Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh hen suyễn, thuyên tắc động mạch chích ngừa COVID-19 có tiêm Vero Cell được không?

AloBacsi - Hỏi đáp mùa dịch những ngày gần đây bớt "hot" vì dịch COVID-19 tại TPHCM đang dần lắng dịu, tuy nhiên, câu hỏi về chích ngừa COVID-19, về vắc xin Vero Cell vẫn lai rai gửi về từ nhiều tỉnh thành.

1. Người từng bị thuyên tắc động mạch có nên tiêm vắc xin Vero Cell?

Anh Tr.: Em chào bác sĩ,

Mong bác sĩ giải đáp giúp em, cách đây 7 năm em sinh em bé bằng phương pháp sinh mổ, mong quá trình phẫu thuật em bị huyết khối, thuyên tắc động mạch. Em điều trị hơn 6 tháng có sử dụng thuốc kháng đông. Tình trạng sức khỏe hiện nay của em là bình thường. Vậy em có thể tiêm vắc-xin covid 19 không, hiện nay em đã có lịch đi tiêm vào ngày 20/10 . Địa phương em hiện nay chỉ có vac xin Vero Cell, vậy em có nên chờ đợt sau không ạ? Em rất mong sớm nhận được phản hồi của bác sĩ ạ. Em cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Trần Anh Tuấn: Chào bạn,

Trường hợp này bạn tiêm được, và nên tiêm Pfizer hay Moderna nhé. Vero Cell cũng chích được, không nên chờ, thời điểm này bạn nên chích ngừa càng sớm càng tốt. Chỉ riêng AstraZeneca thì trường hợp của bạn nên thận trọng.

2. Người có tiền sử bệnh hen suyễn chích vắc xin Vero Cell được không?

Huynh T.: Bác sĩ ở cho em hỏi em bị bệnh hen suyễn và đã hết cách đây 4 năm giờ em có tiêm ngừa vắc xin COVID-19 Vero Cell được không ạ? Tại hôm qua em có đi chích ngừa tại cấp xã và khám sàng lọc, em nói em bị hồi đó cách đây 4 năm rồi giờ thì em bình thường mà bác sĩ đó nói thuốc Vero Cell không chích cho em được và chờ thuốc khác về mới chích được ạ.

Tổ tư vấn AloBacsi: Vắc xin Vero Cell không chống chỉ định trong trường hợp của bạn nhé. Nghĩa là bạn tiêm được. Thời điểm này bạn nên chích ngừa COVID-19 càng sớm càng tốt.

3. Sau khi ráp sọ tự thân, chích ngừa COVID-19 có sợ bị hành nhiều không?

L.P. Thảo: Vắc xin Anh và Mỹ sau khi tiêm bị hành nhức đầu nhiều và sốt nhiều. Bác sĩ ráp sọ tự thân cho em đã gần 1 năm vậy khi em tiêm có chịu được hành như vậy không ạ? em lo mạnh quá em chịu không nổi. Hay em tiêm vắc xin Trung Quốc. em cảm ơn!

Tổ tư vấn AloBacsi: Chào bạn,

Sau chích ngừa sẽ bị hành thế nào? Theo BS Trương Hữu Khanh có 4 kiểu "hành":

  • Kiểu 1: Khỏe re, không thấy gì đặc biệt, đau chút chút nơi chích, cũng có người không bị hành là chuyện thường.
  • Kiểu 2: Thường gặp nhất, rêm mình, gai gai sốt, cảm thấy oải quá, sốt nhẹ, đêm đầu sẽ khó ngủ chút, đau đầu chút chút, 24-36-48 tiếng hết, đa số nhóm này đi làm bình thường.
  • Kiểu 3: sốt cao, mệt mỏi quá, sốt run cầm cập, đau nhức mình quá, uống thuốc giảm đau hạ sốt mà nó cũng giảm chậm quá. Cũng ráng gồng mình chịu đựng, cũng 24-36-48 tiếng hết, hiếm ai 72 tiếng mới hết.
  • Kiểu 4: đau bụng, tiêu chảy, ói nhiều, tầng suất ra vào nhà vệ sinh tăng lên đột ngột, ăn uống không được... Trường hợp này ráng ăn từng chút một cũng sẽ ổn sau 24-48 giờ. Mệt quá thì vào bệnh viện truyền nước biển.

Như trên thì ít khi nào người chích ngừa bị đau đầu quá mức như bạn lo ngại. Và dù là có đau đầu thì bạn cũng dùng được thuốc giảm đau thông dụng là sẽ đỡ thôi. Vì vậy bạn không cần lo lắng quá, và chích vắc xin nào cũng được nhé.

4. Chích ngừa COVID-19, 2 ngày sau có uống được uống thuốc ngừa thai?

B. Bap: Em có tiêm ngừa COVID-19 hôm 15/10. Hôm nay em có quan hệ không an toàn với bạn trai, em uống thuốc ngừa thai được không ạ? Em có hỏi một bác sĩ, bác sĩ đó nói em không được uống, nói uống sẽ ảnh hưởng làm em lo quá.

Tổ tư vấn AloBacsi:

Bạn cứ uống thuốc ngừa thai bình thường nhé. Bác sĩ vừa rồi tư vấn cho bạn như vậy là vì một số loại thuốc tránh thai dạng kết hợp có một nguy cơ gây tăng đông, cộng thêm nguy cơ rối loạn đông máu sau tiêm vắc xin, nhưng cả 2 nguy cơ này tỷ lệ đều rất thấp.

Nếu bạn dùng bao cao su để khỏi phải uống thuốc tránh thai vẫn tốt hơn. Tuy nhiên, nếu đã quan hệ không an toàn thì uống thuốc ngừa thôi, bởi vì nguy cơ tăng đông là có nhưng hiếm khi xảy ra, còn khả năng có thai ngoài ý muốn thì đang “lù lù trước mắt”.

Mời bạn tham khảo ý kiến của TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú: Sau khi tiêm vắc xin COVID-19 có thể dùng thuốc tránh thai hàng ngày không?

5. Ngoài 70 tuổi, chỉ số SpO2 từ 93 tới 96 có bình thường không?

Nguyên Thiện: Chào bác sĩ,

Tôi 73 tuổi, đo nồng độ oxy trong máu thường xuyên là 94, 95 đôi khi 96 không hơn, mà có khi 93. Tôi bị nghẹt mũi mạn tính từ nhỏ. Tôi muốn hỏi, chỉ số đo như vậy có nguy hiểm không và cần phải làm gì để cải thiện? Xin nói thêm là tôi khỏe, mọi cơ quan đều tốt, chỉ khó thở thôi. Cám ơn bác sĩ.

Tổ tư vấn AloBacsi:

Dạ, chỉ số oxy của bác như vậy bình thường, không đáng ngại. Khi nào cảm thấy khó thở thì bác cứ hít thở sâu, phình bụng dưới, thở ra từ từ... trong 5-10 phút là sẽ đỡ ngay ạ. Hằng ngày nếu bác tập khí công, tập dưỡng sinh thì càng tốt nữa.

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X