Hotline 24/7
08983-08983

Ngày 22/1, gần 11.000 ca cộng đồng, thế giới đối mặt với nguy cơ “làn sóng thần” COVID-19 mới

Ngày 22/1, cả nước ghi nhận 15.707 ca COVID-19, trong đó có gần 11.000 ca cộng đồng; TPHCM 3 tuần liên tiếp "giữ vững" vùng xa; Chỉ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 với khách bay từ vùng đỏ; Nhiều diễn biến đa chiều về biến thể Omicron tại các nước trên thế giới... là những thông tin chính trong bản tin tối ngày 22/1/2022 trên AloBacsi.

Cả nước thêm 15.707 ca COVID-19, gần 11.000 ca cộng đồng

Tính từ 16g ngày 21/01 đến 16g ngày 22/01, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 15.707 ca nhiễm mới, trong đó 49 ca nhập cảnh và 15.658 ca ghi nhận trong tại 61 tỉnh, thành phố (có 10.986 ca trong cộng đồng).

5 tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh nhiều nhất trong ngày, gồm: Hà Nội (2.945), Đà Nẵng (973), Hải Phòng (745), Hưng Yên (693), Bến Tre (555).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận số ca bệnh dưới 500 ca, bao gồm: Bình Phước (498), Quảng Ngãi (461), Thanh Hóa (443), Bắc Ninh (386), Bình Định (347), Quảng Ninh (338), Đắk Lắk (332), Hải Dương (324), Quảng Nam (319), Vĩnh Phúc (315), Khánh Hòa (305), Thái Nguyên (298), Bắc Giang (286), Thừa Thiên Huế (279), Hòa Bình (265), Nam Định (256), Lâm Đồng (242), Cà Mau (231), Nghệ An (223), Vĩnh Long (220), TPHCM (214), Thái Bình (183), Đắk Nông (177), Phú Thọ (177), Tây Ninh (174), Trà Vinh (165), Ninh Bình (158), Quảng Trị (144), Lạng Sơn (138), Hà Nam (120), Kiên Giang (115), Lào Cai (112), Yên Bái (109), Bạc Liêu (108), Bình Thuận (103).

Các tỉnh, thành phố còn còn lại ghi nhận dưới 100 ca mắc, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu (99), Sơn La (98), Gia Lai (90), Hà Giang (88), Quảng Bình (72), Đồng Tháp (70), Hậu Giang (69), Tuyên Quang (66), Điện Biên (64), Đồng Nai (56), Bình Dương (52), Long An (50), An Giang (44), Cần Thơ (42), Sóc Trăng (40), Cao Bằng (40), Tiền Giang (38), Ninh Thuận (36), Lai Châu (31), Phú Yên (22), Bắc Kạn (15).

Trong 24 giờ qua, số ca ghi nhận giảm 243 ca so với ngày trước đó. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua 16.123 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 135 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại Hà Nội (14), Quảng Nam (27), TPHCM (68), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (8), Khánh Hòa (11), Long An (1), Quảng Ninh (2).

Hôm nay ghi nhận 153 ca tử vong. Trong đó, TPHCM có 10 trường hợp, bao gồm cả 2 người chuyển đến từ Long An và Tiền Giang.

Tại các tỉnh, thành phố khác ghi nhận tại: Hà Nội (16), Vĩnh Long (12), Tiền Giang (11), Đồng Nai (10), Đồng Tháp (9), Huế (8 ), Sóc Trăng (8 ), Cần Thơ (7), Trà Vinh (6), Kiên Giang (6), An Giang (5), Hậu Giang (5), Tây Ninh (4), Bạc Liêu (4), Cà Mau (4), Khánh Hoà (4), Bình Phước (3), Bến Tre (3), Bắc Ninh (2), Nam Định (2), Lâm Đồng (2), Bình Thuận (2), Quảng Nam (2), Bình Định (2), Bắc Kạn (1), Phú Thọ (1), Ninh Thuận (1), Thanh Hoá (1), Đà Nẵng (1), Bình Dương (1).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.126.444 ca nhiễm, trong đó có 1.800.692 người đã được điều trị khỏi bệnh. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 36.596 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.680 ca.

Tuần thứ 3 liên tiếp TPHCM giữ vững “vùng xanh”

Ngày 22/1, UBND TPHCM thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn TPHCM theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Theo thông báo, dịch COVID-19 tại TPHCM duy trì cấp độ 1 - vùng xanh, vùng bình thường mới. Như vậy, TPHCM có 3 tuần liên tiếp duy trì cấp độ 1.

