Hotline 24/7
08983-08983

Nên hiểu sao cho đúng về thực phẩm “chứa chất gây ung thư”?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội đã giải đáp thắc mắc này trong bài viết dưới đây. Mời bạn đọc theo dõi.

1. Thực phẩm an toàn, nên hiểu sao cho đúng?

Thưa PGS Nguyễn Duy Thịnh, thực phẩm an toàn, chúng ta cần hiểu như thế nào về khái niệm này? Để đạt “thực phẩm an toàn” cần dựa trên những tiêu chí nào?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh trả lời: Nhiều người có suy nghĩ tương đối cực đoan, thực phẩm an toàn phải là thực phẩm không chứa chất độc. Đây là cách hiểu không chuẩn, nên rất dễ bị hoang mang.

Vậy thế nào là thực phẩm an toàn? Lấy ví dụ, chúng ta có một chai nước lọc tinh khiết được các nhà sản xuất qua quá trình lọc, tiệt trùng rất cẩn thận nhưng khi phân tích trong đó vẫn thấy có chì, thủy ngân, asen, song đây vẫn được xem là thực phẩm an toàn. Bởi thực tế không có sản phẩm nào an toàn tuyệt đối, không chứa bất kỳ một chất độc nào, vì mỗi ngày chúng ta đều phải tiếp xúc với đất, không khí…

Như vậy, thực phẩm an toàn là thực phẩm có chứa một số chất độc hại nhất định nhưng nồng độ hay hàm lượng thấp dưới mức cho phép của Cơ quan quản lý vấn đề an toàn thực phẩm. Bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đều có cơ quan này.

Dĩ nhiên, khi đời sống càng cao thì hàm lượng cho phép càng thấp và không phải quốc gia nào cũng quy định như nhau. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn sẽ nghiên cứu, tính toán các nồng độ, hàm lượng đó, nếu không ảnh hưởng đến sức khỏe thì sẽ được chấp nhận, xem đó là an toàn.

Do đó, chúng ta có thể yên tâm, thực phẩm nào đã được cơ quan nhà nước cho phép và doanh nghiệp chịu sự kiểm soát chặt chẽ thì thực phẩm của họ sẽ an toàn.

2. Thực phẩm an toàn vẫn chứa lượng chất độc hại, vậy đâu là giới hạn cho phép?

Như PGS vừa chia sẻ, thực phẩm an toàn vẫn có chứa một lượng chất độc hại nhất định nhưng hàm lượng không được vượt quá giới hạn cho phép. Vậy đâu là những thành phần có thể xuất hiện trong thực phẩm trong ngưỡng an toàn, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh trả lời: Có rất nhiều chất chúng ta thường gặp trong cuộc sống được đưa vào thực phẩm. Ví dụ, nông sản được trồng trọt rất dễ có khả năng bị nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật. Điều này đã được các nhà nông học chỉ đạo phương pháp trồng trọt sao cho nồng độ hóa chất bảo vệ thực vật thấp nhất, đạt VietGAP hay GlobalGAP. Và người ta nghiên cứu, với nồng độ đó con người không bị ảnh hưởng.

Chẳng hạn, đất cũng có rất nhiều kim loại nặng. Khi chúng ta hái rau, vô tình để dao xuống đất thì kim loại nặng có thể lẫn vào thực phẩm. Mặc dù sau đó chúng ta có làm sạch nhưng dù rửa bao nhiêu lần đi nữa thì kim loại nặng vẫn có khả năng đi vào rau bằng hai nguồn, một là do chúng ta đặt xuống đất và hai là nguồn nước. Bởi thực tế, nước không phải là nguồn tinh khiết, trong nước sông, nước máy… vẫn có kim loại nặng và nó sẽ lưu lại trong rau.

Hơn nữa, trong không khí có rất nhiều vi sinh vật, chúng sẽ “nhảy dù” vào thức ăn. Nếu để trong thời gian ngắn, lượng vi sinh vật vẫn còn ít, không đủ làm thực phẩm bị thiu thì chúng ta ăn vẫn thấy ngon miệng như bình thường, nhưng thực tế thì lượng vi sinh vật này đã theo miệng vào ruột.

