Hotline 24/7
08983-08983

Nang lạc nội nội mạc tử cung, triệu chứng nhận diện và điều trị thế nào?

Nang lạc nội nội mạc tử cung không chỉ gây ra nhiều triệu chứng khó chịu mà còn làm giảm khả năng thụ thai của người phụ nữ. Làm sao để nhận diện triệu chứng và điều trị kịp thời? BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên đã giải đáp thắc mắc này trong bài viết dưới đây.

1. Nang lạc nội mạc tử cung nguy hiểm thế nào?

Thưa BS, nang lạc nội mạc tử cung là gì, có nguy hiểm không ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Ở tử cung người phụ nữ có nhiều lớp khác nhau, bên ngoài là lớp thanh mạc, lớp cơ, lớp trong cùng gọi là lớp nội mạc (hay còn gọi là lớp lót lòng tử cung). Hàng tháng, theo nội tiết của người phụ nữ, nội mạc tử cung đang mỏng sẽ dần dày lên, sau đó đến cuối chu kỳ kinh nguyệt nếu không thụ thai thì lớp này sẽ bong tróc, tạo ra máu kinh nguyệt.

Nếu nội mạc tử cung nằm ở vị trí bất thường (không nằm trong lòng tử cung), hàng tháng vẫn ảnh hưởng bởi nội tiết (tiết dịch, tạo máu kinh) như bình thường. Nếu nội mạc tử cung lạc chỗ nằm ở vị trí buồng trứng sẽ tạo thành nang gọi là nang nội mạc tử cung buồng trứng. Có những vị trí hiếm gặp hơn, có thể nội mạc tử cung lạc chỗ ở vùng chậu, hoặc lạc chỗ ở âm đạo, khi đến tháng hành kinh vẫn gây đau, khó chịu.

Hiện nay, tỷ lệ mổ lấy thai gia tăng. Vì vậy, nhiều chị em phụ nữ gặp tình trạng lạc nội mạc tử cung nằm ngay trên vết mổ, khi đó than phiền rằng đến tháng thấy sưng, đau vết mổ, qua giai đoạn hành kinh thì thấy xẹp, đỡ hơn. Đó là dấu hiệu báo trước của lạc nội mạc tử cung ở vết mổ.

Như vậy, nang lạc nội mạc tử cung có thể hình thành tại nhiều vị trí khác nhau như buồng trứng, vùng chậu, âm đạo… Trong đó, nang lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng là thường gặp nhất. Nang này sẽ lớn dần bởi máu kinh của người phụ nữ tiết ra sẽ khiến nang ngày càng to. Giai đoạn đầu, kích thước nang có thể 3-4cm, nhưng ở giai đoạn sau có những trường hợp nang phát triển lên 20cm.

Nang lạc nội mạc tử cung là bệnh lý lành tính. Tuy nhiên, triệu chứng của bệnh lý này có thể khiến các chị em phụ nữ khó chịu, nhất là đến ngày hành kinh, nang gây đau dữ dội. Đây là lý do đầu tiên mà người phụ nữ thường tìm đến gặp bác sĩ.

Ngoài ra, nang lạc nội mạc tử cung có thể ở buồng trứng hoặc các vị trí khác, làm tăng nguy cơ viêm dính vùng chậu, làm giảm khả năng thụ thai của người phụ nữ. Vì vậy, vấn đề vô sinh là lý do thứ hai làm các chị em phụ nữ đến khám với bác sĩ.

2. Khả năng vô sinh, hiếm muộn khi bị nang lạc nội mạc tử cung ra sao?

Như BS vừa chia sẻ, nang lạc nội mạc tử cung có khả năng gây vô sinh, hiếm muộn. BS có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này để bạn đọc hiểu rõ hơn ạ.

Vấn đề này tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu người phụ nữ bị nang lạc nội mạc tử cung ở nhiều vị trí khác nhau, gây viêm dính vùng chậu thì khả năng vô sinh rất cao. Khi vùng chậu bị viêm dính quá mức, khả năng cao bị viêm dính vòi trứng gây ảnh hưởng nhiều đến khả năng thụ thai.

Nếu nang lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng với kích thước lớn, có thể cần phải phẫu thuật. Việc phẫu thuật bóc khối nang lạc nội mạc tử cung, sau đó cầm máu trên buồng trứng cũng ảnh hưởng một phần đến khả năng dự trữ buồng trứng của người phụ nữ.

