Hotline 24/7
08983-08983

Người bệnh cần biết thời điểm dùng các loại thuốc

Tương tác thuốc - thức ăn có thể làm giảm tác dụng của thuốc. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả dùng thuốc và an toàn cho người bệnh, cần uống thuốc đúng thời điểm.

Đa số thuốc được dùng sau bữa ăn. Tuy nhiên, có một số hoạt chất, nhóm thuốc cần dùng trong bữa ăn hoặc lúc đói, hoặc trước bữa ăn nên uống thuốc cùng một thời điểm trong ngày.

Các thời điểm dùng thuốc

Trước bữa ăn: Thuốc sẽ phát huy tác dụng tốt nhất khi uống 30-60 phút trước bữa ăn.

2 giờ sau bữa ăn: Thời điểm sau bữa ăn khoảng 2 giờ, khi bắt đầu đói.

Sau bữa ăn: Thuốc có thể gây kích ứng đường tiêu hóa nên uống ngay sau bữa ăn.

Các loại thuốc cần lưu ý thời điểm uống thuốc

Thuốc đường tiêu hóa

- Nhóm giảm tiết acid dạ dày như thuốc ức chế bơm proton (esomeprazole, lansoprazole, pantoprazole,…): uống trước bữa ăn 30 phút - 1 giờ.

- Thuốc trung hòa acid dịch vị như hỗn dịch antacid (magnesi + nhôm hydroxyd): uống sau bữa ăn 2 giờ (hoặc) buổi tối trước khi đi ngủ hoặc khi có triệu chứng.

- Thuốc băng loét dạ dày (sucralfat): uống trước bữa ăn hoặc khi đói.

- Các nhóm thuốc giảm co thắt (mebeverine, trimebutin…), thuốc nhuận tràng (latulose, sorbitol), thuốc điều trị khó tiêu, trào ngược (itopride)men vi sinh: nên uống trước bữa ăn khoảng 15-20 phút.

- Thuốc điều trị tiêu chảy (dioctahedral - Smecta): uống sau bữa ăn khoảng 1-2 giờ.

Thuốc điều trị ung thư

Nhóm thuốc hóa trị

- Capecitabin (Xeloda®, Xalvobin®): uống sau bữa ăn 30 phút.

- Everolimus (Afinitor®): uống trước/ sau bữa ăn.

Có thể hòa tan hoàn toàn thuốc everolimus trong khoảng ½ ly nước, khuấy nhẹ đến khi tan hết, uống thuốc ngay lập tức, tráng lại với cùng một lượng nước.

Thuốc điều trị nội tiết hoặc điều trị đích

- Abirateron (Zytiga®), erlotinib (Tarceva®), pazopanib (Votrient®), sorafenib (Nexavar®)…: dùng ít nhất 1 giờ trước bữa ăn hoặc 2 giờ sau bữa ăn.

- Imatinib (Glivec®): dùng trong bữa ăn với một cốc nước to để giảm kích ứng dạ dày.

Thuốc kháng sinh

Thường uống sau bữa ăn để giảm khó chịu đường tiêu hóa.

- Thuốc nhóm quinolone (ciprofloxacin, levofloxacin) hoặc nhóm tetracyline: KHÔNG dùng chung với các chế phẩm chứa canxi (sữa, phô mai…) vì làm mất tác dụng của thuốc.

- Lưu ý khác:

+ Tetracyline: uống trước bữa ăn 1 giờ/ sau bữa ăn 2 giờ với 1 ly nước đầy, ở tư thế đứng thẳng.

+ Erythromycin: uống trước bữa ăn ít nhất 30 phút.

Với 2 thuốc trên, để đảm bảo độ hấp thu và giảm khó chịu đường tiêu hóa, có thể uống trong bữa ăn.

Thuốc tim mạch

Nhóm thuốc hạ huyết áp:

- Captopril: uống trước bữa ăn 1 giờ.

- Imidapril, lercanidipin, rilmenidin: uống trước bữa ăn 30 phút.

Nhóm thuốc điều trị suy tim, cơn đau thắt ngực (isosorbid dinitrat/ mononitrat): uống trước bữa ăn 30 phút.

Thuốc điều trị loạn nhịp tim (amiodarone): nên uống trong bữa ăn khi dùng liều cao hoặc để giảm khó chịu đường tiêu hóa.

Thuốc lợi tiểu

- Furosemide, spironolacton: uống trước/ sau bữa ăn. Uống trong bữa ăn có thể làm giảm khó chịu đường tiêu hóa.

- KHÔNG khuyến cáo uống thuốc vào buổi tối, đặc biệt khi khởi đầu điều trị vì làm tăng số lần đi tiểu vào ban đêm.

Thuốc điều trị đái tháo đường

- Gliclazide, glimepiride: uống trước hoặc trong bữa ăn.

- Metformin: uống cùng với bữa ăn (hạn chế vị kim loại do thuốc) hoặc sau bữa ăn.

Các thuốc khác

- Thuốc bổ máu (sắt  ± acid folic): uống trước bữa ăn 1 giờ hoặc sau bữa ăn 2 giờ. Sau khi uống, không nên đi nằm trong vòng 30 phút.

- Thuốc điều trị đau cách hồi (cilostazol): uống trước bữa ăn hoặc khi đói.

- Thuốc điều trị suy giáp (levothyroxine): uống trước bữa ăn sáng ít nhất 30 phút.

Nhằm hạn chế tương tác thuốc - thức ăn làm giảm hiệu quả của thuốc, người bệnh cần:

- Đọc kỹ cách dùng thuốc trong đơn thuốc;

- Hỏi bác sĩ/ dược sĩ về cách dùng thuốc;

- Đọc thông tin cách dùng thuốc theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X