Tuy nhiên, nếu chúng ta để thời gian dài, như từ sáng đến chiều hay đến hôm sau thì lượng vi sinh vật phát triển mạnh và có khả năng gây ra nhiễm độc, khi đó thực phẩm ngon - lành, an toàn vẫn sẽ trở thành thực phẩm độc hại.

Như vậy, có thể thấy rằng, thực tế hiện nay thực phẩm được sản xuất, bảo quản trong điều kiện nhất định thì bao giờ cũng nhiễm một lượng chất độc hại nhất định. Do đó, chúng ta cần phải biết rằng, thời điểm nào hàm lượng này thấp thì nên sử dụng, còn nếu cao cần được loại bỏ. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta tìm hiểu cách vệ sinh, chế biến để giảm thiểu mức độ độc hại tối đa.

Vậy đâu là những thành phần tuyệt đối không nên có, thưa PGS?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh trả lời: Không có ngưỡng tuyệt đối, nhưng có những chất chúng ta sẽ hạn chế mức thấp nhất. Ví dụ như thủy ngân, asen (thạch tín) là những chất rất độc. Ở những vùng đất người ta nghiên cứu thấy có rất nhiều thủy ngân, asen thì sẽ quy định không được nuôi trồng ở đó.

Vì vậy, người ta phải chọn nơi ít bị nhiễm chất độc hại nhất để trồng trọt, nuôi trồng. Khi đó nguy cơ bị nhiễm độc sẽ thấp hơn. Đó là lý do người ta có quy định điều kiện thực hiện quá trình sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn, không làm tùy tiện.

3. Chất độc trong thực phẩm liệu có tích lũy lâu năm để gây ung thư?

Dường như hiện nay, dư luận rất nhạy cảm với cụm từ “thực phẩm chứa chất cấm hại sức khỏe”, “thực phẩm có chất gây ung thư”.

- Vậy, chúng ta nên hiểu cặn kẽ vấn đề này như thế nào, có phải chỉ cần sử dụng chắc chắn sẽ bị ngộ độc, ung thư? Xin PGS nói rõ hơn, sự khác nhau giữa các chất có khả năng và chất gây ung thư?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh trả lời: Hiện nay chúng ta hay “dọa nhau” bằng những thống kê gây ung thư. Thực tế hiện nay với 6 tỷ dân trên thế giới, tỷ lệ tử vong vì ung thư hơn so với nguyên nhân từ tai nạn giao thông.

Tất cả các chất đều có khả năng gây ung thư, chứ không phải chắc chắn chất đó gây ung thư. Cơ thể chúng ta rất diệu kỳ, khi ăn vào có thể thải ra theo 4 con đường tiết niệu, mồ hôi (chất độc vào cơ thể, có thể hòa tan và thoát ra ngoài), đại tiện và phổi. Con người chúng ta liên tục đào thải, vì thế những cơ quan của cơ thể không có khả năng bị đào thải rất dễ bị bệnh.

Mặc dù chất độc có thể thải ra ngoài, nhưng một lúc nào đó cơ thể sẽ không thoát kịp, dẫn đến tích lũy và gây độc. Đây là hiện tượng gây độc nặng nề hay nhiễm độc trường diễn. Chất độc lúc này sẽ nằm trong gan, phổi, mô trong cơ thể, hay thậm chí là xương và thành bện mãn tính, khó chữa và lâu dài.

Chúng ta hình dung thế này, trong nhà có 1 người hút thuốc lá, khi mở cửa thì khói thuốc bay ra ngoài hết, chúng ta không có cảm giác trong nhà có mùi thuốc lá. Nhưng nếu có thêm người thứ 2, thứ 3 hay thứ 4… hút thuốc thì không khí không thoát kịp và gây mùi, ở đâu cũng thấy mùi thuốc.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta nên giảm đến mức thấp nhất để không bị nhiễm độc mãn tính. Nếu có thì chỉ nhiễm độc cấp tính, nghĩa là cơ thể hoạt động tốt sẽ thải ra được.

Cơ thể chúng ta luôn thích ứng với điều kiện. Người có cơ thể khỏe mạnh sẽ đào thải rất nhanh, ngược lại nếu vận động kém, tiểu kém, đại tiện kém thì tích lũy chất độc rất nhanh. Vì vậy, cơ thể khỏe mạnh là rất quan trọng với sức khỏe con người, đặc biệt là trong tình hình COVID-19 hiện nay, nếu không tập thể dục mà thay vào đó lười vận động thì khả năng đề kháng với virus cũng yếu đi và dễ bị bệnh hơn.

