây ra bởi các biến chủng SARS-CoV-2 cũng đang là mối quan tâm của y tế và sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới. Nhưng một số nghiên cứu cho thấy, vắc xin vẫn mang lại kết quả tích cực, ngay cả với biến chủng Delta.

ThS.BS Đỗ Đăng Trí đưa ra một nghiên cứu tại trung tâm y khoa lớn nhất ở Israel trên 1.497 nhân viên y tế đã được chủng ngừa đầy đủ, trong khoảng thời gian theo dõi 4 tháng sau 2 liều vắc xin Pfizer (20/01/2021 đến 28/4/2021), chỉ ghi nhận 39 ca nhiễm đột phá: 26 ca (67%) có triệu chứng nhẹ và không cần nhập viện, 13 ca (33%) không triệu chứng. Trong 33 ca nhiễm đột phá được làm giải trình tự gene virus, biến chủng Alpha chiếm 85%[6].

Tương tự, nghiên cứu từ bệnh viện tại Houston, Texas cũng đưa ra những tín hiệu khả quan. Theo đó, các nhà khoa học đã giải trình tự gene của virus SARS-CoV-2 từ 4.920 mẫu bệnh phẩm được lấy từ ngày 15/3/2021 đến 24/7/2021 và nghiên cứu các trường hợp nhiễm đột phá. Trong thời gian nghiên cứu, biến chủng Delta đã tăng lên và gây ra 94% tổng số ca COVID-19 và lan rộng khắp khu vực đô thị Houston.

Ngoài ra, biến chủng Delta gây ra tình trạng nhiễm đột phá với tỷ lệ cao hơn đáng kể so với các biến chủng khác (17.4% so với 5.8%). Điều quan trọng là, những người được tiêm chủng đầy đủ chỉ chiếm có 8.4% trong tổng số ca nhiễm COVID-19 và rất ít bệnh nhân trong nhóm đã được tiêm chủng đầy đủ này phải nhập viện[7].

Trong giai đoạn 06/7-25/7/2021, tại tỉnh Barnstable, thuộc tiểu bang Massachusetts ghi nhận 469 ca COVID-19, trong đó 3/4 (346 ca) là đã được chủng ngừa đầy đủ (gọi là nhiễm đột phá). Trong số những ca nhiễm đột phá, 274/346 (79%) ca là có triệu chứng, trong đó phổ biến nhất là ho, nhức đầu, đau họng, đau cơ và sốt, và đều nhẹ.

Trong số những ca nhiễm đột phá có triệu chứng, khoảng thời gian trung bình từ khi hoàn thành ≥ 14 ngày sau liều vắc xin cuối cùng đến khi bắt đầu có triệu chứng là 86 ngày (6-178 ngày). Trong số những ca nhiễm đột phát, có 4 người (1.2%) phải nhập viện, và không có trường hợp nào tử vong. Trong số 133 ca COVID-19 được làm xét nghiệm giải trình tự gene của SARS-CoV-2, biến chủng Delta chiếm 90%[8].

ThS.BS Đỗ Đăng Trí cho rằng, từ những nghiên cứu cũng như số liệu thực tế này đã mang lại thông điệp rất đáng quan tâm. Đó là:

  • Vắc xin COVID-19 là một vũ khí thiết yếu giúp bảo vệ chống lại bệnh COVID-19, bao gồm cả chống lại các biến chủng mới.
  • Phần lớn các ca nhiễm COVID-19 mới vẫn là ở những người chưa được chủng ngừa.
  • Nhiễm đột phá ở những người được tiêm chủng vẫn là ít gặp, trong số đó thì nhiễm đột phá có triệu chứng và gây bệnh nặng lại càng hiếm gặp hơn, ngay cả đối với các biến chủng đang hoành hành như biến chủng Delta.
  • Nếu đã chủng ngừa đầy đủ mà vẫn bị nhiễm bệnh thì vaccine cũng có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh COVID-19 nặng (nhập viện, tử vong), ngay cả với biến chủng Delta.

3. Đối mặt với biến chủng Delta, vắc xin ngừa COVID-19 có còn hiệu quả giảm lây nhiễm?

Mặc dù vậy, người đã được chích ngừa COVID-19 lo cho bản thân thì ít, nhưng lo cho người thân thì nhiều. Bởi dù đã chích ngừa thì vẫn có khả năng lây virus SARS-CoV-2 cho người xung quanh, nhưng sẽ ít hơn nếu bản thân người mang mầm bệnh chưa chích ngừa.