Trong đó, toàn thành phố có TP Thủ Đức và 20 quận, huyện đạt cấp độ 1; riêng huyện Nhà Bè ở cấp độ 2. Như vậy, quận 1 và huyện Cần Giờ đã giảm cấp độ dịch từ cấp 2 xuống cấp 1; toàn thành phố không có địa phương tăng cấp độ dịch so với tuần trước, tiếp tục không còn quận, huyện có cấp độ dịch 3 - vùng cam.

Trong tổng số 312 phường, xã, thị trấn, có 276 địa phương đạt cấp độ 1, 36 địa phương đạt cấp độ 2 và không còn phường nào có cấp độ 3. Đây là tuần thứ hai liên tiếp TPHCM không còn phường, xã, thị trấn nào ở cấp độ 3.

Từ ngày 14-20/1, TPHCM ghi nhận 1.802 ca mắc mới, giảm 1.320 so với tuần trước liền kề (3.122 ca).

Chỉ yêu cầu xét nghiệm COVID-19 với khách bay từ vùng đỏ

Bộ GTVT ngày 21/1 ban hành hướng dẫn về tổ chức vận tải hành khách trên các chuyến bay nội địa nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân di chuyển nhân dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần.

Theo Bộ GTVT, hiện ở Việt Nam tình hình dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc và tỷ lệ tiêm chủng cao. Trong điều kiện tình hình mới, Bộ GTVT quyết định điều chỉnh điều kiện hành khách tham gia chuyến bay nội địa.

Cụ thể, việc xét nghiệm COVID-19 chỉ cần áp dụng với những trường hợp hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) hoặc hành khách trên chuyến bay xuất phát từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

Những trường hợp hành khách này được bay nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm đến trước thời điểm khởi hành chuyến bay.

Đồng thời, hành khách phải thực hiện khai báo y tế theo quy định, sử dụng ứng dụng PC-COVID, chịu trách nhiệm tính trung thực của các thông tin khai báo. Hành khách không được tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng, mất vị giác, ...

Riêng đối với hành khách dưới 12 tuổi, Bộ GTVT đang xin hướng dẫn mới từ Bộ Y tế. Với các thành viên trong tổ bay, Bộ GTVT huỷ quy định phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 7 ngày kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm đến trước khi làm nhiệm vụ trên máy bay).

Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục theo dõi sát tình hình khai thác vận chuyển hàng không nội địa, chủ động quyết định tần suất khai thác các đường bay nội địa đảm bảo nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Trước khi về quê ăn Tết, tra cứu cấp độ dịch COVID-19 ở đâu?

Để biết được nơi mình đang sống thuộc nguy cơ nào, người dân truy cập vào bản đồ COVID-19 https://capdodich.yte.gov.vn/map. Đây là trang web do Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) quản lý.

Tại đây, người dân tìm kiếm địa phương bạn đang sinh sống, làm việc bằng cách chọn trong danh sách ở góc trên của màn hình. Tiếp đến, chọn cấp độ hành chính quận/huyện/thành phố/thị xã và theo dõi chi tiết bên bảng thống kê cấp độ dịch theo từng xã/phường/thị trấn phía bên trái.

Liên quan đến vấn đề các quy định di chuyển của người dân về quê dịp Tết nguyên đán, ngày 17/1, Bộ Y tế đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành về việc chấn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp sau khi có thông tin người dân phản ảnh một số địa phương áp dụng biện pháp quản lý, cách ly không đúng quy định của Bộ Y tế.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tinh thần hiện nay là quản lý rủi ro, không cấm đoán như trước nữa. Các địa phương cần đánh giá nguy cơ nhỏ nhất cấp xã phường, đảm bảo việc phòng chống dịch.

PGS Trần Đắc Phu cho rằng, các tỉnh cần thực hiện nghiêm quy định này, tránh mỗi nơi làm một kiểu gây ảnh hưởng tới kinh tế cũng như an sinh xã hội. Ngoài ra, việc địa phương vận động hay ra quy định "làm khó" người dân về quê dịp Tết sẽ tạo ra một số tiền lệ không hay và gây dư luận không tốt.

Tuy vậy, vị chuyên gia này cũng khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm khác khuyến cáo về phòng chống dịch.

Bắc Giang dỡ bỏ các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn

Ngày 22/1, tỉnh Bắc Giang tiến hành dỡ bỏ các chốt kiểm soát dịch COVID - 19 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đi lại của người dân.

Theo dự báo của cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang, tình hình dịch COVID - 19 tại địa phương vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, do số lượng người làm ăn xa quê trở về quê ngày một tăng vào dịp Tết.