- Nhiều người thì lo ngại hơn, bây giờ dùng chưa sao, nhưng vài năm, thậm chí vài chục năm nữa chắc sẽ “có sao”. Thực sự, những chất trong thực phẩm có tích lũy đủ lâu trong cơ thể để gây ngộ độc, ung thư về sau thưa BS?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh trả lời: Lo lắng này nghe chừng có vẻ có lý, nhưng thực tế thì không có lý lắm đâu. Chu kỳ tích lũy các chất trong cơ thể là hữu hạn.

Chúng ta ăn sáng, nhưng đến trưa lại đói và muốn ăn vì thức ăn đã được tiêu hóa. Chu kỳ tiêu hóa trong cơ thể là 6 tiếng và 12 tiếng là phải nạp một chu kỳ khác. Vì vậy, con người 6 tiếng nạp năng lượng 1 lần và 6 tiếng lại thải ra ngoài 1 lần. Điều này cho thấy rằng, chúng ta luôn luôn có quá trình nạp và thải trong cơ thể.

Nếu chúng ta chỉ nhiễm độc cấp tính thì 6 tiếng đồng hồ sẽ thải ra ngoài, không phải “nằm ì” trong cơ thể. Và khi đã “nằm ì” trong cơ thể thì có nghĩa là chuyển sang mãn tính. Nhưng nếu chúng ta nhiễm một chất mãn tính và sau đó không dùng nữa thì cơ thể sẽ đào thải dần. Vì vậy, có thể nói rằng, chất độc không thể tích lũy vài năm, vài chục năm và chỉ trong thời gian nhất định sẽ đào thải. Trừ trường hợp chúng ta cố tình ăn và dẫn đến tích lũy quá nhiều.

Ethylene Oxide còn được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao, được phép sử dụng ở nhiều quốc gia cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn thực phẩm.

Ở Việt Nam, dư luận mặc dù rất quan trọng như đôi khi điều này lại trở nên xôn xao quá mức. Gần đây nhất là ở châu Âu người ta thu hồi một số mì ăn liền của Việt Nam chứa chất Ethylene Oxide (EO) gây ung thư.

Khi đó dư luận phản ánh, vì sao quốc gia khác thu hồi mà Việt Nam không thu hồi, và dấy lên nghi vấn phải chăng đang coi thường tính mạng của người dân. Điều này không đúng. Nhà nước chúng ta rất ưu việt, coi trọng tính mạng công dân. Vì vậy, nếu công ty, nhà sản xuất nào đó vi phạm luật an toàn thực phẩm sẽ bị trình diện ngay lập tức.

Chất EO vẫn được dùng tại nhiều quốc gia như các nước châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Thực chất, EO là một chất gây ung thư, điều này người ta đã khẳng định, nhưng nếu nó được sử dụng thấp đến mức độ cơ thể có khả năng đào thải ngay thì không gây ung thư được. Đây là cơ chế của chất này. Như vậy, có thể thấy các nước sử dụng, nhưng dư lượng thấp, trong ngưỡng cho phép thì không gây ra nguy hiểm.

EO không phải chất rắn mà là chất khí nên nó có thể thoát ra. Trong thực tế, chúng ta vẫn sử dụng nhiều chất độc trong thực phẩm như EO, nhưng sau đó nó sẽ thoát ra và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Chẳng hạn như vải sấy, nhãn sấy, nho sấy, táo sấy… là món ăn ưa chuộng của nhiều người.

Trong quá trình chế biến, khi sấy các thực phẩm này để tránh bị mốc thì người ta đốt thêm lưu huỳnh, tạo thành SO2 - một khí rất độc, nếu chúng ta hít phải chất này có khả năng tử vong ngay. Nhưng nếu nó bám vào xung quanh quả nhãn hay quả vải, nho… thì sẽ diệt hết vi khuẩn, nấm và sau đó bay đi thì không gây độc được nữa. Thực tế, mốc hay độc tố của vi nấm rất nguy hiểm, vì vậy sử dụng lưu huỳnh là điều cần thiết, nhưng được ứng dụng các công nghệ, tính toán để xử lý cho hàm lượng cực thấp, an toàn cho sức khỏe.

