Hotline 24/7
08983-08983

Người chưa tiêm ngừa và chưa phải F0 khỏi bệnh, có đi ra đường được không?

AloBacsi - Hỏi đáp mùa dịch trả lời các trường hợp: chưa tiêm ngừa, cũng chưa bị bệnh COVID-19 có đi ra đường được không; chích ngừa COVID-19 mũi 1 là Moderna, mũi 2 là AstraZeneca; app chưa cập nhật thẻ xanh cho F0 khỏi bệnh...

1. Chưa tiêm ngừa, cũng chưa bị bệnh COVID-19 có đi ra đường được không?

Huong Nguyen: Tôi chưa tiêm ngừa mà cũng chưa bị bệnh COVID-19 thì có ra đường được không?

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn,

Hiện tại (đầu tháng 10/2021) bạn chưa tiêm ngừa và không phải F0 khỏi bệnh thì vẫn ra đường được, tuy nhiên khi đi làm việc hay vào cửa hàng, siêu thị, chợ... có thể những nơi đó sẽ yêu cầu bạn phải tiêm ít nhất 1 mũi rồi mới được vào. Ngoài ra, vì bạn chưa tiêm ngừa, bạn phải rất thận trọng khi ra ngoài, nhất là nơi công cộng, nơi đông người, tránh để bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Mời bạn tham khảo thêm: Người không thể tiêm vắc xin COVID-19 làm sao đi làm?

2. Có nên chích ngừa COVID-19 mũi 1 là Moderna, mũi 2 là AstraZeneca?

Snowy Nguyễn: Tôi tiêm mũi 1 Moderna ngày 14/8 nay đã gần 7 tuần. Tôi ở Vũng Tàu. Vậy thưa BS nếu Vũng Tàu không được phân bổ vaccine Moderna hoặc Pfizer thì trường hợp tôi quá thời gian quy định thì có phải tôi tiêm lại mũi 1 không ạ? Tôi vô cùng lo lắng vì sợ mũi 1 không còn tác dụng. Và sau 12 tuần chưa có vaccine để tiêm mũi 2, tôi có nên tiêm lại mũi 1 AstraZeneca không?

Nguyễn Ngọc: Tại sao ở xã tôi người trên 65 tuổi tiêm mũi 1 Moderna mà mũi 2 lại tiêm Astra? Trong khi mình tìm hiểu thì chỉ thấy y tế cho tiêm kết hợp mũi 1 Moderna và mũi 2 Pfizer thôi, đây có phải sai sót của y tế xã không ạ?

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn,

Không có chuyện tiêm mũi 2 trễ thì mũi 1 không còn tác dụng. Dù là trễ mũi 2 nhưng cơ thể của bạn vẫn có tạo được kháng thể từ mũi 1, cơ thể có “trí nhớ miễn dịch” nên bạn đừng lo lắng quá, cũng không cần tiêm lại từ đầu. Trường hợp chích ngừa mũi 1 là Moderna thì mũi 2 chỉ nên tiêm Moderna hoặc Pfizer.

Mời bạn tham khảo: Tiêm vắc xin phòng COVID-19, loại nào được tiêm trộn, loại nào không?

3. Trên app cập nhật thẻ xanh cho F0 khỏi bệnh hay chưa?

Chàng Thợ Săn: Chào AloBacsi! Em là F0 được cách ly tập trung và khỏi bệnh, chưa tiêm vắc xin. Hiện tại trên các app Sổ sức khỏe điện tử hoặc PC- COVID có cập nhật được thẻ xanh cho F0 khỏi bệnh chưa ạ? Em cần thẻ xanh để đi làm (Bình Dương - Thủ Đức). Em xin cảm ơn ạ!

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn,
Trường hợp này chưa có mã QR trên app, bạn cần xuất trình giấy xác nhận F0 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng thay cho thẻ xanh nhé.
Bạn giữ gìn giấy xuất viện cẩn thận, nên ép plastic luôn cho an toàn. 6 tháng nữa bạn mới cần tiêm vắc xin COVID-19.
Bạn tiếp tục theo dõi thời sự để biết khi nào có mã QR.