ThS.BS Đỗ Đăng Trí cho hay, đến nay có rất ít nghiên cứu trực tiếp đánh giá hiệu quả của vắc xin COVID-19 trong khía cạnh giảm lây truyền bệnh. Tuy nhiên, vẫn có một số dữ liệu đáng chú ý:

Các nhà nghiên cứu từ Cục Y tế Công Cộng Anh (PHE) đã bắt đầu sử dụng dữ liệu thế giới thực (real-world data) để đánh giá hiệu quả của vắc xin COVID-19 trong việc giảm lây truyền virus SARS-CoV-2.

Dữ liệu phân tích từ khoảng 365.000 hộ gia đình ở Vương quốc Anh, được công bố vào ngày 23/06/2021 trên tạp chí danh tiếng NEJM, ghi nhận những người đã được tiêm 1 liều vắc xin AstraZeneca hoặc Pfizer từ 21 ngày trở lên rồi sau đó thành F0, thì khả năng lây nhiễm cho những người khác trong gia đình thấp hơn 40-50% so với những người F0 chưa từng được chủng ngừa. Hiệu quả này của 2 loại vaccine là tương tự[9].

Một nghiên cứu ở Phần Lan, được đăng dưới dạng preprint trên trạm medRxiv vào ngày 10/07, ghi nhận những nhân viên y tế đã được tiêm 1 liều vắc xin Pfizer hoặc Moderna mà sau đó thành F0, thì nguy cơ lây cho vợ/chồng của họ cũng giảm 43% so với những nhân viên y tế không được chủng ngừa[10].

Nghiên cứu đánh giá hiệu quả sau 2 liều vắc xin Pfizer giúp giảm sự lây truyền SARS-CoV-2 trong các hộ gia đình ở Israel, kết quả ghi nhận là 88.5%, do đó làm giảm sự lây truyền SARS-CoV-2 cho những người tiếp xúc trong gia đình[11].

“Như vậy, những người đã tiêm chủng thì khi lỡ bị nhiễm bệnh cũng ít có khả năng lây bệnh cho các thành viên trong gia đình hơn những người chưa được tiêm chủng” - ThS.BS Đỗ Đăng Trí cho biết.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, những nghiên cứu trên được khảo sát vào thời điểm biến chủng Delta chưa hoành hành, chủ yếu lúc đó là biến chủng Alpha. Trong khi đó, biến chủng Delta có khả năng lây lan rất cao, vì vậy cho đến nay vẫn chưa rõ vắc xin có còn giúp giảm lây hay không, nhưng coi chừng là không.

Một báo cáo nội bộ của CDC gần đây tuyên bố rằng: “biến chủng Delta có khả năng lây tương đương thuỷ đậu và những người đã được chủng ngừa có thể lây truyền biến chủng này dễ dàng như những người chưa được chủng ngừa”[12]. Điều này giúp giải thích sự gia tăng số ca mắc mới gần đây ở Hoa Kỳ.

Nghiên cứu từ BV tại Houston, Texas đã giải trình tự gene của virus SARS-CoV-2 từ 4.920 mẫu bệnh phẩm được lấy từ ngày 15/3/2021 đến 24/7/2021 ghi nhận 194 ca nhiễm đột phá gây ra bởi biến chủng Delta có giá trị ngưỡng Ct trung vị thấp (đại diện cho tải lượng virus cao) và giá trị này không khác biệt đáng kể so với giá trị Ct trung vị ở những bệnh nhân chưa được tiêm chủng với COVID-19 do biến chủng Delta gây ra[7].

Trong nghiên cứu tại trung tâm y khoa lớn nhất ở Israel, trong 39 ca nhiễm đột phá có 29 ca (74%) có tải lượng virus cao (Ct < 30). Trong nghiên cứu này, các tác giả nhận thấy rằng mặc dù vắc xin Pfizer cực kỳ hiệu quả, nhưng các trường hợp nhiễm đột phá hiếm gặp lại có khả năng lây nhiễm và tạo ra một thách thức đặc biệt, vì những trường hợp nhiễm như vậy thường không có triệu chứng và có thể lây truyền, nhất là lây cho những đối tượng nguy cơ dễ bị bệnh nặng (người già, bệnh nền…)[6].

Cũng trong nghiên cứu tại Massachusetts (giai đoạn 6/7 - 25/7/2021), giá trị RT-PCR Ct trong các mẫu bệnh phẩm từ 127 ca nhiễm đột phá (trung vị = 22.77) là tương tự như của 84 ca F0 chưa được tiêm chủng, chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng (trung vị = 21.54) (Hình 9). Dữ liệu mới này cho thấy những người đã được tiêm chủng mà bị nhiễm đột phá biến chủng Delta sẽ mang tải lượng virus tương tự như những người không được tiêm chủng. Điều đó nghĩa là dù một người đã được tiêm chủng đầy đủ nhưng nếu bị nhiễm đột phá thì vẫn có thể lây lan virus nhiều giống như một người không được tiêm chủng[8].