Tương tự, EO cũng như vậy, nó là chất khí, có tác dụng diệt nấm, đặc biệt là diệt vi khuẩn cực mạnh, sau đó nó sẽ bay ra ngoài. Người ta cũng sử dụng EO để diệt khuẩn dụng cụ y tế, ví dụ như kim tiêm, bơm, kìm, kẹp… Nó rất có lợi. Vì vậy, đừng sợ run lên khi nghe có chất này và nghĩ rằng nguy hiểm cận kề.

Châu Âu có tiêu chuẩn cực kỳ cao. Mỗi quốc gia tùy theo điều kiện mà sẽ quy định nồng độ cao hay thấp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói rằng, mỗi quốc gia có quyền quy định cho mình nồng độ để bảo đảm sinh mệnh và tính mạng của người dân.

Như vừa qua dư luận xôn xao vì mì ăn liền có chứa các chất EO mà ở Việt Nam không bị thu hồi. Nhưng chúng ta nên yên tâm, vì mì ăn liền đã được sản xuất tại Việt Nam từ năm 1990 đến bây giờ, thậm chí ở miền Nam còn từ trước năm 1975. Người ta quen thuộc đến mức 1 năm cả nước ta tiêu thụ đến 5,4 tỷ gói mì ăn liền, một khối lượng cực kỳ lớn, và cho đến nay cũng chưa có danh sách hay tổng kết lại có bao nhiêu người Việt Nam ung thư vì mì ăn liền.

Hơn hết, ung thư có rất nhiều nguyên nhân, đặc biệt là môi trường. Số lượng ung thư những năm gần đây có tăng lên, nhưng điều này không có nghĩa là tỷ lệ thuận với số lượng mì ăn liền. Mì ăn liền hiện nay hiện diện ở mọi miền, ngay cả khi miền Trung bão lũ, mì ăn liền cũng trở thành lương thực cứu trợ nhanh nhất và tiện lợi nhất, gần như là mặt hàng chủ lực vào những thời điểm này.

Tất nhiên, các nhà sản xuất mì ăn liền cũng không được chủ quan, vì được tin tưởng nên làm tùy tiện. Hiện tại, các công ty mì ăn liền đều ý thức được rằng, họ tồn tại được là vì được sự ủng hộ của người tiêu dùng, nếu bị quay lưng là thất bại. Mà không ai muốn thất bại cả. Vì vậy, rất nhiều công ty mì ăn liền họ làm cực kỳ tốt, dây chuyền hiện đại.

Thời gian vừa qua, ở Việt Nam ngành công nghệ thực phẩm ngày càng tiến bộ, được tự động hóa, do đó lượng bị nhiễm độc sinh ra bởi con người rất ít. Có thể nói, ngành công nghiệp thực phẩm hiện nay đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế của đất nước. Các bạn có thể vào công ty sữa, công ty mì ăn liền, hầu như không nhìn thấy công nhân, thay vào đó là dây chuyền tự động hóa, công nghiệp hóa.

Do đó, chúng ta tin rằng, khi có dư luận về các vấn đề liên quan thực phẩm không an toàn thì cơ quan chức năng vào việc ngay. Như sự việc pate Minh Chay vừa qua, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc và tìm ra vấn đề, xử lý. Vì vậy, chính chúng ta cũng không nên lo sợ quá mức.

4. Việt Nam có tiêu chí đánh giá an toàn thực phẩm thấp hơn so với các nước khác?

Câu chuyện chất hại, chất gây ung thư không chỉ là vấn đề thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, mà ở mỗi quốc gia khác nhau cũng có cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau về việc này.

- Vì sao mỗi quốc gia lại có những quy định an toàn vệ sinh thực phẩm khác nhau thưa PGS?

- Các tiêu chuẩn thực phẩm của Việt Nam có phải đang thấp hơn quốc tế, khi các nước cấm Việt Nam vẫn dùng?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh trả lời: Đây là nhận định không đúng. Theo quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, có 2 tiêu chí đánh giá chất lượng của thực phẩm như sau:

  • Ngon: về mặt cảm quan, thực phẩm có hình thức đẹp, bắt mắt và ngon miệng.
  • Lành: thực phẩm phải đảm bảo an toàn cho sức khoẻ.