Tuy nhiên, để người dân làm quen, thích ứng dần với công tác phòng chống dịch trong tình hình mới, tạo thuận lợi cho người dân về quê và hoạt động lưu thông hàng hóa, tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các huyện, thành phố dỡ toàn bộ chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19.

Trước tình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và Tết Nguyên đán sắp đến, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang khuyến cáo người dân vẫn phải tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch, không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác để bảo vệ sức khỏe, không làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Nhật chạm đỉnh ca COVID-19 mới

Thủ đô Tokyo, Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng cao kỷ lục trong ngày thứ 4 liên tiếp, với 11.227 ca trong ngày 22/1. So với trước đó một tuần, số ca mắc mới tại thành phố này tăng gần gấp 2,5 lần và cao hơn nhiều so với mức 9.699 ca ghi nhận trước đó một ngày. Ngoài ra, thêm 3 ca tử vong vì COVID-19 và 12 ca chuyển nặng.

Do tình hình dịch diễn biến phức tạp, ngày 20/1, chính quyền thành phố Tokyo đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại và hoạt động kinh doanh đến ngày 13/2. Cùng với Tokyo, nhiều khu vực khác tại Nhật Bản đang chật vật đối phó với làn sóng dịch thứ 6. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản đã vượt 2,07 triệu ca, tính đến ngày 22/1.

Thế giới đối mặt với nguy cơ “làn sóng thần” COVID-19 mới

Trong bối cảnh có nhiều quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao chưa từng có, nhiều nước đã quyết định hủy sự kiện hoặc giới hạn hoạt động tụ tập đông người sẽ tạo cơ hội cho biến thể Omicron lây lan.

Với tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước và khiến thế giới đối mặt với nguy cơ một “làn sóng thần” COVID-19 mới.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trên thế giới với 70.544.862 ca mắc và 883.903 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 38.566.027 ca mắc và 488.422 ca tử vong; Brazil với 23.588.921 ca mắc và 622.251 ca tử vong.

Tại châu Âu, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng tại Đức khi số ca nhiễm mới liên tục phá kỷ lục trong những ngày qua và tỷ lệ nhiễm trung bình 7 ngày cũng lên mức cao chưa từng thấy, hơn 700 ca/100.000 dân.

Tính từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tới nay, Đức ghi nhận hơn 8,4 triệu ca mắc, trong đó có 116.485 ca tử vong. Theo Hiệp hội Bệnh viện Đức (DKG), số ca nhiễm biến thể Omicron ở mức cao đã tạo gánh nặng ngày càng lớn cho các bệnh viện nói chung tại các khu vực. Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach dự đoán làn sóng sẽ đạt đỉnh trong vài tuần nữa và đang cân nhắc tiêm chủng bắt buộc vào tháng 5 tới.

Cùng ngày, Nga ghi nhận thêm 57.212 ca nhiễm COVID-19, mức cao nhất kể từ đầu dịch và vượt mốc kỷ lục ghi nhận một ngày trước đó là 49.513 ca nhiễm. Nga hiện ghi nhận tổng cộng khoảng 10,8 triệu ca nhiễm và 318.000 ca tử vong. Số ca mắc COVID-19 trên toàn nước Nga tăng mạnh trong những ngày gần đây và chính quyền dự báo sự gia tăng mạnh trong những ngày tới do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron.

Ở Pháp, ngày 18/1, Cơ quan Y tế công cộng nước này ghi nhận thêm gần 465.000 người mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ, con số cao kỷ lục. Trước đó một ngày, con số này chỉ hơn 102.000 ca. Tính trung bình 7 ngày qua, số ca mắc mới hằng ngày tại Pháp vượt qua ngưỡng 300.000 ca.

Trong khi đó, làn sóng Omicron dường như lại đang trên đà giảm tại một số nước. Ireland quyết định hủy bỏ hầu như tất cả các biện pháp giới hạn phòng dịch vào ngày 22/1, sau khi đã qua “cơn bão” Omicron, theo Reuters dẫn lời Thủ tướng Ireland Micheal Martin.

Ireland có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao thứ 2 tại châu Âu vào tuần trước nhưng cũng là một trong những nước có tỷ lệ tiêm tăng cường vắc xin cao, giúp kiềm chế số người bệnh nặng thấp hơn đỉnh dịch trước.

Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng thông báo sẽ dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch COVID-19, kể cả quy định đeo khẩu trang bắt buộc, và hướng đến sống chung với virus sau khi Omicron lây lan nhanh khiến nước này đạt đỉnh dịch.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X