3. Dấu hiệu nào cảnh báo nang lạc nội mạc tử cung?

Vậy dấu hiệu cảnh báo cho các chị em biết, mình có khả năng bị nang lạc nội mạc tử cung ạ?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Triệu chứng thường gặp nhất của nang lạc nội mạc tử cung là đau bụng dữ dội trong chu kỳ kinh nguyệt. Khi nang nhỏ triệu chứng đau sẽ ít hơn, nhẹ hơn, nhưng khi nang lớn dần, có thể gây viêm dính vùng chậu sẽ càng đau dữ dội. Thậm chí, những trường hợp bị nang lạc tử cung sâu ở vùng chậu gây đau ngoài chu kỳ kinh nguyệt, nghĩa là đau dai dẳng, âm ỉ ở vùng chậu ngay cả khi đã hết kinh nguyệt. Vì vậy, các chị em phụ nữ nếu đau bụng kinh quá nhiều thì nên đến khám với bác sĩ Sản phụ khoa để được kiểm tra.

Ngoài ra, một triệu chứng thường gặp đưa các chị em đến gặp bác sĩ đó là vô sinh, hiếm muộn. Nang lạc nội mạc tử cung là bệnh lý có gây ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của người phụ nữ. Vì vậy, nếu các cặp vợ chồng với tần suất quan hệ tình dục bình thường trong 12 tháng nhưng không thụ thai thì cần đi khám để được kiểm tra các vấn đề sức khỏe.

4. Chẩn đoán và điều trị nang lạc nội mạc tử cung ra sao?

Việc chẩn đoán và điều trị nang lạc nội mạc tử cung hiện nay như thế nào, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Trước tiên, khi các chị em phụ nữ đến gặp bác sĩ sẽ được thăm khám tổng quát, từ khám vùng âm đạo (kiểm tra xem có tình trạng nang lạc nội mạc tử cung ở vị trí này hay không), sau đó khám tử cung (kiểm tra xem tử cung có lớn hay không), đồng thời khi thăm khám, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra buồng trứng để kịp thời phát hiện nang (nếu có).

Thông thường, sau khi khám tổng quát, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm - đây là phương pháp chẩn đoán hiệu quả. Dưới hướng dẫn của siêu âm, bác sĩ sẽ biết được kích thước nang bao nhiêu và tính chất của nang thế nào.

Phương pháp chẩn đoán “tiêu chuẩn vàng” đối với nang lạc nội mạc tử cung đó là phẫu thuật nội soi ổ bụng. Khi đó, bác sĩ sẽ nhìn được sang thương lạc nội mạc tử cung và mẫu mô lấy được đi giải phẫu để có kết quả chính xác. Tuy nhiên, về mặt khoa học, người phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung chỉ phẫu thuật 1 lần trong đời, không khuyến khích phẫu thuật nhiều lần. Bởi vì lạc nội mạc tử cung mặc dù gây nhiều triệu chứng khó chịu nhưng lành tính, có khả năng dễ tái phát, những lần phẫu thuật sau sẽ càng khó khăn vì nguy cơ viêm dính vùng chậu sẽ gia tăng qua các lần phẫu thuật.

Bên cạnh đó, việc phẫu thuật càng nhiều càng làm tăng nguy cơ cầm máu trên buồng trứng, gây giảm khả năng dự trữ buồng trứng của người phụ nữ. Theo các bằng chứng hiện tại, bác sĩ Sản phụ khoa sẽ thăm khám đầy đủ và cân nhắc thời điểm nào nên phẫu thuật hợp lý nhất để người phụ nữ có thể điều trị mà không cần phẫu thuật nhiều lần.

5. Những điều cần lưu ý khi bị nang lạc nội mạc tử cung

Vậy các chị em cần lưu ý gì khi phát hiện nang lạc nội mạc tử cung, thưa BS?

BS.CK1 Nguyễn Lệ Quyên trả lời: Nang lạc nội mạc tử cung có thể ở: buồng trứng, vùng chậu sau, cơ tử cung. Nhiều trường hợp đi khám vì tử cung to gây chèn ép đi tiêu - tiểu khó, đôi khi khiến chúng ta nhầm lẫn với u xơ tử cung, nhưng thực tế đó là nang lạc nội mạc tử cung.

Khi thăm khám, bác sĩ đánh giá kỹ lưỡng về kích thước nang, kích thước của tử cung khi có nang lạc nội mạc… và đưa ra quyết định nên điều trị nội khoa (thuốc) hay phẫu thuật. Đa số các trường hợp khi thăm khám, bác sĩ sản phụ khoa sẽ đưa ra lời khuyên nên tái khám mỗi 3 tháng, mỗi 6 tháng và uống thuốc theo chỉ định.

Do đó, với các chị em phụ nữ bị nang lạc nội mạc tử cung nên tuân theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị để có chế độ theo dõi hợp lý.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X