Trong đó, lành là tiêu chí bắt buộc. Dù cho thực phẩm đó có ngon hay không thì yếu tố lành phải là yếu tố được đặt lên trên hàng đầu.

Tổ chức WHO đóng vai trò thẩm quyền, điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế. Tương tự, Bộ Y tế là tổ chức quản lý các vấn đề về sức khỏe cho người dân nước ta. Do đó, nếu sản phẩm đã được Bộ Y tế đánh giá là an toàn thực phẩm thì chắc chắn đã được kiểm tra nghiêm ngặt và đảm bảo an toàn để bán ra thị trường.

Chúng ta thường dùng từ “thị trường khó tính” để nhắc đến các nước có tiêu chuẩn nhập khẩu chặt chẽ, khắt khe như: Mỹ, Australia, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Theo đó, sự “khó tính” không nhằm vào tiêu chí ngon mà là tiêu chí lành.

Ví dụ, để được xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản, quả vải thiều của Việt Nam đã phải vượt qua những “hàng rào” quy định về an toàn thực phẩm của nước này. Những tiêu chí này không đánh giá quả vải thiều của nước ta có ngon hay không, mà vải thiều phải được sản xuất theo quy trình GlobalGAP.

Cụ thể, sau khi chọn lọc kỹ, vải đạt tiêu chuẩn được đưa vào hệ thống xông hơi, khử khuẩn đặc biệt, quá trình này kéo dài hơn 2 tiếng. Sau đó, vải thiều được rửa sạch bằng chế phẩm hữu cơ, dung dịch này phải được kiểm tra thường xuyên, đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Kế đến, vải được qua hệ thống quạt thổi công suất lớn để loại bỏ nước trên vỏ. Sau đó, công nhân cân đủ lượng vải theo yêu cầu rồi đặt trong màng PE. Sản phẩm được đóng gói theo quy định của đối tác và sẵn sàng để xuất khẩu sang Nhật Bản.

Như đã nêu, tất cả những thực phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng đều phải đảm bảo tiêu chí lành. Như vậy, với đa dạng các mặt hàng được bày bán trên thị trường, mỗi sản phẩm sẽ có những mức giá khác nhau tuỳ vào phân khúc khách hàng. Những sản phẩm vừa đảm bảo tiêu chí ngonlành chắc chắn sẽ có mức giá cao hơn.

Ví dụ, thị trường mì ăn liền có nhiều sản phẩm với các mức giá chênh lệch. Tuy nhiên, dù ở giá cao hay thấp thì những gói mì khi đã được bày bán đều phải đảm bảo tính an toàn. Còn lại, việc chọn mua mì với giá cao hay thấp sẽ tùy vào nhu cầu của từng người.

Với những nước phát triển, cũng là những nước thuộc “thị trường khó tính”, bên cạnh tiêu chí lành, họ còn ưu tiên thường chọn nhập khẩu những thực phẩm “ngon” để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Với những nước đang phát triển, phần lớn người dân sẽ chọn những thực phẩm đảm bảo yếu tố lành, đôi khi có thể bỏ qua yếu tố ngon, để phù hợp với khả năng chi trả hơn. Song, điều này không đồng nghĩa với quan điểm những nước phát triển sẽ có tiêu chí đánh giá thực phẩm cao hơn so với những nước đang phát triển.

Do đó, chúng ta không thể đánh đồng tiêu chí đánh giá an toàn thực phẩm của Việt Nam thấp hơn so với những nước khác vì tất cả các sản phẩm khi đã được bày bán đều phải đáp ứng đủ các yêu cầu an toàn thực phẩm. Sự khác nhau có thể nằm ở tiêu chí ngon, tuỳ vào nhu cầu của người dân ở mỗi nước.

5. Dựa vào chỉ số nào trên bao bì để đánh giá một sản phẩm an toàn?

Trên một bao bì sản phẩm có rất nhiều thông tin, vậy khi lựa chọn thực phẩm, người tiêu dùng nên chú ý vào thông tin nào nhất? Làm sao nhận diện được một sản phẩm nằm trong ngưỡng giới hạn an toàn?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh trả lời: Việc chỉ đọc một thông nào đó trên bao bì để xác định sản phẩm có an toàn không là rất khó. Bởi đôi khi sản phẩm chỉ đưa những thông tin cần thiết chứ không thể đưa tất cả các thông tin lên bao bì. Mặt khác, có thể thấy rằng, phần nào thương hiệu của sản phẩm cũng đã củng cố được niềm tin của người mua.

