Hotline 24/7
08983-08983

Nếu không có vắc xin hữu hiệu, cần đợi miễn dịch cộng đồng để "tiêu diệt" COVID-19?

Trước những thông tin về việc tạo miễn dịch cộng đồng, tránh để cộng đồng hiểu sai về cụm từ này, TS.BS Chu Trọng Hiệp - Giám đốc Chuyên môn phụ trách Ngoại Khoa của Bệnh viện Tim Tâm Đức đã có bài viết đầy đủ về miễn dịch và miễn dịch cộng đồng, vai trò và cách tạo ra vắc xin trong tình hình dịch COVID-19 ngày càng phức tạp.

Miễn dịch và miễn dịch cộng đồng là gì?

Miễn dịch được định nghĩa là sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh lý khác nhau.

Miễn dịch cộng đồng (còn được gọi là miễn dịch bầy đàn, miễn dịch dân số, hay miễn dịch xã hội) là một hình thức bảo vệ gián tiếp chống bệnh truyền nhiễm diễn ra khi một tỷ lệ lớn dân cư đã trở nên miễn dịch với một loại vi khuẩn lây nhiễm, bởi đó tạo nên một lớp bảo vệ cho những người không miễn dịch.

Trong một lượng dân số người bất kì khi có một số lượng lớn cá thể miễn dịch, chu trình lây nhiễm dễ bị phá vỡ, làm cho sự lây lan của bệnh dừng hoặc chậm lại. Tỷ lệ cá thể có miễn dịch trong một cộng đồng càng lớn, thì khả năng những người không có miễn dịch tiếp xúc phơi nhiễm với cá thể nguồn lây càng nhỏ.

Miễn dịch “immunity” (tính miễn dịch) có nguồn gốc từ tiếng Latinh “immunitas” có nghĩa là miễn trừ sự cáo buộc pháp luật dành cho các nghị sĩ quốc hội trong thời gian đương chức.

Trong lịch sử, miễn dịch được dùng để chỉ sự không mắc bệnh, mà cụ thể là các bệnh nhiễm trùng. Trong cơ thể, tất cả các tế bào và phân tử hóa học chịu trách nhiệm về tính miễn dịch hợp thành hệ thống miễn dịch và toàn bộ những đáp ứng của chúng tạo ra đối với những chất lạ xâm nhập vào cơ thể được gọi là đáp ứng miễn dịch.

Đó là nói về phương diện cá nhân, còn trong cộng đồng vấn đề phải nhìn ở một khía cạnh khác hẳn.

Vào năm 2000, bệnh sởi đã ngừng lan rộng ở Hoa Kỳ. Đó là vì tỷ lệ tiêm chủng đủ cao để khiến mọi người không mắc bệnh.

Khi phần lớn cộng đồng được chủng ngừa một căn bệnh truyền nhiễm, hầu hết các thành viên khác được bảo vệ khỏi nhiễm trùng vì có rất ít cơ hội để căn bệnh này lây lan.

Virus sởi là căn bệnh lây lan dễ dàng đến nỗi, khi trường hợp mắc sởi mới đầu tiên ở Hoa Kỳ kể từ năm 2000 được báo cáo vào năm 2005, nó đã xảy ra với một cư dân Hoa Kỳ chưa được tiêm chủng. Ông này đã bị nhiễm bệnh trong chuyến thăm châu Âu, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn. Khi ông ta trở về Mỹ đã phát bệnh với triệu chứng điển hình của bệnh sởi, CDC nhanh chóng chẩn đoán huyết thanh dương tính với bệnh sởi, một căn bệnh mà từ năm 2000 đã không thấy xuất hiện.

May mắn thay, một vụ dịch lớn đã không xảy ra tại thời điểm đó. Là bởi vì đủ người trong cộng đồng xung quanh đã được tiêm phòng sởi từ trước.

Loại bảo vệ này được gọi là "miễn dịch cộng đồng" hoặc "miễn dịch xã hội".

Khi đủ người trong cộng đồng được bảo vệ chống lại một căn bệnh truyền nhiễm, thật khó để nó lây lan.

Trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai hoặc những người có hệ miễn dịch yếu không thể tiêm loại vắc xin nhất định. Tuy nhiên, với khả năng miễn dịch của cộng đồng, thậm chí họ sẽ nhận được sự bảo vệ vì sự lây lan của một bệnh truyền nhiễm không thể lan rộng và được chặn lại bởi đứt một mắt xích được miễn nhiễm.

Một phụ nữ đã hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 tình nguyện hiến huyết tương ở Dharavi, Mumbai, Ấn Độ - quốc gia hiện đang gây tranh cãi vì cho rằng nhiều khu ổ chuột đã đạt miễn dịch cộng đồng với SARS-CoV-2. Ảnh: AFP.

Vắc xin là gì?

Hầu hết các loại vắc xin được sản xuất từ ​​một loại virus đã chết (bất hoạt) hoặc virus sống. Vắc xin quai bị, sởi, rubella (MMR) là vắc xin chứa virus đã làm suy yếu và còn sống. Điều này có nghĩa là ba loại virus trong vắc xin không bị tiêu diệt hoàn toàn, nhưng chúng không còn có thể gây bệnh. Các virus này có thể cảnh báo hệ thống miễn dịch của bạn để phát triển một phản ứng có thể chống lại ba bệnh này bằng cách tạo ra kháng thể đặc hiệu.

Cách tạo ra vắc xin

Sau khi nghiên cứu một loại vắc xin tiềm năng trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu bắt đầu với một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 với số nhỏ ở những người khỏe mạnh để xác định xem vắc xin ứng viên có an toàn hay không.

Nếu nó được chứng minh là an toàn, thì họ có thể chuyển nó sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 lớn hơn, kiểm tra sự an toàn ở nhiều người hơn và xác định xem vắc xin ứng cử viên có tạo ra phản ứng miễn dịch có khả năng bảo vệ mọi người khỏi virus hay không và giúp tìm hiểu liều lượng vắc xin thích hợp.

Sau đó, vắc xin tiềm năng có thể được chuyển sang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 với số nghiên cứu viên tham gia lớn hơn, kiểm tra sự an toàn ở nhiều người hơn và xác định xem vắc xin ứng cử viên có thể bảo vệ người chống lại căn bệnh này hay không.

Sự kích hoạt hệ miễn dịch bắt đầu ngay sau khi sanh với các vắc xin lao (BCG), viêm gan, tiêu chảy do Rotavirus, bạch hầu - uốn ván - ho gà - bại liệt... Sau đó, không phải tất cả các em bé đều có phản ứng miễn dịch, vì vậy phải tăng cường bằng mũi tiêm thứ hai khi chúng được 4 đến 6 tuổi gọi là tiêm nhắc lại. Điều này sẽ đảm bảo chúng được bảo vệ hoàn toàn chống lại ba loại virus này.

Nghiên cứu chế tạo vắc xin COVID-19 tại Viện Nghiên cứu VIDO -InterVac (Canada)

Quai bị, sởi, Rubella (MMR) là một trong những loại vắc xin hiệu quả nhất hiện có. Nó có hiệu quả khoảng 97% khi được tiêm hai liều. Vắc xin hiện tại rất an toàn, bởi chúng được tạo ra theo một qui trình hết sức nghiêm ngặt và phải qua 4 pha thử nghiệm.

Bệnh sởi do một trong những loại virus dễ lây lan nhất và đôi khi có thể có hậu quả rất xấu, tuy tỷ lệ tử vong thấp nhưng các biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm giác mạc, suy dinh dưỡng do tiêu chảy... thường rất nặng, từ khi vắc xin sởi được tiêm chủng bắt buộc bệnh này hầu như biến mất ở một số quốc gia.

Vắc xin cho chủng gây bệnh COVID-19 đang được gấp rút thử nghiệm để có thể đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất.

Nếu như không có vắc xin hữu hiệu, điều gì sẽ xảy ra?