Rochelle Walensky, giám đốc CDC Hoa Kỳ nhận định: “Tải lượng virus cao cho thấy nguy cơ lây truyền cao hơn và dấy lên mối lo ngại rằng, không giống như các biến chủng khác, những người bị nhiễm đột phá biến chủng Delta vẫn có thể lây truyền virus. Phát hiện này đáng được quan tâm và là một khám phá quan trọng dẫn đến khuyến cáo đeo khẩu trang vừa cập nhật mới đây của CDC. Khuyến cáo đeo khẩu trang đã được cập nhật để đảm bảo những người được tiêm chủng sẽ không vô tình lây truyền virus cho người khác, bao gồm cả những người thân yêu chưa được tiêm chủng hoặc suy giảm miễn dịch của họ"[13].

Vì vậy, ThS.BS Đỗ Đăng Trí khuyến nghị, biến chủng Detla lây nhiều hơn, bệnh có vẻ nặng hơn, những người nhiễm đột phá vẫn có thể lây bệnh dễ dàng cho người khác như những người F0 chưa đươc chủng ngừa. Do đó, chỉ vắc xin là không đủ mà còn cần phải duy trì phối hợp 5K.

Mặt khác, nên có càng nhiều người đi tiêm chủng càng sớm càng tốt để giúp tăng cường mức độ miễn dịch cộng đồng và bảo vệ những người đáp ứng kém với việc tiêm chủng (ví dụ cơ địa suy giảm miễn dịch hoặc đang phải dùng thuốc ức chế miễn dịch) hoặc không thể tiêm chủng. Đồng thời ngăn chặn sự xuất hiện của một biến chủng kháng vắc xin mới.

“Người nhà của nhân viên y tế (nhất là người già, có bệnh nền) thực sự là một nhóm đối tượng nguy cơ rất dễ bị lây nhiễm khi mà ngày càng nhiều nhân viên y tế tham gia vào trận chiến khốc liệt và dài hơi này. Hãy tiêm vắc xin cho họ” - ThS.BS Đỗ Đăng Trí bày tỏ ý kiến.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. US CDC. Science Brief: COVID-19 Vaccines and Vaccination. Updated July 27, 2021.
2. US CDC. What You Should Know About the Possibility of COVID-19 Illness After Vaccination. Last Updated June 25, 2021.
3. US CDC. COVID-19 Vaccine Breakthrough Case Investigation and Reporting. Page last reviewed: July 29, 2021.
4. Kaiser Family Foundation. COVID-19 Vaccine Breakthrough Cases: Data from the States. Jul 30, 2021.
5. US CDC. Improving communications around vaccine breakthrough and vaccine effectiveness. July 29, 2021.
6. Bergwerk, M., et al., Covid-19 Breakthrough Infections in Vaccinated Health Care Workers. New England Journal of Medicine, July 28, 2021.
7. Musser, J.M., et al., Delta variants of SARS-CoV-2 cause significantly increased vaccine breakthrough COVID-19 cases in Houston, Texas. medRxiv, August 01, 2021: p. 2021.07.19.21260808.
8. US CDC. Outbreak of SARS-CoV-2 Infections, Including COVID-19 Vaccine Breakthrough Infections, Associated with Large Public Gatherings — Barnstable County, Massachusetts, July 2021. Early Release / July 30, 2021.
9. Harris, R.J., et al., Effect of Vaccination on Household Transmission of SARS-CoV-2 in England. New England Journal of Medicine, June 23, 2021.
10. Salo, J., et al., The indirect effect of mRNA-based Covid-19 vaccination on unvaccinated household members. medRxiv, 2021: p. 2021.05.27.21257896.
11. Prunas, O., et al., Vaccination with BNT162b2 reduces transmission of SARS-CoV-2 to household contacts in Israel. medRxiv, July 16, 2021.
12. The New York Times. Vaccinated People May Spread the Virus, Though Rarely, C.D.C. Reports. July 30, 2021; Available from: https://www.nytimes.com/.../cdc-vaccinated-delta.html....
13. Vaccinated People With Breakthrough Infections Can Spread The Delta Variant, CDC Says. July 30, 2021; Available from: https://www.npr.org/.../cdc-study-provincetown-delta....

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X