Để đến tay người tiêu dùng, một sản phẩm phải trải qua rất nhiều khâu kiểm tra. Vì vậy, nếu sản phẩm được đóng gói, có nhãn mác, được công ty sản xuất thì chắc chắn sản phẩm đó đã kiểm định và công nhận để đưa ra thị trường. Do đó, chúng ta nên đặt niềm tin vào sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Trừ những trường hợp sản phẩm được làm thủ công, không có công ty sản xuất hoặc chứng nhận kiểm định thì sẽ khó xác định độ an toàn của sản phẩm hơn.

Một số điều mà chúng ta cần lưu ý khi chọn lựa thực phẩm:

  • Kiểm tra thời hạn sử dụng của sản phẩm. Dù sản phẩm có được kiểm định là an toàn nhưng nếu đã quá thời hạn sử dụng thì sản phẩm có thể sinh ra độc tính gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, đây là thông tin đầu tiên mà chúng ta nên kiểm tra trước khi mua bất kỳ sản phẩm nào. Tốt nhất, chúng ta không nên mua những sản phẩm đã gần đến ngày hết hạn. Nếu đã lỡ mua những sản phẩm này, tốt nhất nên dùng ngay và tuyệt đối không sử dụng khi đã quá hạn.
  • Nếu sản phẩm được sản xuất từ công ty đã đăng ký kinh doanh thì chắc chắn sản phẩm đã được các cơ quan kiểm duyệt chặt chẽ, đảm bảo an toàn.
  • Không nên vì ngon mà chúng ta dùng mãi một sản phẩm vì điều này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe. Thay vào đó, nên thay đổi đa dạng nhiều thực phẩm khác nhau để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể.

Để đến tay người tiêu dùng, một sản phẩm phải trải qua rất nhiều khâu kiểm tra. Vì vậy, nếu sản phẩm được đóng gói, có nhãn mác, được công ty sản xuất thì chắc chắn sản phẩm đó đã kiểm định và công nhận để đưa ra thị trường.

6. Lời khuyên từ chuyên gia để lựa chọn thực phẩm an toàn

Nhờ PGS chia sẻ một vài lời khuyên và những chỉ dẫn hữu ích để bạn đọc có thể tin tưởng, lựa chọn thực phẩm an toàn ạ!

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh trả lời: Trước hết, như đã giải thích ở trên, người dân đừng nên nghĩ rằng tiêu chuẩn kiểm soát thực phẩm ở Việt Nam thấp hơn các nước khác.

Có thể thấy rằng, khi thông tin phát hiện mì ăn liền ở Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài có chứa chất gây ung thư Ethylene Oxide (EO) đã gây hoang mang dư luận trong cả nước. Tuy nhiên, sau khi được Bộ Công Thương rà soát kiểm tra, hậu kiểm thì sản phẩm đã được chứng minh là chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm. Do đó, trước những thông tin vẫn chưa được xác thực, chúng ta nên bình tĩnh chờ thông tin chính xác.

Bên cạnh đó, nếu gặp những trường hợp tương tự, các cơ quan chức năng nên vào cuộc sớm, khẩn trương kiểm tra để đưa ra kết luận cuối cùng giúp người dân an tâm hơn. Nếu làm được như vậy, dư luận sẽ sớm ổn định lại, người dân sẽ không còn tâm lý hoang mang khi lựa chọn sản phẩm.

Hiện nay, nguy cơ ngộ độc vì thức ăn đã giảm đáng kể so với những năm trước. Đa số những ca ngộ thực phẩm đều do nguyên nhân chế biến không cẩn thận một số thực phẩm có độc tính sẵn. Hoặc do bảo quản thực phẩm không tốt dẫn đến ngộ độc. Chính vì vậy, nguy cơ chúng ta bị ngộ độc thực phẩm là rất thấp. Do đó, người dân hãy yên tâm về vấn đề kiểm tra an toàn thực phẩm ở nước ta.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X