Nhân loại buộc phải đối đầu với bệnh dịch, như lịch sử từng ghi nhận như trận dịch cúm Tây Ban Nha chẳng hạn, hàng triệu người sẽ chết, nhân loại trải qua quá trình sàng lọc tự nhiên, những cá thể yếu đuối, miễn dịch kém sẽ bị loại trừ.

Để tránh điều này, các quốc gia như Việt Nam chọn cách đơn giản và hữu hiệu là mỗi cá nhân tự phòng tránh (mang khẩu trang, rửa tay, tránh tiếp xúc người người nhiễm và nghi nhiễm...), cách ly có thời hạn từng khu vực có người nghi nhiễm và giãn cách xã hội khi nhiều khả năng dịch bùng phát và chờ đến khi có vắc xin.

Một số quốc gia châu Âu, chẳng hạn như Thụy điển, họ chọn phương thức chống dịch hoàn toàn khác, "miễn dịch cộng đồng để chống dịch", các hạn chế đối với người dân trong cuộc sống hàng ngày là tương đối nhẹ nhàng và không có một lệnh phong tỏa chặt chẽ được áp dụng. Nghiên cứu được thực hiện bởi Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển có mục đích xác định tiềm năng miễn dịch cộng đồng trong dân số, dựa trên 1.118 xét nghiệm được thực hiện ngẫu nhiên trong vòng một tuần. Cứ mỗi tuần, số xét nghiệm như vậy lại được thực hiện và cả quá trình sẽ kéo dài trong vòng 2 tháng.

Nghiên cứu cho thấy đến cuối tháng 4 chỉ có khoảng 7,3% cư dân ở Stockholm mang trong mình kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2, rất xa mức 70% cần thiết để có "miễn dịch cộng đồng". Miễn dịch cộng đồng, hay còn gọi là miễn dịch bầy đàn, được tạo ra khi từ 70-90% dân số phát triển khả năng miễn nhiễm với một bệnh truyền nhiễm. Điều này có thể đạt được bởi cả hai cách, khi các bệnh nhân nhiễm bệnh hồi phục hoặc/ và những người khác được tiêm vắc xin.

Khi một bộ phận lớn dân số miễn nhiễm, dịch bệnh sẽ khó lây lan cho những người không có khả năng miễn nhiễm, vì không có đủ người mang mầm bệnh để lây nhiễm cho họ.

Người dân Thụy Điển vẫn được phép tới công viên tụ tập. Tới nay một tỷ lệ lớn những ca tử vong là người già trong viện dưỡng lão.

Trong khi tỷ lệ tử vong trên 1 triệu dân ở Thụy Điển (376) là thấp hơn so với các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề ở châu Âu như Italy (535), Tây Ban Nha (597) và Anh (538), nhưng nó vượt xa các nước láng giềng như Na Uy (44), Đan Mạch (96) và Phần Lan (55) - những quốc gia có hệ thống phúc lợi và đặc tính nhân khẩu học tương tự, nhưng áp dụng phong tỏa chặt chẽ.

[DAP]

TS.BS Chu Trọng Hiệp hiện là Giám đốc Chuyên môn phụ trách Ngoại Khoa của Bệnh viện Tim Tâm Đức.

Tốt nghiệp BS Y khoa năm 1992, BS Chu Trọng Hiệp là tốp bác sĩ nội trú chuyên nghành phẫu thuật tim mạch - lồng ngực đầu tiên của ĐH Y Dược TPHCM. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ Ngoại Lồng ngực Tim mạch năm 1998 và đạt học vị Tiến sĩ năm 2015. Ông từng Tu nghiệp tại Cộng hòa Pháp năm 2002-2003 về Phẫu thuật Tim mạch và ghép tạng.

TS.BS Chu Trọng Hiệp có hơn 28 năm kinh nghiệm trong phẫu thuật tim và đã tham gia trên 15.000 ca mổ, đem lại cuộc sống khỏe mạnh cho hàng chục ngàn con người. BS Hiệp còn là một trong những gương mặt trụ cột có mặt từ ngày đầu thành lập Bệnh viện Tim Tâm Đức.

[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X