4. Chích ngừa xong dùng bông gòn đè lại, vắc xin có chảy ngược ra ngoài không?

Nanno N.: Dạ chào bác sĩ, em muốn hỏi là khi tiêm vắc xin sau khi rút kim ra thì em có đè bông gòn nhưng chưa đủ lâu thì họ kêu em ký giấy nên em phải buông ra để ký xong mới đè lại được, sau khi đè được 1 phút thì em lấy ra thấy miếng bông thấm khoảng 1 giọt máu lớn, vậy thì lượng vắc xin có bị chảy ngược ra bên ngoài theo cùng với máu không ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên: Chào bạn,

Mũi tiêm đi vào sâu trong cơ nên thuốc cũng vào sâu, máu dính trên bông gòn chỉ là máu ở phía ngoài (gần da) nên không có chuyện vắc xin bị chảy ngược ra nhé.

5. Mới chích ngừa COVID-19, đi khám bệnh được không?

H. Đức: Mình tiêm vaccin covid 5 ngày rồi có thể đi khám bệnh được không? Xét nghiệm lấy máu có ảnh hưởng gì không? Trong vòng 3 tháng mình bị sụt đến 10 cân.

Tổ tư vấn AloBacsi: Bạn cứ đi khám bệnh nhé. Việc chích ngừa và đi khám bệnh không ảnh hưởng gì nhau, và việc lấy máu xét nghiệm cũng không ảnh hưởng gì đến vắc xin cả! Bạn sụt cân nhiều như vậy e là do nguyên nhân nguy hiểm, cần nhanh chóng khám bệnh nhé.

6. Vào phòng nội soi có nguy cơ lây nhiễm bệnh COVID-19 không?

V. Ngọc Ngân: Tôi đến định kỳ soi trực tràng nhưng vào phòng soi thì sợ COVID-19 như vậy tôi hỏi bác sĩ làm cách nào để tôi vào phòng soi an toàn, không bị nhiễm ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương:

Nhân viên y tế đều phải test âm tính mới đi làm, nghĩa là các y bác sĩ trong phòng nội soi đều an toàn với bạn. Hiện nay người đi khám chữa bệnh ở bệnh viện cũng phải test nhanh âm tính rồi mới được vào các khu bên trong. Tại các cơ sở y tế, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn luôn được chú trọng.

Như vậy, môi trường của phòng nội soi không có gì đáng ngại cả. Đương nhiên, trong lúc ngồi chờ nội soi, bản thân bạn cũng phải tuân thủ 5K, chú ý đeo khẩu trang đúng nhé.

7. Đau đầu gối 3 năm vẫn chưa đi khám, có thể là bệnh gì?

N.M. Nguyễn Nga: Dạ em chào bác sĩ tư vấn,

Em bị đau đầu gối khoảng 3 năm nay và bây giờ ngồi xuống đứng lên có lúc đau không đứng lên được. Em 53 tuổi, mình phải chữa bệnh như thế nào? Em chưa chụp phim bao giờ. Đầu gối bên trái thường xuyên mỏi bên phải, đau phía trong, 2 cái đùi yếu phải đu chống mới đứng dậy được. Em có mua thuốc ở tiệm uống ngừng thuốc thì đau lại, chưa đi bệnh viện khám bao giờ.

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào chị,

Đau đầu gối có nhiều nguyên nhân, ở tuổi của chị thường gặp nhất là thoái hóa khớp gối, ngoài ra còn 1 số nguyên nhân khác. Do đó chị cần đến chuyên khoa cơ xương khớp để BS khám, chụp phim xem là chị bị đau do nguyên nhân gì, từ đó mới có hướng điều trị phù hợp. Song song đó, chị cần tập vật lý trị liệu nữa.

Thuốc uống chị tự mua ở tiệm chỉ là thuốc giảm đau tạm thời mà thôi cho nên hết thuốc sẽ đau lại, do đó chị bố trí đi khám bệnh sớm nhé.

8. Ho kéo dài 1 tháng kèm sút cân, khạc đờm lẫn máu là bệnh gì?

Đ. Tiến Vũ: Mình bị ho tầm 1 tháng nay, có sút cân trong 3 tháng nay, 1-2 hôm nay có ho đờm khạc ra ít máu tầm 1 thìa bột canh thì mình cần làm gì ạ? Mình có thấy mệt chút nhưng mọi thứ vẫn bình thường.

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn,

Trường hợp của bạn nhất định phải đi khám bệnh ngay, có thể bạn cần làm Xquang phổi và xét nghiệm đờm để loại trừ bệnh lao nhé.

Mời bạn tham khảo các biểu hiện của bệnh lao. Thân mến!

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X