Hotline 24/7
08983-08983

Ngoại ở lại với cuộc đời thật lâu nha Ngoại!

Cơn nhồi máu cơ tim khiến Ngoại tưởng đã đến lúc “đi xa”, nhưng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã giữ Ngoại ở lại với cuộc đời, điều mà cách đây vài năm gia đình tưởng chừng không thể.

Giữa tháng 10/2019, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đón một cụ bà 85 tuổi đến tái khám. Bên ngoài phòng khám của BS.CK2 Trần Chí Dũng - Trưởng đơn vị tim mạch can thiệp, Ngoại như một vị tu sĩ hiền từ trong bộ đồ lam, cùng với con gái, con dâu chờ tới lượt.

Bữa nay, Ngoại đến để kiểm tra sức khỏe của trái tim, tháng trước nó “hành” làm Ngoại tưởng đã tới lúc đoàn tụ với ông bà tổ tiên. Trưa hôm đó Ngoại nghe mệt mệt, khó thở, biết mình có bệnh tim cũng lâu rồi, phen này chắc không còn thời gian nữa, Ngoại kêu con cháu về gặp mặt, đòi thay quần áo mới, sẵn sàng “lên đường” đi xa.

Nhưng Ngoại không tính tới chuyện cháu trai của mình - ông giám đốc bệnh viện chuyên về đột quỵ và tim mạch, đâu có dễ để Ngoại đi như vậy. Chiếc xe cấp cứu lao vun vút đến Đồng Tháp, rước “lão Phật gia” thẳng tiến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ.

Người ta gọi cháu trai của Ngoại là tiến sĩ, giám đốc, chủ tịch... với bà, anh mãi là "thằng cháu ngoại ngày nào" - Ảnh: Hồng Tâm

BS.CK2 Trần Chí Dũng nhớ lại: “Lúc nhập viện bác gái mệt, nặng ngực dữ lắm. Bác lớn tuổi rồi, trước đó đã bị thiếu máu cơ tim, hẹp mạch vành, suy tim. Lần này mệt nặng vì nhồi máu cơ tim, nằm thở không nổi luôn. Sau khi kiểm tra điện tim, siêu âm tim, chụp mạch vành phát hiện bị hẹp nhánh chính, chúng tôi quyết định can thiệp cấp cứu cho bác”.

Trên giường DSA, Ngoại vẫn cẩn thận gọi cháu dâu tới, gửi lời từ biệt sui gia, và dặn dò trước với các bác sĩ là nếu có bề gì cũng đừng buồn, Ngoại sống tới tuổi này cũng mãn nguyện rồi. Ca can thiệp đặt stent diễn ra ngay trong đêm, được thực hiện bởi BS.CK2 Trần Chí Dũng, và cháu trai của Ngoại - TS.BS Trần Chí Cường.

Chiếc lò xo bé xíu đi từ bẹn lên tới tim của Ngoại, đến vị trí mạch máu bị hẹp là bung ra. Sau khi đặt stent, Ngoại thấy hết nặng ngực, rồi thở dễ hơn, qua hôm sau đi đứng được, 3 ngày sau xuất viện. Thế là Ngoại tạm hoãn chuyến đi lớn nhất đời mình.

Niềm vui ngày Ngoại xuất viện - Ảnh: Đức Thịnh

Ngày tái khám, Ngoại nói cảm ơn BS Dũng hoài và không quên chúc phúc: “Bà nguyện vái cho các bác sĩ được mạnh giỏi, khỏe khoắn, tinh tấn để giúp cho bá tánh vạn dân, nghe! Trăm năm hạnh phúc vợ con, nghe!” - Ảnh: Hồng Nhung

BS Dũng đáp lời: “Dạ, nhờ đức của bác nữa, bác để lại cho tụi con!” - Ảnh: Hồng Nhung

Rồi Ngoại ôm hôn nồng nhiệt những nhân viên còn trẻ mà đã chịu cực, phụ giúp cháu trai gầy dựng nên bệnh viện này. Nắm tay một cô gái, Ngoại hỏi: “Con có hay đi chùa không?” -  “Dạ có, nhưng mà con chưa thuộc kinh Phật, Ngoại ơi!” - “Không sao, thuộc kinh chỉ là hình thức thôi mà, quan trọng là lòng mình, con à…”

Sau chuyến “giá đáo” bệnh viện S.I.S, Ngoại có biệt danh “ngoại dễ thương”. Có lẽ tất cả bà ngoại trên đời đều dễ thương, nhưng gặp Ngoại, mọi người có thể nhận ra bệnh viện S.I.S đã được bén rễ từ những cội nguồn hồn hậu nào.

Với BS Cường, cứu được Ngoại là niềm vui và hạnh phúc lớn lao của gia đình - Ảnh: Hồng Nhung

Còn người cháu trai nhìn bà ngoại bước tới lui trong phòng khám, ánh mắt rạng ngời niềm vui. Cách đây vài năm, các bác sĩ ở TPHCM nhận định bệnh tim của Ngoại nếu can thiệp có nguy cơ rất cao nên tiếp tục điều trị bảo tồn. Tình huống nguy cấp lần này, có thể Ngoại sẽ đi mãi, là con cháu, anh phải cứu bà bằng mọi giá. Trong hàng ngàn sinh mệnh được bệnh viện cứu sống có cả những người thương yêu của mình, anh nói: “Đây chính là giá trị của bệnh viện!”.

Hồng Nhung

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X